Thực hành giới cấm sát sanh trong đời sống hàng ngày

Ngày đăng: 02-01-2011 | Lượt xem: 2367

THỰC HÀNH GIỚI CẤM SÁT SANH

 TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

Chánh Tuân

1.     Ý nghĩa của giới cấm sát sanh:

Theo Tân Luật của Đạo Cao Đài, giới cấm Sát Sanh là: Chẳng nên sát hại sanh vật.

Sát: Giết chết. Sanh: sống, sự sống.

Sát sanh là giết chết sự sống.

Sát sanh là giới cấm rất quan trọng, đứng đầu trong Ngũ giới cấm: Nhứt bất sát sanh. Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q2, 1964, Thầy có dạy như sau:

“Thầy đã nói với các con rằng: khi chưa có chi trong Càn Khôn Thế Giới thì khí Hư Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực.

Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng, mới lập ra Càn Khôn Thế Giới. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là: vật chất, thảo mộc, côn trùng, thú cầm, gọi là chúng sanh.

Các con đủ hiểu rằng: Chi chi hữu sanh cũng do bởi chơn linh Thầy mà ra, hễ có sống ắt có Thầy. Thầy là Cha của sự sống, vì vậy mà lòng háo sanh của Thầy không cùng tận. 

Cái sống của cả chúng sanh, Thầy phân phát khắp Càn Khôn Thế Giới, chẳng khác nào như một nhành hoa trong cội, nó phải đủ ngày giờ Thầy nhứt định mới trổ bông và sanh trái đặng trồng nữa, biến hóa ra thêm; nếu như ai bẻ hoa ấy nửa chừng thì là sát một kiếp sanh không cho biến hóa. 

Mỗi mạng sống đều hữu căn hữu kiếp, dầu Nguyên sanh hay Hóa sanh cũng vậy, đến thế nầy lâu mau đều định trước, nếu ai giết mạng sống, đều chịu quả báo không sai; biết đâu là cái kiếp sanh ấy chẳng phải là Tiên, Phật bị đọa luân hồi mà ra đến đổi ấy.

Cái mạng sống là Thầy, mà giết Thầy thì không phải dễ, các con gắng dạy nhơn sanh điều ấy.”

Qua đoạn Thánh ngôn trên chúng ta thấy rằng thú cầm với con người đều có một Đấng Cha chung là Đức Thượng Đế Chí Tôn, đều là huynh đệ của nhau. Do vậy chúng ta không nên sát hại sinh vật. Dù côn trùng, ong kiến, vô cớ cũng không nên sát hại. Phải tôn trọng sự sống dù mạng sống đó là của sinh vật nhỏ mọn nhất; vì cuộc sống nào cũng có một giá trị thiêng liêng. Người có lòng nhân từ chẳng những không hành hạ, làm khổ một sinh vật nào, mà còn tìm cách giúp đỡ mọi loài tiến hóa, vì chúng là những huynh đệ còn thơ của con người chúng ta. Mặc dù ở trong kiếp thú, nhưng chó, mèo, heo, trâu, ngựa… đang ở gần con người để học tập. Trải qua một số kiếp luân hồi nữa, những thú vật này sẽ thành người. Và cũng rất có thể những cái kiếp sanh ấy chính là Cửu Huyền Thất Tổ của chúng ta bị phạm tội hoặc Tiên, Phật bị đọa luân hồi để trả quả. Quả báo sẽ không dung thứ một ai cố ý sát hại loài vật. Chẳng những không được sát hại mà còn không hành hạ, đánh đập đau đớn thú vật nữa. Máu thú vật cũng đỏ như người. Thú vật cũng đủ lục phủ ngũ tạng: tai, mắt, mũi, tâm, can, tỳ, phế, thận… như người.

Trong kinh “Khuyến Nữ Hồi Tâm”, Đức Mẹ cũng có dạy rằng người với cầm thú tuy hình thể không hoàn toàn giống nhau nhưng cùng là huynh đệ của nhau, cũng đều có chung một điểm linh căn của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế:

“Lắm phen rồi Mẹ khuyên chay lạt,

Gốc gì đâu sanh sát cấm ngăn?

Cũng tình liên lạc đồng bằng,

Thú cầm vẫn thể linh căn Thượng Hoàng.

Bởi chưng thú chẳng quang minh lắm,

Cần trau tria rửa tắm nhiều giờ;

Với con là lũ em thơ,

Nỡ nào nhìn nhỏ xác xơ thân hình?

Tuy chẳng nói thân hình giống tạc,

Cũng biết ăn, biết khát, biết đau;

Phơi da, lóc thịt làm sao?

Con ôi! Sao uống huyết đào đàn em?”

2.     Tác hại của việc phạm giới cấm sát sanh:

Nếu có dịp quan sát cảnh sát sanh tại một lò mổ nào đó, chúng ta sẽ không tránh khỏi động lòng trắc ẩn khi nhìn thấy những con vật sắp bị đưa ra làm thịt. Chúng sẽ rất run sợ, co ro một góc, nhìn đồng loại của mình đang giãy dụa trước lưỡi dao, ngọn búa của người đồ tể, thậm chí có con thú còn chảy nước mắt ròng ròng khi biết mình sắp bị chung số phận với những đồng loại của nó. Nếu người đồ tể không có một chút động lòng trắc ẩn trước những cảnh tượng đó thì Đức Nhân trong họ đã bị đánh mất. Một khi con người đã làm quen không một chút động lòng trắc ẩn trước sự đổ máu và nỗi đau đớn, quằn quại của con vật, sẽ dễ coi thường sự đổ máu của con người; cũng như dễ dàng dửng dưng trước nỗi đau khổ  của đồng loại. 

Trong kinh “Khuyến Nữ Hồi Tâm”, có đoạn Đức Mẹ miêu tả tâm trạng những con thú sắp bị sát hại đã rất run sợ, van lơn xin được tha cho mạng sống nhưng nào có tác dụng gì khi người đồ tể đã mất hết lòng nhân:

“Nhìn con thú sắp đem làm thịt,

Vây quanh mình đen nghịt những người;

Tay dao, tay búa, nói cười,

Thú kêu thảm thiết, nhìn người van lơn!

Xin ai chút lòng nhơn bác ái,

Thả tôi ra, tôi chạy thăm con;

Trẻ trông, trẻ sợ gầy mòn,

Ơn nầy ghi tạc, trả tròn ngày sau!

Mặc cho thú lệ trào buồn bã,

Những người kia nghiêng ngã reo hò;

Vô tình huơ búa vo vo,

Biết đâu lòng thú quá lo, quá sầu!

Khi mạnh khỏe kê đầu làm việc,

Giúp đỡ người chẳng biết kêu la;

Dầm sương, dãi nắng, phơi da,

Sống làm tôi mọi, thác già xẻ thây!”

Thi hào La Martine lúc lên 10 tuổi, mục kích cảnh thú vật bị giết: thân run rẩy, mắt trợn dọc, máu ở cổ phun ra có vòi. Cảnh rùng rợn đó in sâu trong tâm não ông. Từ đó, ông không dám ăn thịt nữa. Trong bài thơ “La Chute d’un Ange”, ông đã lên án gắt gao cử chỉ tàn bạo của loài người: Chẳng những đối xử tồi tệ với thú vật mà lần lần vì thói quen, người lại giết người không gớm tay. Ở Mỹ và nhiều quốc gia Tây phương có Hội Bảo Vệ Thú Vật. Họ có cả nghĩa địa để chôn thú vật, đôi khi còn làm đám ma và mộ bia nữa!

Khi sát sanh hại vật thì chúng ta phải mắc nợ nghiệp sát, theo luật công bình của Tạo Hóa thì giết mạng phải đền mạng. Hơn nữa chúng ta sẽ gieo sự thù oán từ phía những con vật bị sát hại và phải chịu trả quả do nghiệp sát gây nên. Trong kinh “Khuyến Nữ Hồi Tâm”, Đức Mẹ có dạy:

“Rồng, cọp dữ nơi đây không sánh,

Người cầm dao giết đánh thú cầm;

Ăn ngon sướng miệng bao năm,

Hờn kia, oán nọ, ngàn năm còn hoài!

Thượng Đế sanh muôn loài vạn vật,

Chiết Chơn Thần ẩn cất bên trong;

Bởi nên những kẻ ác lòng,

Giết loài cầm thú, sân rồng tội căn!

Con nên hiểu mỗi lần giết thú,

Là con làm hại đủ Thượng Thiên,

Sát sanh, hại vật nên kiêng,

Ấy điều thứ nhứt dạy riêng năm lần!”

 Đức Thái Thượng Đạo Tổ cũng có dạy:

“Một đừng sát vật hại ai,

Sát mạng thường mạng xưa nay đã nhiều.

Loài máy cựa ấp yêu sự sống,

Cũng như người chớ vọng sát sanh;

Ngọn rau vô tội chớ hành,

Không ăn sao nỡ dạ đành chẳng thương!

Nhơn giữ vững bước đường ái chủng,

Vạn sanh linh trọng dụng chẳng chê;

Thương người đau khổ tư bề,

Thương người đói khó thảm thê ngoài đường.

Giữ vẹn vẻ lòng thương vạn loại,

Thì linh Tâm định lại từ bi.

Và trong kinh Sám Hối, Ơn Trên cũng có dạy:

“Lòng Trời Đất thương đều muôn vật,
Đức háo sanh Tiên, Phật một màu;
Thượng cầm, hạ thú lao xao,
Côn trùng, thảo mộc, loài nào chẳng linh.
Nó cũng muốn như mình đặng sống,
Nỡ lòng nào tuyệt giống dứt nòi;
Bền công kinh sách xem coi,
Vô can sát mạng thiệt thòi rất oan.
Chớ kiếm thế gọi ngoan xảo trá,
Lưới rập chim, thuốc cá, đốt rừng;
Thương thai phá noãn lẫy lừng,
Tội căn báo ứng biết chừng nào an.
Lại có kẻ hung hoang ác nghiệt,
Cướp giựt rồi chém giết mạng người;
Đoàn năm, lũ bảy dạo chơi,
Hiếp người lương thiện, phá đời hại dân.
Tua khá tưởng thương lần nòi giống,
Hãy xét vì mạng sống khó cầu.”

Khi phạm giới cấm sát sanh thì âm chất của mình sẽ bị hao mòn như lời dạy của Đức Lê Sơn Thánh Mẫu:

“Một: khuyên con đừng mong hại vật,

Bởi “sát sanh” âm chất hao mòn;

Tuy rằng tánh mạng cỏn con,

Nhưng cơ tiến hóa sống còn luật chung.

Kìa giống thú biết cùng đoàn thể,

Có tánh linh biết kể mẹ con;

Nỡ nào yếu mất mạnh còn,

Không lòng từ ái miệng ngon ích gì?

Xưa KHỔNG THÁNH cơ vi hiểu được,

Nói nên lời mực thước dạy dân;

Văn thinh xúc động tâm thần,

Kiến sanh chẳng nỡ dự phần chết oan.

Gẫm suy ra đến hàng đồng loại,

Người giữa người tất phải rộng thương;

Dù cho thể chất trăm đường,

Hồn thiêng có một nghĩa phương lâu dài.

Con rõ thông đề bài Giới Sát,

Giới sát là mở hoát đức Nhân:

Đức Nhân Tiên Phật tối cần,

Ngũ thường đệ nhứt hiệp phần giác linh.

(Đức Lê Sơn Thánh Mẫu, tý thời, 17 tháng 8 Canh Tý (07-10-1960) 

3.     Phương pháp sống đạo để không phạm giới cấm sát sanh:

3.1 Ăn chay:

          Một trong những phương pháp gián tiếp để tránh gây nên nghiệp sát là ăn chay. Dẫu ta không tự tay trực tiếp sát sanh, nhưng cũng gián tiếp qua tay đồ tể, khi chúng ta ăn mặn. Nếu nhiều người cùng ăn chay thì lượng thú cầm bị giết hại sẽ giảm đi một cách rất đáng kể.

          Ăn chay không chỉ có tác dụng giải nghiệp cho chính bản thân mình mà còn giải nghiệp cho cả những người thân của mình nữa.

Ngoài tránh được nghiệp sát và giải trừ nghiệp chướng như phân tích ở trên, ăn chay còn có một lợi ích rất thiết thực cho chính bản thân con người qua nghiên cứu sau đây: Theo Tiến Sĩ Michio Kushi, thịt ươn thúi trong bộ tiêu hóa, các chất hóa học như bột ngọt, kẹo, kem lạnh, nicotin… là những chất độc. Cơ thể cần phải làm tiêu chất độc ấy bằng sự bài tiết như đổ mồ hôi, đại tiểu tiện với phân và nước tiểu. Nhưng khi chất độc quá nhiều so với khả năng bài tiết thì cơ thể phải gom các chất độc ấy vào một chỗ. Đó là bướu (kyste, tumeur). Thế là ung thư xuất hiện. Cho nên ung thư là cách chống đỡ tự nhiên của cơ thể người ăn thịt để cứu vãn sự sống. Đó là luật thiên nhiên cho tất cả sinh vật trong vũ trụ.

Trong Thánh Giáo Cao Đài, Ơn Trên cũng rất chú trọng đến việc khuyên chúng ta nên ăn chay và giới sát.

Trong mười điều khuyến tu của Đức Chí Tôn, Thầy có dạy:

“Ðiều thứ tư: Pháp môn qui luật,

Lục, thập trai cố sức trao dồi;

Thịt thì xương máu tanh hôi,

Cỏ cây rau cải cũng rồi bữa ăn.

Ðức từ bi thường hằng thể hiện,

Không sát sanh lòng thiện ta còn;

Lạt chay tuy chẳng ngọt ngon,

Còn hơn thú vị cơm chan máu hồng.

Trong kinh “Khuyến Nữ Hồi Tâm”, Đức Mẹ cũng có khuyên ăn chay:

“Tự so sánh xác thân cái máy,

Mỗi ngày đi, vẫn chạy, vẫn xoay;

Hao lần mòn mỏi hư trầy,

Phải cần dầu mở chế đầy mới thông.

Muốn linh hồn “cõi không” siêu thoát,

Thì phải toan chay lạt mới mau;

Mỗi giờ luyện Đạo dồi trau,

Nhẹ nhàng xác khí, ra vào thông thương.

3.2 Không làm những việc liên quan đến sát sanh hại vật:

Chúng ta phải tuyệt đối dứt khoát không làm những việc liên quan đến việc sát sanh hại vật như sau:

         Không làm các nghề săn bắn thú cầm, đánh bắt cá tôm…

         Không mở nhà hàng, quán ăn, quán nhậu vì khi mở một nhà hàng, quán ăn, quán nhậu thì ít hay nhiều chúng ta cũng phải tiêu thụ vài chục cân thịt mỗi ngày. Để có mấy chục cân thịt đó, lò sát sinh phải giết thêm thú vật.

         Không làm nghề đầu bếp mà chính bản thân mình phải trực tiếp nấu những món ăn tươi sống có nguồn gốc từ động vật, vì khi nấu những món ăn tươi sống đó sẽ phải giết hại sinh vật.

         Nên hạn chế lạm dụng việc chiêu đãi bạn bè bằng thức ăn mặn mỗi khi có hỷ sự như được thăng quan tiến chức, thôi nôi, đầy tháng, “rửa” những món hàng mới mua… vì mỗi khi tổ chức tiệc khao đãi bạn bè bằng thức ăn mặn như vậy sẽ làm cho không ít những sinh vật bị sát hại.

         Việc cúng giỗ Cửu Huyền Thất Tổ phải nên cúng chay vì nếu cúng mặn không những chúng ta tự gieo nghiệp sát cho chính bản thân mình mà còn gieo nghiệp sát cho người đã quá cố nữa.

Sau đây là một thí dụ về việc cần thiết phải cúng chay cho người thân đã qui liễu qua lời dạy con tên là Bỉnh Nghiên của chơn linh một vị Chức Sắc phẩm Giáo Sư được Đức Quán Thế Âm độ dẫn về đàn nhân mùa Trung Nguơn cầu siêu tháng bảy năm Nhâm Dần (1962):

“Ngày mồng chín tháng tư vĩnh biệt,

Hai mươi giờ rưỡi kiệt hơi mòn;

Nhâm Dần từ giã các con,

Chơn linh xuất khỏi được tròn phận cha.

Thấy các trẻ nhỏ sa lụy ngọc,

Khuyên từ nay ráng học tu thân;

Bỉnh Nghiên cha dạy tua vâng,

Những ngày giỗ chạp nên cần cúng chay.

Để cha được phước nay siêu độ,

Nhẹ linh hồn Tiên lộ bước lên.

3.3 Những việc nên làm để giải trừ nghiệp sát:

         Thường xuyên thực hiện việc phóng sanh.

         Cố gắng tập ăn chay càng nhiều càng tốt, nếu có điều kiện thì ăn chay trường luôn sẽ rất quý.

         Luôn cầu nguyện cho bá tánh để họ bớt gây thêm nghiệp sát.

Chánh Tuân.

Đọc thêm Cô Ba Cháo Gà nói chuyện Âm Phủ: 

http://tongiaocaodai.blogspot.com/2010/11/ia-nguc-ky-hay-co-ba-chao-ga-noi-chuyen.html

Bài viết khác:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *