Pháp Chánh Truyền và Tân Luật – Đạo Pháp
Chánh Truyền ĐẠO PHÁP
Tân Luật
ĐẠT TƯỜNG
I. TỔNG QUÁT:
– Tân Luật gồm 3 phần: ĐẠO PHÁP, THẾ LUẬT và TỊNH THẤT.
– Phần ĐẠO PHÁP có 8 chương:
· Chương I: Về chức sắc cai trị trong Đạo. (điều thứ 1 – điều thứ 8)
· Chương II: Về người giữ Đạo. (điều thứ 9 – điều thứ 15)
· Chương III: Về việc lập Họ. (điều thứ 16 – điều thứ 20)
· Chương IV: Về Ngũ Giới Cấm. (điều thứ 21)
· Chương V: Về Tứ Đại Điều Qui.(điều thứ 22)
· Chương VI: Về Giáo Huấn. (điều thứ 23 – điều thứ 25)
· Chương VII: Về hình phạt. (điều thứ 26 – điều thứ 31)
· Chương VIII: Về việc ban hành luật pháp. (điều thứ 32)
II. CHỨC SẮC với TRÁCH NHIỆM DÌU DẪN NHÂN SANH
1. Từ Giáo Tông đến tín đồ, trong ĐĐTKPĐ, tất cả chỉ là anh chị em đồng đạo với nhau.
Ngay cả các Đấng Thiêng Liêng khi giáng đàn cũng chỉ gọi các tín hữu Cao Đài là “hiền đệ, hiền muội”.
2. CHỨC SẮC, CHỨC VIỆC đều có trách nhiệm “dìu dắt” tín hữu anh chị em đồng Đạo.
2.1. Khởi đầu từ bậc gần với nhơn sanh tín hữu là CHỨC VIỆC, chúng ta có lời Thánh huấn sau:
Đức Thánh Trần khi giáng đàn ở Tt Từ Quang vào năm Bính Thân (1956) đã dạy:
“{Lễ Sanh tùy theo công việc mà phân cắt. Nên số cầu phong phải lựa chọn bằng tài có đức, hoặc bằng đức có tài, hay tài đức phải tương đương.
Những vị Lễ Sanh từ xưa nay có công thì được thăng quyền tấn tước, cười … nghĩa là lên 01 hay nửa phẩm; còn vị nào được điều động với tính cách nhu cầu phải cầu thăng ban quyền pháp để đủ mà hành Đạo.
Nhưng phải biết chắc Lễ Sanh bây giờ không phải dễ, người có trách nhiệm là người có quyền pháp trọng yếu. Ai muốn lên Lễ sanh, bất cứ hàng phẩm giá trị hơn kém ở ngoài đều phải đi qua nấc thang Chánh Phó Trị sự rồi mới được lên Lễ Sanh; dù người ấy có đức có tài, có uy năng công cán cũng vậy; trừ ra, được Thầy ban ơn.”} [1]
2.2. LỄ SANH là người có hạnh.
(Hỏi: Lễ Sanh có ý nghĩa là gì?)
Để tăng thêm về ý thức trách nhiệm cho hàng ngũ Lễ Sanh, trong khóa Hạnh Đường lần thứ nhứt của Hội Thánh Tiên Thiên được tổ chức tại Tòa Thánh Châu Minh – Bến Tre vào năm Bính Ngọ (1966), Đức Giáo Tông Tiên Thiên – Thiện Pháp Nguyễn Bửu Tài đã giáng đàn dạy:
“{Thể theo nguyện vọng chánh đáng của nhơn sanh xin đàn cơ trong ngày bế giảng khóa Lễ Sanh lần thứ nhứt được Giáo Hội Tiên Thiên và sự chuẩn phê Tam Giáo Tòa nên Bần Đạo giáng đàn phân định.(…)}
Trên sự giảng giải được linh động để cho mỗi Lễ Sanh biết nhiệm vụ thực hành đúng, hầu bảo vệ phẩm vị thiêng liêng, để sang lên hàng Giáo Hữu.
Song Pháp Chánh Truyền cũng phân giải về nhiệm vụ mà thôi chớ không vạch sâu thực tế hai chữ Lễ Sanh hay lớp học Lễ Sanh. Vậy chư hiền có hiểu hai chữ Lễ Sanh chăng ?
Lễ Sanh, Thầy đã nói là chọn trong hàng hạnh kiểm nhứt, lễ độ khiêm cung nhứt để hầu Thầy thì Lễ Sanh là nguồn gốc bởi lễ mà sanh ra mọi hình thức tốt đẹp. Như có lễ mới sanh ra sự hòa ái thương yêu, đối nhân xử thế và bảo vệ được phẩm giá của người Chức Sắc hành đạo hướng dẫn nhơn sanh, giữ vẹn Thiên điều, hòa thành phẩm tước thiêng liêng vị. Và trên thượng hòa, dưới hạ mục; đối nội ôn lương, đối ngoại tình cảm. Đối với gia đình trọng tình thân, hiếu, thuận, nghĩa, trinh. Đối với xã hội thì phong hóa xương minh an bình trật tự.
{Như vậy Lễ Sanh, Đạo Thầy định làm đầu trong hàng Chức Sắc, nếu hạnh Lễ Sanh không hoàn mỹ thì hàng Chức Sắc lấy đâu mà nương tựa tiến được. Như thế chư hiền các cấp Đạo có nhận Lễ Sanh là quan trọng không? Bần Đạo rất tiếc một số được Ơn Trên ban phong mà không giữ, để vật dục đeo đai thành ra nhiệm vụ không được tiến hóa!} ” [2]
(Hỏi: Phẩm Lễ Sanh có thể được bổ nhiệm vị trí hành đạo cho đến cấp nào?)
2.2.1. Lễ Sanh có thể giữ vị trí Đầu Họ hay Chánh Phó Hội Trưởng của Thánh thất.
“Quan niệm về chức sắc tại một Thánh Thất. Nơi Tân Pháp đã có qui định: Một chức sắc tại một Thánh Thất chỉ cần và có ở hàng Giáo Phẩm tới cấp bực Lễ Sanh là đủ rồi.
Ngoài vị Lễ Sanh còn có Chánh, Phó Trị Sự và Thông Sự để gắn bó đi sát với nhân sanh hầu an ủi, chăm nom dìu dẫn dạy bảo họ trên đường tu học, và bảo vệ họ trong mọi hoàn cảnh như quan, hôn, tang, tế, hoặc những khi thiên tai chiến họa.
{Chớ đừng quan niệm mỗi Thánh Thất cần phải có các hàng Giáo Phẩm cao cấp như Đầu Sư, Phối Sư, Giáo Sư …v.v… Nếu quan niệm như vậy đã phạm vào giới luật của Tòa Thánh, Hội Thánh. Hơn nữa vô tình đã làm giảm giá trị của hàng Giáo Phẩm trong Đại Đạo.}”
(Đức Phan Thanh, Tt Liên Hoa Cửu Cung 01 tháng 11 Đinh Mùi 02-12-1967)
2.2.2. Lễ Sanh đặng quyền đi khai đàn cho tín đồ (đi Thượng Tượng, trấn Thần Thiên bàn nơi tư gia)
Vì thế LS phải thông suốt những phần giáo lý và luật lệ căn bản để có thể hướng dẫn tín hữu.
Phải có tầm nhìn sâu rộng, lấy việc giáo huấn Đạo Lý làm trục chính, để định hướng việc tu học và hành đạo cho tín hữu nơi địa phương mình cai quản đúng với Thánh ý.
Năm 1927, một lần khi ban phong thêm Lễ Sanh, Thầy dạy:
“Thầy lấy từ bi cho chức Lễ Sanh cả thảy. Phải gắng cho xong phận sự, bằng không thì tội sẽ định bằng hai cho những kẻ không trọn lòng thành kỉnh về đạo đức nghe.” [3]
2.3. GIÁO HỮU là người để phổ thông Chơn Đạo của Thầy.
(Hỏi: Giáo Hữu có nghĩa là gì?)
– Năm Bính Ngọ 1966 tại Tòa Thánh Châu Minh, Đức Giáo Tông Tiên Thiên Thiện Pháp Nguyễn Bửu Tài đã giáng cơ dạy chư chức sắc Giáo Hữu khi đó:
“Bởi lý vô vi, chơn linh tam thiên Giáo Hữu cai quản tam thiên thế giái, về hữu hình thể xác mỗi nam nữ Giáo Hữu phải tạo cho đủ ba ngàn công quả được thành thì đơn thơ chiếu mới hiển danh Thiên tước.
Nghĩa của hai chữ Giáo Hữu là dạy bạn thì chẳng những dạy trong bạn đạo mà là phải đầy đủ đức từ bi hỉ xả, hạnh kiểm ôn hòa tánh tình hiền dịu mát mẻ để cảm hóa mọi người gần xa không phân lương giáo, được như thế mới xứng phận thế Thiên hành hóa! Vì Chức Sắc Giáo Hữu đã vào hàng Địa Thánh đứng vào hàng thứ tư trong cửu phẩm (…)” [4]
– Vào đêm Đại Lễ Khai Minh Đại Đạo, sau sự biến “lên đồng” trong lễ Lập Vị Chức sắc, buổi lập đàn cơ sau đó Thầy dạy:
“Thầy cần dùng ba chục đứa tình nguyện để phổ cáo xứ xa, ai đâu?
{Lấy tên con Tương. Trung Kỳ. (…) Bắc Kỳ (…). Thôi con Tương.}
Cả thảy Thầy phong chức Giáo Hữu.
Đem đến.
Sau, Thầy buộc học hết Thánh Ngôn rồi mới đi phổ cáo. Nghe à.”
2.3.1. Giáo Hữu phải thông Sử Đạo và Thánh Ngôn, thuyết đạo mỗi tháng.
Vào tháng 7 năm 1927, trong một buổi đàn cơ Đức Chí Tôn nhắc chư vị Giáo Hữu:
“Trung, … Thầy để lời cho con biết rằng phần nhiều các Giáo Hữu không xét biết trách nhậm của mình. Con phải nhắc cho chúng nó hiểu: mỗi Giáo Hữu ít nữa phải:
– thông cội rễ nền Đạo,(Sử Đạo)
– chúng nó phải năng tìm biết Thánh Ngôn của Thầy đã dạy (Giáo lý)
– và thay phiên nhau mà nói đạo cho chư thiện nam, tín nữ hiểu.
Nhiều Giáo Hữu không biết một nét chi về việc Đạo. Chư tín đồ không trông học hỏi đến đặng thì chức sắc còn có ích chi? Con phải nhắc cho chúng nó và Hội Thánh phải hội một tháng một kỳ mà chỉ dẫn cho nhau về việc thuyết đạo trong mỗi đàn nghe.” [5]
2.3.2. Giáo Hữu người phổ thông Chơn Đạo
– Trong Đạo Sử Xây Bàn 2, bà Hương Hiếu có bổ sung thêm đoạn:
“Trung bạch: Con có ra đề hồi hôm nơi Ðàn Cầu Kho cho các Giáo Hữu làm bài Thuyết Ðạo.
– Phải, như Giáo Hữu nào bê trễ về phận sự và không quản đến lời Thầy thì con hội Chư Thánh, dâng sớ lên cho Lý Bạch phân đoán nghe.”
– Năm Mậu Dần 1938, khi bắt đầu đưa Đạo về Trung, trong cơ phong Thánh đầu tiên cho nữ phái gồm ba vị: 1 Giáo Sư, 1 Giáo Hữu và 1 Lễ Sanh, Đức Mẹ đã có lời yêu thương nhắc nhở:
“Trong ba con, nhất là con Giáo Hữu phải lo về mặt phổ thông cho lắm! Nên chọn cho có nhân tài giúp sức nghe con! Vì đương trong buổi sơ khai, việc phổ thông cần lắm đó vậy!” [6]
– Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình “Giáo Hữu phải trường chay tuyệt dục”:
* “Chiếu theo Tân Luật – Pháp Chánh Truyền thì Giáo Hữu phải trường chay tuyệt dục, xả thân hành đạo trọn đời. Luôn luôn phục tùng mạng lịnh của Ơn Trên và Hội Thánh thuyên chuyển khắp nơi Thánh Tịnh để lãnh đặc trách, hành đúng quyền hạn và nhiệm vụ của mình. Vậy nam nữ Chức Sắc phải kiểm điểm, soi rọi kỹ lại công việc hành đạo từ trước có đúng với luật pháp không? Nếu nhận thức được điều nào Chức Sắc Giáo Hữu của mình hoặc không hành tròn thì từ nay sắp tới phải rán cố gắng hành xong trọn vẹn để hạnh hưởng ngày phán đoán đại đồng, vinh quang rực rỡ. Nếu đi ngược lại với Tân Luật tức là trái với Thiên điều, mà trái với Thiên điều thì không phải dễ vì câu “Thuận Thiên Giả Tồn, Nghịch Thiên Giả Vong”.(…)
THI
Phận Giáo Hữu gần xa dạy dỗ,
Giáo Hữu lo phổ độ nhơn sanh;
Giáo Hữu tâm tánh trọn lành,
Giáo Hữu thông suốt đành rành bản căn.
Giáo Hữu phải siêng năng việc đạo,
Giáo Hữu cần rõ thạo chơn truyền;
Giáo Hữu tương ái tương liên,
Giáo Hữu đôn đốc nhủ khuyên bạn lành.(…)
{Bực Giáo Hữu thế Thiên hành hóa,
Giáo Hữu cần hết dạ thực hành;
Độ đời dìu dắt nhơn sanh,
Chỉ dạy mọi việc thực hành nhủ khuyên}.” [7]
* “Chư hiền đệ thử nhớ lại xem: Một vị chức sắc Giáo Hữu phải có đức tu như thế nào để lãnh đạo một Thánh Thất, dĩ nhiên vị Giáo Hữu ấy đã bước sang qua đường Thiên Đạo để tự độ và độ tha.”
(Ngọc Minh Đài, mùng 9 tháng 5 Đinh Mùi16-6-1967; Đức Lê Đại Tiên)
Căn cứ theo tinh thần những lời Thánh Ngôn lúc mới Lập Đạo, chư vị Tiền Khai mới đưa vào Tân Luật.
– Chương Giáo Huấn, Điều thứ 23 qui định: “Trong Đạo sẽ lập trường dạy chữ và dạy Đạo”.
– Chương Lập Họ, Điều thứ 19 qui định: “Một tháng 2 ngày sóc vọng, bổn đạo phải tựu lại Thánh thất sở tại mà làm lễ và nghe dạy…”
để thúc đẩy hàng Giáo Hữu trở lên phải chú tâm đáp ứng nhu cầu giáo huấn cho tín hữu.
(Hỏi: Giáo Sư có những phận sự căn bản nào theo Tân Luật)
(Hỏi: Giáo Sư có những phận sự căn bản nào theo Tân Luật)
2.4. GIÁO SƯ là người dạy dỗ chư tín đồ trong đường Đạo và đường đời.
Giáo Sư cầm sổ bộ của cả tín đồ, phải chăm nom về sự tang hôn của mọi người.
– Tháng 8 năm 1927, Đức Chí Tôn đã nhắc lại nhiệm vụ của hai phẩm chức sắc bắt đầu bằng chữ Giáo:
“Trung, con phải truyền cho các Giáo Sư, Giáo Hữu lo lắng về phần thuyết đạo cho kíp và mỗi đàn lệ đều phải trích một bài Thánh Ngôn dạy về đạo đức mà đọc cho chúng sanh nghe.
Như vậy thì lời Thánh giáo như còn vẳng bên tai các môn đệ để giục bước đường của chúng nó chẳng sụt sè vậy.” [8]
– Trong khóa Hạnh Đường lần đầu của Hội Thánh Tiên Thiên vào năm Bính Ngọ 1966, Đức Mẹ đã giáng đàn khuyến khích về nhiệm vụ của Giáo Sư.
“{Bởi Đạo Pháp ví như khuôn đúc nên hình Thánh, nếu con nào chịu khép vào, nghĩa là mỗi con tự chuyển mình từ tâm phàm trở nên tâm Thánh, hóa phàm ý trở nên Thánh ý để thi hành Thánh sự của phần Nhơn Thánh mỗi con thì các con sẽ là Thánh hiện tại thay thân Thầy Mẹ dìu dắt nhơn sanh trong cơ lập giáo độ đời nầy.
Bởi Thánh là phải phụng sự thiết thực nhơn sanh, hầu đem lại sự sống về phần thể xác cũng như linh hồn, được đoạt mức chân hạnh phúc bằng lẻ thuần túy đạo đức đó các con!}
… … Các trẻ cố lo toan;
Giữ vững nền Tân Pháp,
Hành tròn giới luật ban.
Giáo Sư ra hướng đạo,
Chức Sắc rạng vinh quang;” [9]
Và sau đó, Đức Lý Giáo Tông cũng giáng đàn giải thích thêm về nhiệm vụ của Giáo Sư:
“Lão Lý chào Thiên Mạng nam nữ tam ban, an tọa tịnh thiền nghe Lão Lý giáo huấn đàn tràng khóa học của Giáo Sư. Nầy chư hiền, với hai tiếng Giáo Sư … của Đại Đạo thì danh nghĩa như thế nào, cương vị quyền hành nhiệm vụ thi hành ra sao? (…)
Quả vậy Chức Sắc Giáo Sư trong Đại Đạo mà chư hiền đã được Thầy ban phong rất thiêng liêng và quan trọng cả hai mặt hữu hình và vô hình, được ảnh hưởng trọn vẹn tinh thần lẫn vật chất. Nếu vị nào chí quyết, lo tu xả thân hành đạo trọn đời, hành đúng theo quyền hạn và nhiệm vụ của Chức Sắc Giáo Sư, thế Thiên hành hóa, dạy bảo nhơn sanh đúng theo Chơn Truyền Tân Pháp và Tôn Chỉ Mục Đích của Đại Đạo thì sẽ thành công đắc quả và ảnh hưởng như lời Lão vừa nói trên! (…)
{Bởi vậy Chức Giáo Sư mà chư hiền đã lãnh rất quan trọng vô cùng. Hiện nay chư hiền đã học Đạo, hiểu Đạo rồi, rõ biết quyền hạn nhiệm vụ rất thiêng liêng thì rán thực hành đúng theo Tôn Chỉ Mục Đích do Đức Thượng Đế chủ trương hầu đem lại chân hạnh phúc cho toàn cả nhơn loại, cả hai phương tiện vật chất lẫn tinh thần.(…)}
(Hỏi: phẩm Giáo Sư có thể đảm đương nhiệm vụ ở cấp hành chánh nào ?)
Giáo Sư trọn qui điều Ngũ Giới,
Giáo Sư thông đường lối chơn truyền;
Giáo Sư là phận thế Thiên,
Giáo Sư thầy dạy, cố kiên học hành.
Giáo là dạy đành rành Tân Pháp,
Giáo hóa dân thích hợp tự tu;
Giáo truyền chơn lý Phụ Từ,
Giáo hành luật pháp vô tư vị người.
Giáo Sư phận thay Trời dạy bảo,
Giáo Sư hành thông thạo chơn truyền;
Giáo Sư nhiệm vụ ban quyền,
Lãnh đạo một tỉnh cố kiên hành tròn.”
2.5. GIÁO TÔNG.
– Là anh Cả, thay mặt Thầy dìu dắt tín đồ trong cả 2 mặt đạo và đời.
– Chỉ có quyền phần xác, vì thế chỉ có quyền thông công để Cầu rỗi chớ không có quyền Siêu rỗi.
“Các em thử nghĩ: Tông là tông chỉ, đường lối căn bản của Đại Đạo. Giáo là kinh điển, phương cách giáo dục hướng dẫn người đời tu thân hành đạo theo quyền pháp đạo luật và tông chỉ do Thượng Đế và Hội Thánh ban hành.
Nhiệm vụ Giáo Tông là phần hành pháp đạo, dìu dẫn dạy dỗ săn sóc tín hữu nhơn sanh cả ba phương diện: dân sanh, dân trí và dân đức.
Một khi được Thiên Phong vào phẩm vị đó, nếu là người biết trách nhiệm, hằng lo âu, mất ăn mất ngủ, ngồi đứng không yên, khi mà nhơn sanh tín hữu còn hôn mê ám muội, tội lỗi dốt nát, đói rách đau khổ. Khác với quan niệm của những ai lỗi đạo rằng: Chức vị Giáo Tông là quyền cao lộc cả, danh dự phụ mẫu chi tín đồ.
Hỏi vậy trong đạo có những quyền và lợi gì? Trên thì có Chí Tôn Thượng Đế, Cha linh hồn, dưới có Tòa Tam Giáo thay mặt Chí Tôn dạy dỗ đạo pháp. Còn Hội Thánh, từ Giáo Tông trở xuống là anh em tất cả. Anh lớn khôn ngoan đùm bọc che chở dạy dỗ đàn em trong nghĩa quyền huynh thế phụ. Nếu dùng quyền Giáo Tông trong đạo luật thì làm gì gọi là hành phạt tín hữu. Một khi tín hữu có lỗi nhỏ, được khuyên lơn an ủi vỗ về dạy bảo chừa lỗi. Nếu còn tái phạm, được dạy răn hoặc cảnh cáo. Nếu tái phạm lần thứ ba, cuối cùng là mời ra khỏi cửa đạo, gọi là trục xuất, khi xét thấy người ấy ngoan cố bướng bỉnh không tinh thần phục thiện và hành động có hại cho danh nghĩa Giáo Hội.
Nếu rủi gặp một tín hữu bị can như vậy, Giáo Tông rất đỗi lo buồn, băn khoăn tự xét mình thiếu đức để cảm hóa, giáo dục người ấy, còn sợ e có lỗi với Chí Tôn, bởi câu: “Mũi dại lái chịu đòn”. Chớ vui sướng chi cho chức vị Giáo Tông một khi buộc lòng thi hành đạo luật tiêu cực như vậy. Đó các em nhận thấy quyền của Giáo Tông chưa? Còn lợi thì như thế nào?
Đã là Giáo Tông, mọi quyền lợi về vật chất không có nghĩa gì hết. Nhà cửa trụ sở của nhơn sanh tín đồ, cơm áo đạo phục, từ đại phục tiểu phục cũng hưởng nhờ của nhơn sanh tín đồ. Nếu cần di chuyển đó đây, sở phí điều hành cũng của nhơn sanh tín đồ. Nhưng là một Giáo Tông biết nhiệm vụ, nào ai dám ngửa tay thọ hưởng những lợi lộc ấy. Trái lại, còn đem những tư hữu, nếu có, của mình để bù trợ vào Giáo Hội, làm gương tốt cho thế hệ sau. Đó là quyền và lợi của Giáo Tông dường ấy.
Trong mai hậu, ai là người mong muốn địa vị ấy, hãy sớm xét xem mình có đủ điều kiện và đức tánh phẩm hạnh đạo nghĩa hay chưa? Tiên Huynh mong rằng các em sẽ lý thú vừa tiếp nhận những lời vừa qua, để làm đề tài luận đạo sau này trong chức vụ thế Thiên hành hóa của mình.”
(Đức Nguyễn Ngọc Tương)
(Hỏi: Nếu vai trò của CTD là điều hành đạo sự thuộc về Hành Pháp đồng thời bảo vệ sự thực hành nghiêm minh của Luật Pháp.
Vậy vai trò của HTD là gì bên cạnh 2 chức năng Thông Công và Truyền Tâm Pháp?)
III. VAI TRÒ GÌN GIỮ CHÁNH PHÁP của CHỨC SẮC HTĐ
1. HTD với vai trò hướng dẫn và kiểm tra đôn đốc nhơn sanh tuân hành Pháp Đạo.
– Lấy phương châm giúp đở là chính.
– Dùng tình thương mà giáo hóa ngăn ngừa việc phạm luật của CTD.
“Các em ôi ! Sứ mạng từ Thiên Đình ban xuống trong kiếp tiền định, mỗi người đến thế gian được sớm giác ngộ tìm phương học đạo, tự cứu mình và cứu độ người khác để lập công bồi đức. Trong phần vụ, dầu chức sắc chức việc ở Cửu Trùng Đài hoặc Hiệp Thiên Đài đều có phần trọng trách ngang nhau. Tuy phần hành có khác, nhiệm vụ vẫn nặng nề đối với người am hiểu đạo luật và sứ mạng, mà cũng rất nhẹ nhàng đối những anh em chị em xem thường đạo luật … …
Đã từng làm Hộ Pháp, Tệ Huynh rất thông cảm điều đó, và hôm nay Tệ Huynh cũng muốn nêu ra đây một vài khía cạnh để các em có trách vụ ghi lấy mà tu thân hành đạo.
Người chức sắc chức việc Hiệp Thiên Đài cần phải học hiểu thấu triệt Tân Pháp Đạo Luật trước hơn ai hết, và phải khép mình trong khuôn khổ đạo luật trước hơn ai hết. Kế đó là nhiệm vụ xem chừng phần hành của Cửu Trùng Đài.
Xem chừng đây không có nghĩa là dòm hành, trông chừng bên hành pháp có làm điều chi sơ suất, vạch lá tìm sâu, việc bé xé ra to, rồi hãnh diện rằng mình là người rành luật.
Sự xem xét trông chừng ấy có nghĩa là xem xét giúp đỡ mặt hành pháp, nhắc nhở tránh những điểm sai lầm trong hành sự, đôn đốc an ủi khuyến khích giúp đỡ mọi mặt những gì mình am hiểu, cố làm sao nâng đỡ bên hành pháp tránh sự lỗi lầm vì sơ sót hoặc chưa rành luật, hoặc chểnh mảng, xem xét trông coi với tánh cách xây dựng cho mọi phần hành được tốt đẹp để khỏi di hại nhân sanh và ngưng trệ guồng máy hành pháp.
Hai thái cực về ý nghĩa trông coi, giá trị vẫn có khác nhau. Phương diện thứ nhứt đã tỏ ra mình không thi hành đúng cái quyền của người Hộ Pháp, chẳng những không được cảm tình của giới hành pháp, mà lần hồi lại bị sự chia rẽ ngăn cách phiền hà giữa hai lãnh vực giữ pháp và hành pháp. Phương diện thứ hai rất được cảm tình và gây sự thương yêu trìu mến của người phạm pháp, vừa được thiện cảm, vừa được trôi chảy ngay đường thẳng lối trên guồng máy hành đạo.
Hai phương diện đó ít ai phân tách và lưu ý, cho nên có nhiều địa phương đã xảy ra sự lủng củng giữa Hiệp Thiên và Cửu Trùng. Nếu xảy ra nhiều, thành ra mặt hành pháp lại khinh thường mặt giữ pháp. Từ đó bên giữ pháp tự thấy mình bị xem thường rồi buồn lòng chểnh mảng ta thán.
Thật ra, nếu phân tách về trách vụ, lỗi trước tiên do mặt giữ pháp không hoặc thiếu sự chỉ bảo, nhắc nhở đôn đốc giúp đỡ mặt hành pháp đó thôi.
Về luật đời thì khác, nhưng trong luật đạo luôn luôn nêu đức tính thương yêu đoàn kết, tự giác giác tha. Cố làm sao cho người tránh khỏi lỗi chớ không để đợi người có lỗi rồi chỉ trích bắt bẻ hoặc tấu trình Thiêng Liêng giải quyết.
Tệ Huynh mong rằng những lời trên đây đã giúp phần nào cho anh em chức sắc chức việc Hiệp Thiên Đài.”
(Đức Hộ Pháp Huệ Đức)
(Giáo Hội Tiên Thiên Minh Đức, 20.9 Đinh Mùi 23.10.67)
IV. TÂM HẠNH ĐỨC TÀI của HÀNG NGŨ CHỨC SẮC
1. Ngay từ tháng Giêng năm Đinh Mão 1927, Đức Lý Giáo Tông đã dạy:
“Mừng Chư đạo hữu, chư đạo muội, chư chúng sanh, Đại hỷ, đại hỷ! Lão đã nói: Đạo đã lập thành. Vậy cây có chơn chánh đã vững gốc đáng làm biểu hiệu cho cả chúng sanh dòm thấy đó mà đến nơi Bạch Ngọc Kinh. Nghĩ mà mừng, mà hễ mừng thì lại càng thêm giận lẫn vào trong. Nhiều vị đạo hữu đã lãnh chức mà chơi, chứ chưa hề hành đạo (…)
Thượng Trung Nhựt ! Lão đã nói, mà Thầy cũng đã nói trước rằng khi thành đạo, nghĩa là khi Tân Luật phát hành, thì trong hàng môn đệ may lắm chỉ còn nửa phần. Trong đám Thiên phong, nhiều kẻ e còn bị trục xuất thay!
Thầy vì lòng từ bi can gián Lão, bằng chẳng Lão đã dùng hình phạt mà răn kẻ giả dối ấy.”
2. Tóm lại, bậc lãnh đạo tinh thần tôn giáo, khi cực khổ thì xung phong đảm nhận làm trước, lúc thụ hưởng phải đặt mình ở chót phía sau. Dầu trong lãnh vực nào cũng thế, gương khiêm tốn, lòng nhẫn nại, đức hy sinh, công quán xuyến, làm nên cho người, kết quả vấn đề đó là gây tình thương yêu hòa ái cho mọi người. Dù muốn dù không, cái phản ứng tốt đẹp sẽ hướng về cho nơi xuất phát.
Nhân tâm là yếu tố làm đầu, tình thương là căn bản thành công cho mọi việc.
(Minh Lý Thánh Hội, 04 tháng 9 Quí Sửu 29-9-1973; Đức Vạn Hạnh TS)
3. “Chư Thiên ân đây là người được chọn, mà cũng là nguyên căn phát nguyện xuống trần. Người mà ở trong hàng nhơn sanh ưu tú đưa lên, người mà Hội Thánh để mắt theo dõi cử ra hành đạo, chư Thiên ân cũng nhận được sứ mệnh ở mình, dù đói dù no, có mất hay còn, cũng nguyện một đời phụng thờ lý tưởng hy sinh cùng lẽ Đạo, toan phần xốc gánh nhơn sanh. Đâu phải những kẻ tầm thường, sống vì miếng ăn tấm mặc, nô lệ cho đồng tiền, lẫn quanh trong gia đình, hủ hỉ với vợ con, đưa tay cho tử phược thê thằng quên mất Đạo làm người vì dân vì nước..
Làm người chức sắc, khi nào còn phải làm nhiều tốn nhiều là chưa đem được cái đức hạnh của mình hóa cho nhơn sanh. Chừng nào thấy người Chức Sắc lo mà thiện tín khóc, thấy người Chức Sắc làm mà thiện tín giành lấy, thấy Chức Sắc khoẻ thiện tín mừng, người Chức Sắc đi đâu thiện tín theo đó coi như Thần Thánh mới Thần Thánh hóa nhơn sanh được … …
Con người Thiên ân ai cũng kỉnh và mến mới đi truyền Đạo được mà chính sự thành Đạo cũng hiển nhiên, người được chứng quả cao.”
(TTTH 4 tr168; Trung Hưng Bửu Tòa 28.11 Kỷ 1959; Đức Lý Thái Bạch)
V. ĐÚC KẾT
1 – Tinh thần Huynh đệ Đại Đồng là nền tảng cho mọi hành sử của CTĐ và HTĐ. Vì thế mọi cấp đều phải rèn luyện bản thân với lập trường “Thuần Chơn Vô Ngã”:
a. “Thử đặt một tiêu chuẩn để làm thước đo phẩm hạnh cùng công quả của người tu. Tỷ dụ: Muốn được vào hàng Thiên Phong Giáo Phẩm, hãy tự kiểm điểm xem mình đã hiểu luật pháp đạo, phẩm hạnh đạo, công quả phổ độ chúng sanh, chay lạt, nghi thức, lễ bái, cùng trình độ hiểu biết về văn hóa cũng như về giáo lý đạo đã đến đâu. Có xứng với hàng Giáo Phẩm ấy chưa? Nếu xứng, dầu chưa được vào hàng ấy cũng tự vui thú ở nội tâm. Bằng chưa xứng, dầu được mang lấy danh từ ấy vào, nhưng trước mặc cảm của nhơn sanh và tự tâm mình thầm hiểu, đó là điều khổ vậy.”
(Hườn Cung Đàn, 14.6 Ất Tỵ 12.07.1965; Đức Quan Thánh)
b. “Quyền pháp đạo luật đã có, mỗi một giới lãnh đạo dìu dẫn nhơn sanh trong một Giáo Hội hoặc một Thánh Thất, Tịnh Thất cũng phải theo lề lối sẵn có mà làm, nếu làm sai chẳng những riêng cho bản thân mình bị hại mà còn chung cho nhơn sanh tín hữu nữa là khác. Vì vậy, khi chấp pháp phải vì đạo nghĩa mà làm, không nên vì tư tâm bản ngã, tự ái, tự tôn.
{Sở dĩ có nhiều cảnh trạng xảy đến lủng củng trong mỗi nội bộ, mỗi địa phương, mà người đạo thường gọi là khảo đảo, sự thật không ai khảo đảo mình hết, chỉ do sự sai lạc của mình đến khảo mình mà thôi. Đó là nội cảnh. Còn một sự khảo đảo do ngoại cảnh đưa đến, đó là ngoài ý muốn của người trong cảnh}.
(Thượng Trung Nhựt)
c. “Này các em ! Hình thức chiêm bái và chiếc áo chức sắc Thiên phong không tạo nên giá trị Thiên ân hướng đạo, mà giá trị đó là ta đã thực hiện sứ mạng tận độ trong cơ hội này và phục lịnh trước Đức Chí Tôn Từ Phụ.”
(Cơ Quan PTGL, Rằm 10 Kỷ Mùi 4-12-1979; Chư Đại Tiên Tiền Khai Đại Đạo)
2 – Các chức phẩm Cửu Trùng và Hiệp Thiên đều lấy tinh thần “Giáo Dục” làm căn bản cho việc hành đạo:
– Luôn lấy LỄ làm đầu trong mọi hoàn cảnh. (Lễ Sanh)
– Trọng tâm sứ mạng Tam Kỳ Phổ Độ, lấy Giáo Dục làm nền. (Giáo Hữu, Giáo Sư, Phối Sư)
– HTD lấy tinh thần phòng ngừa vi phạm là chính. (phải hướng dẫn luật lệ cho CTD)
“Xem xét trông coi với tánh cách xây dựng … Cố làm sao cho người tránh khỏi lỗi chớ không để đợi người có lỗi rồi chỉ trích bắt bẻ hoặc tấu trình Thiêng Liêng giải quyết.”
THÁNH GIÁO THAM KHẢO
LÝ THÁI BẠCH. Lão chào Chư Thiên Sắc, chào chư Hiền lưỡng phái.
T H I:
TRƯỜNG Xuân mộng điệp cõi hồng gian,
CANH cãi rồi ra lắm lở làng;
THÁI đạo phải phương, trương cứu thế,
BẠCH y chân lý giữ an toàn.
Nhơn danh cùng quyền hành của Giáo Tông, Lão giáng đàn để giải quyết về vấn đề Chức Sắc Thiên Phong cho toàn thể nhơn sanh được rỏ cái chân giá trị của nó.
Vậy chư hiền được phép tọa thiền, định tâm nghe Lão phán vấn đề Chức Sắc Thiên phong, trước kia Đấng Chí Tôn đã có dạy rành, nhưng nay vẫn còn một vài tư tưởng mơ hồ, nên Lão cần dạy rỏ.
Thí dụ: Ba ngàn Giáo Hữu, chiếu theo luật cầu thế giới, cho các sắc dân, chớ chẳng phải riêng cho Tiền, Trung, Hậu hay là Nam Trung Bắc, thì chư hiền hà tất phải cần nghĩ đến số đạo ít nhiều. Thiêng Liêng ân phong cho toàn thể nhơn sanh, cốt ý là muốn cho nhơn sanh hành đạo, bồi công lập đức, nhưng ngày kia, ngày mà đạo đã trở về thiệt tướng thì số đạo đâu đó vẫn hoàn toàn theo Thiên định.
Hiện nay chư hiền cần nên biết rỏ Chức Sắc Thiên Phong là gì?
Là những danh từ, những giai cấp chiếu theo ngôi vị thiêng liêng cùng chiếu theo công quả, đạo đức, ân phong tại thế gian, để thế Thiên hành đạo, dẫn dắt nhơn sanh cho tiến đến nẻo tinh thần.
Ấy vậy Chức sắc đối với Thiêng Liêng rất trọng. Người lãnh Thiên chức mà hành xong phận sự, người ấy là thiêng liêng vậy. Người ấy nhiều khi Thiêng Liêng cũng phải kính phục nữa. Nhưng sự đời, những kẻ đúng đắn hoàn toàn thì không phải cần người phục mình như kẻ đã cần người phục mình, tức là những kẻ đó cần xem xét mình lại. Chiếu theo phận sự những vị đã lãnh chức sắc mà không thiệt hành là chức sắc “Hàm” vậy. Bao giờ lãnh phận sự mới là thiệt thọ.
Năm Bính Dần, Thầy có tiên tri rằng: “Thầy đã thả một bầy hổ lang ở lẫn lộn cùng các con, hằng xúi giục nó cắn xé các con, nhưng Thầy đã cho các con một bộ thiết giáp, mà chúng nó không hề thấy đặng là đạo đức của các con; ấy vậy đạo đức đảm bảo về tinh thần, cũng như Thiên Phong Chức Sắc sẽ đảm bảo về hình thể. Đaọ đức là một bộ thiết giáp để chống đối với những cảnh nguy vong, tai biến về tinh thần, cũng như Chức Sắc Thiên Phong là một bộ thiết giáp để chống đối với tang thương biến cuộc cho cá nhân hình thể thì đạo đức giữ cuộc bằng an về trí thức, cũng như chức sắc ấy về xác thịt.
Chức sắc là vô vi đối với Thiêng Liêng, nhưng áo mão là hình tướng dầu cho vị nào thiên về mặt tinh thần cũng phải cần từ hình thể mà đi đến. Đánh đổ chức sắc cùng áo mão tức là đánh đổ tất cả các Đấng Thiêng Liêng vậy; mà không hành đúng theo phận sự chức sắc, tức là không vâng lời Đấng Trời Cha đã ban dạy. Cha lành sẽ lấy làm buồn mà nhìn thấy nhiều vị sau nầy sẽ bỏ Thầy, xa Đạo, lánh anh em, đánh đổ đạo Cao Đài, cùng mãi đắm chìm nơi sông mê bể khổ. Thầy sẽ càng lấy làm đau mà nhìn thấy nhiều vị Đại Thiên Phong, sẽ từ trên hải giác lăn mình trầm, tìm lại những hảo huyền danh lợi, mà một khi kẻ ấy đã bị màu vinh sang rực rỡ của vật chất quyến rủ đi.
Chức sắc Thiên phong là đại diện cho Đạo; cho toàn thể nhơn sanh hành sự với Đấng Thượng Đế, mà bỏ trôi phận sự mình, làm cho lợt phai chánh giáo, cho nhơn sanh đạo mất đức tin, mơ hồ nẽo đạo, cho tà quái xen vào, thì những vị ấy đến ngày Long Hoa Đại Hội, trước “Tòa Phán Xét Đại Đồng“. Những vị lãnh nhiệm vụ mà không hoàn toàn ấy mới ra sao?
Đã là Thiên Phong chức sắc mà làm cho nhơn sanh sa ngã, tự tạo một ngôi vị cho mình, hay mượn Đạo tạo Đời. Lão xin cảnh cáo cho những vị ấy hãy nhớ đến cái hành vi đồi bại của mình, mà ăn năn tự tỉnh, mới mong ngày kia trở lại dưới chơn Thầy đặng.
Lão cũng mong mõi cho những vị đã ra lãnh Thiên chức rồi, phải hành tròn phận sự cũng như Lão mong mõi sẽ gặp gỡ những vị ấy ngày kia nơi Thiên quốc. Cần nên hiểu rằng: Thiêng Liêng vì thương mà không trách cứ, chớ luật Thiên điều vẫn vô tư .
Ấy vậy người đã mang một kiếp sống thừa, đã bao nhiêu niên gian lao cay đắng, đã từng chịu những nổi điêu linh, hôm nay ra gánh vác nhơn sanh, để thức tỉnh đồng bào trong cơn mộng điệp.
Dục Lôi Âm để truy hồn vạn chúng,
Giống Bạch Ngọc Chung hầu định tánh quần linh.
Quí hóa thay!!!
Vị Chức Sắc ấy có thể tự hào rằng: Mình đã từng dẫn đạo cho nhơn sanh, đã từng vui chia buồn sớt cùng tất cả những ai? Vị chức sắc ấy cũng có thể tự hào rằng mình đã giúp ích ít nhiều cho xã hội, đã từng nâng cao lá cờ Đại Đạo mặc dầu mình nắm níu lá cờ ấy trong một thời gian ngắn ngủi, thời gian ấy đã đem lại cho mình bao nhiêu hy vọng cao xa, bao nhiêu mục đích vĩ đại, đầy quan niệm về nhơn sanh đầy bác ái, đầy cãm tình. Dầu cho đến giờ cuối cùng vị Chức Sắc ấy cũng có thể tự hào rằng, đối với nhà mình trọn, với nước mình xong, với Thầy mình cũng không phụ phàng chi; thì Chức Sắc ấy có thể khoan khoái, nỡ một nụ cười, rồi nương theo đám mây vàng, theo lằng hương khói tỏa mà trở về Ngọc Điện ngôi xưa.
Đối với tấm thân phàm, ai há quản: nhưng đối với các Đấng Thiêng Liêng, trước Đấng Cha lành, Chức Sắc Thiên phong đã phá hoại tiêu tan cơ nghiệp chung của nhơn sanh, mà Đấng Hằng Sống đã phí công, bỏ sức, hạ vị, xa ngôi, gầy dựng tại thế gian, để cho nhơn sanh làm con đường cứu rỗi, thì những kẽ ấy thọ tội mới là dường nào?
Chớ khinh rẻ Thầy, mà phải kính trọng Thầy.
Chớ khinh rẻ Thần Tiên, mà phải kính trọng Thần Tiên.
Cũng như chớ khinh rẻ Chức Sắc Thiên phong, mà phải xem đó là trọng. Khinh rẻ rồi ngày kia ăn năn không kịp, mà lúc ấy dầu có lòng ăn năn hối hận cũng không thể chuộc tội cho mình đã gây ra đấy.
Ấy vậy. Lão mong mõi cho những vị lãnh Chức Sắc phải trọng tước của mình, cũng như mình trọng mình vậy, cùng thiệt hành chánh lý của đạo Trời, giữ sao cho khỏi tiếng: Chức Sắc Trong Kỳ Hội.
Lão xin ban ơn lành cho toàn thể những vị nhiệt thành vì đạo, vì nhơn sanh, cùng xin khuyên tất cả những vị đã hững hờ phận sự, hãy cố gắng lên cho khỏi thẹn mình đối với cơ đạo ngày nay. Lão ban ơn lành cho chư hiền. Lão kiếu.
(Đàn đêm 12 tháng 10 năm Mậu Dần 1938; Đức Lý Thái Bạch)
Sao lục y theo bổn chánh. Cao Triều Phát.
[1] TTTH2, Thánh Thất Từ Quang ngày 10-01-ĐĐ.31 Bính Thân (21-02-1956) Đức Thánh Trần
[2] Ngày 30.02 ĐĐ41 Bính Ngọ (1966), Tòa Thánh Minh Đức
[3] Thánh Ngôn Sưu Tập 1 số 77, Long Thành 01-7 Đinh Mão (29-7-1927)
[4] Đức Pháp Lực Kim Tiên, Tòa Thánh Tiên Thiên Minh Đức 09-3 ĐĐ 41
[5] Thánh Ngôn chép tay, Niên Số Thời Thiết Lục, tờ 321 A.
[6] Thánh Truyền Trung Hưng 1, Thánh Tịnh Thanh Quang, ngày 25.4 ĐĐ13 Mậu Dần (24.5.1938)
[7] Đức Pháp Lực Kim Tiên, Tòa Thánh Tiên Thiên Minh Đức 09-3 ĐĐ 41
[8] Thánh Ngôn chép tay, Niên Số Thời Thiết Lục, trang 338 A, đàn ngày 18.8.1927
[9] Đức Mẹ; Tòa Thánh Châu Minh Hợi thời ngày 30.3 Đại Đạo 41 (1966)
Bài viết khác:
Thánh Giáo dạy về Ngũ Nguyện
Tân Luật của Đạo Cao Đài
Giải nghĩa kinh Thiên Đạo và Thế Đạo
Tu Chơn Thiệp Quyết
Thanh Thiếu Niên Đại Đạo học tập lời dạy của Ơn Trên về Tâm Hạnh Đức Tài
Tuyển tập các bài thuyết đạo của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc
Những điều người tân tín đồ Cao Đài cần nhớ và tìm hiểu thêm
Huấn Từ của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế
Trả lời