Một chữ Tâm

Ngày đăng: 30-10-2010 | Lượt xem: 2678
Một Chữ Tâm
Thiên Châu Tinh Quân

Trong Kinh Đại Thừa Chơn Giáo, in lần thứ nhì ở trang 262, Đức Huyền Khung Cao Thượng Đế, Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn, “Chúa Tể Càn Khôn Võ Trụ, thống ngự vạn vật, vi Thánh, Thần, Tiên, Phật chi Chủ”, có phán rằng:

“Tam Giáo thất, vì siêu việt quá,
Người tầm chẳng thấu, hiểu lầm sai.”

Bởi thế nên Đức Huyền Khung mới dùng câu văn rất bình dị để minh định Lý Đạo một cách rành rõ như vầy:

“Đại Thừa cắt ái ly gia,
Ly gia chẳng phải bỏ nhà đi đâu;
…………………………………
Chớ nên ẩn núp núi xa,
Xưa nay các Đạo hiểu ra rất lầm!
Đạo đâu? Đạo ở nơi TÂM, 

Thì đâu có phải kiếm tầm đâu xa!” 
(Đại Thừa Chơn Giáo. Trang 240)

Còn Phật Tiên Thánh Thần cũng chẳng đòi ngự nơi đền đài đồ sộ hay am tự nguy nga hoặc Thánh Đường tráng lệ cùng đình miễu lòe loẹt, làm cho Nhơn Sanh quá hao công tốn của, mà thật sự, các Đấng chỉ thích ngồi nơi TÂM của chúng ta mà thôi.

Tại Vạn Quốc Tự ở Sài Gòn, vào Ngọ thời ngày Rằm tháng 6, năm Ất Tỵ (13/7/1965), Đức Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu có phán dạy một Vị Thiêng Phong Chức Sắc như sau: 
“Con nên nhớ rằng cõi Trần Gian trọng trược, chỉ có TÂM của con là nơi các Đấng Thiêng Liêng ngự mà thôi .”

Đương buổi sơ khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, trong một trường hợp đặc biệt, Đức Cao Đài Thượng Đế cũng có phán:

THI:
“Bạch Ngọc từ xưa đã ngự rồi!
Chẳng cần Hạ Giới vọng cao ngôi;
 
Sang hèn trối kệ, TÂM là quí,
TÂM, ấy tòa sen của LÃO ngồi!”

Tuy nhiên, Thiêng Liêng không phủ nhận sự cần ích của chùa chiền hoặc các hình thức thờ phượng khác …Tại Chơn Lý Đàn ở Hòa Hưng (Sài Gòn), hồi Ngọ thời, Rằm Trung Thu năm Ất Tỵ (10-09-1965), Đức Kim Bàn Phật Mẫu có giáng Cơ ngự Bút minh giải: 
“Các ngôi Thánh Đường được xây dựng lên để thể hiện lòng chiêm ngưỡng tối cao của các con và làm nơi Hội Đồng để biểu dương Chánh Pháp.”

Hồi Tuất thời ngày 06/06/1967 (09-05-Đinh Mùi), tại Thánh Tịnh Ngọc Minh Đài ở Vĩnh Hội (Sài Gòn), Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt cũng có Giáng Cơ dạy rõ ràng: 
“Thánh Tịnh hay Thánh Thất đều là một nơi để thể hiện Tình Thương của Thượng Đế đối với vạn linh sanh chúng nơi cõi Trần, cũng là nơi gặp gỡ của các Bực Thánh Linh đã có sứ mạng đến trần gian độ Đời hành Đạo và cũng là nơi để tất cả đều đến tìm Chơn Lý trong sự sáng suốt thiêng liêng của mỗi Nhơn Sanh.”

Tại Đàn Cơ ở Thánh Thất Từ Vân thuộc vùng Phú Nhuận, tỉnh Gia Định, ngày 21/06/1966 (03-01-Bính Ngọ) Thiêng Liêng vẫn xác nhận: “Đạo là vô vi, là Nội TÂM thực hành, nhưng đối với người thế tục, cần phải có hình thức để đánh vào thị giác tỏ ra sự thành kính.”

Nhơn dịp Đàn Xuân Khai Cơ năm Bính Ngọ (1966), tại Trúc Lâm Thiền Điện ở Châu Thành, Vĩnh Long, Đức Di Lạc Phật Vương cũng có diễn dụ: 
“Tuy các ngôi thờ phượng đó là mặt hữu hình thể chất, nhưng cũng cần là cần ở phương diện tựa vào cái giả tướng đó để đánh vào thị nhãn của chúng sanh ưa thích về hình tướng: do đó cũng hấp dẫn họ lại gần nơi thiền tự. Đó là những trình độ hiểu Đạo thô sơ. Điều quan trọng hơn là ở NỘI TÂM.
Cúng lạy pho tượng tạm đặt tên Bần Tăng để thể hiện lòng sùng kính một Đấng Từ Bi Cứu Thế, nhưng cần phải làm và làm cho nhiều theo Đức Độ và Giáo Lý đã chỉ truyền mới mong tự cứu rỗi Thân Tâm, chớ có chú trọng về mặt hình thức, lễ bái, cầu xin, mà thiếu về phần Nội Tâm, tự tu, tự cứu, Bần Tăng cũng không làm sao cứu rỗi giùm!”

Đêm 01-02-Đinh Mùi (11-03-1967), tại Thánh Tịnh An Tiên, cũng thuộc tỉnh Vỉnh Long, Đức Quan Âm Bồ Tát có giáng Cơ khải giáo:
“Tu đâu cũng được, không lựa là tìm kiếm nơi nào.
Sở dĩ trong ĐẠI ĐẠO, có Tòa Thánh, Hội Thánh, Thánh Thất và Thánh Tịnh là chỗ để lập Cơ Phổ Giáo, lãnh đạo Tinh Thần, hội họp trao đổi kinh nghiệm Đạo Lý. Nếu không có lý do cần thiết đó thì những tòa nhà kia là những ngôi nhà trống, vô tri vô giác.”

Ngày 01-05-Mậu Thân, nhằm 09-06-1968, vào Ngọ thời, tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam ở đường Cống Quỳnh, trược mặt chợ Thái Bính (Sài Gòn), Đức An Hòa Thánh Nữ cũng có giáng cơ giải thích: 
“Những ngôi chùa, Thánh Thất, Thánh Đường, cũng như những mái trường, đều là vật vô tri vô giác, không cần và cũng không muốn ai làm vinh diệu cho nó. Trường Đạo là chỗ để cho các hàng Hướng Đạo làm nơi giáo dân vi thiện, tô bồi công quả có nhiều âm chất tiến hóa. Cũng nơi đây, để dìu dẫn rèn luyện con người từ chỗ tội ác ra nơi lương thiện, từ chỗ tối tăm đến nơi xán lạn, từ chỗ tội ác ra nơi lương thiện, từ chỗ hận thù giết chóc, giàu hiếp nghèo, mạnh hiếp yếu, trở ra Tình Thương, bảo tồn đùm bọc, che chở, dìu dắt lẫn nhau.”

Thiết tưởng, bao nhiêu bằng cớ đó cũng đủ giúp cho quí chư liệt vị xác nhận rõ rệt là Thiêng Liêng dạy rằng các ngôi thờ phượng chỉ là phương tiện để Phổ Độ, là phần phụ thuộc, nhưng tối cần ở Hạ Thừa. Còn phần chánh là Nội Tâm, là Giáo Lý, Giáo Pháp, cần phải học, phải hiểu, phải hành và phải hóa, nhứt là đối với Bực Thượng Thừa.
Vì lẫn lộn phần chánh với phần phụ, nên Vị Đầu họ Đạo của Liên Hoa Cửu Cung ở Thủ Đức, tỉnh Gia Định, được một Bực Tiền Bối quá vãng nhập Cơ khuyến nhủ rằng:
 “Tươi! Em nên nhớ điều này:
Việc trùng tu phải dựa vào sở hữu cùng năng lực thật tế, không nên bày bố, rồi mãi lo thanh toán nợ nần mà xao lãng phần Tu Học.
Trong phần trùng tu kiến thiết, em đừng quên dành riêng một chỗ để vừa làm Giảng Đường, vừa làm Lớp Đạo Đức Học Đường. Có cơ sở rèn luyện mầm non tương lai, ĐẠI ĐẠO mới có người kế tục Đạo Đức sau này.”

(Đàn Cơ Ngọ thời, 04-01-Bính Ngũ, nhằm 24-01-66).

Hơn nữa, trong một Đàn Cơ ở Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, Đức Vô Cực Từ Tôn có phán rằng Tòa Thánh, Thánh Thất, Thánh Tịnh là chỗ để trao đổi ý kiến về Giáo Lý, Giáo Pháp, chớ không phải là nơi tụ hợp để bàn Chánh Trị, vì, trong lúc cao hứng, sơ hở khen người này, chê người nọ. Tiếng dội đến tai người ta làm cho mích lòng! Người ta đâm ra oán ghét bổn đạo, lại còn oán ghét luôn đến Đại Đạo thì tai hại vô lường!
Hơn nữa, trong bộ kinh Khai Tâm Chuyển Hóa, quyển 1, in lần thứ hai, trang 8, Đức Quan Âm Bồ Tát có ban lời khuyên như vầy: 
“Hôm nay, Bần Đạo lấy làm hoan hỷ với lập trường hằng sống trong lòng Thiên Châu, cũng như Thanh Sơn, Thiên Chiếu, đã khẳng định bước đường mà nơi đây tuyệt đối không để một cá nhơn nào hay một tổ chức nào xen vào mượn Đạo làm Chánh Trị. Điều nầy, Bần Đạo lấy làm hoan hỷ, hoan hỷ!!! Bởi lẽ Chánh trị Đời xen vào Đạo là điều tai hại không lường!” 
(Đàn Cơ Ngọ Thời, 19-02-Canh Tuất (23-03-70) tại Bửu Cảnh Nhứt Hòa, Cù Lao Phố, tỉnh Biên Hòa).

Tuy Thiêng Liêng dạy kỹ như vậy mà còn có Đạo Hữu ở vài nơi không chịu phục thiện, nên trong một Đàn Cơ tại Cơ Quan PTGLCĐGVN, Đức Giáo Tông Đại Đạo, Nhứt Trấn Oai Nghiêm phải cảnh cáo rằng có “đứa” vẫn tự tôn tự đắc, tự cao rao là cách mạng gia, thao thao bất tuyệt, giảng nào là thời sự, nào là quá khứ vị lai, nào là Minh Vương xuất thế, mà “rõ ra nó chỉ là cái mõ làng!”
Vì vậy, cũng trong Đàn Cơ nói trên, Đức Vô Cức Từ Tôn khuyên, mỗi tháng, nên tổ chức tối thiểu là hai buổi thuyết Đạo trong ngày Sóc, Vọng, để thay thế vào những chuyện phiếm, phiêu lưu, vô bổ.

Thưa quí chư liệt Vị,
Tôi cáo lỗi đã lạm dụng thì giờ đắt giá của quí chư liệt vị, nói dài dòng về sứ mạng thiêng liêng của các ngôi thờ phượng. Vậy tôi xin đóng dấu ngoặc và trở lại CHỮ TÂM.

Trong kinh Kim Cang Diễn Nghĩa bằng tiếng Việt của Đức Nhiên Đăng Cổ Phật giáng Cơ ân tứ hồi năm Canh Thìn (1940) ở quận Ô Môn và do Hội Thánh Cao Đài Thượng Đế Chiếu Minh tại cần Thơ xuất bản, nơi trang 74, Đức Thích Ca Mâu Ni có dạy rằng:

“Điều tu niệm chỉ quanh, hiểu tắt,
Có chi hơn dìu dắt lấy Tâm.”

Bởi Đạo rất huyền bí cao siêu, ít người hiểu nổi, nên các Đấng Giáo Chủ xưa kia phải thuyết Pháp bằng lối “chỉ quanh” cho nhơn sanh mới có thể lãnh hội được. Vì vậy mà Kinh Sách dạy Đạo, tự cổ cập kim, kể ra thật là vô số.
Nhưng nếu “hiểu tắt” thì bao nhiêu Kinh Điển cũng chỉ gom lại có một chữ mà thôi. Chữ ấy là CHỮ TÂM.

Tại Vô Vi Hiệp Thiên Đài của Hội Thánh Chơn Lý Định Tường ở Mỹ Tho, ngày 20 tháng 9 năm Kỷ Mẹo (1939), Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế có phán nhắc: 
“Các con nhớ cho kỹ: từ xưa đến nay, những Bực Giáng Sanh Cứu Thế thảy đều dạy Đời có một chữ Tâm là đủ”. (Đuốc Chơn Lý, trang 56)

Vâng, có một CHỮ TÂM là đủ. Đành rằng Kinh Sách đã dạy về Chữ Tâm rất nhiều rồi, nhưng Đức Di Lạc Tuyên Quang Phật vẫn nhận thấy còn thiếu, nên có than rằng bao nhiêu Kinh, Điển, Thi, Thơ, của Phật, Tiên, Thánh, Hiền lưu để tự ngàn xưa đều có luận về cái Tâm, mà vẫn giải chưa hết nghĩa. Trong Thánh Đức Chơn Kinh, quyển 11, trang 92, Đức Di Lạc có trần thuyết: 
“Tâm! Từ xưa đến nay, biết muôn ngàn Kinh Sách giải không nổi Chữ Tâm!”

Vì vậy nên Chữ Tâm cần phải được giảng đi giảng lại mãi mãi, mỗi lần dưới một khía cạnh khác nhau, với lối trình bày riêng biệt cho hợp thời, hợp cảnh, hợp trí của mỗi nơi, để giúp người Đời cùng bạn Đạo triệt hiểu thiên hình vạn trạng của nó.

Thưa quí chư liệt Vị,
Tâm là cái gì?
 
Chữ Tâm có hai nghĩa:
Một nghĩa khoa học, cụ thể, hữu hình.
Một nghĩa triết lý, từu tượng, vô vi.

Theo Vạn Vật Học, cái Tâm (thường gọi nôm na là trái tim) là cơ quan chánh của bộ máy Huyết Dịch Tuần Huờn trong thân thể con người và thú vật. Nhờ dưỡng khí của sự hô hấp mang vào, trái tim đổi huyết đen (máu xấu) ra huyết đỏ (máu tốt), rồi đưa huyết đỏ lưu thông khắp châu thân để nuôi phần xác của con người và thú vật. Cái Tâm hữu hình nầy là Nhục Tâm (nhục là thịt). Nó thuộc về ngũ tạng: tâm, can, tì, phế, thận, nghĩa là: tim, gan, bao tử, phổi, cật, của Y Học.
Con người và thú vật đều có Nhục Tâm.
Theo Triết Lý của Tôn Giáo, cái Tâm là trung tâm phát huy tư tưởng và hành động của con người.

Trong kinh Đại Thừa Chơn Giáo, trang 342, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế có phán dạy rằng: 
“Một thế giới hay là một nước cũng phải có Vị Chưởng Quản quyền hành. Nước có dân, nhưng dân phải tuân mạng lịnh của Vua mà thi hành. Vị Đế Vương ấy là trung tâm của một quốc dân. Quốc dân ấy được hạnh phúc lớn lao, là nhờ có Minh Quân cầm quyền thống trị, ưa Đạo Đức của Thánh Hiền, làm cho nước trị dân yên, gia vô bế hộ. Còn rủi quốc dân vô phước gặp phải hôn quân, đắm mê tửu sắc, tài, khí, thì ngoại quốc, chư Hầu khởi loạn, còn dân trong nước oàn thù.
Lấy lý ấy thì về Quốc Dân, Vị Đế Vương là trung tâm cho xã hội, còn với Nhân Loại, cái Tấm Lòng là trung tâm cho con người. Nó làm chủ cho nhơn thân mà điều khiển ngũ quan vận hành khí huyết.
Cái Trung Tâm Đạo ấy rất mầu nhiệm, thông linh, làm cho con người được an vui trên con đường tấn hóa. Vậy người cần phải lấy cái Tâm làm Chủ Tể, đừng để cho Tâm bị vật dục bế tắc, làm cho hư hỏng đi.
Con người nên Chủ cái Tâm. Thành Phật, Tiên cũng do đó, mà làm ma quỉ cũng tại đó.”

Cái Tâm vô hình nầy, chỉ có con người mới có, chớ thú vật không có.
Bởi vậy nên nhà đại văn hào Pháp, Diderot, có nói: “Le tigre dévore et dort, l’homme tue et veille.” Nghĩa là: cọp ăn cọp rồi ngủ, người giết người rồi thức.
Tại sao thế? – Tại vì con cọp thuộc loại thú, nên không có cái Tâm vô vi để phân biệt thiện ác, còn con người có cái Tâm vô vi, nên khi làm việc ác thì bị cái Tâm vô vi ấy dày vò, cắn rứt, không cho nó ngủ.

Con người và thú vật khác nhau tại đó. Và cũng nhờ chỗ khác nhau đó mà con người mới xứng đáng ngôi Tam Tài (Thiên, Địa, Nhơn), làm Chúa các loài vật.
Thưa quí chư liệt vị, Cái Tâm vô hình nầy, Phật gọi là Kim Cang Tâm. (Kim cang hay kim cương, tục kêu là hột xoàn, là một thứ ngọc báu, rất quí, trong nhứt, bóng nhứt, cứng nhứt trong các loài khoáng thạch. Không có vật gì rạch nổi nó. Trái lại, nó có năng lực phá tan các vật khác).
Trong Đại Thừa Kim Cang Luận của dịch giả Thích Viên Giác, ở trang 10, Phật có giảng cho Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát như vầy: 
“Thế nào là Kim Cang Tâm?
– Tâm nầy, ai ai cũng sẵn có. Không người nào không. Ấy là cái Tâm bình đẳng. Chúng Sanh tự hiểu lấy, biết lấy. Vì sao thế? – Vì tất cả việc lành, việc dữ đều do Tâm mình tạo ra. Tâm mình tu thiện thì Thân mình an vui. Tâm mình làm ác thì Thân mình khốn khổ. Tâm là chủ của Thân. Thân là dụng của Tâm. Vì sao vậy? – Vì Phật cũng do Tâm thành, Đạo do Tâm học, Đức do Tâm chứa, Công do Tâm tu, Phước do Tâm tạo, Họa do Tâm làm. Tâm hay tạo ra Thiên Đường, Tâm hay làm ra Địa Ngục…
Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào rõ được tự Tâm, biết được tự Tánh, y theo lời Phật dạy mà Tu Hành, người ấy quyết định sẽ thành Phật. Công đức ấy còn hơn đọc tụng ba mươi vạn biến kinh Kim Cang. Công đức ấy không gì sánh kịp. Vì sao thế? – Vì hết thảy chư Phật và Đạo vô thường của Ngài là từ trong Tâm mình phát xuất ra. Tâm ấy vô cùng tận, không thể phá hoại, không thể tạp nhiễm, cho nên gọi là Tâm Kim Cang.”

Về cái Tâm vô vi nầy, tại Huờn Cung Đàn, ở Khánh Hội (Sài Gòn), đêm 14-06-Ất Tị (12-07-1965) Đức Cái Thiên Cổ Phật có giáng Cơ diễn dụ rằng:“Ngày nay cùng hậu thế thường ca tụng, sùng bái những Bậc vỉ nhân, siêu nhân hoặc Thần, Thánh, Phật, Tiên. Sự thật ra, những Bậc đó không phải từ trên Trời rớt xuống mà nên; chính cũng thân từ chỗ con người, nhưng có khác hơn ở chỗ Tâm mình biết chế ngự những ý nghĩ đen tối, tội lỗi cùng những điều bất chánh. Có bấy nhiêu đó mà phân tách được Thánh với Phàm, tiểu nhơn cùng quân tử. Đó bởi do Tâm tạo.”

Đêm Rằm tháng 6 năm Mậu Thân (10-07-68), tại Ngọc Minh Đài ở Vĩnh Hội (Sài Gòn), Đức Đông Phương Lão Tổ cũng có giáng Cơ huấn dụ:“Trên cõi vô thường nầy, không có việc gì tốt đẹp cả hai mặt. Có khi thấy tưởng là phúc mà ra họa, có khi tưởng việc rủi mà hóa may. Phúc, họa, rủi, may đều do Tâm tạo. Hễ Tâm chánh trực, ý tưởng thanh cao, mọi họa sẽ trở thành phúc, mọi rủi sẽ biến thành may.”

Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển II, trang 60, Đức Lý Đại Tiên Trưởng Thái Bạch Kim Tinh cũng có dạy:“Nầy chư Đệ Muội ôi! Kìa chốn thiền môn, chùa chiền, Tịnh Thất, thì nhà Tu Sĩ thường lui tới trau Tâm luyện Tánh, bồi công lập đức. Nọ cảnh cao lâu tửu quán, thì khách làng chơi tấp nập để mua vui, theo cùng Tứ Đổ. Nọ chốn võ đài, Bực anh hùng đến để tranh tài ba thao lược. Đó là Lý Tự Nhiên của ý nghĩa câu: Gia nội hữu quân tử, môn ngoại hữu quân tử đáo; gia nội hữu tiểu nhơn, môn ngoại hữu tiểu nhơn lai. Là Định luật Tự Nhiên, gọi là hợp điển theo từng lớp, chẳng khác nào câu: Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu.Cũng như thế, họa phước bởi Tâm tạo ra. Nghĩa là: Tâm của mỗi người nếu được trọn lành, trong sạch, tức nhiên là Phước Thần đến. Còn Tâm kẻ nào gian ác, mị tà, quyền tước, tức nhiên Ác Thần họa lai chẳng sai.
Như thế, người Tu phải hiểu rõ điều ấy, rồi thì luôn luôn giờ phút nào cũng ráng kềm Tâm chơn Tánh thẳng ngay, trọn lành, tin tưởng Trời Phật, thì sẽ được hưởng phước. Bằng trong Tâm xao xuyến, dục vọng những điều ác quấy, tức nhiên phần vô hình cũng có những Ác Thần, Ma Quỉ xúi giục. Mắt phàm đâu thấy rõ, chỉ có Bực Chơn Tu, Huệ Nhãn mới được thông tường. Còn nói chi đến phần Thiêng Liêng là Trời, Phật, Thánh, Tiên, thì thấy Tâm Lý chư Hiền chẳng sai một mảy.”

Sách có câu: Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu. Nghĩa là: Lưới trời lồng lộng, thưa mà chẳng lọt.

Thưa quí chư liệt Vị,
Cái Tâm không phải thay đổi họa phước mà thôi. Nó còn biến cải được cả cái Tướng vật chất hữu hình của con người nữa. Nó đổi tướng xấu hóa tướng tốt hoặc tướng tốt thành tướng xấu. Bởi thế nên có câu:
Tâm biến Tướng, Tướng tùng Tâm diệt. Ví dụ: Trong truyện Thất Chơn Nhơn Quả, Ông Lưu Trường Sanh là người có cái tướng thật xấu: tướng chết đói! Nhưng nhờ Ông có cái Tâm thật tốt, nên cái tướng chết đói của Ông biến thành cái tướng Tiên phong đạo cốt và Ông Tu đắc quả, đứng đầu trong 7 Vị Tiên đồng tu một lượt với Ông.

Thưa chư Huynh Tỷ, chư Đệ Muội,
Con người có cái Tâm vô vi.
Vậy cái Tâm vô vi ấy ở đâu?

Trong Thánh Giáo Chơn Truyền, quyển II, trang 101, do Hội Bồ Đề Đạo Tràng An Giang xuất bản năm 1958, có đoạn Vấn Đáp sau đây giữa một Môn Đồ của Bồ Đề Đạo Tràng và Đức Đạo Hạnh Chơn Nhơn:
– “Vấn: Bạch Tiên Trưởng, cái Tâm của Tiểu Thiên Địa ở chỗ nào? Và Đại Thiên Địa ở đâu?

– Đáp: Cái Tâm của con người ở trong lời nói, trong việc làm, trong thất tình lục dục. Nếu người biết cái Tâm ở chỗ nào cho đúng, mà người chưa điều khiển được thì cũng chẳng ích gì. Còn cái luân chuyển của Trời Đất thì có Đức Thượng Đế chủ ủy. Phương pháp hành đạo chẳng dạy tầm cái cao siêu mà quên bên mình biết bao xiềng xích! 
– Vấn: Bạch Ngài, nếu không biết cái Tâm ở đâu thì lúc Tham Thiền, làm sao định Tâm được?
– Đáp: Cái Tâm của Trời Đất là Đức Thượng Đế còn cái Tâm của con người là Chơn Nhơn. Vậy người muốn biết chỗ nào, người cứ hỏi thì người sẽ rõ.”
Cũng trong quyển kinh nầy, ở trang 111, Đức Mộng Liên Tiên Trưởng có giải thêm cho Đệ Tử của Ngài một cách rất đơn giản, dễ hiểu như vầy: 
“Như các con muốn thấy cái Tâm ở đâu thì mỗi khi các con gặp một người nghèo khổ, các con động lòng thương. Đó là cái Tâm hiện nơi lòng Nhơn của các con vậy.”

Thưa quí chư liệt Vị,
Cái Tâm vô vi có nhiều tác dụng không giống nhau, nên các Bực Đạo giáo triết gia khoác lên nó những bộ áo mang nhãn hiệu khác nhau. Thật vậy!

– Có cái Tâm biết phân biệt thiện ác, chánh tà, chơn giả, trung nịnh, chung thủy, thiên thời, địa lợi, nhơn hòa. Vốn nó có tánh thiện, nên nó khuyên ta làm lành tránh dữ, gần chánh tránh tà. Nó khen ta khi ta làm việc thiện, điều hay. Nó chê ta khi ta làm việc ác, điều quấy. Nó là Quan Tòa vô hình, cực kỳ bình tĩnh, thanh liêm, chánh trực, vô tư. Cái Tâm đó kêu là Lương Tâm (Lương nghĩa là lành).

Trong kinh Hồi Chuông Cứu Khổ, quyển II, trang 14, Giác Đức Bửu Tiên có giảng:“Đây là lời Bần Đạo ví dụ: con người mà không có Lương Tâm cũng như thuyền không lái, như ngựa không cương, như vật vô tri vô giác. Lương Tâm như một Vị Thẩm Phán để xét qua hành động của con người, như: tội, phước, tấn, thối. Vậy nên Lương Tâm giúp cho con người biết làm cái bổn phận đối với Nhân Sinh Xã Hội, hướng dẫn con người được sáng đẹp, làm cho hành động con người có giá trị. Lương Tâm phải được giác tiến mới đưa con người vươn mình lên đi đến chỗ: Thiện Mỹ.”

Về Lương Tâm, trong Đại Thừa Chơn Giáo, trang 398, Đức Cao Đài Bồ Tát có phán:“Vả trong thân thể con người thì cũng có chi báu trọng, cao quí, yếu cần bằng cái Lương Tâm, nên Lương Tâm vì không còn nữa, vì đã tán tận đi rồi, thì con người còn chi báu nữa đâu? Mà con người dường ấy tất có khác gì kiến, bọ, dế, trùng? Sống kia như chết, có cũng bằng không. Hỡi ôi là khổ!!!”

Thưa Huynh Tỷ Đệ Muội, 
– Có cái Tâm kêu là Tâm Viên (Viên là con khỉ hay con vượn).
Thật vậy, cái Tâm của con người không giờ phút nào được yên tịnh. Nó phóng đi chỗ nầy, nó chạy đi nơi khác, nó nhớ chuyện xưa, nó lo việc nay, nó toan tính việc tới, nó bày mưu nầy, nó sắp kế nọ liền liền. Vì nó không yên tĩnh, vì nó lí láu, liến thoắng như con khỉ, nên nó mang nhãn hiệu là Tâm Viên. Người quân tử bao giờ cũng kềm cái Tâm cho thanh bạch, tịnh an, không cho phóng túng chạy bậy ra ngoài.

Trong Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển 1, trang 183, Đức Thái Thượng Lão Quân, Giáo chủ Đạo Tiên, có khuyến dạy: “Chư Môn Đệ! Khi Tịnh Định, có thấy Phàm Tâm phóng túng như thế nào chăng? – Thì phải biết thâu nó lại. Cũng như Tôn Hành Giả bỏ Tam Tạng mà đi, thì nhờ có câu chú niệm Cần Cô, Tôn Hành Giả mới nhức đầu quay về mau lẹ được.
Chư Môn Đệ cũng vậy. Khi ngồi Tịnh, Tâm có phóng túng, tưởng việc quá khứ, vị lai, hiện tại, điều chi,
cứ niệm danh Thầy, thì Tâm liền thâu lại.”

– Có cái Tâm gọi là Tâm Điền (Điền là ruộng).
Đây, chúng ta hãy thành kính nghe Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế phán như sau, cũng trong Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển 1, trang 42:
“Hôm nay, Thầy dạy lại CHỮ TÂM cụ thể cho các con thấy rành CHỮ TÂM. Nó là vô hình, nên những Bậc Giáo Chủ mới vì cái Tâm như miếng ruộng của con. Thật vậy đó con!
Trước kia, miếng ruộng của con vẫn trống sạch. Nếu con không cấy lúa lên, tức nhiên nó phải sanh cỏ. Khi sanh cỏ rồi, con muốn nhổ tận gốc cho sạch trơn, rồi không cấy những lúa tốt lên, lâu ngày cũng biến sanh ra cỏ nữa. Bởi vậy, Tâm con kêu là Tâm Điền. Chẳng những các con tránh điều dữ, mà còn phải lo làm những điều lành.
Như trong Ngũ Giới Cấm, điều thứ nhứt, Cấm sát sanh, thì con giữ được tròn rồi là con không sát sanh nữa, nhưng cũng phải làm sao cho Tâm con đầy đủ sự háo sanh, dưỡng sanh, bảo sanh. Có như thế, lâu ngày mới không biến đổi những sự chẳng hay. Thầy dạy cạn lý, các con tìm hiểu để trau lại CHỮ TÂM.”

Thưa quí Đạo Hữu lưỡng đài,
Bây giờ, tôi phải mạn phép bước lên Thượng Thừa để nói phớt sơ qua cái Tâm trên phương diện biến dịch của Chơn Đạo.

– Trong Bát Quái Hậu Thiên (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài), cái Tâm thuộc cung Ly ở hướng Nam . Người Đạo Sĩ luyện cái Tâm để làm phép Chiết Khảm Điền Ly, cho Lạc Thơ trở lại Hà Đồ, hầu phản bổn huờn nguyên, qui hồi cựu vị, thành Tiên tác Phật.
Cái Tâm nầy gọi là Ly Tâm.
– Trong Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), cái Tâm thuộc về Hỏa. Cái Tâm nầy là lửa thiêng để nấu Kim Đơn. Người tu luyện phải biết Bí Pháp giữ lửa riu riu để huân chưng thuốc. Nếu để lửa cháy quá, thì Kim Đơn bị chảy ra, tiêu tan hết. vì vậy nên tại Đàn Cơ nơi Thanh Quang Bửu Điện ở tỉnh Tân An, đêm rằm tháng Chạp năm Giáp Thìn (01-01-65), Thầy có khuyên nhủ rằng: 
“Mỗi con đã nhập vào Trường Tịnh rồi, điều cần nhứt là phải diệt tận Lửa Lòng. Bởi Tâm thuộc Hỏa, khi ngộ cảnh gặp sự, chẳng khác nào quăng bổi vào lò lửa. Nếu các con chẳng dập tắt Lửa Lòng thì chẳng khác nào Hỏa Diệm Sơn cản ngăn Đường Tam Tạng.”

Trong Đại Thừa Chơn Giáo, trang 400, Đức Cao Đài Giáo Chủ có phán như vầy:“Mà cái độc nhứt, chỉ là cái Giận, vì các con dầu công phu đến mấy chục năm, song các con nếu để cho Lửa Giận một khi bùng cháy, thì cũng đủ thiêu đốt Kim Đơn phải rã tan ra nước hết trơn.”

Cái Tâm đó kêu là Hỏa Tâm.
Trong bài giảng về Thất Tình Lục Dục trong kinh Đại Thừa Chơn Giáo, Đức Cao Đài Tiên Ông có dạy rõ thêm:
 “Người tu hành chẳng nên nóng giận. Nóng giận không tốt, mà cũng nóng giận đặng vậy. Nhưng nóng giận về Lễ Nghĩa, chớ không nóng giận về khí huyết sanh ra.”

Thưa chư Hiền Hữu lưỡng phái,
Cái Tâm có 2 đặc tính mâu thuẫn với nhau: ĐỘNG và TỊNH.
Tâm tịnh là Tâm thanh. Tâm động là tâm trược.
Tâm thanh tịnh là Đạo Tâm, là Thánh Tâm, là Phật Tâm, là Bồ Đề Tâm, là Chơn Tâm, là Chánh Tâm.
Tâm động trược là Phàm Tâm, là Nhơn Tâm, là Dục Tâm, là Giả Tâm, là Tà Tâm.

Tâm Tịnh là Tâm Không. Tâm Không là Tâm không nhiễm trược trần (Cư Trần bất nhiễm Trần). Nói rõ hơn, Tâm Không là Tâm: 
– Không bị che lấp bởi các bản năng sinh tồn của đời sống nhục thể mà tiếng Pháp gọi là INSTICNT.
– Không thọ Tam Nghiệp Khổ: Tham, Sân, Si.
– Không mê lầm Ngũ Huấn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
– Không bị cám dỗ bởi Tứ Đổ Tường: Tửu, Sắc, Tài Khí.
– Không bị sức quyến rủ của Lục Dục: Nhãn, Nhĩ, Tỉ, Thiệt, Thân,
Ý hay là: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp.
– Không nô lệ cho Thất Tình: Hỉ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Cụ nghĩa là: Mừng, Giận, Thương, Ghét, Buồn, Vui, Sợ.
– Không Tâm quá khứ, không Tâm hiện tại, không Tâm vị lai.
Nói tóm lại là Tâm tịnh tịnh, vô vô, không bản ngã, không nê chấp,
cho đến mực tối thượng: Không còn phân biệt Thân, Tâm, Tánh, Pháp, không tất cả mọi việc ở Thế Gian, hoàn toàn KHÔNG KHÔNG.

Trong Đại Thừa Chơn Giáo, trang 36, Đức Khổng Phu Tử có ân ban bài kệ này:

“KHÔNG, ấy là phương thoát kiếp trần,
Đêm ngày đào tạo vóc Kim Thân;
Hư vô tịch diệt: Cơ siêu thoát,
Thanh tịnh Tâm an: cảnh xuất thần.”

Trong Kinh Bình Minh Đệ Nhứt, trang 24, Chúa Jesus, Giáo Chủ Thánh Đạo, cũng có dạy:

“Việc Tu phải đâu đâu huy động,
Việc Tu Hành đừng lộng giả ngôn;
Giữ Tâm Không mãi trường tồn,
Mới ra người Đạo, Thiên Môn bước vào.
……………………………………………..
Sửa Tâm Không, Chơn Thần thăng giáng,
Để Tâm Không nuôi bản Linh Hồn;
Mỗi người đều có tánh khôn,
Nghe qua học lấy nhuần ôn để lòng.”

Tại Ngân Hoa Đàn ở Gò Vấp, tỉnh Gia Định, vào giờ Tí đêm 18-01-Kỷ Hợi (1959), Đức Huệ Linh Bồ Tát có giáng Cơ dạy rằng:

“Không Không, Trí định Thần an,
Đó là giao cảm Linh Quang sau nầy.”

Vì vậy nên trong Đại Thừa Chơn Giáo, trang 92, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Cao Đài Giáo Chủ, có phán:

“Thầy truyền có một chữ KHÔNG,
Chữ KHÔNG làm đặng Lục Thông chứng thành.”

Xin chư Đạo Hữu đừng lẫn lộn Tâm Không với Không Tâm. Vì ngại chỗ ấy, nên trong Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển II, trang 139, Đức Thích Ca Mâu Ni, Giáo Chủ Đạo Phật, có dạy thiện nam tín nữ như vầy: “Chư thiện tín phải hiểu chữ Tâm Không, chớ chẳng phải là Không Tâm.
Tâm Không là Lý Trung Đạo, không chênh, không lệch, không vui, không buồn, không xao động chất chứa điều chi tất cả, vì Tâm người với Tâm của Đại Vũ Trụ cũng đồng nhứt lý.
Vậy khá để Tâm Không, sẽ cảm ứng được sự mầu nhiệm vô vi.”

Thưa liệt Vị Thính Giả,
Còn Tâm Động thì, ngược lại, là Tâm loạn lạc:
– Bị nhiễm đủ thứ trược trần,
– Bị bản năng sinh tồn dục vọng của bản thân gây nên và xúi giục việc quấy.
– Bị mê hoặc bởi Ngũ Huẩn.
– Làm tay sai cho Thập Tam Ma (thất tình và lục dục).
– Làm bộ hạ cho Tứ Quỉ (rượu, gái, cờ bạc, á phiện).
-Làm tôi đòi cho Tam Độc (ham muốn, nóng giận, si mê).

Cứu cánh là: 
Tâm tịnh, Tâm Không dẫn ta vào đường siêu thoát và đưa ta lên Niết Bàn, Thiên Đàng, Cực Lạc.
Tâm động, Tâm loạn dụ ta vào đường sa đọa và xô ta xuống Âm Ti, Địa Ngục, Diêm Phù.

Trong Đàn Xuân Khai Cơ năm Ất Tị (1965), tại Trúc Lâm Thiền Điện, Đức Di Lạc Phật Vương có dạy rằng:
 “Thiên Đường, Cực Lạc không phải chỉ ở trong tưởng tượng mông lung chín từng mây bạc và A Tì, Địa Ngục cũng không phải ở tận lòng đất âm u trung tâm điểm của qua Địa Cầu, mà chính ở tại trung tâm của mỗi người.”

Trong Đại Thừa Chơn Giáo, trang 420, Đức Chí Tôn Thượng Đế cũng có phán rằng:
“Các con ôi! Hễ cái Tâm sáng suốt, thiện từ, đạo đức, là Thiên Đàng. Còn Tâm mê muội, vạy tà, hung bạo, là Địa Ngục.
Vậy thì Địa Ngục, Thiên Đàng cũng chỉ tại tâm.”

Trong quyển Thánh Giáo năm Ất Tị (1965), trang 64, do Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam ấn tống năm 1996, Đức Quan Âm Bồ Tát có ban 2 bài thơ Tứ Tuyệt sau đây về chữ Tâm:

“Non Bồng Nước Nhược chẳng đâu xa,
Chẳng ở Nam Sơn hoặc Bắc Hà;
Chẳng tại Tây Phương Đông Độ xứ,
Chính là ở giữa bản Tâm ta.
Tâm ta thế tục hoặc Thần Tiên,
Lục Súc Ma Vương hoặc Thánh Hiền;
Lục Dục, lục Thông hay lục Tặc,
Do người chế ngự cái Tâm Viên.”

Bởi cái lý nhứt Tâm đó mà Cổ Nhơn có làm bài kệ nầy:

Tam điểm như tinh tượng,
Hoành câu tợ nguyệt tà;
Phi mao tùng thử đắc,
Tố Phật giả do tha.”
 
Nghĩa là:
Ba chấm như ngôi sao,
Vòng câu như hình trăng khuyết;
(Đó là chữ Tâm)

Cầm thú mang lông đội sừng từ đấy mà có, Chư Phật cũng do đó mà ra.

Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Đức Ngọc Thanh Tiên Nương có dạy:

“Thành Đạo là nhờ một cái Tâm,
Tâm Linh giác ngộ khỏi sai lầm;
Lầm đường ma quỉ không phương thoát,
Nhiễm thói hung hăng hóa thú cầm.”

Ôi! Cũng chỉ bởi gốc có một cái Tâm mà con người hoặc phải lăn lộn triền miên trong vòng sanh tử luân hồi quả báo, hoặc được giải thoát khỏi Tam Giới, trở về nhà Tiên cảnh Phật, tọa hưởng Tòa Sen.
Vì lẽ ấy, người tu phải bền chí tịnh Tâm, ngày đêm luyện Tâm cho thành Tâm Không. Hễ luyện được Tâm Không rồi, thì cái Phàm Tâm không còn nữa và Đạo Tâm phát khởi (Phàm Tâm diệt, Đạo Tâm sanh) và sẽ thành Đạo chẳng sai.

Tại Đàn Cơ hồi Tí thời đêm Rằm tháng 6 năm Mậu Thân (10-07-1968) ở Ngọc Minh Đài, Đức Thanh Hư Đạo Đức Chơn Nhơn cũng có giảng: 
“Chỗ tối yếu huyền năng Chánh Pháp là Tịnh Tâm.
Tâm tịnh thì nhơn dục sẽ lặng yên. Nhơn dục lặng yên, Lẽ Trời mới thông suốt. Thế nên có câu: Nhứt thiết chư Pháp giai tùng Tâm sanh. Nghĩa là: tất cả các sự vật đều từ Tâm mình sanh ra.”

Thưa quí chư liệt Vị,
Hễ Tâm Tịnh, Tâm Không thì Tâm sẽ phát Huệ. Người Tu Sĩ sẽ thoát tục và đắc quả. Tôi xin nêu lên 2 bài kệ để chứng minh, nhứt là để cho chư Vị thưởng thức và phân biệt Thánh với phàm.

A. Bài kệ của Thần Tú
Thân thị Bồ đề thọ,
Tâm như minh cảnh đài;
Thời thời thường phất thức,
Vật sử nhá trần ai.
Nghĩa là:
Thân là cây Bồ Đề,
Tâm như đài gương sáng;
Mỗi buổi thường lau chùi,
Chớ để dính bụi bặm.
B. Bài Kệ của Huệ Năng
(Họa nguyên vận)
Bồ đề bổn vô thọ,
Minh cảnh diệc phi đài;
Bổn lai vô nhứt vật,
Hà xứ nhá trần ai?
Nghĩa là:
Bồ đề (Tánh giác) vốn không cây,
Gương sáng (Tâm) cũng không đài;
Xưa nay không một vật,
Bụi bặm dính chỗ vào?

Thưa quí chư liệt Vị,
Về Văn thì hai bài kệ đều hay. Nhưng về Đạo thì bài của Thần Tú còn sắc tướng, chưa thoát tục. Ấy là phàm thi. Còn bài của Huệ Năng thì hoàn toàn vô tướng, thoát tục hẳn. Ấy là Thánh Thi.
Thần Tú thông minh, học giỏi; nhưng vì Tâm Động, nên không phát Huệ.
Còn Huệ Năng tuy dốt mà có Tâm Đạo, luyện được Tâm Không, nên phát Huệ, không còn sắc tướng, hết bị nhiễm trược trần. Ông thành Phật, gọi là Lục Tổ.

Xin lưu ý: Huệ Năng nhờ bạn đọc bài kệ của Thần Tú cho Ông nghe và viết dùm bài Họa của Ông.
Thưa quí chư liệt Vị,
Không nệ tài sơ đức bạc, tôi đã thành thật đem thiển kiến của tôi để góp vào buổi đạo luận hôm nay. Thế nào cũng có Bực “cao minh” bất mãn về bài văn đạo thô sơ của tôi.

Vậy thì bây giờ, tôi xin cống hiến cho quí Vị một đoạn thuyết pháp siêu việt của Bực Phật đã được Thế Gian tôn sùng. Và đây, tôi mời quí Vị tịnh Tâm nghe những lời mầu nhiệm của Đức Thích Ca Như Lai Thế Tôn giáng Cơ giảng dạy trong buổi Lễ Khánh Thành ngôi Bát Bửu Phật Đài ở Cầu Xáng, quận Đức Hòa, tỉnh Hậu Nghĩa, hồi Ngọ thời, Rằm tháng 7 năm Tân Sửu, nhằm 25-08-61:

THI BÀI:
“Đây Bổn Sư luận sang Cơ Đạo,
Cho Môn Đồ thấu đáo nguồn cơn;
Hiểu rành hai nẻo giả chơn,
Không còn chia rẽ thua hơn Đạo Đời.
Hỡi chư Tăng nào nơi Tây Tạng!
Nầy Môn Đồ đâu bản Lôi Âm!
Không dây ai gảy tiếng cầm,
Địch nầy không lỗ phù trầm ai rao?
Phật đâu ở đài cao non thẳm,
Người muốn tìm, Tâm lặng trí minh;
Dầu thông vạn quyển thiên kinh,
Cũng do một quả Tâm Linh đắc thành.
Tâm tư dục đấu tranh hỗn loạn,
Tâm lợi danh mù quáng lương tri;
Tâm tật đố, Tâm sân si,
Biết mình mà chẳng quản chi đến người.
Tâm háo thắng quên Đời hiểm họa,
Tâm vọng cao quên cả xác phàm;
Tâm sát hại, Tâm tham lam,
Khinh khi quả báo vươn mang luật hình.
Tâm chủ trương Thất tình Lục dục,
Tâm sao không bình phục Linh Quang?
Chợ Đời chen lấn nhộn nhàng,
Lỡ danh Đạo Đức, lỡ làng Nghĩa Nhân.
Tâm bác ái chẳng mang nghiệp chướng,
Tâm từ bi không vướng oan khiên;
Tâm không ham Lợi Danh Quyền,
Thua hơn, tránh khỏi lụy phiền chi chi.
Tâm quảng chúng còn gì nhơn ngã,
Tâm đại đồng bạn cả Thế gian;
Tâm người ẩn chiếc y vàng,
Phải chăng linh chuỗi hai hàng Nhục Tâm.
Nhớ khi xưa, Ta tầm Đại Đạo,
Thoát Luân Hồi, Chánh Giáo hoằng khai;
Cũng do một quả Tâm nầy,
Sóng yên gió lặng mới xây Liên Tòa.”

Thưa quí Đạo Hữu,
Bài Song Thất Lục Bát vừa rồi gồm tất cả là 36 câu. Ba mươi sáu câu vàng ngọc đó là 36 hột của xâu chuỗi bồ đề.

Thiết tưởng, cũng cần cho chư Đạo Hữu biết thêm có Ông Đạo Dừa được Thiêng Liêng chuyển Tâm, Ông tự động (không có thiệp mời) từ Bến Tre đi với 4 Đệ Tử lên dự lễ, nên Đức Thích Ca Như Lai Thế Tôn ân tứ bài nầy để Ông và các Phật tử hiện diện suy gẫm về cách Tu Hành của Cơ Tu Xuất Thế hay Tu Huệ.

Thưa quí chư liệt Vị,
Chắc chư Vị đã toại lòng với bài Vận Văn siêu nhiên của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rồi.

Bây giờ, tôi mời chư Vị thành Tâm lắng nghe để thưởng thức một đoạn bài Giảng Đạo tuyệt vời cũng về CHỮ TÂM, nhưng dưới khía cạnh Đời, bằng Tản Văn quá ư bình dị, vô cùng rõ rệt của Đức Thường Cư Nam Hải Quan Âm Như Lai tá Bút ân ban tại Tam Giáo Điện, Chùa Minh Tân, ở Khánh Hội (Sài Gòn), đêm Rằm tháng 5, niên Ất Tị, nhằm tối 14-06-65, hồi Tí thời: 
“Đàn hôm nay, Bần Đạo khoanh tròn CHỮ TÂM. Mỗi mỗi Hiền Sĩ Hiền Muội đều có một Chữ Tâm, nhưng bản năng thì lại khác, không biết bao giai tầng và biến chuyển nơi Nội Tâm.
– Có Chữ Tâm đang tha thiết vì đại cuộc, thương giống yêu dòng, qui hợp những tinh anh kết thành một khối, xây dựng giang san cho giống dòng Hồng Lạc.
– Cũng có Chữ Tâm nặng oằn vì Đạo Nghĩa, dốc đem hết sự nghiệp, thân thế, đời mình, phụng sự cho lý tưởng cao cả.
– Cũng có Chữ Tâm cũng thương, cũng mến, cũng gây dựng, nhưng không phải vì đại cuộc, đại nghĩa, mà vì màu sắc địa phương, phái chi, Nam Bắc, đen trắng, xám vàng.
– Cũng có Chữ Tâm cũng biết thương yêu, chăm sóc, lo lắng, bảo vệc, nhưng trong phạm vi nhỏ hẹp. Đó là đời tư, gia thê tôn tử.
– Cũng có Chữ Tâm cũng biết thương yêu, vun quén, chăm sóc, nhưng trong phạm vi nhỏ hẹp hơn nữa. Đó chính là bản thân mình, vị kỷ vong tha.
– Cũng có Chữ Tâm, nhưng Tâm lại vô định, không chủ hướng đời mình đi về đâu!!!
Hỏi vậy trình độ này có biết tự thương chăng?
– Trả lời rằng: Biết.
Biết thương cho sở thích nhứt thời, biết thương cho thị dục cá tính, biết thương cho từng giai đoạn một, chung qui lại là thương cho ma quỉ, làm nô lệ cho dục vọng, ích kỷ hại nhơn. Đó cũng gọi là Chữ Tâm.
– Chữ Tâm, hễ buông ra, bao quát cả gia đình, quốc gia, xã hội, thế giới, hoàn cầu, vũ trụ, Thiên Địa. Một khi Tâm thu lại, thì còn bằng sợi tóc chẻ ra ngàn mảnh…– Tâm biến hóa vô cùng vô tận. Nó là con ngựa chứng, mà cũng con ngựa hay. Nếu người cỡi ngựa biết sử dụng, điều khiển, thì nó sẽ trở nên bạch mã, phi mã, vạn mã, vô song. Ngược lại, người chủ không biết sử dụng, điều khiển, thì nó là con ngựa chứng, chạy khắp đó đây, lên núi, xuống đồng, tàn phá bao nhiêu cây trái, ruộng vườn, hoa màu khắp chốn, đụng ai đá nấy…
– Cũng thời Chữ Tâm, cách đây cũng nhiều phen, Bần Đạo hằng dặn dò Môn Đệ trong hàng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, ráng cần lưu ý đến Chữ Tâm.
– Chữ Tâm, nếu để tự nhiên, giống như thuở sơ sanh, Tâm hồn chất phác, Tâm như Minh Cảnh Đài, thông công Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giới, nhưng thương vì, khi vào Đời trần cấu, gặp những ngoại cảnh cuốn lôi, làm cho Tâm phải bị mờ dưới những lớp bụi trần: hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục, cụ.
Người tu hành trong thời ĐẠI ÂN XÁ rất dễ đắc quả vị, mà than ôi! Cũng rất khó.
Khó là mình chưa hoặc không thể làm Chủ, chưa mạnh dạn quét những bụi trần vừa kể. Khi quét được sạch rồi, Tâm Đạo hiện ra dẫn dắt con người đến chỗ tận thiện tận mỹ.Khi ở tại trần, giả sử được một người trọn vẹn dường ấy, một lời nói ra cảm hóa muôn người, 10 lời nói ra, ngàn lời nói ra, thì lo gì nước không trị, nhà không yên, Đạo không qui về một Khối? Lo gì Nhơn Loại chẳng hưởng cảnh Đất Thuấn Trời Nghiêu?”

Thưa quí Vị Đạo Tâm,
Về mặt Đời, kẻ Tu Nhập Thế gọi là Tu Phước, Tu Nhơn Đạo, Tu Hậu Thiên, phải giữ cái Tâm cho Thanh Cao.

Về mặt Đạo, người Tu Xuất Thế hay là Tu Huệ, Tu Thiên Đạo, Tu Tiên Thiên, cần luyện cái Tâm cho an tịnh.
Kẻ Tu Nhập Thế phải giữ cái Tâm cho thanh cao đối với đồng bào, Nhân Loại, để thể hiện Tình Thương của Chúa Jesus, để cố gắng “làm theo đường lối của Khổng Thánh là cách vật trí tri, thành ý, chánh Tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.” Hầu an bang tế thế, nhằm kiến tạo một Xã Hội Công Bình, Bác Ái, Từ Bi, một “Thế Giới Đại Đồng” hay, hơn nữa, một Đời mà Đức Cao Đài Thượng Đế gọi là Tân Nguơn Thánh Đức, để lập công xây nền âm chất đặng trước là không uổng một kiếp làm người trong Luật Tiến Hóa của vạn vật, sau là được hưởng phước trong kiếp lai sanh.
Đó là Tu Phước hay Tu Nhơn Đạo, mà đó cũng là một phương pháp bước lên con đường Tu Huệ hay Tu Thiên Đạo vậy. 

Bởi thế nên tại Đàn Cơ đêm Rằm Hạ Nguơn, năm Bính Ngọ (26-11-66), ở Ngọc Minh Đài, Đức Kim Bàn Phật Mẫu có phán dạy: 
“Luật Trời Đất, âm dương phối ngẫu. Thiên Đạo, Nhơn Đạo, hai đường đã song song. Tuy nhiên, nếu các con muốn trở nên Thánh Hiền, Tiên, Phật thì phải xử thế vào mức độ thanh cao, rèn luyện Tâm Tánh cho đúng Nghĩa, Nhơn, Đạo Lý, thì Cơ Luân Chuyển trường tồn âu cũng trong đức háo sanh, mà con không đến nỗi phải vào phong đô ngục thất.”

Còn người Tu Xuất Thế (Tu Huệ) thì trái hẳn với nhân thế thường tình, phải luyện Tâm cho an tịnh, phải luôn luôn giữ Tâm Không trong khi đi cũng như khi đứng, khi ngồi, khi nằm, phải kiên nhẫn trì trai, thủ giới, tuyệt dục, để Tham Thiền Nhập Định, hầu tạo nên Kim Đơn Xá Lợi cho Đắc Pháp Như Lai, đổi phàm ra Thánh, thay tục hóa Tiên, biến người thành Phật, được tiêu diêu tự tại, hạc nội mây ngàn trong cõi Hư Vô nhàn lạc, Tòa Sen tịnh tọa vĩnh viễn trường tồn, bất sanh bất diệt.

Trong Đại Thừa Chơn Giáo, trang 10, in lần thứ III, Đức Cao Đài Thượng Đế có phán: 
“Phàm luyện Đơn, chẳng chi lạ. Hễ muốn tạo thành Thánh Thai, phải dụng công phu Nghịch chuyển Pháp Luân thì thành Thánh, còn thuận hành nhơn dục thì là phàm.

NGÂM:
Nghịch hành phản bổn huờn nguyên,
Thuận hành sa đọa hạ miền trầm luân.”

Kinh cũng đã dạy: “Thuận chuyển sanh phàm, nghịch chuyển tạo Tiên tác Phật” là vậy đó.

Thưa Huynh Tỷ Đệ Muội,
Muốn thoát vòng Lục Đạo Luân Hồi, trả vay vay trả, muốn siêu thăng Cực Lạc, hưởng thú Non Bồng Nước Nhược, người tu luyện phải trải qua biết bao cuộc khảo thí nghiêm khắc của Phật Tiên, phải vượt lên khỏi các sự cám dỗ mê hoặc của Ma Vương, phải luôn luôn làm chủ cái Tâm của mình, để ngăn đón mọi vọng thức rạt rào Tâm Tư bối rối, chế ngự tất cả ngoại cảnh thường tình của thời gian và không gian, đặng tránh những cạm bẫy, gai chông, hầm hố giăng trên đường Đời vật chất.

Đấng Chơn Mạng Đế Vương ngự trị một sơn hà xã tắc dễ dàng. Ông Tướng Soái tài ba thao lược điều khiển bao vạn hùng binh mãnh tướng cũng được, phá bao nhiêu trận mạc cũng không khó. Nhưng trong các trận mê hồn của Tứ Tường Ngũ Dục hay trước những cuộc dấy loạn không kèn, không trống, không máy bay tàu lặn, không bom, không đạn của Tam Bành Lục Tặc, chúng ta thường mục kích các Vị uy quyền tuyệt đỉnh hoặc oai phong lẫm liệt ấy đã hạ mã qui hàng như kẻ phàm phu tục tử, không hơn không kém!

Bởi vậy nên cố Tiếp Pháp Trương Văn Tràng của Tòa Thánh Tây Ninh có giáng Cơ tại Nam Thành Thánh Thất ở Sài Gòn, hồi Tuất thời, tối 23-08: Đinh Mùi (26-09-67) than rằng:

THI
“Giặc ngoài dầu loạn mấy mươi năm,
Không ngại cho bằng giặc Nội Tâm:
Ngoài có thiên binh đem thạnh trị,
Trong đành tuyệt vọng bởi sai lầm!”

Vì thế, người Chơn Tu đắc quả thật đáng là Bực siêu nhân, đại hùng, đại lực. Để chứng minh, tôi mời chư Vị bình Tâm nghe Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn khải giáo tại Ngọc Minh Đài, hồi Tuất thời, tối 01-02-Bính Ngọ, nhằm 11-01-76, như vầy:
“Hỡi chư Hiền Đệ, Hiền Muội!
Thử kiểm điểm lại những vị Chơn Tu Đắc Quả, có phải dễ dàng như món đồ vật từ trong túi lấy ra đâu! Những Vị ấy đã phải trải qua bao phen khắc kỷ để làm chủ bản Tâm chơn Tánh, điều khiển mọi hoàn cảnh sự vật chung quanh, kiên Tâm, can đảm, khắc phục mọi khó khăn, từ y phục, ẩm thực, cư trú, danh vị, sự nghiệp, tình cảm chật hẹp đến mọi nỗi lạc thú ở Đời.
Tuy thấy bên ngoài những Vị đó: nét mặt trầm ngâm, thân hình đơn giản, 1 mảnh bô vải che đậy, xem qua thật là giản dị. Sự thật ra, nào ai biết được Nội Tâm của những Vị đó hoạt động rất nhiều, tranh đấu rất gay go, với mọi tư tưởng bên ngoài đưa đến, mọi sự khảo thí chung quanh rào đón. Có một điều là Tâm vẫn trơ trơ như đá như đồng.
Sự vật là sự vật, Nội Tâm là Nội Tâm. Không vì sự vật mà làm lay chuyển Nội Tâm.
Đó là điều bí yếu trong thời kỳ tạo Tiên tác Phật.

Chư Đệ Muội suy gẫm trên bước đường Tu Thân lập quả của mình. Không phải việc khó như vậy không thể có ai làm được. Ngày nay, trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã có nhiều phương tiện cho người Tín Hữu tu hành dễ đắc quả, nhiều lối quanh đường tắt, nhiều Kinh Điển, Thánh Giáo, Thánh Ngôn. Ít có ai chịu khó tìm hiểu lý nghĩa sâu sắc và những khía cạnh siêu thoát của nó, mà chỉ vừa tìm hiểu những gì thích hợp vơi thành kiến sẵn có, thỏa mãn những dục vọng tầm thường, rồi tự cho là đủ.”


Thưa chư liệt Vị Đạo Hữu,
Hôm nay, để bổ túc phần thiếu sót đó và cũng để kết luận một cách xây dựng, hầu trợ duyên cho những Vị Chơn Tu muốn thoát ly khổ hải, đã giữ Chánh Tâm, gìn Chánh Tín, hành Chánh Pháp và mới khởi sự tập Tham Thiền Huấn trong bài sơ đẳng dạy Luyện Tâm của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, hạ Thế Kỳ Ba, tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, qui Tam Giáo, hiệp Ngũ Chi, để Tận Độ Chúng Sanh trong buổi cuối cùng của thời Mạt Pháp Hạ Ngươn, hầu tái tạo Thượng Nguơn Thánh Đức, cho những người đạo đức tạo Thượng Nguơn Thánh Đức, cho những người đạo đức biết noi gương Thánh Hiền Tiên Phật, thọ hưởng sau nầy:

THI BÀI
“Biển êm lặng, Minh Châu mới hiện,
Tâm con thường như biển gió đông;
Muốn yên con phải lóng lòng,
Kềm Tâm định Tánh mới mong gom Thần.
Diệt Phàm Tâm, ân cần điều ấy,
Sát Lục Trần, việc ấy mới yên;
Thất tình dấy động liền liền,
Con trừ cho tuyệt, tọa thiền mới an.
Muốn Tu Tịnh, phải toan bền chí,
Sửa sang lòng, đừng nghĩ việc Đời;
Không buồn, không giận, không chơi,
Không ham, không muốn, Tứ Thời kềm Tâm.
Đừng dục vọng, bị lầm Lục Tặc,
Gìn Tâm Không, chẳng chút lo chi;
Mới mong học Đạo Vô Vi,
Tham Thiền Định Tịnh, thấu tri diệu huyền.
Vạn sự khởi đầu tiên rất khó,
Con bền gan, trước nhỏ lớn sau;
Ban đầu trí rất lao xao,
Con siêng năng Tịnh thì mau định Thần.

Con nằm lòng bài nầy! Khi ngồi Tịnh, con niệm câu nầy: Xin Đại Từ Phụ bố hồng ân cho con trẻ được Định Thần, được Minh Tâm Kiến Tánh, sau đắc Nhị Xác Thân.

Đây là bài học thứ hai nghe các con! Mỗi con cần học thuộc lòng,
dầu chưa nhập Tịnh.

THI
Ngôi vị của con ấy CHỮ TÂM,
Tâm con toàn thiện vị ngôi tầm;
Tâm còn Lục Dục vươn mang đấy,
Tâm cố vững bền hưởng đức âm.
NGÂM
Tiên phàm nào phải cách xa,
Thánh phàm đâu có khác là bao nhiêu;
Cách vì do bởi CHỮ TÂM,
Chữ Tâm, hiểu đặng Tiên phàm một bên.”

Đến đây, tôi xin chấm dứt. Ước mong bài đạo luận hôm nay là một tiếng chuông huyền diệu đưa lại, vọng từ ngàn xưa xa xăm, gợi thức Tâm Hồn của bao khách Trần đang say mê mộng điệp!
Trân trọng cám ơn quí Vị!

Thiên Châu Tinh Quân biên soạn.

Bài viết khác:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *