Đại nguyện của Thầy

Ngày đăng: 17-10-2010 | Lượt xem: 3511
ĐẠI NGUYỆN CỦA THẦY
(Trích Dặm Dài Gánh Đạo của Đạo Trưởng Chí Tín)

Dân tộc Việt Nam nhỏ bé và hiền hòa này nói riêng và nhân loại trên địa cầu 68 nói chung rất diễm phúc được chính Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Chúa Tể càn khôn vũ trụ hạ mình xuống trần gian ô trược lập Đạo vào thời kỳ hạ nguơn mạt kiếp này để cứu rỗi, độ tận toàn linh thoát vòng luân hồi đọa lạc khổ hải triền miên. Đó là một điều hy hữu chưa từng có trên thế giới này kể từ khi tạo thiên lập địa. Chính mình Đức Chí Tôn đích thân mở Đạo chớ không giao cho các thiên sứ như trong Nhứt và Nhị Kỳ Phổ Độ.
Điều hy hữu thứ hai là Thầy không giáng phàm bằng xác thân hữu hình như các bậc giáo chủ trước kia bị hạn chế bởi sự sống hữu hạn của nhục thể do tứ đại giả hiệp và bị phân biệt bởi sắc màu dân tộc, mà bằng một phương pháp tân kỳ là dùng huyền linh diệu điển bút cơ để khai mối đạo Trời.
Điều hy hữu thứ ba là Đức Chí Tôn mở cuộc đại ân xá cho nhơn loại, cho tất cả những ai biết giác ngộ cải ác tùng thiện lo tu tâm dưỡng tánh, bồi công lập đức trong vòng chánh tâm, chánh tín, chánh đạo, thì được đắc quả ngay kiếp hiện tiền. 
Điều hy hữu thứ tư là chính đích thân Đức Thượng Đế trực tiếp dạy dỗ con người như một người cha, người thầy của thế gian với cách xưng hô: “Thầy” và “các con” rất dịu dàng, ngọt ngào, thân thiết. Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ còn hứa tạo lập một đời thánh đức Thuấn Nghiêu cho nhơn loại được hưởng sau Hội Long Hoa, với những người dân hiền lương thuần hậu trong một xã hội an lành, nhà nhà không cần đóng cửa, thậm chí của rơi ngoài đường cũng không ai lượm vì không còn kẻ gian tham; thiên hạ xem nhau như anh em một nhà thương yêu đùm bọc giúp đỡ nhau trong tình chân thật thuận thảo.
Đức Chí Tôn mặc dầu là Chúa Tể càn khôn vạn loại, nhưng Ngài không xưng danh lớn lao mà chỉ tá danh tức tạm mượn hai chữ Cao Đài với ý nghĩa là cái đài cao, qua danh xưng “Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát” để lập một nền tôn giáo có tên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay gọi tắt là đạo Cao Đài (vì Thầy là Đức Giáo chủ duy nhứt của đạo Cao Đài) với tôn chỉ “Tam Giáo Quy Nguyên, Ngũ Chi Phục Nhứt” nhắm vào việc phổ độ, cứu vớt toàn thể nhân loại chớ không riêng cho một dân tộc nào. Ngài đã chọn đất nước Việt Nam làm nơi khai mối Đạo và chọn dân tộc Việt để ban trao sứ mạng triển khai hoằng hóa đến khắp cùng nhân loại. Lời đoan thệ với Tam Giáo để lập Đạo mầu của Thầy. Chúng ta hãy lắng lòng trần, giữ tâm thanh tịnh lặng lẽ để đọc lại lời đại nguyện của Đức Chí Tôn:

“Muôn kiếp các con chịu lạc đường,
Thấy vầy Thầy luống động lòng thương;
Nên đoan thệ với hàng Tiên Phật,
Lập Đạo không thành chịu tội ương.

Hỡi các con!
Cuối hạ nguơn máy Tạo vần xoay, nạn tiêu diệt, sự họa tai không tránh khỏi.
Cơ dĩ định tang thương biến cải. Ôi là đời, sao quá dại chẳng thức lý tầm nguyên?
Sao mà đời không chịu gia tâm suy nghĩ để đặng tầm Thiên cơ, cầu diệu lý mà luyện kỷ, hầu quay trở lại chỗ nguyên thủy cựu ngôi?
Để làm chi nay mai mang lấy nạn khổ mãi luân hồi, Thầy dòm thấy luống chua xót, đứng ngồi không yên dạ.
 
Nên hội Tam Giáo Công Đồng, Thầy lập tờ đoan thệ, đem đạo mầu phổ hóa, độ tất cả đám quần sanh. Nếu các con chẳng chịu tu hành, không bỏ dữ làm lành, Đạo không thành, Thầy nguyện không trở về ngôi vị cũ.”
Chúng ta không thể không xúc động tâm tư trước lời đoan thệ thắm thiết của Đức Đại Từ Phụ, vì Ngài là một Đấng quyền uy tối cao tối thượng mà lại hạ mình trước chư Phật Tiên dưới quyền Thầy cai quản để đoan thệ độ tất cả đám quần sanh. Nếu con người không chịu tu hành và Đạo không thành, “Thầy nguyện không trở về ngôi vị cũ”. Lúc mới khai Đạo, Thầy cũng đã than thở (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1, đàn ngày 27-5-1927):
 “Mỗi phen Thầy đau thảm khóc lóc vì các con, phải lén hạ trần bỏ ngôi Chí Tôn xuống lập Đạo, lại bị các con bạc đãi, biếm nhẽ, xua đuổi bắt buộc đến đỗi phải chịu cho các con giết chết. Ôi thảm thay, thảm thay! (…)
Mỗi phen Thầy đến lập Đạo thì phải cam đoan và lãnh các con chẳng khác nào kẻ nghèo lãnh nợ. Các con làm tội lỗi bao nhiêu, oan nghiệt bấy nhiêu, Thầy đều lãnh hết. Các con đã đặng thong dong rỗi rảnh chẳng lo tu đức mà sửa mình, lại còn cả gan trước mặt Thần Thánh Tiên Phật gây thêm tội lỗi nữa, thật là đáng giận.”

Và 10 năm sau Khai Minh Đại Đạo, trong Đại Thừa Chơn Giáo Thầy lại dạy rằng: “Thầy thương con nên Thầy phải từ bi, chớ quyền thưởng phạt, Thầy sợ gì không trừng trị. Sao các con phũ phàng không biết nghĩ, lại đem Thầy nạp cho lũ quỷ mà chịu thịt đổ máu rơi? Nhưng quá lòng từ bi, thương cả mọi nơi, nên phải chịu lăn lóc với đời mà dựng gầy đạo đức.”
Thầy là Đức Chí Tôn Thượng Đế còn phải đoan thệ với Tam Giáo Tòa huống chi chúng ta là con cái, cũng là môn sanh phải có trách nhiệm đối với Đạo, nên chi Thầy có dạy: “Các con phải hiểu rằng, mỗi đứa có trách nhiệm lớn lao về Đạo. Trước khi lãnh mạng Tam Giáo Tòa xuống chịu mình với chúng sanh lúc Tam Kỳ Phổ Độ này, đều có cam đoan hứa làm tròn phận sự. Thầy là Đức Chí Tôn khai sáng nền Đạo, cũng buộc mình cam đoan mà lãnh các con, thế thì mỗi đứa đều mang nặng nơi mình một phần trách cứ chẳng nhỏ. Nếu Đạo chẳng thành thì phần phạt thiêng liêng, vì cân tội phước mà định đoạt.” (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)
Hơn nữa, trách nhiệm con người đến thế gian là phải hoàn thành sứ mạng vi nhân, làm người cho đáng con người đứng vào hàng tam tài (Thiên Địa Nhơn).
Xin hãy bình tâm lắng nghe huấn từ của Đức Chí Tôn Thượng Đế (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1, đàn ngày 10-01-1927):
“Mỗi bực phẩm đều đặng một vai tuồng của đấng cầm quyền thế giới ban cho, dầu thanh cao dầu hèn hạ, cũng phải gắng làm cho rồi trách nhiệm, hầu buổi chung cuộc hồn lìa cõi trần đặng đến nơi khởi hành mà phục hồi công cán, ai giữ trọn bực phẩm thì đặng Tòa Nghiệt Cảnh tương công chiết tội để vào địa vị cao hơn chốn địa cầu 68 này, ai chẳng vẹn trách nhiệm nhơn sanh phải bị đọa vào U Minh Địa để trả cho xong tội tình căn quả cho đến lúc trở về nẻo chánh đường ngay mà phục hồi ngôi cũ. Bằng chẳng biết sửa mình thì luật Thiên điều chồng chất, khổ A Tỳ phải vướng muôn muôn đời đời mà đền tội ác. Bậc nhơn sanh vì đó mà phải chịu thiên niên chìm đắm vào số luân hồi, vay trả, trả vay, căn quả chẳng bao giờ tiêu đặng.”
Trước đại nguyện độ rỗi nhơn sanh mà Đức Thượng Đế đã đoan thệ với Phật Tiên, Tam Giáo Tòa, phận làm con hiếu thảo phải biết thương Thầy, cố gắng làm theo lời khuyến dạy của Thầy mà lo tu thân tâm, hành chánh đạo, bồi công lập quả cho dày để hoàn thành sứ mạng đời đạo song toàn, mới mong phục hồi ngôi xưa vị cũ.
Chúng ta đừng ngại đụng chạm với mọi khảo thí gian lao thử thách từ nội tâm đến ngoại cảnh, vì đó là Thiên ý để trui rèn un đúc con người trở nên hàng chí thiện chí mỹ mới xứng đáng địa vị Tiên Phật, vì muốn thành Tiên Phật, mọi người tu hành bắt buộc phải chun qua cửa ngõ này. Lời xưa có nói: “Vô ma khảo bất thành Đại Đạo”. Thầy đã cho phép quỷ vương bày trò khảo thí môn sanh Cao Đài, nên ban cho nó đủ quyền hành. Thầy có nói (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1, đàn ngày rằm tháng 11 Bính Dần, 19-12-1926): “Cái quyền hành lớn lao ấy do Thầy ban cho nó, nên đặng quyền cám dỗ các con, xúi biểu các con, giành giựt các con mà làm tay chơn bộ hạ trong vòng tôi tớ nó.(…) Trong tam thiên thế giới còn có quỷ mị chuyển kiếp ở lộn cùng các con thay huống lựa là thất thập nhị địa này, sao không có cho đặng? Hại thay, lũ quỷ lại là phần nhiều, nó bày bố ra mỗi nơi một giả cuộc mà dỗ dành các con. Vì vậy Thầy đã nói tiên tri rằng: Thầy thả một lũ hổ lang ở lộn cùng các con, lại hằng ngày xúi biểu nó cắn xé các con, song Thầy cho các con mặc một bộ đồ thiết giáp chúng nó chẳng hề thấy đặng, là đạo đức của các con. Ấy vậy đạo đức các con là phương pháp khử trừ quỷ mị, lại cũng là phương dìu dắt các con trở lại cùng Thầy.”
Đời thường hay nói “Đức trọng quỷ thần kinh.” Thầy lại an ủi chúng ta: “Các con chớ buồn vì Thiên cơ phải vậy, thi nhiều đậu ít là lẽ hằng.”Chúng ta đừng vì bị khảo đảo khổ sở mà than trách Thầy không thương, Thiên Đình đã liệu sức chịu đựng của mỗi người, trừ phi có ai gan lì thệ nguyện muốn sớm dứt khoát nợ trần. Thầy lý giải điều này cho ta am tường: “Thương thương, ghét ghét ai thấu đáo vậy ôi!(…) Thầy chẳng vì ghét mà không lời khuyến dụ, cũng chẳng vì thương mà không sai quỷ dỗ dành.” 
Làm sao không xúc động, khi chúng ta nghe tiếng kêu gọi thống thiết của Đại Từ Phụ:
“Cả tiếng kêu, bớ các con ôi!
Thầy là Chúa Tể bỏ vị ngôi,
Xuống phàm cứu thế.
Công cực khổ Thầy đâu có nệ, m
iễn sao con biết thấu cuộc giả trò đời là tệ,
Nghe lời Thầy tu cho đoạt huệ mà siêu xuất cõi hư linh.
Chốn thế gian là trọng trược vật chất hữu hình không bền vững, nó tan nát thình lình như đám mây đương nổi.
Cái xác thịt tạm thời trong một lúc thì cũng tiêu tan như áo ngoài con cổi, cổi cho rồi thiệt nông nỗi vàn muôn.
Thầy dạy con, con giác ngộ tầm tu, tu luyện đạo. Thầy mới thể độ ra khỏi chốn âm phù về nơi cực lạc.”

Thầy dạy chúng ta, khi đã giác ngộ rồi thì phải tầm tu, tham cầu đạo pháp để luyện đạo thì Thầy mới giải thoát chúng ta khỏi luân hồi đọa lạc đặng. Vì Thầy đã nói: dầu một bực Đại La Thiên Đế giáng trần mà không tu luyện cũng không được phục hồi cựu vị. 
Ấy vậy việc luyện đạo là điều thiết yếu cho sự giải thoát.
Sau khi nghe được đại nguyện và lời đoan thệ của Đức Chí Tôn Thượng Đế trước Tam Giáo Tòa, là con cái mến yêu của Đại Từ Phụ, chúng ta nỡ lòng nào để Thầy phải chịu tai ương chỉ vì chúng ta không nghe lời khuyên dạy của Thầy, lo tu thân luyện kỷ. Hơn nữa, cũng vì lợi ích giải thoát cho chính bản thân, chúng ta đồng hứa nguyện với Thầy, dốc lòng quyết chí lo tu hành lập công bồi đức, dầu gặp mọi cảnh khó khăn khảo thí cho đến ngày viên mãn để phản bổn huờn nguyên, trở về hiệp nhứt cùng Đại Từ Phụ.
Chúng ta hãy nghe những lời dịu dàng êm ái của Thầy kêu gọi con thơ tìm đến với Thầy: “Thầy đã đưa tay đến với các con, các con phải đưa tay tới với Thầy. Thầy sẽ dìu dắt các con đến gần Thầy và trở về cùng Thầy. Thầy cùng các con là một, sống trong lẽ thiên nhiên, trong mùa Xuân vĩnh cửu.”
Muốn được ân huệ Thầy ban bố phải làm sao?
Nhơn dịp ngày Khánh Đản của Đại Từ Phụ nhằm tiết xuân khai thới, điển lành Thầy chan rưới bủa khắp trần gian, chúng ta đọc lại huấn từ của Thầy để thực hành, thì chắc chắn chúng ta sẽ nhận được ân phước của Thầy. Thầy dạy: 

Thầy những mong ở một cõi trong sạch nhứt nơi trần gian, Thầy chứng vào cõi đó,Thầy ngự vào đó để cứu rỗi con cái của Thầy trong kỳ mạt kiếp. Các con ôi! cái cõi tịnh khiết đó ở đâu hỡi các con? Các con thử tìm để bạch lên Thầy nghe thử nào?”
Cái cõi tịnh khiết đó ở đâu? Có phải chăng nơi nê huờn cung tại đỉnh đầu, nơi cao thượng nhất để cho Đấng Cao Đài ngự với điều kiện là chúng ta phải giữ cho nơi ấy trống không, trong sáng và khiết tịnh, không chứa niệm lự để bảy tình sáu dục không làm xáo trộn tâm trung của chúng ta. Đức Đông Phương Lão Tổ đã chỉ rõ:

“Thử hỏi Cao Đài ở chốn nao?
Người tu trở lại, trở về đâu?
Phải chăng tìm đến Cao Đài Thượng?
Đài Thượng vô vi tại đỉnh đầu.”

Dục vọng không còn, lòng người sẽ như đại dương yên lặng, dứt cơn sóng gió. Muốn giữ cho nê huờn cung được khiết tịnh để
Thầy đến ngự ban ơn cho chúng ta, chúng ta phải tẩy sạch bằng sự yên lặng hư vô tuyệt đối, vì Thầy đã dạy rằng chỉ có sự yên lặng đó mới thần giao cách cảm được với Thầy mà nhận được ân huệ trong cảnh Thiên nhân hiệp nhứt giao cảm:
 
“Con ôi! Sự yên lặng để thần giao cách cảm, để các con tìm thấy con trong Thầy và Thầy hằng ngự trị với đức háo sinh trong vạn vật.”
“Yên lặng tức là quán triệt tất cả những cái gì mà trần gian không nói được, không sờ mó được, không nghe thấy được.”
“Yên lặng để tìm thấy cương vị của các con trong sứ mạng to tát giữa thời Phổ Độ Kỳ Tam.”

“Giờ giao điểm của tâm linh và vũ trụ cũng là giờ giao điểm của Đức Nguyên và vạn sinh.”
Trong lúc này cần hơn lúc nào hết, cần ở tiềm lực quang năng của mỗi người có sứ mạng trong Tam Kỳ Phổ Độ, cần đến tinh thần vạn năng của các sứ đồ trung kiên trong Đại Đạo.
 “Yên lặng để điều ngự khỏi truân chuyên. Yên lặng để chuyển phong ba trở thành bình địa. Sự yên lặng rất cần dùng ấy, con phải biết đến giá trị của phút giây yên lặng đó!”
Biến cố vô cùng khủng khiếp của trận động đất và sóng thần xảy ra vừa qua tại các nước vùng Nam Á, Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Nam Dương và còn sắp diễn ra không biết chừng nào và nơi đâu khiến chúng ta là người tu hành có lòng bác ái từ bi nhưng tài lực hạn chế, chúng ta hãy nghĩ tới sự áp dụng lời dạy của Đức Từ Phụ về sự yên lặng, về sức mạnh vạn năng của nó điều ngự khỏi truân chuyên, để chuyển phong ba trở thành bình địa, để chuyển họa thành phúc, bằng cách giữ sự yên lặng hoàn toàn với tâm thanh tịnh, chúng ta hiệp thần lực của tất cả thành một khối thần lực vĩ đại, khổng lồ, có sức vạn năng chuyển hung thành kiết, đẩy lui âm lực, dụng điển linh để đem lại sự an lành phần nào cho thế giới nhơn loại.
Đây là một sự đánh thức lương tâm của nhơn loại để biết xót xa và chứng kiến thảm hoạ lớn lao, thiên tai không một ai tránh khỏi, giàu như nghèo, nước lớn như nước nhỏ trước sự chuyển động của thời hạ nguơn mạt kiếp để Đức Thượng Đế tái lập đời thượng nguơn Thánh đức cho người hiền lương được hưởng an bình hạnh phúc như Ngài đã hứa. 
Trước sự hy sinh vô cùng lớn lao, lìa bỏ ngai vàng điện ngọc Linh Tiêu Điện của Đại Từ Phụ để giáng trần vào nơi ô trược nặng nề để lập Đạo hầu cứu rỗi nhơn loại thoát kiếp trần ai đọa lạc luân hồi, đến đỗi phải chịu cam đoan thệ nguyện cùng chư Phật Tiên bảo lãnh nhơn loại, nếu Đạo không thành, thì Thầy nhứt định không trở về ngôi vị tối cao của Chí Tôn Thượng Đế.
Chúng ta là môn sanh, là con cái mến yêu của Đại Từ Phụ, chúng ta phải tự xét và tự hỏi phải làm gì? Không gì hơn là sự nhứt tâm cung kỉnh vâng lời triệt để thực hành lời dạy của Thầy: 
“Thầy đã từng dạy các con. Thầy sanh trưởng bảo tồn các con. Thầy đến nước Việt Nam này mở Đạo dạy dỗ các con. Thầy không đòi hỏi các con phải làm những gì đem lại riêng tư cho Thầy. Thầy luôn luôn dạy các con phải thực hành đạo lý cho các con cái của Thầy, nghĩa là phải giác ngộ cho nhau, thương yêu, dạy dỗ, đùm bọc cho nhau, bảo tồn cho nhau, để cùng nhau được sống trong cảnh thái hòa, cùng hưởng hạnh phúc với nhau mãi mãi, chớ không được thù hằn, ganh tỵ, ghen ghét hại nhau, rồi tự diệt nhau, vì các con là một trong vạn vật chúng sanh, mà vạn vật chúng sanh là bản thể của Đạo, mà bản thể của Đạo tức là bản thể của Thầy. Các con có thương nhau, tức là các con đã thương Thầy. Nếu các con ghét nhau, chính là các con ghét Thầy, mà Thầy có bao giờ làm gì đến nỗi để các con ghét Thầy, có phải vậy không các con? Thầy đã nói:

Thương nhau khác thể thương Thầy,
Ghét nhau khác thể ghét Thầy sao nên!”
THI
“Thương con dạy dỗ đã bao điều,
Thương mến anh em ráng dắt dìu;
Trên vạn nẻo đời còn khốn khổ,
Đó là Thiên sứ trẻ cưng yêu.”

Chúng con thành kỉnh cầu nguyện toàn nhân loại chúng sanh được mở tâm thiên địa để rộng tình người như tình trời đất.

Đạo Trưởng Chí Tín.

Bài viết khác:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *