Ôn tập Thánh Giáo của Đức Lý Giáo Tông
CỦA ĐỨC LÝ GIÁO TÔNG
1. Về tu học:
“Học mà không tu như đọc thuộc lòng một bản thực đơn mà không thực phẩm, còn tu mà không học ví như người mù đi đêm. Học tu, tu học phải đi đôi.”
“Bần Đạo không đưa ra những gì vượt quá tầm vói của chư đệ muội. Bần Đạo cũng không bảo chư hiền phải noi gương tử đạo của Jésus, Bần Đạo chỉ khuyên chư hiền đệ hiền muội hãy làm đúng lời dạy cũ từ mấy năm qua của Ơn Trên về nội tu và ngoại tu. Những gì đã được ban trao và dạy bảo, chư hiền đệ muội hãy lấy tâm chí thành thực hành cho đến nơi đến chốn sẽ thấy được kết quả, được Trời, được Đạo, được Tâm.
Ví dụ 1: – Bảo chư hiền đệ muội phải giữ lòng chuyên nhứt, đứng yên một chỗ, gìn một tâm, tu học hành đạo cho nên người chí thiện chí mỹ. Nếu để tâm vọng cầu, chạy đây chạy đó, thỏa mãn tính hiếu kỳ, lập trường không vững, thì tránh sao khỏi cái vô thường thấy, vô thường nghe, ắt bị sa vào chỗ tối tăm phế phận, rất uổng một kiếp vi nhân, đắc tội cùng trời đất.
Ví dụ 2: – Bảo chư hiền trải lòng bác ái Thiên Địa chi Tâm, học Đạo Thời Trung mà hành đạo để cho guồng máy đạo được luân lưu trên dòng đời sâu cạn để thực hiện sứ mạng độ kỷ độ nhân, thì chư hiền phải phá chấp, vượt ngoài nhân ngã. Có như vậy không bị quần ma biến tâm thiên địa thành tâm phàm tục biệt phân, tự đóng khung vào chỗ chật hẹp ích kỷ, tự cột chân bó gối, đãi biếng lười, không làm lợi ích gì cho ai, mà chính mình cũng đắc tội cùng trời đất.
Ví dụ 3: – Bảo chư hiền cần nội tâm tu tiến để ngoại thể thuần thành cho nên người đạo đức, hầu bảo trì nhiệm vụ trong tập thể, kính trên nhường dưới, nhẫn nại khoan dung, để tránh bị tà ma xúi giục, biến tâm chơn chánh thành tâm nghiêng ngã, chia nhóm chia phe, phạm giới cấm, bỏ qui điều, dễ khinh quyền pháp Đạo, mới tròn sứ mạng được ban trao, mới xứng đáng là con tin THƯỢNG ĐẾ.
Ví dụ 4: – Bảo chư hiền vào nhập các khóa tịnh, tu luyện thân tâm trong thời hạn vắn hay dài, là vì chư hiền đã giác ngộ và tự nhận sứ mạng vào Thiên Đạo để thực hiện sứ mạng Đại Thừa, để tự giải thoát và giải thoát vạn khổ của thế nhân, thì chư hiền phải có một công phu luyện kỷ thuần thành từ nội tâm đến ngoại thể. Có như vậy sự tu chứng mới thể hiện bên ngoài và thần lực được hiển lộ bên trong. Thần lực là chủ yếu của con người, bị suy vong do bởi tâm niệm lự phóng tán. Thế nên dầu trong thời hạn tịnh dưỡng, tuy chưa được kết quả bao nhiêu nhưng nó cũng có một mục đích, một ý nghĩa. Nếu chư hiền không nhắm vào một mục đích thì công phu khó đạt thành, chư ma chủ sử lộng hành phóng tâm rồi uể oải bực dọc, không được an ổn trong lúc công phu. Nếu thời hạn ngắn hay dài cũng coi như là bị giam lỏng nào có ích chi đâu.
Ví dụ 5: – Bảo đào tạo thế hệ tiếp nối đạo nghiệp ngày mai phổ thông phổ truyền giáo lý Đại Đạo để xây dựng kỷ nguyên thánh đức cho thế giới hòa bình, càn khôn an tịnh, ngoài ra không được làm gì khác mục đích đã định.
Đây là năm thí dụ Bần Đạo vừa nêu lên để tóm tắt những lời dạy bảo vừa qua, chư hiền đệ muội đọc lại và cố gắng thực hành.”
3. Sống đạo và hành đạo:
“Chư đệ muội có biết không, đời mạt pháp người sống đạo là [người có] cuộc sống thung dung, rất căn bản, biết hài hòa cùng nhịp điệu thiên nhiên, biết tùy thời biến hóa trước những đổi thay của từng giai đoạn, ô trược hay thanh cao, loạn hay trị đều là những cuộc thách thức người sống đạo. Tâm đạo có dõng mãnh, Tánh đạo có chói ngời mới không bị vọng động đảo điên dễ dàng bước trên đường sứ mạng thiêng liêng.
Hành đạo là tác năng tự nhiên Thiên Phú cho người sanh cõi trần gian để tiến hóa. Sách nói: “Nhơn chi sơ tánh bổn thiện”. Mỗi động tác thuở ấy đều sống theo lẽ đạo. Nếu cứ giữ cái gốc lành ấy mà đơm hoa kết quả thì vấn đề con người không có gì phải nhọc tâm bàn đến.
Người hành đạo là người biết giữ lấy gốc. Có xa rời đi chăng nữa cũng biết quay trở về. Muôn sai nghìn khác là cảnh giới bên ngoài hữu hình màu sắc.
Nếu con người không chóa mắt, không đeo đuổi chụp bắt thì oan khiên nghiệp chướng làm sao có thể vương vấn buộc ràng được.”
“Rồi đây bã nếp sẽ bị phế thải khi chất rượu đã được lọc qua hồ. Những vật vô thường sẽ hư hoại khi bản thể đã kết tinh. Những chướng ngại đau khổ là ngọn lửa nung đốt thêm cho vàng mười đúng tuổi. Con người có tánh mạng. Tánh là Thiên tánh, mạng là Thiên mạng, hai tú khí âm dương tạo thành là bản thể của Thiên địa vạn vật. Nếu biết tu tánh, đừng để tánh bị muội mê bởi tham dục che lấp vì danh lợi tình tiền. Những thứ vật vô thường đã gây cho con người biết bao thảm họa triền miên từ kiếp này sang kiếp khác. Biết tu tánh thời không tham, thì vẫn có mà ăn, mà mặc, không tranh đấu mà vẫn có chỗ ở, không lăn thân vào chỗ đau khổ mà vẫn có địa vị con người. Do đó, tu tánh là ánh linh sáng chói trong muôn ngàn nẻo Thánh. Còn biết luyện mạng là Thiên mạng hằng tại, không thiên, không lệch, không ô nhiễm tham dục, trên thuận cùng Trời, dưới an vui bốn cõi, hòa mình khắp chốn, lòng dân là lòng ta, lòng ta là lòng Trời, sống thì Thánh, thác thì thiêng. Ôi, nội Thánh ngoại vương, sống hằng sống trong cõi Thiên đàng cực lạc thì còn gì mơ ước nữa. Phật Tiên cũng chỉ thế thôi.”
5. Tâm như nước đại dương:
“Người tu hành phải có tâm như nước đại dương thì tình thương mới trải khắp.
Tuy nhiên, sự luân lưu của nước cũng theo đúng luật tắc lớn ròng. Nếu lúc nào đó nước tràn ngập lụt thì đem lại sự tai hại cho nhân sanh không phải nhỏ.
Đây là Bần Đạo muốn nói người sống chung trong một tập thể Cơ Quan, phải thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, phải quyết tâm xây dựng phát triển chung. Dầu tài bộ đến đâu, khôn ngoan rất mực mà vượt ra khỏi cái chung thì tập thể bị khuy khuyết,cá nhân cũng chẳng nên gì. Người hành đạo cũng thế.
Phải trải tâm từ huệ chính đạo chính danh, không vì tiếng ngợi lời khen, vì tình cảm vụn vặt mà làm mất thể đạo viên dung. Người dầu học rộng tài cao mà tâm đạo thiếu sáng soi thì tránh sao khỏi bị cái ta hẹp hòi hạn cuộc vào vòng nông cạn tư riêng, ví như nước ao hồ chỉ có ngần ấy mà không châu du cùng khắp.”
Bao nhiêu lời khuyên dạy nhắc nhở của Đại Ân Sư đầy lòng từ bi quảng đại, không ngại khó khăn, dốc lòng độ rỗi, dẫn dắt đàn em khờ dại, tận tình. Chúng đệ tử vô cùng cảm đội thâm ân, xin nguyện đem hết tâm tư sức lực cuộc đời để tuân hành những lời dạy quí báu của đại ân sư. Xin Ân Sư chứng minh và hỗ trợ cho chúng đệ tử hoàn thành sứ mạng.
Trả lời