Công quả thế nào là chánh danh và đúng nghĩa

Ngày đăng: 03-10-2010 | Lượt xem: 2216

ho-sen-trắng

 

CÔNG QUẢ THẾ NÀO LÀ

CHÁNH DANH VÀ ĐÚNG NGHĨA?

Trích Dặm Dài Gánh Đạo của Đạo Trưởng Chí Tín

Công quả nằm trong pháp môn Tam công (Công quả, công trình, công phu) của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, là một trong ba phương tiện để tín đồ Cao Đài thực hành ngõ hầu đắc quả Phật Tiên, được trở về hội hiệp cùng Đức Chí Tôn Cao Đài Thượng Đế nơi Bạch Ngọc Kinh mà đạo Phật gọi là Niết Bàn.

Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1, về mặt thực hành công quả, Đức Chí Tôn dạy: “Vì vậy mà Thầy hằng nói cùng các con rằng: một trường thi công quả, các con muốn đến đặng nơi Cực Lạc thì phải đi tại cửa này mà thôi. Thầy lại khuyên nhủ các con rằng Thầy đã đến chung cùng với các con, các con duy có tu mà đắc Đạo, phải đoái lại bá thiên vạn ức nhân sanh còn phải trầm luân nơi khổ hải, chưa thoát khỏi luân hồi, để lòng từ bi mà độ rỗi.” Sau nầy chư Phật Tiên tiếp tục lý Thầy dạy thêm: “Người đạo đức thuần thành phải đi ngược lại người thường tình thế tục. Sự vui buồn và sướng khổ của mình đều tùy thuộc nơi sự vui và sướng khổ của nhơn sanh. Phải biết vong kỷ vị tha, quên mình hy sinh hạnh phúc riêng tư mà chỉ nghĩ đến hạnh phúc tha nhân, vui cái vui của thiên hạ…

Lý giải các trình độ thực hành công quả như Đức Lý Đại Tiên Trưởng Giáo Tông Vô Vi và nhứt là Đức Quan Thế Âm Bồ Tát dạy rất tỉ mỉ về hạnh Tam công (1974). Ngài so sánh pháp môn Tam công của Đại Đạo không khác pháp môn Lục độ Ba la mật của Phật giáo Đại thừa. Nếu hành giả Cao Đài thực hành rốt ráo pháp môn Tam công thì cũng được đắc quả Bồ Tát vậy.

Cao Đài giáo
Phật giáo

 Công quả
1. Bố thí (gồm: Tài thí, Pháp thí, và Vô úy thí)

Công trình
2. Trì giới; 3. Nhẫn nại; 4. Tinh tấn

Công phu
5. Thiền định; 6. Ba la mật

Như lời dạy của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, môn sanh Cao Đài phải thực hành đầy đủ Tam công một cách năng động, rốt ráo, không được thiếu hụt một trong ba. Đừng quá nặng về công quả và kém phần công phu và công trình, hay ngược lại cũng không thành công.

Hạng bực thực hành công quả:

Khi nhập môn vào Đạo rồi, nhờ siêng học hỏi nghiên cứu Thánh ngôn Thánh giáo, kinh điển nên chúng ta được hiểu thâm sâu giáo lý hơn nhờ sự giảng dạy của các Đấng Thiêng Liêng qua cơ bút như việc làm công quả có nhiều hạng bực. Trước tiên, Ơn Trên khuyên chúng ta làm công quả, lập công bồi đức cho gia đình mình được hưởng phước lộc Trời ban, và để cửu huyền thất tổ được siêu thăng.

Khi tiến lên hàng thượng thừa, thì được Ơn Trên cho biết mình làm công quả để diệt trừ nghiệp lực của mình đã gây ra oan gia nghiệp chướng, để nhẹ phần khảo đảo trong việc tu đơn luyện đạo, chớ không hẳn là làm phước đức thi ân cho ai.

Đó là trả nợ đời chớ không phải làm phước mà kể công và khoe khoang cầu danh dục lợi.

Đó là còn vị kỷ riêng mình.

Trong xã hội có hai hạng người: thượng đức và hạ đức, cùng làm công quả nhưng với mục đích khác nhau cao thấp. Theo Đạo Đức Kinh (chương 38) của Đức Lão Tử: “Thượng đức bất đức, hạ đức bất thất đức, thị dĩ vô đức”.

Người hạ đức là người có đức thấp luôn chấp đức khi làm công quả, nên không có thật công đức. Ông Huỳnh Trung Quan dịch rất dễ hiểu: “Người đức cao không tự thị về đức của mình, do đó là người có thực đức. Người đức thấp chấp chặt vào đức nên không có thật đức.”

“Người đức cao thì tịch lặng (vô vi) cho nên không còn gì để hành động. Người có lòng nhơn cao hành động mà không có điều gì để hành động.”

“Người có đạo nghĩa cao hành động nên còn có điều gì để hành động”.

Thánh giáo Cao Đài dạy việc làm công đức chẳng khác nào thực hành cái Đạo vô vi nhi vô bất vi của Đức Thái Thượng Lão Quân:

“Công quả muốn được chánh danh và đúng nghĩa của nó, đúng giá trị của nó và đáng được ghi phần âm chất, phải là công quả xuất phát từ lòng tự giác, tự nguyện và thiết tha với nó, xem nó là nguồn sống của đời người, như cơm ăn nước uống, hơi thở, áo mặc, nhà ở và như lương dược trị bệnh. Vì hơi thở phải luôn luôn đều đặn, nhịp nhàng theo buồng phổi, theo trái tim, nếu gián đọan giây phút là sự chết đến liền. Công quả cũng vậy. Nếu làm theo giai đoạn, làm theo sở thích, làm theo ngoại cảnh hay một động lực nào đó, là công quả nhứt thời, mà hễ nhứt thời giai đoạn là phải xáo trộn. “Công quả có giá trị là ở tự tận đáy lòng thiết tha phát khởi mà làm, dầu có phương tiện như hoàn cảnh, của cải, tiền tài, dù trong cảnh nghèo nàn túng rối, mà tận đáy lòng thiết tha với công quả, vẫn có giá trị muôn đời.”

Phật giáo Đại thừa cũng dạy: Bố thí đúng nghĩa, chính danh là âm chất phải hội đủ ba điều kiện nầy:

1. Không xem mình là người thi ân bố đức, là người ban ân.

2. Không xem người nhận đồ vật bố thí là người thọ ân mình để mong trả ân.

3. Đừng quan trọng hay khinh thường hay so đo tính toán đồ vật đem tặng.

Phải thực hành công tác từ thiện (bố thí) vì lòng bác ái vị tha xuất phát tận đáy lòng với tinh thần vô danh, vô ngã, vô công.

Trong giới tu Đại thừa luyện đạo tu đơn cho làm công quả cũng là phương tiện để trả nghiệp quả mình đã mang từ kiếp trước chớ không cho là bố thí thi ân, để bớt phần chịu khảo đảo, đắp nền móng cho việc công phu được nhẹ nhàng thanh thản.

Cao siêu hơn, chúng ta cần học thêm và suy gẫm lời dạy của Đức Lý Giáo Tông Đại Đạo: “…Bần Đạo cũng nêu lên một ý Đạo về “cái đòn bẫy” trong sứ mạng hành đạo để chư đệ muội thử suy gẫm. Nầy chư đệ muội!

Chúng sanh nhơn loại là điểm cản.
Các đạo sự là điểm tựa.
Hàng Thiên ân là điểm động.
Nếu thiếu một trong ba thì không gọi là đòn bẫy. Còn hành đạo cũng thế, nếu thiếu một trong ba, thì người Thiên ân không hoàn thành sứ mạng. Ngày xưa các bực chức sắc, chức việc trình độ giác ngộ còn giới hạn, nên các Đấng Thiêng Liêng thường dạy hành đạo:
Để lập công bồi đức.
Để cửu huyền thất tổ được siêu thăng.
Để có phước đức cho mình.
Đó là vị kỷ còn luân hồi!

Ngày nay, hàng Thiên ân chức việc có khả năng tu tiến cao hơn, biết ý thức được đạo lý thâm sâu hơn, nên Thiêng Liêng thường dạy phải xả thân để phụng sự, đó là vong kỷ, là giải thoát.

Tuy nhiên, xét tường tận hơn thì nào phải vong kỷ, bởi vì chư Thiên ân xả thân để phụng sự cho ai?

Cho chúng sinh, nhơn loại, mà chúng sinh nhơn loại là điểm cản, phụng sự là điểm tựa, chư Thiên ân là điểm động. Nếu không có điểm cản, không có điểm tựa, thì chư Thiên ân lấy chi mà hành đạo, hành đạo cho ai, và làm sao để hoàn thành sứ mạng mà trở về ngôi xưa vị cũ. (…) Đừng bảo hành đạo vì Thầy, vì Đạo, vì nhân sinh. Thật ra là vì mình đó. Nhưng vì mình một cách tinh vi, vô cố, vô chấp.

Nếu không Đạo không Thầy, không chúng sanh, thì chư hiền cầm đòn lấy chi mà bẫy, và có ai để mà bẫy. Cười! Cười!”

Đạo lý quả thật cao siêu thâm viễn, tùy căn trí mỗi người tự suy nghiệm mà chọn cách hành đạo Đại thừa tự giác, giác tha để đạt đạo Giải thoát mà trở về hiệp nhứt cùng Đức Chí Tôn Thượng Đế.

Ghi chú:
Báo Tuổi Trẻ ngày Chủ nhựt 29-10-2006 đăng tin một độc giả gởi cho báo một số tiền lớn, nhờ nhà báo trao lại cho một bệnh nhân nghèo đang cần tiền để phẫu thuật và dặn không cho biết tên và địa chỉ. Đây là một gương công quả giúp đời một cách vô vi đáng kính, đáng khâm phục!

Đạo Trưởng Chí Tín

Bài viết khác:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *