Thanh Thiếu Niên Đại Đạo học tập lời dạy của Ơn Trên về Tâm Hạnh Đức Tài

Ngày đăng: 23-10-2010 | Lượt xem: 3263

 

Chánh Tuân kính gửi đến quý anh chị em bài tham luận “Thanh Thiếu Niên Đại Đạo học tập lời dạy của Ơn Trên về Tâm Hạnh Đức Tài” để quý anh chị em cùng tham khảo.  

Đức Cao Triều tiền bối dạy: “…Tu không phải chán đời ẩn dật, tu bắt buộc phải mạnh dạn đi vào đời. Chỗ nào tối người Thanh Thiếu Niên Phổ Thơng Giáo Lý thắp ngọn đuốc sáng, chỗ nào hầm hố chông gai, có người Thanh Thiếu Niên Phổ Thông Giáo Lý kiêu dũng đem đạo đức tới san bằng. Chỗ nào lạnh lùng băng giá, người Thanh Thiếu Niên phổ thông Giáo Lý đem tình thương Thượng Đế đến sưởi hâm ấm áp; chỗ nào nóng bức có người Thanh Thiếu  Niên Phổ Thông Giáo Lý đem tình thương đến dập tắt dịu dàng. Cái bổn phận Thiêng Liêng của người Thanh Thiếu Niên Phổ Thông Giáo Lý không thể từ chối được. Mục đích như thế mà phương tiện là gì? Khí giới để đạt thành là chi? Chỉ có các em là các em. Ta không bảo các em chinh phục thiên hạ, mà bảo các em tự thắng các em và phục vụ cho thiên hạ. Hãy lấy niềm vui khi làm cho kẻ khác. Hãy lấy làm hảnh diện khi xả thân cho tha nhân. Không ai có thể bắt kẻ khác làm cho mình hơn hết là mình làm cho kẻ khác. Người Thanh Thiếu Niên hãy tràn ngập hoan lạc trong sự cao thượng. Phương châm duy nhất cho các em là liên kết tự kiểm và nhận phê trong tinh thần hành động duy tiến ”. 

Đức Cao Triều tiền bối còn dạy: “Thanh thiếu niên không sống cái sống của riêng mình, không làm cái làm của riêng mình, mà phải làm và sống cho đại chúng.” 

Qua lời dạy của đức Cao Triều tiền bối đã nhắc cho mỗi người thanh thiếu niên chúng ta phải nhận thức được rằng mình có một trách nhiệm rất lớn với Đời và Đạo.

Thật vậy, Đạo không dạy chúng ta phải xa lánh cuộc đời vì chúng ta là một nhân sanh trong cuộc đời, đã sống trong cộng đồng xã hội thì chúng ta đã thọ nhận biết bao công ơn  như công ơn dưỡng dục và sinh thành của cha mẹ; công người trồng dâu nuôi tằm, dệt vải để ta mặc; công người trồng lúa để có gạo ta ăn…”. Xét về phần Nhơn Đạo thì đã thọ ơn thì chúng ta phải biết trả ơn cho đời (Làm tròn Nhơn Đạo):

“Trải thân đền nợ nước non,

Máu xương lấp mấy cho tròn hiếu trung”.

Để thực hành đúng theo lời dạy của đức Cao Triều tiền bối đòi hỏi mỗi người Thanh Thiếu Niên chúng ta phải có được một tình thương chân thành đến tất cả mọi người, sẳn sàng ra tay giúp đời xuất phát từ tinh thương yêu chân thật, không còn lòng ích kỷ phân biệt ta người. Có như vậy chúng ta mới đạt được: Hãy lấy niềm vui khi làm cho kẻ khác. Hãy lấy làm hảnh diện khi xả thân cho tha nhân. Không ai có thể bắt kẻ khác làm cho mình hơn hết là mình làm cho kẻ khác. Người Thanh Thiếu Niên hãy tràn ngập hoan lạc trong sự cao thượng”.

Người Thanh Thiếu Niên phải sống làm sao cho xứng đáng là con cái thật sự của đức Thượng Đế Chí Tôn, Thầy dạy:

“Con Thầy thì phải giống Thầy,

Giống Thầy phải có đủ đầy tình thương”.

Đức Mẹ cũng có dạy: “… Các con nhìn chung quanh các con. Ôi! Biết bao là thảm trạng, biết bao những tâm hồn cô đơn non nớt, yếu ớt đói lạnh, đầu đường xó chợ, không nhà, thiếu áo hụt cơm, thiếu bao sự an ủi vỗ về của các  bực từ ái, ra công cứu trợ. Họ đang chờ những bàn tay dịu hiền, những tấm lòng từ ái của các con….” “…Các con lo cho đời, cho chúng sanh, nhân quần, xã hội, đem lại nguồn an ủi tinh thần cho họ, đem lại sự cơm no áo ấm, nhà ở, trường học, bệnh viện…Đó là nguồn hạnh phúc cho họ, mà cũng chính là nguồn hạnh phúc của các con đó, vẫn vĩnh cữu trường tồn, mưa không lạt, nắng không phai, trộm không cắp, cướp không giựt, lửa không cháy, phong ba bảo táp không hề hấn gì”. 

Vì chúng sanh còn nhiều nghiệp chướng khổ đau, tội lỗi dẫy đầy mãi luân hồi trong bể khổ trần ai nên Thầy mới lập Tam Kỳ Phổ Độ tận độ tàn linh. Để hoàn thành được sứ mạng cao cả ấy, đòi hỏi phải có bàn tay của con người thay Trời hành đạo.

Hễ là môn đệ của đức Cao Đài thì mỗi chúng ta  đều phải ý thức được sứ mạng của mình trong việc phổ độ và hoằng hoá đạo Thầy.
Thầy dạy:

“Thân con thân của Cao Đài,

Người con người của Thầy sai xuống trần”.

Người Thanh Thiếu Niên Cao Đài phải thực hiện phương châm: nơi nào cần thanh niên có, nơi nào khó có thanh niên.

Để làm được điều đó thì mỗi người thanh thiếu niên chúng ta phải thắng được chính mình, mà, thắng vạn quân không bằng thắng chính mình. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn và tinh thần khắc kỷ cao độ mới chiến thắng được tính ích kỷ, thắng được lục dục thất tình trong nội tâm của mỗi người.
Chính vì điều này mà Thầy có dạy:

“Chí cả muốn toan nên nghiệp cả,

Từ bi, nhẫn nhục nhớ đừng quên”.

Đức Chí Tôn có dạy: “Thử nghĩ lập một nước còn dễ hơn dạy một người dữ đặng hiền, huống chi trong Tam Kỳ Phổ Độ các con phải độ rỗi cả nhơn loại khắp cả năm châu, thì trách nhậm ấy là lớn lao bực nào?
Hạnh đức của các con phải phù hợp với trách nhậm mới đặng. Các con là đèn, là gương soi của nhơn loại; phải tập mình cho xứng đáng.” 

Chính vì điều này mà Ơn Trên có dạy:

“Trông về cơ đạo tương lai,

Mở mang cần có nhiều tay siêu quần”

Người Thanh Thiếu Niên muốn ra giúp đời hiệu quả và đúng đạo lý thì phải ra sức rèn luyện cả Đức lẫn Tài.

Phương thức rèn luyện đức tài, Đức Giáo Tông vô vi Đại Đạo có dạy:

“Tài với đức nếu chưa đầy đủ,

Tâm hạnh lành phong phú cũng hay,

Gắng công tu học bạn, Thầy,

Tinh thần cầu tiến học hoài sẽ thông,

Điều đã  biết thì lòng nói biết,

Điều chưa thông, chịu thiệt chưa thông,

Đó là tự biết tự thông,

Siêng tu siêng học để hòng tiến lên.”

Tóm lại người thanh thiếu niên Đại Đạo phải rèn luyện Tài và Đức  gồm những mặt sau:

1. Tự nâng cao trình độ văn hóa, phấn đấu học tập không ngừng. Luôn giữ gìn qui giới tinh chuyên.  Học, học nữa, học mãi.Luôn phấn đấu học không ngừng để ngày hôm nay phải tiến bộ hơn ngày hôm qua và ngày mai phải hơn ngày hôm nay.
Phương châm duy nhất là liên kết tự kiểm và nhận phê trong tinh thần hành động duy tiến  như lời dạy của Đức Cao Triều tiền bối. Người thanh thiếu niên chúng ta phải luôn biết tự kiểm điểm thân tâm để ngày càng hoàn thiện bản thân không ngừng cả đức lẫn tài. Luôn vui vẻ đón nhận những lời góp ý phê bình của mọi người để sửa đổi hoàn thiện bản thân không ngừng.

2. Tích cực học tập và nghiên cứu nắm vững giáo lý Đại Đạo.

3. Thọ pháp môn để rèn nội tâm, nghị lực và trí huệ. Phải kiên trì thực hiện theo lời dạy của Đức Bảo Pháp Chơn Quân Thanh Long:

“Con đường cải tử hồi sinh,

Quay về thấy đủ nơi mình quyền năng,

Chạy ra ngoài lăng xăng thì dễ,

Quay vào trong định huệ khó làm”.

4. Phải ý thức tổ chức đào tạo lớp đàn em hậu tấn kế thừavì công cuộc Phổ Độ là rất lớn, đòi hỏi rất nhiều thời gian và tâm sức, cần phải có lớp hậu tấn kế thừa (Tre già măng mọc).
Bất kỳ tổ chức, xã hội, hay quốc gia nào nếu muốn tồn tại và phát triển thì phải xem tầng lớp thanh thiếu niên là rường cột. Tôn giáo Cao Đài cũng vậy. Đức Lý Giáo Tông có dạy:

Thanh niên là cột là rường,

Trong vòng đạo đức lập trường phục hưng.

Phải nhớ rằng những phần tuổi trẻ,

Giữa trường đời ắt sẽ gian nguy.

Vì chưng thế cuộc hạ kỳ,

Phải nên dụng đạo định qui việc làm”.

Chúng ta biết rằng cho dù hiện tại có một vị Đạo Trưởng có tài đức vẹn toàn đến mức độ nào đi chăng nữa thì vị Đạo Trưởng ấy cũng chỉ hy sinh cống hiến cho đời và cho đạo trong một khoảng thời gian nhất định mà thôi và không thể tránh khỏi qui luật sinh tử của tạo hóa. Cho nên chúng ta phải luôn luôn xem Thanh Thiếu Niên là rường cột và việc đào tạo Thanh Thiếu Niên đủ đức tài là một nhiệm vụ rất thiêng liêng và rất hệ trọng cho cơ đạo trong tương lai.

Như lời dạy của đức Cao Triều tiền bối:  “Bất cứ một gia đình, quốc gia, xã hội và nhân loại nào, dầu quá khứ, hiện tại hoặc vị lai, phải ý thức và kỳ vọng ở thanh thiếu niên, chẳng khác nào cây, đem hột đi ươm lên thân cây con, tùy sự chăm sóc kết quả của cây xấu hoặc tốt phần lớn do chủ vườn chăm sóc”.

Những người Thanh Thiếu Niên hiện tại sẽ là rường cột cho cơ đạo trong tương lai. Chính vì điều này mà mỗi người Thanh Thiếu Niên chúng ta nên thuộc lòng và xem những lời dạy sau đây của ơn trên để làm cẩm nang gối đầu giường để tránh cho cơ đạo phải gặp nhiều khảo thí như hiện tại qua lời nhận xét của Đức Bảo Pháp Chơn Quân Thanh Long:

” Nhìn Cơ Đạo lòng đau như cắt,

Thánh Thể Thầy dường chặt tay chân”.

Thứ nhất: Luôn tích cực xây dựng một tình huynh đệ đại đồng, hòa hiệp yêu thương nhau chân thật từ cấp cơ sở đến cấp Hội Thánh. Rèn tâm từ bi và hạnh nhẫn nhục. Nhìn nhau cả thảy là anh em có cùng chung một Thầy, một Cha trọn lành.
Thầy dạy:

“ Hỡi các con! tình thương trên hết,

Hỡi các con đoàn kết là cần,

Dù cho ai thánh ai thần,

Mà cơ chia rẽ cũng gần quỷ ma.

 Thứ hai:  Học hạnh khiêm cung, tôn trọng mọi người, không tự đại tự cao, diệt trừ dần bản ngã tư tâm.
Thầy dạy:

Khiêm cung nhường kính là trên hết,

Tự đại tự cao chẳng phải tài,

Xem đó còn đây gương trước mắt,

Mắt mà không thấy cũng còn tai!”

 Thứ ba: Xem cuộc đời là giả tạm, vô thường và hãy lập chí  chuyên cần lo tu học đừng xao lãng, xem trọng đạo đức nghĩa nhân hơn cả. Ơn Trên dạy:

“ Cần lo học Đạo chí đừng lơi,

Phú quý sương tan lố bóng trời,

Lợi lộc xôn xao rồi một kiếp,

Nghĩa nhơn tích trữ để muôn đời”.

Thứ tư: Nhập thế và xuất thế song hành. Có như thế mớiđem được tấm gương người Thanh Thiếu Niên Đại Đạo vào đời.
Như lời dạy của Đức Bảo Pháp Chơn Quân Thanh Long:

“Lấy công quả đền bù nợ trước,

Dụng công phu chế ước lòng tà,

Để rồi tự giác giác tha,

Song hành Phước Huệ mới là viên thông”.



Xin trân trọng cám ơn và kính chào quý anh chị em

Kỷ niệm Lễ Khai Minh Đại Đạo năm thứ 83.

Chánh Tuân.

Bài viết khác:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *