Những hệ luận của giáo lý Đại Đạo từ hai nguyên lý Thiên Địa Vạn Vật nhất thể và Nhứt tán vạn – Vạn quy nhứt
NHỮNG HỆ LUẬN CỦA GIÁO LÝ ĐẠI ĐẠO TỪ HAI NGUYÊN LÝ THIÊN ĐỊA VẠN VẬT NHẤT THỂ VÀ NHỨT BỔN TÁN VẠN THÙ VẠN – VẠN THÙ QUY NHỨT BỔN
(Tổng hợp: Chánh Tuân)
Vạn vật và con người cùng nguồn gốc với vũ trụ vì được sanh ra từ âm dương động tịnh có nguồn gốc từ ngôi Thái Cực là Đạo, là nguyên lý của vũ trụ. Nhờ có cùng một nguyên lý mà vạn vật tiến hóa từ kim thạch, thảo mộc, thú cầm đến con người là sự chuyển tiếp tiến hóa là thời gian vô tận, con người tiến hóa tu học rồi hiệp nhứt cùng Thầy.
1. NGUYÊN LÝ THIÊN ĐỊA VẠN VẬT NHẤT THỂ:
Thiên địa. Trong nguyên lý này, Thiên Địa (hay Trời Đất) không phải là không gian vũ trụ vật chất. Con người Đại Đạo nhìn Trời Đất như một tổng thể có sức sống vĩ đại mà giáo lý Đại Đạo có thể diễn giải bằng phạm trù Càn – Khôn. Càn, hay Thiên, là nguyên lý tác động và định hình; Khôn, hay Địa, là nguyên lý tiếp thâu nuôi dưỡng.
Như thế Thiên Địa là thực tại vĩnh cửu, cho dù các hành tinh hay muôn ngàn thiên thể có di chuyển, đổi thay, nổ vỡ hay biến mất.
Vạn vật. Tất cả vật chất và sinh vật là hiện thân của tiềm năng Trời Đất. Tiềm năng ấy là bản thể của Càn Khôn, cũng là bản thể của vạn vật. Giáo lý Đại Đạo dùng khái niệm LINH QUANG ám chỉ bản thể ấy trong các sở vật thực tại.
Vậy, Thiên Địa là bản thể, bản căn của cuộc sinh hóa, và là tồn tại vĩnh cửu của thực tại vũ trụ vạn vật, cho dù vạn vật cứ tiếp diễn vô số chu trình thành trụ hoại không. Còn bản thân sự hiện hữu của vạn vật là trường tiến hóa.
Giáo lý Đại Đạo gọi bản thể ấy là Khí, bản căn ấy là Lý để nêu lên mối tương đồng tương quan giữ thiên địa vạn vật trong cơ nguyên sinh hóa, biến hóa và tiến hóa của vũ trụ. Khí là tuyệt đối thể thuộc Vô cực; Lý là nguyên lý Âm Dương của Thái Cực Đại Linh Quang.
Vạn vật – kể cả con người – cũng có Bản thể Linh Quang đồng nhất, nhưng chỉ có con người là loài đạt thành cấu thể của một Tiểu Thiên Địa.
“Người là Tiểu Thiên Địa đó,
Người với Trời nào có khác chi;
Hễ Trời có những món gì,
Người người đều cũng đủ y như Trời.”
Người với Trời nào có khác chi;
Hễ Trời có những món gì,
Người người đều cũng đủ y như Trời.”
(Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 28-8 Bính Tý (13 Octobre 1936); Đại Thừa Chơn Giáo)
Nói cách khác, Con Người là vũ trụ thu gọn, tức là một Tiểu Càn Khôn, một Tiểu Thái Cực.
Vậy, ngoài Bản thể Linh Quang tương đồng, Đại Thiên Địa và Con Người lại tương đồng ở cơ nguyên vận động nội tại hoàn bị nhất của một Thái Cực.
Nhưng Con Người không phải là một hệ thống vận động vô tri. Giáo lý Đại Đạo xác tín Thượng Đế, Đấng Chủ tể Càn Khôn và cũng nhìn nhận Con Người là một chủ thể, một tiểu ngã tương ứng với Đại Ngã Thái Cực Thánh Hoàng (Thượng Đế).
Cái căn cơ của chủ thể Con Người là Chơn Tánh, là ánh sáng Linh Quang của sinh vật đạt đến nhân vị.
“Tánh ấy là gì? Tánh là NGUYÊN LÝ sở dĩ sanh ra nhân loại; thế nên cái Bản Nguyên về tinh thần của con người là Lý. Lý ấy rất linh diệu thiêng liêng của Trời đã phân ra mà ban cấp cho mỗi người, nên Lý ấy tức là Tánh vậy”. (Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 16-9 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo)
Như thế Thiên Địa và Con Người là hai thực thể thống nhất về bản thể, về cơ cấu, về cơ nguyên vận động nội tại và quyền năng chủ sử. Những mối tương quan nhạy bén giữa hai thực thể đó thường xuyên biểu hiện trên sinh lý lẫn tâm linh con người.
Điểm đặc biệt là khả năng cảm ứng giữa Thượng Đế và Con Người. Chính mối thông linh này là cứu cánh tiến hóa giải thoát, đồng thời là điều kiện thực hành sứ mạng THẾ THIÊN HÀNH HÓA của Con Người Đại Đạo đối với nhân sanh:
“Trời với Người cũng đồng một lý, một khí mà ra thì không cảm ứng nhau sao được”. (Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 16-9 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo)
Tóm lại, “Trời Đất” và “vạn vật” có những tương quan mật thiết từ trong nguồn gốc hóa sanh, hình thành, công dụng và tiến hóa. Tất cả, theo giáo lý Đại Đạo, đều được bao hàm trong ĐẠO:
“Đạo dựng nên Đất trời. Trời đất do Đạo [mà] hóa sanh vạn vật. Vạn vật cũng do Đạo [mà] tiến hóa không ngừng. Vì vậy nên trong vạn vật đều có Đất Trời, tức là có Đạo vậy. Từ loài khoáng sản đến côn trùng, thảo mộc, thú cầm, và nhơn loại đều chịu định luật chung của Đạo”. (Đức Di Lạc Thiên Tôn; Trúc Lâm Thiền Điện, Ngọ thời, 02-01 Bính Ngọ (22-01-1966); Thánh Giáo Sưu Tập 1966-1967)
Như thế Thiên Địa và Con Người là hai thực thể thống nhất về bản thể, về cơ cấu, về cơ nguyên vận động nội tại và quyền năng chủ sử. Những mối tương quan nhạy bén giữa hai thực thể đó thường xuyên biểu hiện trên sinh lý lẫn tâm linh con người.
2. NGUYÊN LÝ NHỨT BỔN TÁN VẠN THÙ – VẠN THÙ QUY NHỨT BỔN:
Nhứt bổn tán vạn thù là Nhứt Thể biến sinh Vạn Pháp.
Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Thầy có dạy rằng:
“Khi chưa có Trời Đất thì khí Hư Vô sanh có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi; Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng; Tứ Tượng biến ra Bát Quái; Bát Quái biến hóa vô cùng mà lập Càn Khôn Thế Giái”.
“Khí Hư Vô sanh có một Thầy. Nếu không Thầy thì không có chi trong Càn Khôn Thế Giái này, mà nếu không có Hư Vô chi khí thì không có Thầy”.
Như vậy Thái Cực chính là đầu mối để bắt đầu cho cơ sanh hóa ra vạn vật (Nhứt bổn tán vạn thù).
Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy cũng có dạy: “Đức Thái Cực [mới] vận hành khí Chơn Dương hiệp cùng khí âm (âm dương là cơ với ngẫu). Khí âm dương hỗn hiệp nhau, đụng chạm mà hóa hóa sanh sanh, là do trong chỗ điều hòa, tương ứng, tương cảm, huân chưng đầm ấm, mới tạo thành nghìn giống muôn vẻ, thiên hình vạn trạng. Khi âm dương bắt đầu sanh hóa ra muôn loài vạn vật, muôn loài vạn vật cứ hóa sanh mãi mãi, đời nọ sang đời kia, không bao giờ ngưng nghỉ. Đó là một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật; nhưng vạn vật cũng phải quày đầu về một, là vì “nhứt bổn tán vạn thù, vạn thù quy nhứt bổn”. (Đức Đại Đức Cao Tiên; 03-8 Bính Tý (1936))
Chúng ta biết rằng trong tất cả mọi sự vật hiện tượng đều có Âm có Dương, không thể thiếu một. Âm Dương tuần hoàn trong cơ tạo, là quy luật của Vũ Trụ. Âm Dương được kết hợp theo hai phương thức khác biệt để tạo thành thời gian và không gian: thời gian được tạo thành trong sự tiếp diễn của Âm Dương theo định luật: “Dương cực Âm sinh, Âm cực Dương sinh”; Không gian được tạo thành theo sự đối ngẫu của Âm Dương theo định luật: “Trung Âm hữu Dương và trung Dương hữu Âm”. Sự hợp nhất này chính là Vũ Trụ. Vạn vật trong Vũ Trụ có muôn hình vạn trạng do âm dương giao hòa, vạn vật cũng biến dịch đắp đổi nhau như (sáng tối, thịnh suy, cứng mềm, nóng lạnh, động tịnh, tốt xấu, sướng khổ, trắng đen, sống chết, lớn bé, sang nghèo, vinh nhục …), nhưng tất cả cũng chỉ từ một gốc sinh ra, đó là Âm Dương, là Đạo (Nhứt bổn tán vạn thù). Âm Dương là nguồn gốc của vạn vật, dù tốt xấu, hay dở, trắng đen… cũng đều có nguồn gốc từ Thượng Đế hóa sanh ra cả. Tất cả cũng chỉ phục vụ cho cơ tiến hóa của Vũ Trụ mà thôi.
Vạn thù quy nhứt bổn là một của nguyên lý vận hành của sự tiến hóa trong càn khôn vũ trụ này. Trong mỗi vạn vật đều có điểm linh quang của tạo hóa ban cho, trải qua nhiều kiếp hy sinh lập công tích lũy thành công năng để tiến hóa về hiệp nhứt cùng đại linh quang. Từ cái vạn pháp bất đồng trở về cái nguyên bản ban sơ. Với quá trình tiến hóa là trạng thái đồng nhất về tinh thần mọi mâu thuẫn đối lập đều có thể dung hòa để tổng hợp thành một thể thống nhất đó chính là Đạo.
Trong cơ tiến hóa có tám nấc thang ứng với bát phẩm chơn hồn (bát hồn vận chuyển), theo thứ tự từ thấp đến cao, kim thạch hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, nhơn hồn, thần hồn, thánh hồn, tiên hồn, phật hồn. Khi tiến lên được phẩm nhơn hồn nếu biết hy sinh tu học tiến hóa được trở về nơi xưa chớ Chí Tôn không bồng ẳm. Nếu thoái hóa của mỗi chơn hồn phải đầu thai trả nợ chu trình hiệp nhất sẽ chậm hơn các linh quang khác.
Đại Đạo là Thiên lý vận hành bất tức cuộc sinh hóa – tiến hóa của vũ trụ vạn vật. Giáo lý Đại Đạo dạy rằng tất cả các chánh giáo được sáng lập từ Nhứt kỳ đến Tam kỳ phổ độ đều có nguồn gốc Đại Đạo. Vì các hàng Giáo tổ của các tôn giáo đều là sứ giả của Thượng Đế Chí Tôn đến thế gian lập giáo tùy theo phong hóa của các dân tộc Do cuộc tuần hòan và đến cuối chu kỳ tiến hóa vào thời Mạt pháp hiện nay, máy Tạo vận chuyển và vì đức háo sanh của Ðức Chí Tôn Thượng Ðế nên ngài mới chính mình mượn huyền diệu cơ bút làm phương tiện thông linh truyền dạy chánh lý qua Thánh giáo. Kỳ nầy Thầy mở Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ lấy tôn chỉ Tam giáo quy nguyên, ngũ chi hiệp nhất chính là mở ra cơ quy nguyên để các con cái tu học trở về hiệp nhứt cùng Thầy. Tuy nhiên vì người tìm Ðạo chớ Ðạo không tìm người cũng như Ðức Chí Tôn là Ðấng Toàn Năng Toàn Thiện mà ngài không thể bồng ẳm con cái ngài trở về cùng ngài vì ngài đã cho con cái ngài cái quyền tự do ý chí, tự do lựa chọn con đường tiến hóa hay thoái hóa hay luân hồi đi vòng vòng cho mình nên ai gõ cửa Cao Ðài thì Ðức Cao Ðài mở cửa.
Sự vận động sinh hóa trong vũ trụ không ngừng, nhưng công năng vận hành tiến hóa trở về với Bản thể vũ trụ mới là cứu cánh. Nếu trong vũ trụ chỉ có sanh hóa mà không có tiến hóa thì sự hiện hữu của vũ trụ vạn vật không có ý nghĩa, và tiến hóa không ngừng vì vũ trụ vận hành theo quy luật tuần hoàn. Quy nguyên là đỉnh cao tuyệt đối của con đường tiến hóa vì đó là Bản thể vĩnh cửu toàn thiện, toàn tri, toàn năng, biến hóa khôn lường. Nhưng tựu trung cùng hướng về một cứu cánh duy nhất là trở về với Đạo, với Thượng Đế. Những gì có giá trị phổ quát, trường cửu, đại đồng và tiến hóa mới có chỗ đứng trong Đại Đạo. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một Đại Cuộc Thiên Cơ, trong đó mọi tôn giáo sẽ hoàn toàn từ bỏ chấp trước hình thức, giáo điều để khai phóng tâm linh con người về với Chân lý duy nhứt là Thượng Đế.
3. NHỮNG HỆ LUẬN CỦA GIÁO LÝ ĐẠI ĐẠO TỪ HAI NGUYÊN LÝ TRÊN:
3.1 Sự vận động và biến hóa của vũ trụ:
Sự vận động và biến hóa trong vũ trụ không bao giờ ngừng nghỉ, và diễn ra theo hai quy luật:
– Quy luật Âm Dương tương tác.
– Quy luật tuần hoàn quy nguyên.
Theo Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy có dạy:
“Khí Âm Dương bắt đầu hóa sanh vạn vật, muôn loài vạn vật cứ hóa sanh mãi mãi đời nọ sang đời kia không bao giờ ngưng nghỉ. Đó là một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật.” (Đức Đại Đức Cao Tiên; 03-8 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo)
Quy luật vận động này có thể được diễn tả theo hệ thống: Vô Cực – Thái Cực – Lưỡng Nghi của Dịch học.
Trong Đại Thừa Chơn Giáo Thầy có dạy:
“Nhưng vạn vật cũng phải quay đầu về Một, là vì Nhất Bổn tán vạn thù, vạn thù quy Nhất Bổn.”(Đức Đại Đức Cao Tiên; 03-8 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo)
Vậy sự vận động hóa sinh của vạn vật không phải là không có đường lối mà “cứu cánh” quay trở về gốc phát sinh. Gốc này gọi là Nhất (Bổn) để đối chiếu với Vạn (vạn thù, vạn vật). Do đó, chiều thứ nhất của sự vận động là chiều đi từ đơn giản đến phức tạp hay từ Vô đến Hữu. Chiều thứ hai là chiều đi từ phức tạp đến đơn giản hay chiều đi từ Hữu đến Vô.
Ý nghĩa của quy luật tuần hoàn này rất quan trọng. Và “Nhất Bổn tán vạn thù, vạn thù quy Nhất Bổn” là nguyên lý chi phối hệ thống giáo lý Đại Đạo, đặc biệt quan niệm về sự tiến hóa của vũ trụ.
Càn Khôn vũ trụ không phải chỉ là vũ trụ hữu hình với vô số tinh cầu, thiên thể vận chuyển trong không gian, mà còn bao hàm vũ trụ vô hình của các cõi tâm linh.
Xác tín vũ trụ tâm linh như trên, giáo lý Đại Đạo cho phép rút ra hai điểm quan trọng:
– Trong vũ trụ, chẳng những có vật thể, sinh vật, còn hiện hữu vô vàn chủ thể tâm linh.
– Trong vũ trụ có những nấc thang tiến hóa. Tiến càng cao, càng lột bỏ các cấu thể hữu hình hữu chất, trọng trược, u tối; để trở nên vô hình, vô chất, thanh khiết, sáng suốt và siêu việt.
3.2 Sự tiến hóa của Vũ Trụ:
Quan niệm tiến hóa của giáo lý Đại Đạo dựa trên hai nguyên lý trên như sau:
Vì vũ trụ vạn vật có chung một bản thể, mà bản thể này vừa là phẩm chất tốt đẹp tối thượng bất diệt, vừa là nguồn gốc hóa sinh vạn vật, nên nấc thang tiến hóa của vạn vật – trong đó có con người – chính là trở về được, là đạt được sự toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ của Bản Thể.
Chính tính nhất thể trong vạn vật là năng lực và động lực của cuộc tiến hóa.
Nguyên lý “Nhất Bổn tán vạn thù, vạn thù quy Nhất Bổn” trong sự tiến hóa đã trở thành “Thiên cơ”, “Thiên luật” của Thượng Đế, và “quy Nhất” trở nên “cứu cánh” của con người.
Là Thiên cơ, Thiên luật vì chính Đức Thượng Đế (cũng là Đạo, là Khí Hư Vô) thúc đẩy vạn vật – đặc biệt là con người – tiến hóa để hiệp nhất với Ngài:
“Thầy là Hư Vô Chi Khí, thì Đạo cũng đồng nghĩa đó thôi. Nên chi trong thời Hạ Nguơn chính mình Thầy dùng Khí Hư Vô trực tiếp hữu hình đến thế gian để dẫn dắt thâu hồi những điểm Linh Quang đã cho xuống trần gian trở về với khối Đại Linh Quang” (Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; Ngọc Minh Đài, Tuất thời, 29-12 Bính Ngọ (02-02-1967); Thánh Giáo Nguyên Bổn.)
Dù vậy, cuộc trở về này không phải là sự biến hóa của phép thần thông, mà phải noi theo con đường Đại Đạo chính là theo đúng quy luật vận hành của vũ trụ:
“Các con đã sinh trong Đại Đạo, hãy noi theo Đại Đạo mà thành về cõi Thượng Thiên Vô Cực.” (Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; Minh Lý Thánh Hội, 09-01 Mậu Thân (07-02-1968); Thánh Giáo Sưu Tập 1968-1969)
Nơi con người, cuộc tiến hóa trở thành con đường phản bổn hoàn nguyên. Hoàn nguyên không phải chỉ là trở về khởi điểm, mà có ý nghĩa tiến hóa trở nên một chủ thể hoàn thiện, không đơn thuần là một điểm Tiểu Linh Quang như khi tách ra khối Đại Linh Quang, mà còn vượt lên đến phẩm vị Thiêng Liêng cõi Thiên Đình:
“Trời với muôn loài một Bổn Nguyên,
Cũng trong Linh Tánh, cũng tâm điền;
Linh Quang một khối chia nhiều ức,
Người, vật, tương đồng với Phật, Tiên.
………………………………………….
Luật Trời mầu nhiệm lắm ai ơi,
Một kiếp vi nhân quý một đời;
Linh tánh khôn ngoan hơn vạn vật,
Tu hành chắc thiệt sẽ thành Trời.”
(Đức Quan Âm Bồ Tát; Thánh Tịnh An Tiên (Giáo Hội Tiên Thiên), Tý thời, 01 rạng 02-02 Đinh Mùi (11-03-1967); Thánh Giáo Sưu Tập 1966-1967)
Cho nên sự kỳ diệu của nguyên lý “Thiên Địa vạn vật Nhất Thể và nguyên lý “Nhất Bổn tán vạn thù – vạn thù quy Nhất Bổn” được tìm thấy ngay nơi con người đang vươn mình tiến hóa.
“Người hành giả muốn tu chứng đắc quả, giải thoát luân hồi, phải đi theo con đường phản Bổn huờn Nguyên là trở về nguồn gốc con người; mà nguồn gốc con người không ngoài cái vũ trụ riêng tư của con người.” (Đức Đông Phương Chưởng Quản, Vĩnh Nguyên Tự, 04.12 Ất Mão (11-03-1976); Thánh Giáo Nguyên Bổn.)
Trong vũ trụ con người, chính Chơn Thần là nguồn gốc (Thần, Phật giáo gọi là Tánh; Đạo học còn gọi là Khí Thể Tiên Thiên). Cho nên cuộc tiến hóa của vạn vật chí đến con người không chỉ đơn thuần là những biến đổi thể xác hay tinh thần của muôn ngàn thế hệ tại thế gian và chấm dứt tại thế gian cho mỗi cá thể, mà đây là cuộc tiến hóa xuyên suốt từ vũ trụ hữu hình sang vũ trụ tâm linh:
“Bậc chơn tu tỉ như hột giống tốt, hễ gieo xuống thì cây lên, cây lên thì trổ bông, trổ bông rồi sanh trái mà biến biến sanh sanh càng tăng số. Vì vậy mà các con phải bỏ xác trần, mà bông trái thiêng liêng các con sanh hóa Chơn Thần, Chơn Thần lại biến hằng muôn thêm số tăng lên hoài. Ấy là Đạo.”(Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 13-06 Bính Dần (Jeudi 22 Juillet 1926); Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q.1, tr.31.)
Cho nên cứu cánh tiến hóa của chúng sanh chính là cứu cánh giải thoát khỏi cái tồn tại hữu hình hữu hạn để bước sang sự tồn tại vô hình vô hạn của tâm linh. Đây là con đường xuất thế gian đã được giáo lý Đại Đạo khẳng định, và con đường tiến hóa xuất thế gian cũng phải có nhiều nấc thang mới đến được hiệp nhất với Đức Thượng Đế:
“Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có Thần, Thánh, Tiên, Phật.”
“Thầy là Phật, chủ cả Pháp và Tăng, lập thành các Đạo mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy.” (Đức Thích Ca Mâu Ni Phật tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát Giáo Đạo Nam Phương; Phước Linh Tự, 15-09 Bính Dần (Dimanche 24 Octobre 1926); Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)
Tóm lại, giáo lý Đại Đạo trình bày một vũ trụ luận gồm đủ ba mặt của một hệ thống tồn tại khách quan: Nguồn gốc, sự vận động, sự tiến hóa của vũ trụ vạn vật. Vũ trụ luận Đại Đạo bao hàm các nguyên lý quan trọng:
– Thái Cực – Âm Dương,
– Thiên Địa vạn vật Nhất Thể,
– Nhất Bổn tán vạn thù, vạn thù quy Nhất Bổn.
Đó là những nguyên lý dẫn đạo cho các luận thuyết về Bản Thể, về sự biến hóa, sanh hóa của vũ trụ vạn vật.
Thuyết tiến hóa chính là hệ quả của ba nguyên lý đó, hoàn thành một luận thuyết nhất quán về sự chuyển hóa của tiểu vũ trụ con người từ hữu hình đến Hư Vô.
Vũ trụ luận Đại Đạo còn nêu lên sự hiện hữu giữa vũ trụ tổng thể với hai chủ thể trung tâm là Thượng Đế và Con Người. Giáo lý Đại Đạo đã đồng nhất quan niệm vô ngã với quan niệm hữu ngã trong phạm trù Thượng Đế (chủ thể vận hành vũ trụ) và trong phạm trù Con Người (chủ thể nhận thức cứu cánh tiến hóa và chủ động thực hiện cuộc tiến hóa). Cặp phạm trù Đại Linh Quang – Tiểu Linh Quang khẳng định hai chủ thể Trời Người đồng một Bản Thể (đồng nhất thể), đó là Linh Quang.
KẾT LUẬN:
Vũ trụ luận Đại Đạo với quan niệm về con đường tiến hóa của vũ trụ vạn vật cho thấy sự hiện hữu của một vũ trụ tâm linh vượt lên trên và bao quát vũ trụ vạn vật. Trung tâm của vũ trụ tâm linh là Chơn Thần của Đức Thượng Đế, nơi quy tụ Chơn Thần của các hàng chủ thể đã và đang giải thoát.
Nói cách khác, vũ trụ luận Đại Đạo còn là nền tảng để xây dựng hệ thống tư tưởng về con người, nhân sinh và đạo pháp, để người tu nhận thức một đạo lý nhất quán dẫn đến cứu cánh cao tột của mình là hiệp một cùng Trời, cũng như dẫn đến sứ mạng cứu độ cộng đồng nhân loại là trực tiếp tham gia cùng Trời, vận hành cho vạn loại cùng tiến hóa.
(Tổng hợp từ một số bài viết trên trang http://www.nhipcaugiaoly.com/)
Bài viết khác:
Ôn tập Thánh Giáo của Đức Lý Giáo Tông
Một số câu hỏi về ăn chay
Khuyến Nữ Hồi Tâm Kinh
Tân Luật của Đạo Cao Đài
Chánh Giáo Thánh Truyền
Yếu lý Dương làm chủ và đôi điều cảm nhận về quyền năng, tình yêu thương của Đức Mẹ
Đức Hồng Quân Lão Tổ theo quan niệm của Tam Kỳ Phổ Độ
Một đoạn Thánh giáo dạy về công quả và luật nhân quả rất ý nghĩa của Đức Mẹ
Trả lời