Lễ Sanh với sứ mạng khai đàn
LỄ SANH VỚI SỨ MẠNG KHAI ĐÀN
Ngày 14 tháng 5 Bính Dần, những tín hữu Cao Đài đầu tiên được Đức Chí Tôn ban phong phẩm vị Lễ Sanh, theo lời kể của bà Đầu Sư Hương Hiếu trong Đạo Sử Xây Bàn quyển 1 gồm quý ông:
“Thầy phong 4 vị Lễ Sanh: Anh Chín Giảng. Anh Phán Giỏi, Anh Đốc Bản, anh Ký Tường. Bốn anh trên đây sau thăng Giáo Hữu. Tôi may bốn bộ sắc phục Lễ Sanh…” [1]
Đến rạng sáng ngày 16 tháng 10 Bính Dần, Đức Chí Tôn ban cho Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài Nam phái. Trong đó, phần phẩm Lễ Sanh đã được qui định như sau:
“Lễ Sanh là người có hạnh, lựa chọn trong chư môn đệ mà hành lễ. Chúng nó đặng quyền đi Khai Đàn [2] cho mỗi tín đồ … … Như vào đặng hàng Lễ Sanh mới mong bước qua hàng chức sắc, kỳ dư Thầy phong thưởng riêng mới đi khỏi ngả ấy mà thôi … … nghe à. Chư môn đệ tuân mạng.”
Đức Trần Hưng Đạo khi giáng đàn ở Thánh thất Từ Quang vào năm Bính Thân (1956) đã dạy:
“Lễ Sanh tùy theo công việc mà phân cắt. Nên số cầu phong phải lựa chọn bằng tài có đức, hoặc bằng đức có tài, hay tài đức phải tương đương. Những vị Lễ sanh từ xưa nay có công thì được thăng quyền tấn tước, cười … nghĩa là lên 01 hay nửa phẩm; còn vị nào được điều động với tính cách nhu cầu phải cầu thăng ban quyền pháp để đủ mà hành Đạo.
Nhưng phải biết chắc Lễ sanh bây giờ không phải dễ, người có trách nhiệm là người có quyền pháp trọng yếu.
Ai muốn lên Lễ sanh, bất cứ hàng phẩm giá trị hơn kém ở ngoài đều phải đi qua nấc thang Chánh Phó Trị sự rồi mới được lên Lễ sanh; dù người ấy có đức có tài, có uy năng công cán cũng vậy; trừ ra, được Thầy ban ơn.” [3]
Để có năng lực hầu hoàn thành nhiệm vụ của mình, các Lễ Sanh cần thiết phải trải qua một thời gian hành đạo ở phẩm Chức Việc để có cơ hội bồi công lập đức và kinh nghiệm hành đạo. Về việc này, Đức Bạch Liên Tiên Trưởng có dạy thêm cho rõ hơn:
“… Chánh, Phó Trị Sự và Thông Sự để gắn bó đi sát với nhân sanh hầu an ủi, chăm nom dìu dẫn dạy bảo họ trên đường tu học và bảo vệ họ trong mọi hoàn cảnh như quan, hôn, tang, tế, hoặc những khi thiên tai chiến họa.” [4]
Như thế, ngoại trừ trường hợp được Đức Chí Tôn ban ân, tất cả mọi tín đồ đều phải ý thức rằng phẩm vị Lễ Sanh chỉ thật sự có giá trị đối với Thiêng Liêng một khi được thực hiện đúng theo Pháp Chánh Truyền và Tân Luật.
Nghĩa là buộc người Lễ Sanh phải đã có công trạng tu học và hành đạo ở vị trí Chức Việc (Chánh, Phó Trị sự và Thông sự)!
Khi Thiên phong lần thứ nhứt cho Nữ phái vào đêm 14 tháng giêng Đinh Mão (1927), đã có tất cả 56 vị nữ được Đức Chí Tôn chấm vào hàng Lễ Sanh. [5]
Năm 1927, một lần khi ban phong thêm Lễ Sanh, Thầy dạy:
“Trang bạch: Chư Nữ tín đồ chưa nhập tịch Thánh.
– Thầy lấy từ bi cho chức Lễ Sanh cả thảy.
– Phải gắng cho xong phận sự, bằng không thì tội sẽ định bằng hai cho những kẻ không trọn lòng thành kỉnh về đạo đức nghe.” [6]
Ngay từ tháng Giêng năm Đinh Mão 1927, khi giáng đàn Đức Lý Giáo Tông đã dạy:
“Mừng chư đạo hữu, chư đạo muội, chư chúng sanh. Đại hỷ, đại hỷ! Lão đã nói: Đạo đã lập thành. Vậy cây có chơn chánh đã vững gốc đáng làm biểu hiệu cho cả chúng sanh dòm thấy đó mà đến nơi Bạch Ngọc Kinh. Nghĩ mà mừng, mà hễ mừng thì lại càng thêm giận lẫn vào trong. Nhiều vị đạo hữu đã lãnh chức mà chơi, chứ chưa hề hành đạo (…)
Thượng Trung Nhựt! Lão đã nói, mà Thầy cũng đã nói trước rằng khi thành đạo, nghĩa là khi Tân Luật phát hành, thì trong hàng môn đệ may lắm chỉ còn nửa phần. Trong đám Thiên phong, nhiều kẻ e còn bị trục xuất thay!
Thầy vì lòng từ bi can gián Lão, bằng chẳng Lão đã dùng hình phạt mà răn kẻ giả dối ấy.”
Đã có một áp lực tinh thần rất lớn về phần trách nhiệm ở vị trí của mình với chư vị từ cấp Lễ Sanh trở lên!
Như thế hàng Lễ Sanh phải chăm lo phận sự “Khai đàn Thượng tượng” cho những tín hữu mới. Muốn hoàn thành nhiệm vụ, người Lễ Sanh phải nắm vững một số vấn đề giáo lý căn bản để có thể hướng dẫn chư tín đồ. Sau đây là gợi ý những đề tài cần thiết cho Hạnh Đường cấp 1 của Lễ Sanh:
– Nghi thức thờ phượng tại tư gia đạo hữu: nguồn gốc lịch sử thiết lập Thiên bàn xuất phát từ đâu; việc lựa chọn vị trí đặt Thiên bàn sao cho trang trọng hợp lý với bàn thờ tổ tiên hầu thể hiện lòng kỉnh thành với Thầy; phương cách sắp đặt bàn thờ cùng các lễ phẩm.
– Kinh tụng Tứ Thời và Nghi thức lễ bái Đức Chí Tôn cùng các Đấng Thiêng Liêng.
– Nhắc nhớ nhiệm vụ của người tín đồ theo qui định của Tân Luật: ít nhất mỗi tháng 2 ngày sóc vọng phải về Thánh thất hành lễ và học đạo. Ngoài ra, cố gắng bồi công lập đức thêm qua những đạo sự về Quan, Hôn, Tang tế.
– Hướng dẫn về Trai kỳ, Ngũ Giới Cấm và một số điều Tân Luật buộc mỗi tín đồ Cao Đài phải thi hành.
– Quan niệm về Chánh tín theo đạo Cao Đài là thế nào?
– Ngoài ra người tín hữu mới cũng cần phải được trang bị thêm một số hiểu biết về những đề tài giáo lý căn bản của Cao Đài giáo.
Để có thể hướng dẫn được những điểm căn bản nêu trên đòi hỏi hàng ngũ Lễ Sanh phải được trang bị thêm những hiểu biết về Tân Pháp Tam Công hầu gương mẫu thực hành để chư tín hữu noi theo.
Về phương diện hành chánh đạo, hàng Lễ Sanh có thể được tín nhiệm ở vị trí cấp bậc nào?
Có đoạn Thánh giáo dạy về vấn đề này của Đức Bạch Liên Tiên Trưởng – Phan Thanh:
“Quan niệm về chức sắc tại một Thánh Thất.
Nơi Tân Pháp đã có qui định: Một chức sắc tại một Thánh Thất chỉ cần và có ở hàng Giáo Phẩm tới cấp bực Lễ Sanh là đủ rồi.” [7]
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu đạo sự nên nhiều vị Lễ Sanh được giao nhiệm vụ Trưởng Ban Cai Quản của Thánh thất [8].
Nếu Thánh thất thể hiện được đúng mức vai trò nhiệm vụ của mình như lời dạy của Ơn Trên là một Trường Giáo Đạo, để làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng, vị Trưởng Ban Cai Quản mặc nhiên có vị thế của một Hiệu Trưởng tại mỗi Thánh thất.
Việc phổ huấn đơn giản nhất có thể làm trong tầm tay là tổ chức thuyết minh giáo lý trong các kỳ lễ lớn trong năm, sau tiến đến thuyết minh hàng tháng trước khi đạt đến mục tiêu tổ chức được cho cả 2 kỳ đàn sóc vọng hàng tháng.
Một điểm khác có ghi trong Tân Luật, Điều thứ chín nơi Chương Người Giữ Đạo:
“Muốn xin nhập môn phải có hai người đạo đức tiến dẫn đến người làm đầu trong Họ. Hai người tiến dẫn phải lo lắng chỉ biểu và dìu dắt người mới cho biết đạo lý.”
Như vậy vị Lễ Sanh ở Thánh thất có trách nhiệm nhắc nhở khuyến khích đạo hữu hãy cố gắng thực hiện nhiệm vụ của mình mỗi khi tiến dẫn người mới nhập môn. Cần hướng dẫn cho người đạo hữu mới những khái niệm căn bản về giáo lý từ hình thức lễ bái cho đến nghĩa vụ của người tín đồ, quan niệm tôn trọng các xu hướng tín ngưỡng, v.v… Vị Lễ Sanh vừa phải có tri thức về giáo lý vừa phải có khả năng tổ chức điều hành và theo dõi đốc thúc để các tín hữu nơi Họ Đạo của mình hành tròn nhiệm vụ Thiêng Liêng.
Do chức trách của vị trí trước nhân sanh, các Lễ Sanh phải chứng đàn những buổi cúng Thượng tượng, Cầu siêu, Cầu giải bệnh, v.v… Để có đủ uy tín với nhơn sanh và chứng minh sự thành kỉnh trách vụ trước các Đấng Thiêng Liêng cho nên phần lớn các Hội Thánh đều qui định muốn bước vào hàng ngũ Lễ Sanh phải trường chay mặc dầu Tân Luật chưa buộc như thế:
“… bực đã giữ trường trai, giới sát và Tứ Đại Điều Qui gọi là vào phẩm Thượng thừa … Chức sắc cai trị trong đạo từ bực Giáo Hữu sắp lên phải chọn trong bực Thượng Thừa mà thôi.”
Đây là mặt tiến bộ đáng mừng vì qui định này đã giúp nâng cao phẩm hạnh của chức phẩm Lễ Sanh đối với đạo hữu và với chính quyền các cấp.
Lễ Sanh là vị trí cuối cùng được Đức Chí Tôn chánh thức nêu lên khi ban cho Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài, ở hàng thứ 7 nếu từ trên đếm xuống [9]. Đây là phẩm vị Thiêng Liêng cao quý để chư vị chuẩn bị bước lên hàng chức sắc Thượng Thừa. Từ phẩm Lễ Sanh này mới bắt đầu được phân vào ba phái tượng trưng cho Tam Giáo Đạo là phái Thái, phái Thượng, phái Ngọc với Đại phục có màu theo phái và được mang Tịch Đạo theo phái. Vì thế nên Lễ Sanh mới được xem là “chuẩn chức sắc” tuy về số lượng không có hạn chế.
Để tăng thêm về ý thức trách nhiệm cho hàng ngũ Lễ Sanh, trong khóa Hạnh Đường lần thứ nhứt của Hội Thánh Tiên Thiên được tổ chức tại Tòa Thánh Châu Minh vào năm Bính Ngọ (1966) nhắm vào việc bồi dưỡng cho chư vị chuẩn chức sắc, Đức Giáo Tông Tiên Thiên – Thiện Pháp Nguyễn Bửu Tài đã giáng đàn dạy:
“Thể theo nguyện vọng chánh đáng của nhơn sanh xin đàn cơ trong ngày bế giảng khóa Lễ Sanh lần thứ nhứt được Giáo Hội Tiên Thiên và sự chuẩn phê Tam Giáo Tòa nên Bần Đạo giáng đàn phân định.
Giáo Hội tuân lịnh khai giảng ba lớp Hạnh Đường cho ba phẩm Chức Sắc tu học với đề tài soạn thảo rất đúng Thánh ý và đúng căn bản Đạo trong hai phần: Về cơ lập giáo độ đời và sự tu thân hành đạo.
Trên sự giảng giải được linh động để cho mỗi Lễ Sanh biết nhiệm vụ thực hành đúng, hầu bảo vệ phẩm vị thiêng liêng, để sang lên hàng Giáo Hữu. Song Pháp Chánh Truyền cũng phân giải về nhiệm vụ mà thôi chớ không vạch sâu thực tế hai chữ Lễ Sanh hay lớp học Lễ Sanh. Vậy chư hiền có hiểu hai chữ Lễ Sanh chăng ?
Lễ Sanh, Thầy đã nói là chọn trong hàng hạnh kiểm nhứt, lễ độ khiêm cung nhứt để hầu Thầy thì Lễ Sanh là nguồn gốc bởi lễ mà sanh ra mọi hình thức tốt đẹp. Như có lễ mới sanh ra sự hòa ái thương yêu, đối nhân xử thế và bảo vệ được phẩm giá của người Chức Sắc hành đạo hướng dẫn nhơn sanh, giữ vẹn Thiên điều, hòa thành phẩm tước thiêng liêng vị. Và trên thượng hòa, dưới hạ mục; đối nội ôn lương, đối ngoại tình cảm. Đối với gia đình trọng tình thân, hiếu, thuận, nghĩa, trinh. Đối với xã hội thì phong hóa xương minh an bình trật tự.
Như vậy Lễ Sanh, Đạo Thầy định làm đầu trong hàng Chức Sắc, nếu hạnh Lễ Sanh không hoàn mỹ thì hàng Chức Sắc lấy đâu mà nương tựa tiến được. Như thế chư hiền các cấp Đạo có nhận Lễ Sanh là quan trọng không? Bần Đạo rất tiếc một số được Ơn Trên ban phong mà không giữ để vật dục đeo đai thành ra nhiệm vụ không được tiến hóa.” [10]
Như đã trình bày, Lễ Sanh là chuẩn chức sắc vì thế mỗi khi tham dự Hạnh Đường cần được bồi dưỡng thêm lý thuyết về đức hạnh và trách nhiệm của hàng Giáo Hữu để sau này có thể cầu phong tiến đạo. Về phần đức hạnh, Tứ Đại Điều Qui là một nội dung không thể thiếu trong Khóa Hạnh Đường bậc 2 của hàng Lễ Sanh.
Qua lời trình bày của Đức Thiện Pháp – Giáo Tông Tiên Thiên dạy cho Lễ Sanh, chúng ta thấy những nội dung của Tứ Đại Điều Qui hiện ra như:
“Phải tuân lời dạy của bề trên, chẳng hổ, chịu cho bực thấp hơn điều độ. Lấy lễ hòa người.” hay “Đối với trên dưới đừng lờn dễ, trên dạy dưới lấy lễ, dưới giáng trên đừng thất khiêm cung.” phải chăng đây là ý nghĩa của lời dạy: “… trên thượng, hòa dưới, hạ mục.”
Hoặc “Pháp luật phải tuân. Đừng lấy ý riêng mà trái trên dễ dưới. Đừng cậy quyền mà yểm tài người.” là ý nghĩa như lời dạy: “Đối nội ôn lương, đối ngoại tình cảm” hay “Đối với xã hội thì phong hóa xương minh an bình trật tự.”
Tóm lại với sứ mạng được Thầy ban trao theo Pháp Chánh Truyền, người Lễ Sanh vinh dự được nhận lấy sự yêu mến của Đức Chí Tôn “Lễ Sanh là người Thầy yêu mến.” cùng phần trách nhiệm với nhơn sanh: “Phải gắng cho xong phận sự, bằng không thì tội sẽ định bằng hai cho những kẻ không trọn lòng thành kỉnh về đạo đức nghe.” [11]
Để giúp cho các Lễ Sanh có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ, mỗi Hội Thánh cần thiết kế chương trình huấn luyện Hạnh Đường tối thiểu phải trải qua hai cấp:
Ở cấp một, Khai đàn Thượng tượng là nhiệm vụ căn bản của mỗi Lễ Sanh. Đi kèm việc thực hành nghi lễ này, Lễ Sanh cần phải được trang bị kiến thức sư phạm về giảng dạy để có thể phụ giúp vị Giáo Hữu nơi địa phận của mình giáo hóa nhơn sanh về những nhiệm vụ căn bản của người tín hữu Cao Đài.
Ở cấp hai, các Lễ Sanh được bồi dưỡng chuẩn bị để bước sang hàng ngũ Giáo Hữu. Đến giai đoạn này, các Lễ Sanh cần phải bước vào học và hành phần công phu ở cấp sơ khởi.
Trên đường bồi công lập đức phổ độ sanh chúng, Tứ Đại Điều Qui là phần trọng tâm của chương trình huấn luyện đức hạnh nền tảng của Lễ Sanh, là tấm gương để tín chúng noi dấu. Bên cạnh việc rèn luyện công trình đó đồng thời mỗi Lễ Sanh cũng cần bắt đầu được nâng cao trình độ học hiểu của mình về Đạo Sử Khai Đạo và Thánh Ngôn Hiệp Tuyển ở mức trung bình và đặc biệt cần trang bị năng lực tổ chức điều hành Hành Chánh Đạo của Họ Đạo. Trong đó không thể thiếu phần trọng tâm về kỷ thuật quản lý giáo dục Trường Giáo Đạo của Thánh thất để người Lễ Sanh có thể vượt qua kỳ khảo hạch chuyển cấp lên hàng Giáo Hữu.
Năm 1958, Đức Lý Giáo Tông trong một đợt xét duyệt danh sách cầu phong Lễ Sanh thăng lên Giáo Hữu tại Tòa Thánh Tây Ninh, Ngài đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ Chức Sắc ở bậc này là thay Thầy đặng phổ thông Chơn Đạo vì thế cần phải có “khả năng giáo hóa nhơn sanh”:
“Hôm nay, chư hiền hữu Hiệp Thiên hiệp tâm cầu thăng cho Chức sắc Cửu Trùng, Lão cũng nhận sự thăng thưởng là một dịp khuyến khích cho những kẻ hữu công. Nếu Chức sắc thăng thật xứng đáng thì Lão lấy làm vui trao cho những vị ấy Thiên tước của Đức Chí Tôn đặng giúp cho họ trên đường lập vị.
Nhưng còn lắm phần ham ngôi phẩm mà phục vụ cho Đại Từ Phụ thì tiếc từ chút công, so đo từ giờ từ khắc, thì Lão rất buồn và lo giùm cho cứu cánh kiếp sanh của họ.
Về việc ban thưởng Chức sắc không phải có 5 năm thâm niên sắp lên là đủ điều kiện cầu thăng và được thăng, cần phải có những điều kiện cần yếu khác:
Thứ nhứt: Phương diện hạnh đức.
Thứ nhì: Trình độ học thức.
Thứ ba: Tinh thần phục vụ.
Thứ tư: Khả năng giáo hóa nhơn sanh.
Là vì hễ đến bực Giáo Hữu là thay mặt cho Chí Tôn đặng phổ thông Chơn Đạo thì chẳng phải người thường tình đặng, mà phải đáng mặt phi thường mới xứng.” [12]
Khi đã có đủ các điều kiện đó, người Lễ Sanh đã ở tư thế sẵn sàng có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ mà Đức Chí Tôn đã ân ban cho hàng Giáo Hữu và chỉ còn chờ công quả phổ độ đầy đủ để được các bạn đồng cấp tín nhiệm [13] đã có đủ tâm hạnh đức tài hầu chính thức bước lên hàng ngũ chức sắc, xứng đáng với vị trí đã được định lượng theo Thiên điều là một trong “Tam thiên đồ đệ” của Đức Chí Tôn.
Lễ Sanh học chơn truyền giáo lý,
Lễ Sanh hành chánh kỷ hóa nhân;
Lễ Sanh hạnh kiểm nhiều hơn,
Hơn người mới đáng làm gương cho người.
Lễ Sanh đã rõ lời giáo huấn,
Lễ Sanh là được chuẩn bị lên;
Lên hàng Chức Sắc cấp trên,
Trước trọn lễ nghĩa sau nên phẩm mình.[14]
Chương trình hạnh đường cho hàng Lễ Sanh đương nhiên cũng được dùng để đào tạo chức phẩm Hiệp Thiên Đài tương ứng.
“Đại Đức Huyền Quang, …
Chơn Thánh chào Thiên mạng Giáo Hội, chào Chức Sắc Họ Đạo Tỉnh, chào chư liệt vị Thiên Thần nam nữ đàn tiền. Chơn Thánh rất mừng khóa Lễ Sanh nầy được kết quả dồi dào về tinh thần thụ huấn thấm nhuần giáo lý Tiên Thiên.” [15]
Về mặt vô vi, người Lễ Sanh có phẩm vị tương ứng với phẩm Thiên Thần hay Thượng Đẳng Thần. Vì thế hàng Lễ Sanh phải ý thức trách nhiệm của bản thân để cố gắng làm tốt nghĩa vụ của mình hầu chuyển bước nâng lên vào hàng Thánh vị.
Mỗi Họ Đạo theo luật định phải có tối thiểu 500 tín hữu, tương đương như một trường học có từ 10 cho đến 15 lớp học. Vị Lễ Sanh phụ trách Phổ Huấn, bên cạnh tâm hạnh đức thì phần khả năng sư phạm giáo lý là điều cần phải luôn nỗ lực học hỏi trong quá trình thực hành. Nếu như Thánh thất có khả năng tổ chức giáo huấn cho tất cả các lứa tuổi từ nhi đồng đến thiếu niên, thanh niên và đạo hữu thì đây là lãnh vực đạo sự rất nặng nề. Khi đó vấn đề liên kết với các Thánh thất bạn trong phạm vi không gian hợp lý là điều phải được nghĩ đến để có sự hỗ trợ lẫn nhau qua đó học hỏi kinh nghiệm đồng thời giúp cho học viên tránh được cảm giác đơn điệu khi mãi chỉ được hướng dẫn bởi vài anh chị tại địa phương.
Lễ Sanh là Đầu Họ Đạo hay Trưởng Ban Cai Quản của mỗi Thánh sở cần ý thức lấy chỉ tiêu Đức Lý Giáo Tông đã định hướng “Mỗi Thánh thất là một trường giáo đạo” để làm mục tiêu phấn đấu trên đường Hoằng Khai Đại Đạo và Phổ Độ Nhơn sanh. Năng lực giáo hóa là một điều kiện căn bản trong những điều kiện để Lễ sanh có thể bước lên hàng chức sắc.
Lúc nầy, vai trò của vị Chức Sắc Giáo Hữu đại diện của Hội Thánh tại địa phương trở nên hết sức cần thiết trong (việc) chỉ đạo định hướng hợp tác, liên kết hỗ trợ lẫn nhau. Có làm được như thế chư vị Chức sắc mới có thể hoàn thành nhiệm vụ trọng đại mà Ơn Trên đã đặt để và nhơn sanh đang trông cậy.
Tháng 11 Kỷ Sửu 2009
Đạt Tường
———————————————————-
[1] Ông Lê Văn Giảng, thư ký kế toán, Sài Gòn
Ông Huỳnh Văn Giỏi, thông phán sở Tân Đáo Sài Gòn
Ông Đoàn Văn Bản, Đốc học. Nhà là đàn Cầu Kho, sau là Tt Cầu Kho.
Ông Võ Văn Tường, người đã dùng nhà mình ở quận 1 Sài Gòn làm nơi soạn văn bản Khai Tịch Đạo.
Cả 4 ông đều được Đức Chí Tôn gõ cơ điểm danh đứng trong danh sách 28 vị đại diện 245 tín hữu Cao Đài đến gặp Thống Đốc Nam Kỳ ông Le Fol để Khai Tịch Đạo (đăng ký Pháp nhân Hoạt động tôn giáo của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ).
[2] Lễ Thượng tượng, lập Thiên bàn tại nhà người tín đồ Cao Đài.
[3] Thánh Truyền Trung Hưng 2, Thánh thất Từ Quang, 10.01 ĐĐ 31 Bính Thân (21.02.1956) Đức Thánh Trần Hưng Đạo
[4] Đức Phan Thanh – Bạch Liên Tiên Trưởng, Tt Liên Hoa Cửu Cung 01.11 Đinh Mùi (1967)
[5] Đạo Sử Xây Bàn 2
[6] Thánh Ngôn Sưu Tập 1 số 77, Long Thành 01.7 Đinh Mão (29.7.1927)
[7] Đức Phan Thanh, Tt Liên Hoa Cửu Cung 01.11 Đinh Mùi (1967)
[8] Theo hệ thống hành chánh đạo khi xưa, mỗi Thánh thất có 2 vị trí quan trọng: Vị Đầu Họ Đạo hướng dẫn phần tâm linh còn Chánh Hội Trưởng lo việc hành chánh.
[9] Hai vị trí còn lại trong cửu phẩm là Chức Việc (Chánh Phó Trị sự, Thông sự) và Tín đồ do Đức Lý Giáo Tông bổ sung sau đó.
[10] Ngày 30.02 ĐĐ41 Bính Ngọ (1966), Tòa Thánh Minh Đức
[11] Thánh Ngôn Sưu Tập 1 số 77, Long Thành 01.7 Đinh Mão (29.7.1927)
[12] Đức Lý Giáo Tông, Tòa Thánh Tây Ninh (09.4.1958)
[13] “Lễ Sanh muốn lên Giáo Hữu thì nhờ cả Lễ Sanh xúm nhau công cử” (Tân Luật)
[14] Tòa Thánh Tiên Thiên Minh Đức, 30.02 ĐĐ41 Bính Ngọ (1966)
[15] Tòa Thánh Tiên Thiên Minh Đức 30.02 ĐĐ 41 Bính Ngọ (1966)
Bài viết khác:
Đại Thừa Chơn Giáo
Đạo Sử xây bàn
Lịch sử Pháp Chánh Truyền và Tân Luật
Đức Hồng Quân Lão Tổ theo quan niệm của Tam Kỳ Phổ Độ
Đạo Học Chỉ Nam
Hãy lo cho đời sống tâm linh
Hãy nhìn những pho tượng lộ thiên của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát
Thương thương ghét ghét, ai thấu đáo vậy ôi
Trả lời