Ý nghĩa Khai Minh Đại Đạo về phương diện lịch sử hình thành Cao Đài Giáo

Ngày đăng: 20-11-2010 | Lượt xem: 2405
Ý NGHĨA KHAI MINH ĐẠI ĐẠO
VỀ PHƯƠNG DIỆN LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CAO ĐÀI GIÁO

Một cách nhìn tổng quát, với cơ Phổ Độ của Đại Đạo Tam Kỳ, nếu chúng ta lấy năm Bính Dần (1926) làm “Thời Kỳ Khai Nguyên Lập Đạo” [1], trong năm này có 3 cột mốc thời gian quan trọng: 
– Mùng 1 Tết Bính Dần (12 rạng 13.02.1926).
– 23 tháng 8 Bính Dần (29.9.1926).
– Rằm tháng 10 Bính Dần (19.11.1926).

1. Về ngày mồng 1 Tết Bính Dần:
Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt có nhắc trong buổi lễ kỷ niệm 2 năm Khai Tịch Đạo (1928):
“Tôi xin nhắc lại cho chư Hiền hữu, chư Hiền muội lãm tường: Ðấng Chí Tôn có dạy: Bàn Cổ sơ khai nhơn sanh ư Dần cho nên ngày Ðấng Chí Tôn mở Ðạo là ngày mồng một năm Bính Dần.” [2]

Liệu chúng ta có chứng cứ nào để không nên tin vào lời sau đây của một vị Tiền Khai khác, Đức Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu. 

Theo tài liệu trong quyển Đại Đạo Căn Nguyên được xuất bản năm 1930 trang 37, Ngài có ghi như sau:
“2è séance du 12.02.1926 chez Monsieur Lê Văn Trung.
Chư đệ tử nghe. Chiêu buổi trước hứa lời truyền đạo, cứu vớt chúng sanh, nay phải y lời mà làm chủ dìu dắt cả môn đệ ta vào đường đạo đức, đến buổi chúng nó lập thành, chẳng nên thối trút. Phải thay mặt cho Ta mà dạy dỗ chúng nó … …”

Đức Bảo Pháp kết luận: “Ấy là lời Thánh Giáo đầu tiên. Ấy là kỷ niệm ngày Khai Đạo mồng một giờ Tý, năm Bính Dần vậy.”
Dựa vào các lời dạy của Đức Chí Tôn còn lưu trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển chúng ta gọi tên cho ngày mồng 1 Tết là ngày KHAI LẬP ĐẠO.

2. Về ngày 23 tháng 8 Bính Dần:
Chúng ta sẽ suy nghĩ như thế nào về ý nghĩa tên gọi của ngày 23 tháng 8, nếu được đọc đoạn Thánh giáo sau đây của Đức Chí Tôn tại Nam Thành Thánh thất:
“Cha linh hồn các con. Đấng Ngọc Đế Cao Đài, Thầy giá ngự đàn tiền mừng chung các con nam nữ.

NGỌC báu Thầy trao trẻ hữu công,
HOÀNG khai chứng chiếu tại nơi lòng;
THƯỢNG hòa lễ phục qui tam bửu,
ĐẾ dựng khai cơ pháp hiệp đồng.
GIÁNG tiếp sanh qui tồn tánh mạng,
CẢNH nầy nền tảng lập gia phong;
NAM bang Đại khái gìn chơn thể,
THÀNH vị Đạo Tiên đắc lục thông.

… Nay ngày Lễ Kỷ Niệm Khai Sanh Nền Đại Đạo nơi cảnh Nam Thành, các con nguyên căn cần tầm lấy bổn sơ khai của Đạo giáo bày cho phục vị …” [3]

Khai Tịch Đạo đồng nghĩa với việc “làm khai sanh” hay đăng ký pháp nhân, một năm sau đàn này, được Đức Phạm Hộ Pháp sử dụng là hữu lý.

3. Về ngày Rằm tháng 10 Bính Dần:
Như lời giải thích của Đức Hộ Pháp:
“Rằm tháng Mười, Khai Minh Đại Đạo trước nhân loài, trước quốc tế … Sứ mạng cứu thế đã chánh thức trải dài trên đường tối âm u thế sự. Sứ mạng này hiển nhiên huy hoàng và sáng chói đến tận cuối thời gian và không gian.” [4]

Cơ cấu tổ chức Thánh thể Tam Đài của Đức Chí Tôn qua hình tướng thờ phượng nơi Thánh thất đầu tiên và bộ máy tổ chức nhân sự các cấp hành chánh đạo đã căn bản được định hình. Nói một cách khác là hình tướng tôn giáo đã được hình thành để ra mắt nhân sanh, thực thi sứ mạng cứu thế kỳ ba. Cũng từ đó số tín đồ nhanh chóng gia tăng từ vài ngàn người lên đến hơn bốn mươi ngàn chỉ trong vòng 3 tháng với nhiều thành phần dân tộc khác nhau: Việt, Campuchia, Hoa, Pháp…

SỨ MẠNG KHAI MINH ĐẠI ĐẠO:

Chúng ta đang bước vào tháng kỷ niệm Khai Minh Đại Đạo. Việc kỷ niệm, trước hết là ôn lại truyền thống lịch sử của những dấu chân đi trước:

1. Chúng ta có thể mường tượng rằng năm Bính Dần 1926 là thời kỳ “Khai Nguyên Lập Đạo” [5]: 

Tiến trình của thời kỳ Khai Nguyên này đã diễn ra đúng theo Lý Tam Tài và Dịch số Đạo học như lời Thánh giáo của Đức Đông Phương:
“Từ Thái Cực biến Lưỡng Nghi trở thành cái Pháp sanh hóa muôn loài (…) nhớ lại kỷ niệm thời kỳ Khai Nguyên Lập Đạo”.

– Vào ngày mồng 1 Tết, về phần Thiên, Đức Cao Đài ban lệnh Khai Lập Đạo: khởi phát Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Đây là việc của Trời là Thái Cực tức là số 1 và số 12 (12.02.1926). Ngày Thiên thơ ghi dấu sự khởi đầu của nền tân giáo mở cơ đại ân xá kỳ ba. 

– Tiếp theo là phần Nhơn, trong quan hệ giữa người với người, mối quan hệ của đạo hữu với chánh quyền qua việc “Pháp lý Thế Đạo” đăng ký sinh hoạt tôn giáo. Sự việc diễn ra qua 2 thời điểm: ngày 23 tháng 8 chư vị tiền bối chuẩn bị văn bản Khai Tịch Đạo và ngày mùng 1 tháng 9 tiến hành việc đi gặp Thống đốc Nam kỳ Le Fol làm giấy đăng ký pháp nhân cho Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

 Dinh Thống Đốc Nam Kỳ

Nơi đây, chúng ta thấy sự kiện diễn ra qua 2 mốc thời gian tượng trưng cho lưỡng nghi.

– Và đến ngày rằm tháng 10 khởi đầu cho 3 tháng Khai Minh Đại Đạo, về phần Địa.

Khánh thành Thánh Thất đầu tiên là trụ tướng ban đầu; là địa điểm làm lễ lập vị các Đại Thiên Phong, Hội Thánh chính thức nhận trách nhiệm thực hiện sứ mạng cứu thế kỳ ba; và Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài Nam phái được Thầy ân ban – nền tảng của luật pháp đạo được hình thành. Ba sự kiện nói lên hình ảnh của con số 3 và đánh dấu sự chuyển luân với Pháp sanh hóa là Pháp Chánh Truyền chánh thức khởi đầu công cuộc hoằng khai Đại Đạo. Diễn trình Khai Nguyên này đã thể hiện Lý Đạo: 1 sanh 2, 2 sanh 3 và 3 chuyển hóa vào trong đời sống sanh chúng.

Trong tiến trình 3 tháng này có giai đoạn Địa Lôi Phục (tháng 11 Bính Dần – tháng Tý) thể hiện ơn cứu độ Kỳ Ba như Nhứt Dương Sơ Động đưa đường dẫn lối cho nhân loài vượt qua thời kỳ Hạ Nguơn Mạt Kiếp để chuyển vào thời Thánh Đức Thượng Ngươn. (Rằm tháng giêng Đinh Mão).

Vào ngày rằm tháng 10 Mậu Tuất 1958 (25.11.1958), tại Trung Hưng Bửu Tòa Đà Nẵng, Đức Trần Đạo Quang giáng đàn có nói:
“Cũng ngày nầy trên 32 năm về trước trong một góc trời Nam đã xé tan màn u ám bởi một nguồn điển lực từ nơi Trời đến, chói lọi mười phương. Tiếng nói Quyền Pháp bởi cơ hội đã vang động khắp chín từng mây, nhơn vật tỉnh giấc mơ màng, hồn phách được hồi sanh. Nếu không bởi ngày nầy thì cõi Ta Bà cũng mãi triền miên trong ảo mộng.
Nhơn loại bởi ngày này mà phục sinh. Ngày này là ngày nhứt Dương sơ động làm cho khí lạnh hạ dần, ấm áp đã đến, sống động trong muôn loài để khí lực sinh sôi hoạt động.”
 
2. Cho đến hôm nay song song tồn tại nhiều tên gọi cho ngày kỷ niệm rằm tháng 10 này. Có nơi dùng từ KHAI ĐẠO, có nơi dùng tên HOẰNG KHAI ĐẠI ĐẠO và nhiều nơi chấp nhận danh từ KHAI MINH ĐẠI ĐẠO. Sự dị biệt về tên gọi này cũng không có gì là quan trọng miễn sao các thế hệ tín hữu Cao Đài có hiểu được ý nghĩa và giá trị của sự kiện Đức Chí Tôn đến Khai Minh Đại Đạo cho con người và những sự kiện ghi dấu truyền thống hào hùng của chư vị tiền bối từ chức sắc đến tín đồ đã vượt qua bao thử thách trong những ngày đầu gian nan ấy.

“Đành rằng người tiếp nối đi sau, dĩ nhiên bổn phận là nhắc nhở tôn thờ. Điều quan trọng để nhớ ơn và thể hiện tinh thần, người tiếp nối phải làm thế nào để người ra đi không hờn tủi vì chưa ai biết đến cái kỳ vọng để đạt đến tiêu đề thâm diệu của tâm hồn mình qua những việc đã làm lúc hiện tiền. Đó mới chính là bổn phận của những ai đi sau.
Nhắc lại một lần nữa ở đây, hiểu hết toàn diện các sự kiện đã trải qua, tôn thờ sự kiện ấy, truyền bá và tiếp nối, mới là ý nghĩa của mỗi khi làm lễ kỷ niệm nào. Và đừng nghĩ là dịp lễ bái, dịp trưng bày của một phạm vi nào mà lu mờ chánh pháp của Đại Đạo.” [6]

Vì thế, quan trọng hơn hết là những tín hữu Cao Đài chúng ta có thực hiện được phần nào sứ mạng phải làm “tỏa sáng ánh linh quang” của Thượng Đế đến với nhân loài thể hiện ý nghĩa của tinh thần Khai Minh Đại Đạo hay không.

“Đại Đạo Khai Minh kỳ ba độ tận nhân loại trên mọi phương diện của cuộc đời. Thế nên sứ mạng trọng đại của người hướng đạo phải được xem là cần thiết và liên tục để thực hiện mục đích tối thượng cùng hoài bão trọng đại của Chí Tôn Thượng Đế.” [7]

Ý nghĩa này có thể được tóm tắt qua lời của Đức Lý Giáo Tông:
“Cơ tiến hóa của nhân loại ngày càng đi sâu vào công cuộc kết thúc của một chu kỳ Tam Nguơn chuyển thế. Vì vậy, Đức Thượng Đế tá danh Cao Đài Tiên Ông đến trong Tam Kỳ Phổ Độ để làm sáng tỏ giáo lý Đại Đạo trong nhất nguyên chủ tể đem nhân loại phục hưng tinh thần nhân bản tái tạo dinh hoàn lập đời Thượng Nguơn Thánh Đức.” [8]

“Khai tỏ Lý Đồng Nguyên và Quy Nguyên.
Khai phóng tâm linh đưa con người tôn giáo lên tầm vóc Đại Đạo.”

Đạt Tường

———————————————————————
[1] Đức Đông Phương CQ, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý 20.02 Quý Sửu (1973)
[2] Tiểu sử Quyền Giáo Tông, Bài Giảng Đạo ngày 23 tháng 8 Mậu Thìn
[3] Đức Chí Tôn, Đạo Lý 46 tr48; Nam Thành Thánh thất 23.8 Kỷ Dậu (04.10.1969)
[4] Đức Phạm Hộ Pháp , Nam Thành Thánh Thất 23.8 Canh Tuất (22.9.1970)
[5] Đức Đông Phương Chưởng Quản, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 20 tháng 2 Quí Sửu (24.03.1973)
[6] Đức Phạm Hộ Pháp , Nam Thành Thánh Thất 23.8 Canh Tuất (22.9.1970)
[7] Đức Phạm Hộ Pháp , Nam Thành Thánh Thất 23.8 Canh Tuất (22.9.1970)
[8] Đức Lý Giáo Tông, CQ Phổ Thông Giáo Lý 12.02 Nhâm Tý (26.03.1972)

Bài viết khác:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *