Quan niệm về chữ Hiếu trong Đạo Cao Đài

Ngày đăng: 23-10-2010 | Lượt xem: 2100

QUAN NIỆM VỀ CHỮ HIẾU 
TRONG ĐẠO CAO ĐÀI
Chí Đạt

Sau đây xin trích một vài đoạn trong bài “Suy nghĩ về cội nguồn truyền  thống dân tộc” của nhà nghiên cứu khoa học xã hội Thanh-Lê: Truyền thống của dân tộc ta chỉ tiến lên về phía trước và tiến tới thắng lợi hoàn toàn. Thật vậy, vào năm thứ 40 Trưng-Trắc và Trưng-Nhị đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Hán xâm chiếm nước ta. Sau khi đất nước giải phóng Trưng-Trắc được suy tôn lên làm vua. Nhà thơ Thanh-Phong đã nói lên :

“Trưng-Nữ-Vương thật phi thường,
Thù nhà nợ nước quật cường đấu tranh.
Trong gian khổ quyết giành thắng lợi,
Đuổi ngoại bang rời khỏi cõi bờ,
Thường tình nhi nữ ai ngờ;
Tung gươm giết giặc phất cờ vinh quang”.
Hay : “Trưng-Vương xưa cũng nữ nhi,
Đeo gươm bảy thước kém gì tài trai”;
Và : “Tinh thần cao thấp nhờ thi,
Giục tài nữ sỹ sánh bì cùng nam.”
(Đoàn-Thị-Điểm)

Đến thế kỷ thứ III, bà Triệu xuất hiện với tài thao lược chỉ huy quân lính đánh hàng trăm trận làm cho quân thù phải tìm đường bỏ xác tháo chạy. Hình ảnh uy dũng ấy đã sống mãi trong lòng dân tộc:

“Và sau  đó trung cang Triệu-Ẩu,
Đã bao phen chiến đấu diệt thù,
Giữ gìn tổ quốc thiên thu,
Âm vang sống mãi lời ru ngọt ngào,…”

Hay có câu: “Gánh gồng gái cũng như trai,
Liều thân cứu nước nên vai nữ thần.”

Dưới triều Lý vào thế kỷ thứ IX có bà Ỷ-Lan là người tài nghệ cao cường thông minh, có tài trị nước, có sức mạnh đoàn kết toàn dân chống xâm lược.Truyền thống nối tiếp truyền thống có nữ tướng Lê-Chân, Bùi- Thị-Xuân, … từ các vua Hùng đến các nữ tướng kiệt xuất đó, từ thế hệ này qua thế hệ khác đều là con cháu Quốc mẫu Aâu-Cơ. Điều đáng làm cho thế hệ chúng ta lấy làm tự hào là với chính sách hủy diệt đồng hóa của phong kiến phương Bắc, dẫu vơ vét đốt sạch các văn tự, sách vỡ thành đóng tro tàn nhưng không thể nào đốt được tinh thần bất khuất hay xóa nhòa gốc tích của dân tộc Việt-Nam được. Tiếp theo đó là hơn 80 năm nô lệ dưới chế độ thực dân Pháp với chính sách chia để trị, “máu chảy ruột mềm” nhân dân ta đã đoàn kết một lòng chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng với chiến dịch Hồ-Chí-Minh lịch sử đã đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược.
Với chiến thắng mùa Xuân năm 1975, Tổ quốc Việt-Nam thu về một mối và càng có điều kiện từ nay trở về với cội nguồn dân tộc sau hàng thế kỷ ôm ấp nhưng phải đương đầu với bão táp mưa sa gió cuốn, chịu những nỗi bất hạnh khủng khiếp, những tai họa kinh hoàng đến nỗi ta không dám nghĩ đến vì luôn có sẵn những thế lực bên ngoài tác động, hủy diệt, tàn phá,…
Lần về cội nguồn dân tộc là tìm đến người mẹ của dân tộc Việt- Nam ta : “Quốc mẫu Âu-Cơ”. Thật là cảm động khi nghe 2 câu đối:

“Nhìn non thương nghĩa Mẹ
Trông biển nhớ ơn Cha”. 

Đã là con Hồng cháu Lạc, chúng ta cần đội ơn các nhà lịch sử, khảo cổ dân tộc,… đã khẳng định được sự xuất hiện của Tổ quốc Việt-Nam để con cháu nối tiếp truyền thống, và không thể nào quên công lao của những người đã tạo lập nên những di tích mang tính chất lịch sử như đền thờ các vua Hùng, Tổ đình Quốc Tổ Lạc-Hồng và nơi thờ các vị anh hùng dân tộc,…Đó là những dấu nhắc ẩn sâu vào nền văn hóa của dân tộc, vào tâm khảm của mọi người dân Việt-Nam với tình thương yêu cổ xưa nhất ngàn đời và cũng viõ đại nhất là tình yêu đối với các bậc Công Thần xây dựng nên Tổ quốc Văn-Lang. Đó chính là sự báo hiếu của mọi người đối với Cha Mẹ khai sinh giòng giống Bích-Ngọc và đất nước Việt-Nam anh hùng.
Như vậy, hằng năm mỗi lần đến Ngày mùng 1 (Âm lịch) tháng Giêng là Tết Nguyên-Đán, chính ngày ấy là Ngày đại lễ vía Quốc phụ Lạc-Long-Quân hay còn Tết cổ truyền dân tộc, mà cũng là Ngày vía đức Đương Lai Hạ Sanh Phật Vương Di Lạc Thiên Tôn. Là người Việt-Nam chúng ta luôn khắc cốt ghi tâm vị Quốc tổ của giống nòi; ngoài ra còn phải luôn tưởng nhớ đến Ngày lễ vía Quốc mẫu Âu-Cơ mùng 5 tháng 5 (âm lịch) :

“Tháng năm ăn Tết Đoan-Dương,
Nhớ ngày Giỗ Mẹ Việt-Thường Văn-Lang.”

Trước khi trở thành Quốc lễ Hùng-Vương mùng 10-03 âm lịch, nhà thơ Hồ- Hậu-Duệ đã có bài thơ GIỖ TỔ HÙNG-VƯƠNG :

“Mùng Mười âm lịch tháng Ba,
Cùng nhau kỉnh lễ Giỗ CHA Tiên-Rồng.
LẠC-LONG-QUÂN-PHỤ tiên phong,
ÂU-CƠ TIÊN-MẪU dày công tạo gầy.
Trăm con tài đức đủ đầy,
HÙNG-VƯƠNG nối tiếp dựng xây giống nòi.
Khai sơn, phá thạch, đắp bồi,
Mở mang bờ cõi rạng ngời núi sông.
Hỡi ai giòng máu Lạc-Hồng ?!?
Trọng Cha, kính Mẹ dặn lòng hiếu trung.
Nước non xinh đẹp lạ lùng.
Nhờ bao thế hệ anh hùng uy linh.
Hồn thiêng sông núi vẹn gìn,
Nay ta trọn hưởng thắm tình quê hương.
Đền ơn đáp nghĩa cang thường,
Dặn lòng chung thủy, kỷ cương đứng đầu.
Dù ai đi ngược về đâu?
Nhớ ngày Giỗ Tổ hướng chầu tổ tiên.
Anh linh tú khí diệu huyền,
Núi sông rạng rỡ, hồn thiêng sáng ngời./.
Hay : “Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Muời tháng Ba”

(Ca Dao) 

Và để từng bước cảm thông, chia sẻ tấm lòng của cha mẹ và bên cạnh có nỗi niềm của thầy cô giáo, ở vị trí và bổn phận làm con xin xem qua bài thơ KHUYÊN CON của nhà thơ Thanh-Phong:
“Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy,
Cưu mang, đùm bọc đong đầy khổ tâm.
Dưỡng nuôi cực nhọc lặng thầm,
Sữa cho bú mớm nuốt ngầm từng giây.
Lớn dần,… lừa cá cơm nhai,
Đút ăn từng muỗng sợ đầy miệng con.
Có khi sặt sụa đau lòng,
Và rồi từng lúc tập dần bước đi.
Lỡ chân vấp ngã nằm y,
Thịt da trược sướt tức thì quặng đau.
 

Con ơi, con biết chăng nào ?
Xương cha, máu mẹ chia vào thân con.
Dần dà con đặng vuông tròn,
Quà bánh, sách vở, áo quần, đồ chơi,…

Rồi khi mưa gió trở trời,
Ốm đau cha mẹ phải ngồi canh thâu;
Chạy lo thầy thuốc cạnh cầu,
Thuốc men các loại mạch sầu chơi vơi.
 

Con dần khôn lớn với đời,
Món ăn, vật lạ, vui chơi, học hành;
Đến kỳ khoa cử ghi danh,
Mong sao con đặng công thành tuổi tên.
 

Nghề nghiệp, công việc tạm yên;
Đến ngày cưới gã thống truyền tổ tiên.
“Nhơn, nghĩa, lễ, trí, tín” liền,
Hiếu trung là gốc, mối giềng tam cang.
 

Tổ quốc, trường học, gia đàng,
Ba nghĩa vụ đó luôn mang trong lòng.
Con ơi, nguồn cội Lạc-Hồng;
Đền ơn đáp nghĩa giống giòng Việt-Nam./.

Mặt khác, đứng về phương diện tâm linh, con người là một linh thể, tức là có  linh hồn và thể xác, nhưng phần linh hồn luôn điều động thể xác được thể hiện qua các quan niệm sau:
Theo quan niệm của Thông-Thiên-Học, con người gồm có 3 thể hay còn gọi là 3 hột nguyên tử trường tồn (atome permanent). Xin trích nguyên văn một đoạn (trang 85) trong quyển Con đường giải thoát:
Ba hột nguyên tử trường tồn là : Một hột ở xác thân, một hột ở thể vía, một hột ở thể trí. Ba hột nầy như ba cái máy thu thanh, có 3 cuộn phim để ghi tất cả những gì đã nghe, thấy và làm, cũng như máy vô tuyến truyển hình, truyền thanh ghi tất cả tiếng nói, hành động nghe, thấy của tất cả mọi người, như cái dĩa hát, thâu ghi tiếng hát.
Hột nguyên tử của xác thân(corps physique) : Ghi những gì do xác
thân làm, như tham ăn, thích uống, hút á phiện, ham dục tình,v.v…

Hột nguyên tử của thể vía(corps astral): Ghi gịân hờn, oán ghét,
Suy nghĩ điều ác, ghanh gỗ, tham lam ngã lòng, nhủn chí và những xúc động về tình cảm,v.v…
Hột nguyên tử của thể trí (corps mental): Ghi kiêu căng, phách lối,
tự đắc, tự cao, khinh khi kẻ khác, suy nghĩ điều lành và những ý chí & lý tưởng, v.v…

Muốn biết việc làm, nghe, thấy, suy nghĩ hằng triệu năm trước cho.
Đến ngày nay, cứ phăng cuộn phim của ba hột trường tồn thì biết tất cả. Cuộn phim ấy Thông-Thiên-Học gọi là Văn-khối vô thủy vô chung (Archives Akasiques).
Đấng Cầm Cân Tội Phước (Le seigneur du Karma) trước khi cho linh hồn nào xuống thế để làm quan, làm tướng, hay là ăn xin (ăn mày) điều căn cứ vào việc lành dữ đã ghi nơi ba hột trường tồn, rồi cho linh hồn ấy xuống đầu thai vào ngày giờ tốt, xấu do “Tử-Vi” đã định sẵn, do đó mà nhà Tử-Vi có kinh nghiệm nhiều, sau khi biết đùng giờ, ngày, tháng, năm sanh của một linh hồn nào đã nhập thế, là biết được tương lai của nó.

Một vong linh hay một người đã chết rồi, hồn nó xuống cơ hay nhập cốt, cũng thấy và nói được dễ dàng những gì chúng ta đang tưởng tượng hoặc đã làm trong mấy ngày trước hoặc nhiều năm trước tùy theo trình độ tiến hóa hiểu biết của vong linh ấy, vì việc làm đã qua đều ghi trong hạt nguyên tử trường tồn, mà vong linh hay người ấy đã thấy được.
Thế thì mọi hành động lành dữ của con người không thể nào giấu giếm được khi đứng trước đấng Cầm Cân Tội Phước hay là đứng trước một người có huệ nhãn. Biết được như thế, thiết tưởng không nên dại dột làm nên tội lỗi, hoặc có những tư tưởng hung ác, xấu xa để làm cho hoen ố linh hồn, để rồi sau nầy bị luật Trời trừng phạt. Lưới Trời đã bủa giăng khắp mọi nơi, dầu một việc làm giấu kín trong đêm tối, hoặc nơi chốn vắng vẻ không người, hoặc trong hang núi, hoặc ở sâu trong quả đất, bất cứ nơi đâu đều có lưới Trời bủa giăng và ghi lại trong ba hột trường tồn. Cổ nhân có câu : “Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu”.
Và ĐỨC GIÁO-TÔNG VÔ-VI có dạy:

“Hãy giữ chơn linh đặng trọn lành,
Ngọc – Hư toàn ngự đấng tinh anh,
Thiên điều Cổ-Phật không chừa tội,
Hình phạt Chí-Tôn chẳng vị tình.
Chánh trực kinh oai loài giả dối,
Công bình vừa sức kẻ chơn thành.
Mũi kim chẳng lọt xưa nay hẳn;
Biết sợ xin khuyên cẩn thận mình”

Theo quan niệm của Đạo Cao-Đài, trong con người có 3 phần:
Chơn linh hay linh quang, còn gọi là linh hồn do đức Ngọc-
Hoàng Thượng-Đế ban cho, nó vô hình và luôn hằng hữu bất diệt mà Thông – Thiên-Học gọi là thể trí.

Chơn thần hay linh căn chơn tánh là đệ nhị xác thân, nó vừa
Hữu hình và vừa vô hình do đức Diêu-Trì Kim-Mẫu ban phát, Thông-Thiên-Học gọi làthể phách.

Thể xác hay xác thân là vật chất do tinh cha huyết mẹ ở trần gian
tạo thành, nó hữu hình thì hữu hoại, mà Thông-Thiên-Học gọi là xác phàm.

Theo quyển Ngọc-Lộ Kim-Bàn, đức Diêu-Trì Kim-Mẫu ban
cho 96 ức linh căn chơn tánh tại Kim-Bàn, hóa thành hình người chạy lại giành mỗi vị một túi báu vật có tên gọi Vạn-Bửu-Nan, trong đó có chứa 8 món báu là : Hiếu, Để, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ mà chữ Hiếu cao quý hơn hết. Xin trích nguyên văn một đoạn, trang 67, 68 như sau:

“…..Nói về lúc linh căn bái từ Lão-Mẫu mà xuống thế, phía bên hữu có 1 vị Thiên Thần hiệu là Cù-Tán-Đởm, Lòng hiểm tánh cao, thấy chúng linh căn bái từ Lão-Mẫu mà chẳng nói đến y, trong lòng nổi giận, bỏ Lão-Mẫu dắt 5 con ma trốn xuống trần, đặng biến ra việc hại mà ngăn trởchúng linh căn chẳng đặng trở về.
Cù-tán-Đởm dẫn 5 con ma bay ra ngoài Huỳnh-Tiêu-Thiên, tạm ở trong biển Bắc chỗ dưới Vỹ-Lư-Quan (nước biển phải tùng cái quan đó mới phân thanh trược) đến chừng có kỳ hội khai y ra biến hóa mà làm loạn trong Chánh-Đạo, như hồi mấy khi trước, Si-Du, Thông-Thiên, Dương-Châu, Mặc-Địch, Huỳnh-Cân, mấy người đó cũng là ra phá Đạo. Năm con ma theo đó là : Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, y sai biến làm 5 thứ dục hải mà buộc ràng chúng linh căn, cướp đoạt cái túi Vạn-Bửu-Nan và 8 món báu đặng khiến cho linh căn chẳng đặng hoàn nguyên phản bổn, nó dẫn vào trong địa ngục mà chịu tội. Năm com ma ùng lên một tiếng đi xuống trần thế biến hóa.
Kim ma biến thành của báu, tiền bạc (nhà lầu, xe hơi, vàng
ngọc,…) nó buộc cái thân của người. Mộc ma biến làm mỹ sắc (người đẹp) nó làm mê chơn tánh của người. Thủy ma biến làm rượu cao (bia) nó mạnh cái đởm của người. Hỏa ma biến làm khí giận (nóng) nó đông cái oai của người. Thổ ma biến làm nha phiến (cần sa, ma tuý) nó làm cho khô cái thể của người. Chín mươi sáu ức chơn tánh linh căn đều bị trong Tửu, Sắc, Tài, Khí. Yêu nó phá điên điên đảo đảo, loạn loạn mê mê, chẳng nhớ đến hồi khi mẹ dặn, ham theo việc trân vui chơi, chẳng muốn đi ngồi tòa sen,…”

Như vậy, chữ hiếu đối với cha mẹ vô hình tức là Trời Đất, đã ban cho chúng ta chơn linh, chơn thần mà mọi tín hữu Cao-Đài chúng ta phải đầy đủ hùng tâm dũng chí, với nghị lực ý chí phi thường mới gìn giữ được Bát cẩm nang ấy (trong đó chữ hiếu là món báu quan trọng hơn hết).
Câu ca dao đã thấm sâu lòng người mà nền giáo lý của Phật-giáo thường nhắc nhở “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật” có câu:

“Gió đưa cành trúc la đà,
Mẹ cha còn sống Phật Đà hiện thân”.

Vào ngày Lễ Trung-ngươn Rằm tháng bảy, hay Lễ Vu-Lan Thắng-Hội, chúng ta thường được nghe thuyết pháp hoặc nghe truyện tích Đại hiếu Mục-Kiền-Liên, dù Ngài đã Bồ-Tát đã được đệ nhất thần thông nhưng chưa cứu được Mẹ là bà Thanh-Đề, mà phải kỉnh nhờ đức Phật hướng dẫn cách giải cứu qua sự giúp đỡ của chư Tăng hội hiệp cùng trì kinh siêu độ cho mẹ vào Ngày Tự tứ (15-7 âm lịch), mà bà Thanh-Đề được siêu thoát. Xin trích một đoạn Thánh giáo Cao-Đài, như sau:

“… Mục-Liên đảnh lễ đền ơn,
Thầy là Từ Phụ đáp đền trọng thay!
Con nay bái tạ Như-Lai,
Xin Thầy giảng tiếp một bài hiếu ân.
Làm sao vẫn kính song thân,
Cho tròn phước báu vẹn phần sáng trong.
Người là đệ tử đoạt thông,
Nhãn nhỉ tỉ thiệt thân không nhuốm trần.
Đây là Ta dạy cân phân,
Ngươi nên thanh tịnh vẹt lần khí đen.
Mục-Liên mừng rỡ lời khen,
Xin Thầy dạy pháp thắp đèn lưu ly.
Thành tâm báo hiếu hạnh qui,
Đến Rằm tháng bảy thực thi hóa hoằng.
Trai tăng chí kỉnh số đông,
Mười phương chư Phật cũng đồng hồi nguyên.
Trung ngươn báo hiếu hạnh thiền,
Là ngày ân xá xích xiềng hồn oan!
Ngươi mau trở lại Tây phang;
Cầm cây phướng trắng dẫn đàng trai tăng…”
Hay: “Mục-Liên “Báo Hiếu Trọng Ân” duyên,
Thí pháp trai tăng cứu mẹ hiền,
Rải điễn oai năng chư chúng hội;
Thanh-Đề thoát ngục khổ triền miên”
Thanh-Đề Bồ-Tát 

Truyện thơ “Nam-Hải Quan-Âm” đã kể lại công chúa Diệu -Thiện xuất gia đi tu và sau đó cảm hóa, chuyển độ cho vua cha hung ác trở lại thành người tĩnh ngộ. Đó chính là đại hiếu vậy:

“Chân như đức Phật rất mầu,
Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân,
Hiếu là độ được song thân,
Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài”.

Vào khoảng giữa năm Ất-Sửu (1925) trước thời kỳ Khai Đạo Cao-Đài có cô Vương-Thị-Lễ, một vị Nữ Phật thứ 7 tức là Thất Nương Diêu-Trì Cung (trong hàng Cửu vị Nữ Phật hầu đúc Từ-Tôn Vô-Cực) thường xuyên giáng cơ về cảm hóa các vị Tiền bối dần dần nhiễm mùi đạo qua những bài thi văn vô cùng thâm thúy, ý nhị. Đến năm 1929, khi hay tin thân phụ là Vương-Quan-Trân (anh cụ Vương-Quan-Kỳ) qui liễu, bị tội đọa ở Âm phủ. Thất Nương lén bỏ Diêu-Trì-Cung lặng lẻ xuống Diêm đài để thức tĩnh cha nên bị Ngọc-Hư-Cung đã bắt tội.
Một lần về cơ, Thất Nương đã bày tỏ nỗi niềm hiếu đạo với đức Hộ- Pháp và các vị Chức sắc Hiệp-Thiên-Đài, như sau:

“Hỏi ai có biết hiếu ra sao?
Chín chữ cù lao giá thế nào?
Hình vóc cảnh Tiên còn dính máu,
Chơn thần nước Phật giữ thai bào.
 

Nỗi riêng chưa vẹn thân từ phụ,
Nghĩa nặng đeo đai phận má hồng.
Thà xuống âm cung chia khổ tội;
Cha vầy, ai nở ngự đài cao !”

Đã là con người sinh ra trên cõi đời nầy là phải chịu đau khổ, ngay cả Thất-Nương là một vị Phật khi đầu thai xuống trần cũng không ngoài định luật ấy, mà có khổ mới học được thêm bài học tiến hóa. Đó chính là chủ trương của đức Thượng-Đế vậy!
Và khi được đặc ân của Ngọc-Hư-Cung xá tội, Thất-Nương liền tình nguyện đến cõi Âm-quang để độ rỗi các chơn hồn thất thệ, hầu đáp đền ân nghĩa cho đức Chí-Tôn:

“Hai kiếp đeo đai lắm nợ trần,
Cái thân vì khổ bận cho thân,
Niềm duyên đổ ngọc lan phòng nguyệt,
Nỗi hiếu rơi châu tưới mộ phần.
 

Giữ Đạo mong chờ ngày độ tịch,
Bán mình quyết cứu độ song thân.
 

Nước non càng ngắm càng thêm chạnh,
Chạnh thảm khi mang mảnh xác trần.”

Đến đây, xin kể lại câu chuyện hiếu thảo của một người con trai đối với mẹ tại Liên-Hoa Cửu-Cung, xã Linh-Xuân, quận Thủ-Đức: “Anh Phạm-Văn-Paul, có Thánh danh Thiện-Ngôn mồ côi cha từ lúc 4 tháng tuổi, mẹ anh sanh 2 người con, chị anh có chồng và được 2 cháu, từ thuở nhỏ anh đã ăn chay trường, khi đến tuổi vị thành niên anh quyết tâm không lập gia đình với lời đại nguyện : “Xả thân hành đạo – giúp đời”. Khi cha anh mất, lúc mẹ anh vừa tròn 22 tuổi, bà vẫn một lòng thờ chồng nuôi con, hy sinh lo đạo đến mãn cuộc đời, vào ngày 24-11 Nhâm-Ngọ, hưởng thọ 75 tuổi. Một đám tang hiếm có đối với người tín hữu đạo Cao-Đài vùng Thủ-Đức với sự tham dự viếng tang của nhiều đoàn thể, các chùa đình và nhất là có hơn 40 Thánh thất, Thánh tịnh trong đạo Cao-Đài, họ hàng, bạn bè, gia đình các bệnh nhân,… từ khắp nơi xa gần đã nói lên kết quả cái nghĩa tận mà hết sức là tràn trề cái nghĩa tình.
Một khi nói đến tấm gương sáng của người mẹ để lại cho các
con, và Thiện-Ngôn nói riêng, hiền huynh đã đắp bồi thêm nhiều công quả phước báu chẳng hạn như giáo dục đào tạo nhiều thế hệ thanh thiếu niên trong các ban Lễ, Nhạc, Đồng nhi, Nhà thuyền,
Thuyết minh giáo lý, Dẫn pháp và hoằng pháp trong cơ tịnh luyện,.… chưa kể đến việc Tạo tác xây dựng, Liên giao hành đạo, Điều hành tổ chức bộ máy hành chánh đạo cùng với Ban cai quản và Bổn đạo, và đặc biệt là Cứu chữa biết bao bệnh nhân với căn bệnh mãn tính, nguy kịch,… từ nhiều năm qua ở khắp mọi nơi. Khách quan và thành thật mà nói, một tín hữu Cao-Đài với tuổi đời 53 như hiền huynh đã xả thân hành đạo, phụng sự nhơn sanh, không lập gia đình tất nhiên không có con để nối dõi tông đường, thật là một sự hy sinh to lớn khó có người làm được như vậy.

Ngày trở về cõi Thiêng liêng hằng sống trong ý nghĩa phản bổn
hoàn nguyên của mẹ hiền huynh Thiện-Ngôn là một đại lễ tang được thành công viên mãn và danh dự, có thơ rằng:

“Liên bạch tỏa ngời tĩnh chúng sanh,
Sắc không, không sắc Nhị-nguyên hành,
Thanh thinh vẹn vẻ hòa tâm thức;
Hương vị nhập vào cõi Thượng thanh”

Câu truyện kể trên há chẳng phải là sự đại báo biếu đối với các
bậc sinh thành, và đối với đấng Chí-Tôn – Phật-Mẫu hay sao?

Đức Đại-Từ-Phụ hằng dạy :

“Đài vân quang võ để phong thần,
Còn Đạo Thầy đây để nhắc cân,
Muôn đức ngàn lần không sót một;
Bao nhiêu công quả, bấy nhiêu phần”.

Để minh chứng điều nầy, trong quyển Dưỡng-Chơn-Tập có nói :
“Trời Đất là cha mẹ của muôn vật. Con người thờ Trời Đất cũng như thờ Cha Mẹ. Ở địa vị giàu sang phát đạt mà chẳng vượt vòng phép tắc (ỷ thế hiếp cô, …). Đương mạng vận nghèo nàn hoạn nạn mà không sai mất trung chánh (xảo trá, hà lạm,…)
Có kẻ hỏi : “Cha mẹ đã mất, làm sao mà giữ chữ hiếu?”
Trả lời: “Cái thân của con là cái thể của cha mẹ rơi để lại, rán giữ đừng để cho nó hoại, ấy là thờ cha mẹ đó”.
Cái tánh của người ta là điểm sáng suốt của Trời Đất ban cho, khéo nuôi dưỡng đừng để cho nó táng, ấy là thờ Trời Đất đó”.
Bạch-Tẩn Lão-Nhơn nói rằng: “Người được thành Thánh, thì kẻ khác kêu cha mẹ mình bằng Thánh phụ, Thánh mẫu. Người được thành Tiên, thì kẻ khác kêu cha mẹ mình bằng Tiên phụ, Tiên mẫu. Người được thành Phật, thì kẻ khác kêu cha mẹ mình bằng Phật công, Phật mẫu. Còn người cả đời phàm ngu thô tục (dung lục), ta chẳng biết kẻ khác kêu cha mẹ nó bằng cái gì há?!?”
Tóm lại, quan niệm chữ hiếu của Đạo Cao-Đài được thể hiện như sau:
Phải luôn có hiếu thảo với các đấng sinh thành, tức là cha mẹ
Sinh ra mình bằng xương, bằng thịt, bằng xác thể hay xác phàm trong kiếp người của cuộc đời nầy.

Phải luôn trọng hiếu với cha mẹ sinh ra dân tộc của mình.
Người Việt-Nam là con của Rồng, cháu của Tiên thì phải đền ơn đáp nghĩa Quốc phụ Lạc-Long-Quân và Quốc mẫu Âu-Cơ tạo ra nòi giống Lạc-Hồng và khai lập Văn-Lang-Quốc, nay là Quốc gia Việt-Nam.
Phải luôn hiếu kính với đức cha Ngọc-Hoàng Thượng-Đế hay
Đấng Cao-Đài sáng lập tinh cầu 68 nầy ban cho chơn linh, chủ về luật tiến hóa, và đức mẹ Diêu-Trì Kim-Mẫu ban cho chơn thần, chủ về tình thương yêu.

Và để chấm dứt bài viết nầy, xin được kết thúc bằng Điều thứ mười trong Ngọc-Kinh Huỳnh-Đạo, trang 18 ,19, 20 với lời từ huấn của đức Phật Thầy Tây An, trao truyền cho lại cho chúng ta:

“ĐIỀU chót hết MƯỜI ghi trăm nhớ,
 PHẬT (1), PHÁP, TĂNG con chớ quên ơn,
GIA ĐÌNH (2) nghĩa trọng nhiều hơn;
Tình thương xã-hội giúp cơn thiết cần.
Ơn TỔ-TIÊN (3) dành phần con đó,
 

Đó những lời dặn bảo, Thầy mong,
Con ơi, hãy khá ghi lòng !
Bấy nhiêu tâm huyết mấy dòng thi văn !./.

Chí Đạt


Ghi chú :
(1): Cổ Phật tức là Thượng-Đế và Phật-Mẫu : Cha mẹ vô vi ban chơn linh và chơn thần cho chúng ta.
(2): Nơi cha mẹ trần gian sinh ra xác phàm của chúng ta.
(3): Cội nguồn dân tộc là cha Lạc-Long-Quân và mẹ Âu-Cơ, kế tiếp là các vua Hùng-Vương ban cho chúng ta da vàng, tóc đen, chính là nòi giống Tiên Rồng vậy.

Bài viết khác:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *