Sơ lược về hạnh nguyện và công đức của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát

Ngày đăng: 02-10-2010 | Lượt xem: 2032

SƠ LƯỢC VỀ HẠNH NGUYỆN VÀ CÔNG ĐỨC
CỦA ĐỨC QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT

Ðức Quán-Thế-Âm Bồ-Tát là một vị Cổ-Phật trong đời quá khứ với danh hiệu là Chánh-Pháp-Minh Như-Lai, vì hạnh nguyện đại bi muốn cứu độ chúng-sanh và làm cho chúng-sanh được an lạc nên Ngài không chứng quả Phật để an vui tự tại nơi cõi Niết-Bàn, mà Ngài vẫn hiện thân Bồ-Tát, phân điển quang khắp cõi Ta-Bà, tầm thinh cứu khổ và tận độ chúng-sanh.
Trong Kinh Diệu-Pháp Liên-Hoa, Phẩm Phổ-Môn có dạy rằng: Công đức của người thọ trì danh hiệu vô số các Ðức Phật và công đức của người thọ trì danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát so sánh đồng nhau. Hễ ai thành tâm thọ trì danh hiệu và thờ kính Ngài thì sẽ được vô lượng phước đức và sẽ được Ngài chở che, cứu giúp qua khỏi các tai nạn. Cũng trong Phẩm Phổ-Môn, ai thọ trì danh hiệu đức Quán-Thế-Âm thì cầu chi được nấy (nếu việc đó không trái với đạo-lý).
Trong Kinh Ðịa-Tạng, phẩm 12, Ðức Thế-Tôn Thích-Ca Mâu-Ni Phật có khen ngợi rằng: vì Quán-Thế-Âm Bồ-Tát có nhân duyên lớn với cõi Ta-Bà nầy, nên tất cả các chúng-sanh hoặc Thiên, hoặc Long, hoặc nam, hoặc nữ, hoặc Thần, hoặc quỷ, cho đến chúng-sanh tội khổ trong sáu nẻo luân-hồi, hễ nghe danh hiệu của Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, thấy hình ảnh Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, luyến mộ và tán thán công đức Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, thì những chúng-sanh ấy đối với đạo-quả Ðại-Bồ-Ðề đều không thối chuyển, thường sanh vào các cõi Trời, cõi người, hưởng phước vui mầu nhiệm, và khi nhân quả thành thục rồi thì gặp Phật thụ ký cho…
Trong Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm, quyển 6, vào thời quá khứ cách nay hằng hà sa số kiếp, có một vị Bồ-Tát sở trường phép tu Tam-Muội về Nhĩ-căn viên-thông với danh hiệu là Quán-Thế-Âm (nghĩa là quán sát âm thanh kêu cầu mà cứu). Vì vậy cho nên trải qua các kiếp tu hạnh Bồ-Tát, Ngài vẫn giữ danh hiệu Quán-Thế-Âm.
Kinh Thiên-Thủ Thiên-Nhãn Ðại-Bi-Tâm Ðà-La-Ni có chép rằng: Ðại oai thần lực của Bồ-Tát Quán-Thế-Âm không thể nào suy xét bàn luận được. Ngài có phát lời thệ nguyện rằng: “Nếu tôi về đương lai có thể làm nổi những việc lợi ích an lạc cho tất cả chúng-sanh thì ngay bây giờ đây thân tôi hãy phát sanh đủ ngàn tay và ngàn mắt”. Quả như vậy, Ngài phát lời thệ nguyện vừa xong thì hiện đủ ngàn tay, ngàn mắt. Chính vì vậy mà Ngài còn có danh hiệu là “Thiên thủ thiên nhãn Quán-Thế-Âm Bồ-Tát“. Ðức Phật Thích-Ca có dạy ngài A-Nan rằng: “Quán-Thế-Âm Tự-Tại Bồ-Tát có ngàn tay, mỗi tay đều tiêu biểu cho hạnh tùy thuận các sự mong cầu của chúng-sanh. Ðó cũng do tâm Ðại-Bi của vị Ðại-Sĩ ấy hóa hiện”.
Và còn rất nhiều kinh điển ca ngợi hạnh nguyện công đức của Ngài không thể kể xiết.
Từ xưa tới nay, tất cả nhân sanh có tín ngưỡng đều nhận biết và ghi nhớ công đức cứu thế độ đời vô lượng vô biên của Ðức Quan-Thế-Âm Bồ-Tát. Sau biến cố 1975, nhân dân Việt-Nam trên bước đường vượt biên tìm tự do, với lòng thành tín đối với Quan-Thế-Âm Bồ-Tát đã cảm nhận được ân đức cứu khổ cứu nạn của Ngài hơn bao giờ hết.
Ngoài phần cứu giúp về mặt hữu hình, Ðức Quan-Thế-Âm Bồ-Tát còn trợ giúp về mặt tâm linh cho nhơn sanh trên bước đường tu học. Ðặc biệt nhứt là trong thời kỳ Thượng-Ðế lập Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ nầy, Ðức Quan-Thế-Âm Bồ-Tát lãnh trọng trách vô cùng quan trọng, đại diện Phật-Giáo trong hàng Tam-Trấn Oai-Nghiêm. Trong khuôn khổ Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ, Ngài giáng cơ dạy rất nhiều, tùy theo căn trí, hoàn cảnh và trình độ của nhơn sanh mà dạy dỗ bằng những lời vàng ngọc dịu dàng tha thiết, dễ hiểu, dễ hành, đượm lòng từ ái vô biên. Các bài Thánh-Giáo của Ngài vô cùng phong phú, siêu diệu và minh triết, thích hợp cho đủ mọi căn cơ và trình độ.
Tóm lại, Ngài ban bố từ ân ngập tràn thế giới, vừa tầm thinh cứu khổ, vừa hoán cải mê tân, vừa hộ thần dìu dắt cho những người tu niệm.
Mặc dù là một vị Như-Lai, một vị Cổ-Phật, quyền uy vĩ đại, pháp lực vô biên, nhưng Ngài lập đại-nguyện cứu độ chúng sanh đời đời kiếp kiếp nên Ngài không an vị tự tại nơi cõi Tây-Phương Cực-Lạc Niết-Bàn, mà vẫn luôn luôn ở cương vị của một Bồ-Tát đa năng, đa công, đa hạnh để tận độ chúng sanh hữu tình.
Mặc dù đạo quả đã vượt mức tối cao, tối thượng, vô cực, vô biên, không âm, không dương, không nam, không nữ, nhưng Ngài vẫn giữ cốt cách một Bà Mẹ nhân từ phúc hậu rất gần gũi với nhơn sanh, với lòng Ðại-Từ Ðại-Bi sâu dày lớn rộng để thể hiện quyền năng, pháp lực, và công đức cứu đời không mệt mỏi của Ngài từ vô lượng kiếp cho tới bây giờ.
Ôi! Công đức của Quán-Thế-Âm Bồ-Tát thật là vô lượng, hạnh nguyện của Ngài thật là vô biên, thần thông diệu dụng của Ngài không thể nghĩ bàn…

HẠNH TỪ-BI NHẪN-NHỤC:

* Hạnh Từ-Bi Nhẫn-Nhục của Quán-Thế-Âm Bồ-Tát đáng để cho toàn thể chúng-sanh học hỏi và hành theo. Một sự tích tiền kiếp của Ngài được lưu truyền trong dân gian mà hầu như chúng ta ai cũng đã được biết qua đó là tích Quan-Âm Thị-Kính. Theo sự tích nầy, sau khi Thị-Kính bị mối hàm oan mưu giết chồng, nàng bèn cải nam trang, theo gương Phật-Tổ xuất gia tu hành. Nàng được vị sư cụ trụ trì ngôi chùa nọ thâu nhận làm đệ tử và đặt cho pháp danh là Kỉnh-Tâm… Một thời gian sau thì sãi Kỉnh-Tâm bị tín-nữ Thị-Mầu vu oan cho tội gian dâm khiến cho Thị-Mầu mang thai…Ôi! Oan tình cao hơn núi Thái, uẩn khúc sâu tợ biển Ðông! Lúc đó, là gái giả trai, nàng chỉ cần bộc lộ thân phận nữ nhi của mình là sãi Kỉnh-Tâm có thể tự minh-oan một cách dễ dàng. Tuy nhiên, Kỉnh-Tâm (tức Thị-Kính) vẫn ngậm đắng nuốt cay ôm mối hàm oan tủi nhục và còn nuôi dưỡng đứa con của Thị-Mầu cho đến ngày nàng lìa đời. Ôi, Hạnh Từ-Bi Nhẫn-Nhục của Ngài không bút mực nào tả xiết và đáng để cho chúng ta học hỏi hành theo.
* Ngoài công đức cứu khổ cứu nạn, Ngài còn luôn theo sát để nhắc nhở, dạy dỗ cho hàng đệ tử và nhơn-sanh các phương thức tu học, cách sửa mình cho nên người thánh-thiện để xứng đáng là hàng môn đệ của Ðức Chí-Tôn Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế trong thời kỳ Ðại-Ðạo hoằng khai nầy.
  Ngài dạy rằng:
  “Thời đại Hạ Ngươn đã và đang diễn biến những tấn tuồng ly loạn khắp nơi trên mọi chiều hướng nhân sinh đau khổ. Giọt nước từ bi của Ðạo-cả nhiệm mầu cũng đã rưới chan nơi trần gian để cứu vớt toàn linh trong giấc mộng hải hùng. Lòng từ bi của Ðấng CHÍ-TÔN, của những hàng Tiên Phật không bao quản cõi trần ô trược, đến để mà dìu dắt trở lại nguyên thỉ của con người. Chư hiền đệ hiền muội là hiện thân của Ðấng Chí-Tôn, của Ðại-Ðạo, thì nên thể hiện phong thái của Thầy, của Ðạo, của hàng Tiên Phật Thánh Thần, mà lấy lượng từ bi tu thân hành Ðạo.
Chư hiền đệ hiền muội! Ai cũng thường cầu nguyện thiêng-liêng Trời Phật phò hộ cho mình, cho gia đình được an bình hạnh phúc, nhưng có bao giờ cầu nguyện cho mình đủ dạ từ bi để sẻ chia, để thông cảm, xử sự với tha nhân như Ðức Chí-Tôn đối với chư hiền đệ muội không?
Bần-Ðạo nhận thấy ít có như vậy lắm! Vì không lưu ý điểm quan trọng đó, mới phát sinh những bất đồng lẫn nhau mà không có sự dung tình nhẫn nhục. Nhẫn-nhục không phải là một điều hèn yếu, thua sút đâu chư hiền đệ muội. Chính những lúc chế ngự giặc lòng, những lúc đè nén sự giận dữ phiền muộn là những lúc sức mạnh vạn năng của tâm hồn được khơi dậy lẫy lừng. Có nhiều lần chiến thắng nội tâm lừng lẫy mà không hay biết, như vậy mới tạo cho mình một hào quang đạo hạnh sáng lạng vô cùng. Bởi người tu theo Ðạo khác với người đời tự do phóng túng để thị dục cuốn lôi, chớ người đời kẻ Ðạo ai cũng như ai, ngoài thân phàm xác thịt có chi là khác. Khác với người, cao cả hơn người là ở chỗ làm cho lòng mình được yên ổn, được mẫn tuệ, được rộng rãi như đại dương, như không gian vũ trụ vô cùng, mà người thế thường không ai làm nổi…” (Nam-Thành Thánh-thất, Tuất thời 14 tháng 10 Canh-Tuất (12-11-1970)

KHÔNG NÊN TU ÍCH KỶ

Buổi đời Nguơn-Hạ, chúng-sanh đang sống trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, khắp nơi tai biến dập dồn, thiên tai địa ách hoằng hành, khiến cho những bực linh căn giác ngộ ưu thời mẫn thế phải đau xót trong lòng, muốn giủ gánh trần ai để tìm đường giải thoát cho tâm hồn. Tuy nhiên, Ðại-Ðạo dụng phép Ðời Ðạo song tu, nên Ðức Quán-Thế-Âm Bồ-Tát dạy cho chư môn đệ hãy buông bỏ đi tánh ích kỷ, noi theo gương hạnh của Ngài để phát khởi lòng đại-bi và kết duyên lành với tất cả các chúng-sanh. Ngài dạy rằng:
  “Như Bần-Ðạo đây, trải bao nhiêu kiếp, khi thân nam, lúc thân nữ, kiếp giàu, kiếp nghèo, kiếp làm nô lệ, kiếp làm công chúa, nhưng mỗi kiếp đều giữ vẹn tâm hồn giải thoát, giác ngộ, không mê muội hồng trần, ấy cũng nhờ thiện căn nhiều kiếp có công tu. Như hiện nay mỗi cá nhân chư hiền đệ muội đều là một tế bào trong vũ trụ, là Thánh-Thể đức Chí-Tôn, không một ai tu ích kỷ mà thành Tiên, thành Phật để trở về ngôi vị thiêng liêng hưởng một mình, mặc tình chúng sanh nhân loại, thế trần khổ đau cách mấy cũng không lòng thương xót, thì ngôi Phật Tiên ấy không có giá trị gì cả.
  Bởi vậy khi Bần-Ðạo sanh tiền tu đắc quả Bồ-Tát, phát Thập-Nhị Nguyện cứu khổ cứu nạn chúng sanh. Nguyện rằng: Nếu còn thấy một vật nào còn đau khổ, thì Bần Ðạo thề quyết không nhập Niết-Bàn để hưởng an lạc ích kỷ được…”
Quả thật như vậy, không một ai tu ích kỷ mà thành Tiên, thành Phật để trở về ngôi vị thiêng liêng hưởng một mình, mặc tình chúng sanh nhân loại, thế trần khổ đau cách mấy cũng không lòng thương xót, thì ngôi Phật Tiên ấy không có giá trị gì cả.”

GIÁO PHÁP ĐẠI THỪA BA LA MẬT

Ðức Quán-Thế-Âm Bồ-Tát đã khéo léo đem giáo-lý giải-thoát vô-thượng đại-thừa lồng vào những thí dụ căn bản dễ hiểu, dễ hành, để dạy lại cho các hàng đệ-tử và chúng-sanh. Ngài giảng dạy về hạnh Bố-Thí Ba-La-Mật và tinh túy của Kinh Ðại-Thừa Kim-Cang trong những đoạn Thánh-Giáo ngắn gọn sau đây:
  Hễ người biết việc đại nghĩa thì không có điều gì gọi là thi ân bố đức. Nhớ câu Kinh: “Phật ái chúng-sanh như mẫu ái tử“.
  Có khi nào cha mẹ hy sinh mọi hạnh phúc riêng mình, từ giờ ăn giấc ngủ, từ tấm áo chiếc khăn cho con mà lại nói rằng đó là thi ơn bố đức cho chúng đâu?
  Làm với tư cách nhiên nhiên mặc mặc, làm theo tiếng gọi của lương tri lương năng, làm với ý niệm vô tư tâm, vô bản ngã, vì thích việc nhân nghĩa thiện đức mà làm, không vì tiếng khen cùng tư lợi…” (Thánh bộ Từ bi Thông Thiên học, Tuất thời mùng 1 tháng 4 Đinh Mùi (9-5-1967)
  “… Hãy xem một vị lương y đã và đang tận tụy với nghề nghiệp, với lương tâm, dốc làm sao cứu người thoát khỏi nanh vuốt của tử-thần, chớ không phải để nổi danh là ông thầy giỏi.
  Một giáo sư ngành giáo dục đem hết khả năng dạy dỗ đám học trò là vì lương tâm chức nghiệp, muốn mầm non thế hệ được trở nên hữu ích cho đời trong mai hậu, chớ không phải để được nổi tiếng là ông thầy hay.
  Còn trong lãnh vực tu hành cũng vậy. Xả thân hành Ðạo giúp đời, xây dựng những mầm non cho thế hệ là vì chánh đạo chánh nghĩa, vì nhân loại, dốc làm sao nêu gương sáng, qui hợp những bạn lành, đặt guồng máy hành Ðạo cho thông suốt tinh nhanh, đem tình thương công lý lại cho đời, dốc cải tạo tư tưởng người đời hướng về nẻo thiện, hầu lập lại đời thuần lương thiện mỹ ở thế hệ ngày mai, chớ không phải vì danh vị của hàng giáo phẩm Thiên-phong Chức-sắc để được nổi tiếng là thầy tu ở cõi đời hữu chất này…” (Thánh-thất Bình-Hòa, Tuất thời rằm tháng 9 Đinh Mùi (18-10-1967)
Càng nhiều nhân lành quả tốt, càng khiêm tốn nhân nhượng, khước từ mọi tiếng khen của người thế gian…. Lòng chỉ mong lập công bồi đức hành Ðạo để giúp tay Thượng-Ðế, phụng sự Thiên-cơ với lòng vô tư, không lập vị hữu ý mà địa vị hoặc ngôi vị Thiêng-Liêng đã dành sẵn cho người đáng vị trí của nó.
  Bần-Ðạo cũng nhắc lại một lần: Ðừng sợ e tu hành không đắc Ðạo, không đạt đến ngôi vị Phật Tiên, mà chỉ e cho phẩm hạnh, đức độ và công quả của mình không xứng đáng để đảm nhận những ngôi vị ấy.” (Minh-Lý Thánh-Hội, Tuất thời mùng 1 tháng 3 năm Kỷ Dậu (3-5-1969)
Ôi, lời châu tiếng ngọc của Ðức Bồ-Tát thật vô cùng quý báu! Nếu chúng ta hành đúng theo được những lời dạy trên của Ngài thì chúng ta đã và đang hành Bồ-Tát hạnh vậy.

KIỂM ÐIỂM BẢN THÂN & ÐO LƯỜNG SỰ TIẾN ÐẠO:

Trên đường đời, làm bất cứ việc gì cũng cần phải biết kết quả thu được từ việc đó. Trên đường Ðạo, Ðức Quán-Thế-Âm Bồ-Tát cũng đưa ra những phương thức giản dị để kiểm điểm bản thân và đo lường sự tiến Ðạo cho hàng môn đệ và chúng-sanh noi theo.
Ngài dạy rằng:
          “…Nếu được phổ độ thêm nhiều sanh linh, tạo nhiều hồng quang điển: hễ hồng quang điển đến đâu thì nạn tai tránh xa đến đó. Vì vậy, Bần-Ðạo khuyên người tín đồ Ðại-Ðạo, không luận chức sắc thiên phong, đều có bổn phận tự giác, giác tha, làm thế nào để được xứng danh nghĩa Tam-Kỳ Phổ-Ðộ.
          Chư hiền muốn thành Phật ư? Muốn thành Tiên, Thánh, Thần ư? Ðược, tốt lắm.
          Chính trong thân tâm chư hiền, mỗi người đều có cái tạm gọi là vốn liếng để thành Phật, Tiên, Thánh, Thần. Miễn chư hiền biết trọn lành từ tư tưởng đến việc làm cùng lời nói. Loại nào của các bực Phật, Tiên, Thánh, Thần nên nuôi dưỡng mà tiến hành. Còn những tư tưởng, hành động, lời nói nào của ma quỉ, phải chừa ngăn. Có như vậy mới sớm toại nguyện.
          Thử đặt một câu hỏi: Nếu mình làm đúng, nói đúng, trong lúc đó có người nói ngược lại, mình có bực tức giận chăng? Nếu có, tức là không được Phật tánh!
          Nếu khi gặp cơn đói lạnh, mình chỉ còn một chén cơm cho cả gia đình, trong lúc đó gặp người hàng xóm xin chia bớt một phần, mình có chia chăng? Nếu không, tức là thiếu lòng bác ái, chẳng được thành Tiên!
          Nếu khi cơn ghiền rượu đang hoành hành, ở nhà còn sót một vò rượu ngon, hỏi mình có tự nhẫn kiên, không dùng rượu, để sáng suốt tinh thần, tiếp điển hành pháp chăng? Nếu không nhẫn được là không thành Thánh.
          Nếu cần một món tiền chia hai, bên ba phần, bên năm phần, cho thân nhơn với một người láng giềng, có ưng lòng chia phần nhiều cho người hàng xóm chăng? Nếu không thì chẳng được thành Thần.
          Những sự kiện nghe qua rất tầm thường, nhưng xét lại thật là khó hành. Mà hễ khó hành thì không thành. Muốn thành phải kiên nhẫn, hy sinh, đức độ. Nếu ngược lại, bắt cá hai tay, làm sao đắc quả, vì câu:

Thiên-Ðàng thì cũng muốn lên,
Tiếc vì sự nghiệp một bên còn nhiều.”
(Huờn Cung Đàn, Tý thời, 14 rạng Rằm tháng 5 Ất-Tỵ (13-6-1965)

Ðể ca tụng công đức vô lượng vô biên của Ðức Quan Thế-Âm Bồ-Tát, chúng ta cũng nguyện theo gương của Ngài mà tu hành và lập công bồi đức để tiếp nhận được phần nào hồng ân cứu độ của Ngài.
Vì thời giờ giới hạn, còn hạnh nguyện và công đức của Quán-Thế-Âm Bồ-Tát thì vô hạn, nên chúng tôi xin được tạm dừng nơi đây.
Trước khi mãn Ðàn, chúng tôi xin mượn lời của Ðức Quán-Thế-Âm Bồ-Tát để kính tặng đến toàn thể quý đạo-tâm đạo-hữu đã không quản ngại đường sá xa xôi đáp lời mời đến dự cuộc Lễ kỷ niệm vía Ðức Quán-Thế-Âm Bồ-Tát ngày hôm nay:
“Hôm nay, Bần-Ðạo rất vui nhìn thấy tinh thần đạo-đức gắn bó của chư hiền-sĩ, hiền-muội các nơi về đây chung dưới mái Thánh-Ðường. Bần-Ðạo mong cho lòng Ðạo ấy mãi mãi càng gia tăng để chung lo xây dựng Ðạo Trời trong thời buổi chót của Nguơn Hạ“.

(Huờn Cung Đàn, Tý thời, 14 rạng Rằm tháng 5 Ất-Tỵ (13-6-1965)

Nam-Mô Tầm-Thinh Cứu-Khổ Cứu-Nạn Quán-Thế-Âm Bồ-Tát.
Nguồn: www.thienlybuutoa.org

Bài viết khác:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *