Nghiệp số
Nghiệp số
Thiên Vương Tinh
Bất kỳ trong xã hội nào trên hoàn cầu này, đều có cảnh trạng: Người thì nhà cao cửa rộng, tiền của dư ăn dư xài, kẻ lại bửa đói bửa no, áo mặc không đủ ấm, chẳng có được mái nhà để đục nắng che mưa, phải tá túc nơi dạ cầu hay vĩa hè, hoặc lấy sạp chợ làm nhà… Người thì diện mạo khôi ngô, sức khỏe dồi dào, kẻ thì hình dáng xấu xí, thân thể gầy yếu bệnh hoạn, hoặc cùi đui mẻ sứt, câm điếc ngọng nghịu…Có người thông minh học giỏi, có kẻ ngu dốt dại khờ…v.v… Trước những cảnh ngộ tương phản như trên, khách bàng quan có cảm nghĩ gì? và chính người trong cảnh ngộ hẩm hiu, hằng ngày, hằng đêm có suy nghĩ gì về nguyên nhân số phận của mình? Xưa nay thiên hạ bảo rằng “mỗi người có số phận riêng”. Đúng, điều đó đúng, nhưng số phận con người do ai định?
I. SỐ PHẬN CON NGƯỜI KHÔNG PHẢI DO TRỜI ĐỊNH, CHÍNH CON NGƯỜI TỰ ĐỊNH LẤY SỐ PHẬN CHO MÌNH:
Cho tới ngày nay quan niệm nhân gian còn lắm mơ hồ và mâu thuẫn:
a. Nhiều người bị lâm vào cảnh lầm than bèn cất tiếng gay gắt than trời trách đất, Tạo hóa sao nở bất công thương người này bỏ người kia, lại đâm ra mang thêm tội lỗi, làm nặng thêm nghiệp xấu của mình, đồng thời tự để mình rơi vào thế tiêu cực, nghĩ sai lầm rằng con người làm sao cải được số Trời?
b. Chỉ có người giác ngộ nhờ có đọc hoặc được nghe đọc sách Thánh Hiền mới biết rằng mạng số tốt hay xấu, đều không do Trời định, mà chính là do cái NGHIỆP của mình tự tạo ra từ nhiều kiếp trước. Chính cái nghiệp đó, lành hay dữ, nhiều hay ít nó quyết định cái số phận của mỗi con người trong kiếp hiện tại.
NGHIỆP là gì ? Là kết số những việc thiện hay ác mà con người đã gây ra và gặt hái từ tiền kiếp. Tương quan thiện ác ra sao, bên nào ít bên nào nhiều? Cộng trừ rồi mà ác nhiều, trả chưa xong thì bị ghi NỢ để kiếp sau phải trả. Nếu thiện nhiều mà hưởng phước chưa hết thì được ghi VỐN TỒN ĐỘNG để kiếp sau hưởng tiếp. (Trên thực tế vì không có ai kêu ca về cái nghiệp lành, mà chỉ có kêu ca về cái nghiệp dữ đang phải trả, nên chữ nghiệp được đem ra giải thích để răn đời đó là nghiệp dữ). Cái nghiệp đeo đuổi theo bắt con người phải trả, được gọi là NGHIỆP BÁO, chẳng ai chạy trốn đâu cho khỏi, dù bậc nguyên căn hạ phàm mà lầm lỗi thì cũng phải chịu cho nghiệp nó tác động. Đó là qui luật, là đạo lý. Những điều chơn lý trên đây đều được các Đấng Thiêng Liêng dạy rõ trong Thánh Giáo Cao Đài.
Đức Chí Tôn dạy:
Tại nơi người tạo lập nó ra;
Rồi than, oán trách Trời già,
Không ngờ ta chác lấy ta cho nhiều.”
Đối với hàng nữ phái, Đức Mẹ Diêu Trì dạy:
Cũng núi sông, thời đại sống chung;
Đứa sao gác phụng lầu hồng,
Đứa sao lại chịu trong vòng thương đau?
Có phải chăng nhân nào quả đó,
Trước vụng tu nay khó bằng người;
Lúc buồn con lại trách Trời,
Khổ đau con lại trách Trời bất công”
Đức Lê Đại Tiên dạy:
Họa phước do người muốn đổi trao;
Báo ứng sớm chiều nhân quả kết,
Dẫu thương Trời chẳng biết làm sao.”
Có lần Đức Lê Đại Tiên giải câu chữ “Dương gian âm phủ đồng nhứt lý” như sau: Việc hữu hình thế gian tuy không phải như thế giới vô hình, nhưng cũng có nhiều điểm và nhiều trường hợp tương đồng. Một thí dụ đơn giản: Trời Phật Tiên Thánh là đấng cầm cân công bằng, tỷ như một chủ nhà băng. Còn con người làm lành, làm ác, ví như khách hàng đối với nhà băng. Hễ gởi tiền vào nhiều thì được lãnh ra nhiều, gởi ít thì lãnh ra ít. Nhược bằng vay nợ nhà băng mà không trả thì phải bị trừ lương hoặc là trát tòa tố tụng”.
Đức Diêu Trì Kim Mẫu có lần đề cập tới hạng người đội lốt tôn giáo, nhưng:
Một đàng lo tạo của tiền bất nhân”
Đức Mẹ thương hại dạy rằng:
Tưởng Phật ưa dua nịnh như đời;
Không lo tu tánh kịp thời,
Nội tâm cải tạo thành người chí nhân.”
Con người gặp nghiệp dữ nó khảo, chẳng những không nên trách Trời, mà cũng đừng kêu Trời xin Trời cứu. Đức Chí Tôn dạy:
Họa phước nơi con trước tạo đào;
Phước hưởng chẳng làm, gây họa nữa,
Có thương đứng ngó, liệu phương nao!”
Huấn từ của Đức Chí Tôn xác minh rằng vấn đề NGHIỆP BÁO là vấn đề QUI LUẬT, mà qui luật thì chẳng thiên vị, chẳng chừa một ai, Trời cũng không biết làm sao để can thiệp. Một đoạn trên có nói rằng dù bậc nguyên căn hạ phàm mà lầm lỗi thì cũng phải chịu cho nghiệp nó tác động, thì đây, Thánh giáo Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
Nguyên căn tá thế rồi sanh kiêu kỳ;
Dầu Tiên Phật từ bi bác ái,
Từ trên Trời sanh lại thế gian.
Nếu không tu tập mọi đàng,
Trau giồi linh tánh qui hoàn vị ngôi;
Thì vẫn bị luân hồi chuyển kiếp,
Tùy căn duyên quả nghiệp ít nhiều;
Thế nên người thế đừng kiêu,
Ráng tu ráng sửa sớm chiều luôn luôn.”
Vấn đề số phận do nghiệp tự con người tạo ra cho mình, thiết nghĩ chơn lý đã rõ ràng. Nhưng sở dĩ tới ngày nay, một số không ít người, cả đông lẫn tây, vẫn còn lấn cấn, vẫn còn cho rằng số mạng là do Trời định trước (tiền định), Trời định sẳn, có lẽ là do chỗ hiểu lầm chữ nghĩa trong sách vở. Có lần Đức Lê Đại Tiên phân tích, giảng giải như sau:
“Chư hiền đệ hiền muội! Sách có ghi rằng: “Nhứt ẩm nhứt trác giai do tiền định” nghĩa là: một sự ăn uống nào cũng đều có số định trước. Đó là nghĩa trắng. Còn nghĩa đen hay là cái lý ẩn tàng của câu đó là như thế này: mỗi mỗi việc chi tại thế gian này mà mỗi người đang thọ hưởng hay đang gánh lấy sự không may, đều có số định. Số định nơi đây không có nghĩa rằng Trời đã đặt để cho cho người này thế này, người kia như thế khác. Số định nơi đây có nghĩa rằng: tất cả những sự chi đưa đến cho mình, dầu việc ấy có xấu tốt, rủi may, lành dữ, vui buồn, đều do cái nhân chính của mỗi người tạo ra nó. Trong quá khứ hoặc xa hoặc gần, bởi có cái nhân nên mới có quả hiện tại cho mình đang mang lấy”.Xưa nay, những tên gọi “số phận”, “số mệnh” tự nó chẳng gây chút ý thức nào về nghiệp quả hay nghiệp báo, thỉnh thoảng lại bị những từ “tiền định”, “số định” đeo theo, khiến cho nhân thế hiểu lầm rằng số phận, số mệnh là do Trời định. Chi bằng ta theo thuyết chính danh của Đức Khổng, gọi một sự vật bằng một cái tên mang đủ và đúng ý nghĩa của nó. Vì vậy, chúng tôi mạnh dạn đặt tựa bài viết này “NGHIỆP SỐ”, có nghĩa đơn giản mà chính xác là cái số phận của con người do cái nghiệp nó quyết định.
II. CON NGƯỜI ĐƯỢC TỰ DO VÀ CÓ KHẢ NĂNG CẢI BIẾN NGHIỆP SỐ XẤU TRỞ THÀNH TỐT, ĐÃ TỐT THÀNH TỐT HƠN.
Bàn về “NGHIỆP SỐ” thì không thể không đề cập hai luật “NHÂN QUẢ” và “LUÂN HỒI”. Chính do tác động của luật Nhân quả mà Nghiệp hình thành. Nhân lành quả lành, nhân ác quả dữ, phước và tội do tư tưởng, lời nói và hành động của mỗi người đều được ghi không sót một cách mầu nhiệm, và mỗi bên lành dữ cứ như thế theo thời gian mà tích lũy. Quả lành chưa hưởng hết, quả dữ chưa trả xong trong hiện kiếp, thì NGHIỆP là bản kết toán, theo đó con người sẽ chịu luân hồi sinh tử để tiếp tục hưởng duyên lành hoặc trả nghiệp dữ ở kiếp lai sinh.
Phải biết sợ luật nhân quả, cố gắng tạo nghiệp lành, tránh tạo nghiệp dữ.Trong thời mạt pháp này, trên thế giới còn rất nhiều, thật nhiều người hung ác mặc dù đã được biết, được đọc trong sách vở lời giải thích về luật Nhân quả, một vấn đề hết sức đơn giản, rất dễ hiểu, rất khoa học và thực tế. Gieo giống chi thì gặt giống nấy, trồng đậu thì hái đậu, trồng khoai thì được khoai.v.v. thử hỏi có gì khoa học hơn? Thực tế hơn ? Từ đó suy ra, ai cũng biết rằng hễ làm ác thì gặt quả dữ, thế mà vẫn còn có đông người làm ác, kể cả những người đang phải trả nợ tiền khiên trong cảnh lầm than đau khổ mà vẫn chưa chịu thức tỉnh, chẳng chịu lo cải tạo nghiệp số hẩm hiu hiện tại cho được tốt hơn, lại còn gây thêm điều ngang trái. Thương thay cho những người chưa biết sợ luật Nhân quả. Có lần Đức Chí Tôn cất tiếng than:
Rồi Thầy lại dỗ con cái của Thầy:
“Sơ nhi bất lậu” lưới Trời đó con;
Luật Nhân quả các con khá sợ,
Luật trả vay, con chớ vay thêm”.
Thầy dỗ tiếp: “Các con nam nữ nên tin luật Nhân quả và nên sợ luật Trời. Thầy rất công bình, không vì thương mà tư vị một con nào hay bỏ một con nào. Các con phải sáng tạo những điều lành để sau hạnh hưởng.” Thầy lại dỗ thêm nữa: “Mấy con biết luật hình thế gian còn chưa tư vị thay, huống hồ là Thiên Điều, thì tránh sao cho lọt. Phải biết lo sợ tội tình cho lắm, phải có sợ mới có giữ mình, biết sợ phải biết giữ mình, phải hiểu rõ rằng “Thiên Địa vô tư” đừng ỷ là Đại Từ Phụ mà lờn oai nghe các con”. Không những người biết sợ luật Nhân quả sẽ biết giữ mình, sợ tội tình, không gây thêm nghiệp xấu mới, mà còn có khả năng cải tạo nghiệp số xấu từ trước trở thành tốt. Lý luận thật đơn giản, sở dĩ nghiệp số hiện tại bị xấu là vì bản kết toán đối chiếu hành vi thiện ác của chúng ta từ tiền kiếp nó nặng nghiêng về bên ác. Nay ta biết thức tỉnh ăn năn thì cứ làm ngược lại cho kết số bên “thiện” trở nên cao hơn, nặng hơn, qua mặt hẳn bên ác, nghiệp số mang số trừ (-) trước kia trở thành mang số cộng (+) thì cuộc đời sẽ đổi sắc, đổi chất ngay.Về phần những người tốt số đang hưởng phước lành nhờ có thiện duyên từ trước, cũng cần tiếp tục ý thức đúng mức về luật nhân quả, rán bồi đắp thêm nền tảng phước đức của mình.Trên thực tế, có lắm người vì không phải khổ đau trả quả xấu nên chẳng biết lo, chẳng biết sợ. Được hưởng bề phú quí hoặc công danh địa vị trong đời, thay vì lo lập thêm phước đức để nghiệp lành càng trở nên tốt hơn, thì lại dụng uy quyền để trục lợi, ngày ngày tiền bạc sẵn có cứ thẳng tay tiêu xài hoang phí. Than ôi! Có biết vốn phước đức ở nhà băng vô vi của mình là bao nhiêu mà thẳng tay tiêu xài? Chỉ tháng tới, hoặc năm sau, tồn khoản cạn rồi, chừng đó ăn năn sẽ muộn! Đức Chí Tôn dạy: “Ngày nay các con được ấm no phải lo làm phước đức, phải lo gieo hột giống tốt thêm nữa, đặng mà sau có mà nuôi thân thể, chớ ăn dứt giống, gặt tuyệt nòi, còn chi sanh trở lại?”
Thầy dạy thêm:
Gieo lại mà mai mốt còn ăn;
Nhược bằng hưởng quả, hột quăng,
Ngày sau thèm khát xin ăn của người”
III. ĐOẠN LÌA NGHIỆP QUẢ, THOÁT KIẾP LUÂN HỒI SANH TỬ.
Con đường tiến hóa của nhơn sanh dĩ nhiên là một con đường dốc đi lên, mỗi bước tiến lên là một cố gắng mới:
a. Cố gắng làm điều thiện để trả nợ tiền khiên.
b. Cố gắng lánh xa điều ác để tránh tạo thêm nghiệp xấu.
c. Cố gắng làm điều thiện để hưởng phước đức trong hiện kiếp.
d. Cố gắng làm điều thiện thêm nữa để tạo nghiệp lành cho kiếp lai sinh. Đó đã là những bước đi lên thật đẹp, thực hiện sự hoàn thiện hóa bản thân con người, và hệ quả là hoàn thiện hóa xã hội loài người, nếu như số người tu tiến ngày càng đông đảo. Nhưng, hưởng lợi lộc và hạnh phúc trần gian chưa phải là mục đích đời người. Con đường tiến hóa của nhơn loại không dừng lại ở đây, mà còn tiếp tục tới đích điểm giải thoát con người khỏi luân hồi sinh tử, trở về hiệp một cùng Đại Linh Quang Đức Chí Tôn Thượng Phụ.
Vả lại, dự tính bồi đắp thêm công đức để kiếp sau tiếp tục hưởng phước lành, nhưng không chắc con người sẽ có một đời sống theo ý muốn, không chắc sẽ có điều kiện để tiếp tục tu hành bình thường ở kiếp lai sinh. Vì sao?
a. Đời sống con người, nhứt là ở vào cuối thời mạt pháp như hiện nay, phải chịu sự tác động nặng nề của cộng nghiệp, chiến tranh chiến họa, tai vạ lan tràn, chẳng có mấy nơi, không có mấy lúc con người hưởng được cuộc sống thật sự an bình.
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát dạy:
Một kiếp người tai biến biết bao;
Hỏi coi những bạn giàu sang,
Xe hơi, tàu lớn, nhà lầu, của kho.
Hỏi ai được khỏi lo, khỏi sợ,
Hỏi ai không mang nợ trần gian;
Hỏi ai có được thập toàn,
Hay là cũng cảnh rộn ràng bối bê!”
b. Nếu cứ mãi xuôi dòng luân hồi sinh tử, con người có cơ lạc mất đường về, có thể sa vào đường thoái hóa! Bậc thiện tâm cần tự cảnh giác về điều này lắm thay!!!
Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ dạy:
Đắc thành cho khỏi đầu thai nhiều đời.
Luân hồi khổ lắm ai ơi,
Càng nhiều luân chuyển, càng bồi vô minh.
Lấp lần bản tánh chơn linh,
Lạc đường xa nẽo siêu sinh cõi Trời.”
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát dạy:
“Con người khi luân hồi chuyển kiếp chưa chắc gì được trọn vẹn làm người ở kiếp lai sinh. Bởi vì lòng người khó đo lường. Cũng thân xác con người mà tâm trạng đổi thay, từ thiện lương đến hung ác bạo tàn, đến nỗi còn hơn lòng dạ hổ lang nơi rừng sâu núi thẩm”.Nói theo ngôn từ của Tam Giáo Đạo, thì Ơn Trên mở đường chỉ lối cho nhơn sanh, từ tu PHƯỚC bước lên tu HUỆ. Vì đề tài hôm nay chủ yếu đưa ra bàn về chữ NGHIỆP, về NGHIỆP SỐ, nên không nói luôn cả tiến trình tu huệ, chỉ xin nêu lên mấy điểm “chuẩn bị hành trang tư tưởng cho nấc thang tiến hóa tiếp theo mà thôi.
Khi đã nhận thức được rằng ở cõi nhị nguyên vô thường này không chắc gì kiếp lai sinh sẽ được như ý nguyện, mà dù lai sinh có được hưởng phước trần gian đi nữa, thì:
Chẳng lụy trần ai một mãy hào;
Cực lạc nhàn du trong vĩnh cửu,
Thân an thú vị biết là bao!”
Hành giả sẽ quyết tâm đoạn lìa nghiệp duyên, thoát kiếp luân hồi sinh tử. Nợ tiền khiên cộng với nợ kiếp này, nhứt quyết mau trả dứt để nhẹ phần hành lý trên đường tiến hóa. Đức Quan Thế Âm Bồ Tát dạy:
Kiếp luân hồi buồn bã ai ôi!
Nếu khi hiểu rõ được rồi,
Sớm lo bươn trả quả nhồi nghiệp duyên.”
Hàng ngũ môn sanh Cao Đài được các Đấng Thiêng Liêng trang bị đầy đủ đức tin và tinh thần đón nhận sự nhồi quả.
Đức Văn Tuyên Khổng Thánh dạy: “Con người biết tu thì quả báo càng đến dập dồn, vì quả báo đem lại kiếp này cho chư môn đồ để chư môn đồ trả dứt hầu phản bổn hoàn nguyên.” Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ dạy: “Vì thời kỳ ân xá, nếu ai phát tâm đại nguyện quyết tu để phản bổn hoàn nguyên trong một kiếp nầy, thì phải bị nhồi quả. Người tu hay lâm nạn, đó là một sự thử thách vàng thau”. Một mặt chịu nhồi quả để trả dứt nợ, mặt khác về phần nghiệp lành, người tu giải thoát không còn ý định gởi nhà băng để dành kiếp sau hưởng nữa. Nhứt tâm nhứt đức lo làm việc thiện, làm “công quả” để xây nền cho pháp môn Tam Công, hỗ trợ cho “công trình” tu thân luyện kỷ hoàn thiện hóa bản thân, hỗ trợ cho “công phu” để lắng lòng thấy TÁNH, khai mở huệ năng. Thế là giải quyết dứt khoát đoạn lìa nghiệp duyên, thuyền tâm vươn cao cánh buồm trực chỉ về nguồn cội. Mục đích bài thuyết trình, tuy nói dong dài, nhưng có thể được tóm gọn bằng mấy lời:
– Nhận chân rằng chính con người tự quyết định số phận của mình, bởi chính mình đã tạo ra nghiệp dữ hay nghiệp lành. Cái số phận do nghiệp mình tạo ra được gọi là NGHIỆP SỐ.
– Nghiệp số do mình tạo thì mình tự do cải sửa từ xấu trở thành tốt như ý muốn.
– Đạt được trình độ tiến hóa này rồi, con người giác ngộ thêm rằng: Thôi, mãi quẩn quanh làm chi với nghiệp dữ, nghiệp lành ở cõi trần ai, hãy nhứt tâm đoạn lìa nghiệp duyên, thoát vòng sanh tử, siêu sanh về cõi vĩnh hằng.Để kết luận xin nương theo Thánh Ý của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, kính chúc toàn thể quí Huynh Tỷ Đệ Muội đều quyết tâm tu giải thoát và ai nấy đều thành công trong kiếp này:
Trả lời