"Chìa khóa vàng" giúp thành công trong giao tiếp

Ngày đăng: 22-11-2012 | Lượt xem: 4338

ky-nang-giao-tiep

 

Giao tiếp là sự chia sẻ ý nghĩ, tình cảm thông tin với một hoặc nhiều người. Trong giao tiếp, chúng ta thường sử dụng lời nói để biểu đạt ý nghĩ của mình và để trao đổi thông tin với người khác. Nhưng giao tiếp không chỉ đơn giản là nói chuyện với ai đó mà trong đó còn bao hàm rất nhiều các vấn đề khác như: Mình nói như thế nào? Mình hiểu đối tượng giao tiếp với mình ra sao? Làm thế nào để hai bên có thể hiểu rõ về các thông tin cùng trao đổi? Mình làm thế nào để lần giao tiếp đó đạt được kết quả tốt như mình mong đợi…?

1. Những biểu hiện có tác dụng tích cực trong giao tiếp mà chúng ta nên học tập và áp dụng:

Chân thành và tôn trọng:

Thỉnh thoảng chúng ta thường bắt gặp có một số người luôn tỏ ra rất “tôn trọng” thái quá đối với những người giàu có, thành đạt và có địa vị trong xã hội. Còn đối với những người tàn tật, bị bệnh tâm thần, già cả neo đơn, trẻ em hoặc người không có địa vị trong xã hội… thì họ lại tỏ ra xem thường, nhìn những người này không bằng “một nửa con mắt”!

Người giao tiếp thành công là đối với bất kỳ một ai cũng đều thể hiện sự chân thành và lòng tôn trọng như nhau, đây chính chìa khóa rất quan trọng góp phần không nhỏ tạo nên sự thành công trong giao tiếp và thể hiện được tính nhân bản trong mỗi người chúng ta.

“Chữ tín đáng giá ngàn vàng”:

Đừng bao giờ nghĩ rằng chữ tín là một điều gì đó “cao siêu” khó đạt được. Nó được thể hiện qua những chi tiết rất nhỏ. Giả sử như chúng ta hẹn gặp gỡ với một người bạn tại một quán cà phê để bàn một chút công việc vào lúc 10 giờ sáng. Trời đột nhiên đổ cơn mưa, có thể mình nghĩ rằng cuộc hẹn đó chẳng quan trọng lắm, mình không đến cũng chẳng ảnh hưởng gì cả. Mình nghĩ… người ta đợi quá giờ sẽ về thôi… Và công việc đó có thể bàn vào lần hẹn tới …. Nhưng nếu như mình đội mưa mà đến… và… đến đúng giờ – người bạn đó sẽ rất cám ơn và tin tưởng mình trong công việc và những lần hẹn tới vì mình đã biết giữ chữ tín. Vậy làm sao để giữ chữ tín?

– Luôn biết giữ lời hứa. Những gì mình đã hứa, hãy tìm cách để thực hiện bằng được, cho dù đó là lời hứa với bất kỳ ai, người quan trọng hay không quan trọng. Nếu trong trường hợp bất khả kháng không thể thực hiện được lời hứa đó thì mình hãy “mạnh dạn” báo cho người được mình hứa biết sớm để họ còn có thể trở tay kịp. Tránh trường hợp bỗng nhiên đột xuất “im lặng bặt vô âm tín”,  điều này sẽ làm cho họ mất lòng tin về mình trong những lần tiếp theo, thậm chí có thể gây cho họ những thiệt hại nặng nề về vật chất lẫn tinh thần. Trong trường hợp vay mượn tiền cũng vậy, đừng để phải bị mất bạn chỉ vì không chịu chủ động hoàn trả nợ như đã hứa (Trên thực tế cuộc sống cũng đã từng có rất nhiều người “vô tình đánh mất đi một người bạn tốt” chỉ vì không chịu chủ động hoàn trả lại số tiền đã mượn nợ dù là số tiền đó không quá lớn, phải chăng đây là một đánh đổi có sự chênh lệch quá lớn hay không? Có đáng để chúng ta phải đánh đổi khi quá nhiều phần “thiệt thòi” lại thuộc về chính mình như vậy không?).

– Đừng bao giờ lừa gạt người khác. Mình có thể gạt họ được một lần chứ không thể lừa gạt họ được đến suốt đời.

– Đừng nói dối. Một lần nói dối, cả trăm lần nói thật cũng không làm người ta tin cậy mình nữa (Một lần thất tín, vạn lần mất tin). Sau này dù mình có muốn nói thật cũng rất khó để họ có thể đặt trọn niềm tin vào mình được nữa.

– Chịu trách nhiệm với những gì mình nói và hành động. Không vì lợi ích cá nhân mà “nuốt” những lời mình đã nói ra hay làm tổn thương người khác.

– Chữ tín như những giọt nước nhỏ lâu dần thành bình uy tín lớn. Chúng ta tích lũy nó từng ngày bằng những việc nhỏ và nhận được sự tin cậy lớn từ mọi người. Tuy nhiên, chỉ một phút sơ sẩy, chúng ta có thể đánh mất nó! Do vậy hãy hết sức cẩn thận để giữ gìn chữ Tín!!!

Có rất nhiều câu chuyện về giữ chữ tín lưu truyền đến ngày nay, trong đó có câu chuyện về Phạm Thức giữ lời hứa được truyền tụng đến ngày nay:

Thời Đông Hán, Trương Thiệu ở quận Như Nam và Phạm Thức ở quận Sơn Dương cùng học ở kinh thành Lạc Dương, khi kết thúc thời gian học tập, họ chia tay nhau, Trương Thiệu đứng ở đầu đường nhìn chim nhạn bay trên bầu trời nói: “Hôm nay chia tay, không biết đến bao giờ gặp lại” vừa nói vừa khóc. Phạm Thức kéo tay Trương Thiệu, khuyên rằng: “Người anh em, chớ có đau lòng. Mùa thu hai năm sau, tôi nhất định sẽ đến nhà anh thăm hỏi cha mẹ anh, cùng anh hội ngộ”. Lá rơi xào xạc, hoa cúc nở rộ, đã đến mùa thu hai năm sau. Trương Thiệu tự nhiên nghe thấy tiếng chim nhạn kêu trên trời, tâm tư thay đổi, biết giác tự nói với mình: “Anh ấy sắp đến rồi”. Nói xong liền nhanh chóng quay về nhà, nói với mẹ: “Mẹ ơi, vừa nãy con nghe thấy tiếng chim nhạn kêu, Phạm Thức sắp đến rồi, chúng ta chuẩn bị thôi”.  

Mẹ anh không tin, lắc đầu than vãn: “Ngốc ạ, quận Sơn Dương cách đây hàng nghìn dặm, Phạm Thức làm sao mà đến được”, Trương Thiệu nói: “Phạm Thức là người chân thành, thật thà, giữ chữ tín, anh ấy không thể không đến”’. Mẹ già đành phải nói: “Được rồi, nó sẽ đến, mẹ đi chuẩn bị rượu thịt đây”. Thực ra, mẹ Trương Thiệu không tin, chỉ sợ con trai đau lòng, nên an ủi mà thôi. Ngày hẹn đã đến, Phạm Thức quả nhiên đến. Bạn cũ trùng phùng, nồng ấm khác thường. Mẹ Trương Thiệu cảm động lau nước mắt và nói: “Thiên hạ thực sự có người bạn giữ lời hứa đến thế sao?”  Câu chuyện về Phạm Thức giữ lời hứa luôn được hậu thế truyền tụng noi gương. 

Luôn biết chú ý lắng nghe chân thành; quan tâm; khiêm tốn; không tự cao tự đại, hạn chế việc tự ca ngợi và nói nhiều về chính bản thân mình:

Hãy tỏ ra là mình luôn đang chú ý tới người nói bằng cách gật đầu hay phản ứng đáp lại bằng những câu ngắn gọn thể hiện sự chăm chú của mình như: ừ, à, thế à, vậy à… Đừng ngắt lời người nói khi họ nói chưa hết ý. Hãy lắng nghe chân thành và sẵn sàng tiếp thu chủ đề, không nên chỉ trích phê phán gay gắt ngay lập tức nếu như chủ đề đó không đúng theo quan điểm của mình.

Nếu có những vấn đề nào mà mình chưa nghe rõ hoặc chưa hiểu thì chúng ta nên hỏi lại cho cụ thể rõ ràng, chính điều này sẽ thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đối với đối tượng giao tiếp của mình.

Tâm lý con người thì ai cũng thích nói về chính mình, nói về gia đình, người thân, công việc, quan điểm… của mình hơn là phải chịu nghe những gì người khác nói về họ. Chúng ta sẽ trở nên lố bịch và khó chịu trong ánh mắt của đối tượng giao tiếp nếu như lúc nào cũng “thao thao bất tuyệt” nói về mình và dành hết phần nói thuộc về mình mà không chú ý đến thái độ của đối tượng giao tiếp như thế nào.

Chúng ta thử suy ngẫm xem tại sao mỗi người chỉ có một cái miệng nhưng lại có đến 2 cái tai, phải chăng Thượng Đế muốn nhắn nhủ mỗi người nên luôn biết chú ý lắng nghe và thấu hiểu đối với người khác nhiều hơn là nói thật nhiều về chính mình?

Do vậy, chúng ta nên gợi ý, khuyến khích đối tượng giao tiếp nói về họ, nói về quan điểm cá nhân của họ để từ đó giúp chúng ta hiểu và cảm thông đối với họ hơn.

ky-nang-giao-tiep

Biểu hiện của nét mặt, ánh mắt và nụ cười:

Giao tiếp không dùng ngôn ngữ (giao tiếp không lời): Chúng ta sử dụng ngôn ngữ cơ thể, thông qua nét mặt, ánh mắt sẽ diễn tả được ý nghĩa những gì chúng ta định nói. Kỹ năng này rất quan trọng vì nó sẽ giúp cho việc giao tiếp của chúng ta đạt hiệu quả hơn rất nhiều so với việc chỉ đơn thuần sử dụng lời nói mà thôi. Hãy cố gắng kết hợp việc giao tiếp không dùng ngôn ngữ với những gì chúng ta đang nói để thông điệp của mình mang ý nghĩa điều mình muốn nói đến đối tượng giao tiếp.

Khi nói chuyện hoặc trao đổi về một vấn đề nào đó thì chúng ta phải quay mặt về hướng của đối tượng giao tiếp, ở tư thế ngang tầm có thể cùng đứng hoặc cùng ngồi, tránh ở tư thế cao hơn hoặc thấp hơn nhiều so với đối tượng của mình.

Nét mặt luôn thể hiện sự niềm nở, vui tươi, biểu hiện sự quan tâm tới lời nói của đối tượng, tùy theo nội dung câu chuyện mà thể hiện sự lo lắng, đồng cảm hoặc vui vẻ…

Trong khi giao tiếp chúng ta nên nhìn vào mắt duy trì ánh mắt với đối tượng giao tiếp.

Có những biểu hiện tán đồng hoặc thể hiện sự lắng nghe như: gật đầu…

Nói tóm lại, con mắt là cửa sổ của tâm hồn, đối tượng giao tiếp sẽ cảm nhận được sự chân thành trong giao tiếp của chúng ta đối với họ đến mức độ nào thông qua việc họ chú ý quan sát biểu hiện từ ánh mắt của mình. Bởi vì, chúng ta có thể dùng những lời nói thật ngọt ngào, êm dịu, hoa mỹ… nhưng nếu như không chứa đựng sự chân thành, tôn trọng trong đó thì sẽ bị ánh mắt của chính mình “tố cáo” lên tất cả (khi giao tiếp với mình thì họ không chỉ đơn thuần chỉ nghe bằng 2 lỗ tai không thôi mà họ còn “nghe” và cảm nhận cả bằng chính “TÂM” của họ nữa. Một khi “TÂM” đã “vào cuộc” để phán xét và cảm nhận thì mức độ chính xác thường sẽ rất cao).

Ngoài ra, trên môi luôn nở nụ cười thân thiện và vui tươi sẽ góp phần không nhỏ trong việc chiếm được cảm tình đối với đối tượng giao tiếp. Đối tượng giao tiếp sẽ cảm thấy rất khó chịu, họ không bao giờ cởi mở, thận thiện, gần gũi và chia sẻ hết nỗi lòng của mình nếu như họ quan sát thấy nét mặt của mình lúc nào cũng hầm hầm, cau có.

Khen ngợi chân thành:

Tâm lý con người thì ai cũng thích mình được khen hơn là bị chê bai, chỉ trích. Do vậy, việc đưa ra những lời khen ngợi đúng lúc và chân thành luôn là nguồn động viên rất lớn về mặt tinh thần dành cho đối tượng giao tiếp của mình. Tuy nhiên cũng cần lưu ý một điều là nếu như lời khen tặng mà chúng ta đưa ra không đúng lúc, không chân thành và không hợp lý thì sẽ trở nên phản tác dụng.

Lời chào hỏi, nói lời cám ơn hoặc xin lỗi đúng lúc và chân thành:

Dân gian thường nói: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Thật đúng như vậy! Dù gặp một người lạ hay quen thì chúng ta cũng nên nở một nụ cười thật tươi đồng thời nói lời chào và hỏi thăm thân thiện. Hình ảnh chào hỏi thân thiện này sẽ rất dễ chiếm được cảm tình từ đối tượng giao tiếp của mình. Đây cũng chính là một khởi đầu rất quan trọng hứa hẹn cho một buổi giao tiếp thành công.

Nói lời cám ơn hoặc xin lỗi đúng lúc và chân thành sẽ tạo nên sức mạnh bất ngờ trong giao tiếp. Nếu có ai đó giúp đỡ hoặc chia sẻ với mình một điều gì đó hữu ích thì đừng tiếc gì một lời cảm ơn chân thành mà không gửi đến họ, khi họ nhận được lời cảm ơn đó sẽ giúp cho họ có được một niềm vui nho nhỏ, sẽ góp phần không nhỏ động viên họ cho những lần giúp đỡ và chia sẻ tiếp theo sau đó. Nếu chúng ta quá tiết kiệm lời cảm ơn thì rất có thể những lần tiếp theo sau đó chúng ta sẽ không có cơ hội nhận được những chia sẻ và giúp đỡ vô cùng ý nghĩa giá trị từ phía họ.  Hoặc chẳng hạn như trong lúc đang lưu thông trên đường mà lỡ may mình vi phạm va quẹt nhẹ xe với người đi đường, thay vì nỗi sân si lên để chứng tỏ hơn thua với họ thì mình hãy mở lời xin lỗi chân thành thì đối tượng bị va quẹt sẽ nhanh chóng nguôi giận và dễ dàng bỏ qua cho lỗi của chúng ta.

Luôn  đặt quyền lợi của đối tượng giao tiếp lên trên lợi ích của mình và chân thành quan tâm giúp đỡ người khác khi họ gặp hoàn cảnh quá khó khăn trong khả năng cho phép của mình:

Mỗi khi thương thảo hợp tác thực hiện bất kỳ một công việc nào đó thì chúng ta phải thật sự quan tâm và biết được hoàn cảnh, điều kiện, khả năng… của từng người, từ đó sẽ nhờ họ thực hiện các công việc sao cho hạn chế tối đa việc làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ. Chúng ta cũng không nên quá “khôn ngoan” dành hết những quyền lợi thuộc về phía mình và đẩy những phần khó khăn, mất quyền lợi về phía người khác. Nếu thực hiện được điều này mình sẽ dễ dàng chiếm được thiện cảm và sự tôn trọng từ người khác. Việc chân thành quan tâm giúp đỡ người khác khi họ gặp hoàn cảnh quá khó khăn trong khả năng cho phép của mình đôi khi sẽ khiến cho họ thật sự cảm kích và trân trọng tình cảm của chúng ta đến suốt đời.

Thể hiện sự tự tin qua lời nói và hành động:

Khi giao tiếp, điều không thể thiếu được đó là sự tự tin, tự tin về bản thân và tự tin về lời nói của mình. Giọng nói không nên quá nhỏ khiến cho đối tượng giao tiếp không thể nghe rõ hoặc quá to rất dễ gây phản cảm mà nên có âm lượng vừa phải và thể hiện được sự biểu cảm phù hợp với từng ngữ cảnh cụ thể.

Đừng nên tỏ ra quá rụt rè, thiếu tự tin… Điều đó không có lợi cho việc giao tiếp của chính mình. Đối tượng giao tiếp sẽ đánh giá mình là một người thiếu bản lĩnh và không đáng để họ tin cậy.

Nếu có cuộc gặp mặt hay một cuộc hẹn trước với một ai đó thì chúng ta nên chuẩn bị cho mình một tâm lý thoải mái, sẵn sàng và có thể chuẩn bị trước chủ đề mà mình sẽ trao đổi. Như vậy sẽ mang đến cho mình sự tự tin, chủ động trong lần giao tiếp đó.

Trang phục:

Một yếu tố tuy nhỏ nhưng có tác dụng rất lớn đến hiệu quả giao tiếp của mình – đó là trang phục. Chúng ta nên chú ý đến cách ăn mặc của mình, không nên ăn mặc quá kệch cỡm, hở hang hay quá luộm thuộm – bởi vì cho dù mình có nói hay đến đâu thì qua vẻ bề ngoài không lịch sự của mình cũng đã khiến người khác mất cảm tình ngay từ giây phút đầu tiên.

2. Chúng ta nên hạn chế những hành động sau đây vì những hành động này không có tác dụng tích cực trong giao tiếp:

Không châm biếm, chỉ trích, chê bai đối tượng giao tiếp trước đám đông; Không nói xấu người khác sau lưng họ; Nên suy nghĩ và lựa chọn lời nói thật khéo léo, tế nhị để tránh làm tổn thương đối tượng giao tiếp:

Chúng ta nên hết sức chú ý lựa chọn những lời nói thật khéo léo, tế nhị mỗi khi góp ý dành cho đối tượng giao tiếp của mình, phải tuyệt đối không được châm biếm, cười chế nhạo, chê bai đối tượng giao tiếp của mình trước đám đông và không nên dùng những lời nói cộc cằn, thô lỗ, chỉ trích quá gay gắt hoặc tỏ thái độ khinh thường đối với đối tượng giao tiếp của mình vì như thế sẽ dễ đụng chạm đến lòng tự ái và làm tổn thương lòng tự trọng của họ. Đôi khi chính những hành động này mà chúng ta phải trả một cái giá rất đắt là mãi gieo sự hận thù trong lòng của họ và thậm chí có thể phải vĩnh viễn mất đi một người bạn quý vì sau đó chúng ta không thể có được thêm một cơ hội nào khác để hòa giải (Dân gian có câu: “Bạn có thể nói điều gì đó làm đau người khác trong 10 giây nhưng 10 năm sau vết thương vẫn còn đó!”). Chúng ta chỉ nên góp ý chân thành và thẳng thắng trên tinh thần xây dựng thật lòng muốn giúp cho họ tiến bộ hơn khi gặp riêng họ mà thôi, đặc biệt là không nên nói xấu người khác sau lưng họ vì nếu không may bị họ phát hiện mình nói xấu sau lưng họ thì hậu quả sẽ rất khó lường cũng như người nghe mình nói xấu tuy không nói ra nhưng trong lòng họ sẽ có những đánh giá không tốt về mình (Họ có thể nghĩ rằng hôm nay trước mình thì người khác bị nói xấu, biết đâu sau lưng mình thì mình lại bị nói xấu với người khác nữa thì sao? Từ đó họ sẽ dè dặt hơn trong giao tiếp với mình).

Nếu chúng ta thực hiện thật tốt những điều này sẽ góp phần không nhỏ tạo được thiện cảm từ đối tượng giao tiếp của mình.

Không chú ý lắng nghe:

Không nhìn vào đối tượng giao tiếp.

Nét mặt cau có, chau mày…

Mắt nhìn đi nơi khác trong khi đối tượng đang nói.

Có những hành động thể hiện không quan tâm tới lời nói của đối tượng như: đọc sách, báo, tài liệu, luôn liếc mắt nhìn đồng hồ hoặc làm một việc riêng nào đó…

Nét mặt thể hiện sự bồn chồn, nóng lòng có vẻ như đang vội vàng đi đâu đó không chú ý tới đối tượng mình đang nói gì…

Nếu như đối tượng giao tiếp quan sát thấy chúng ta biểu hiện những thái độ như trên sẽ gây cho họ sự hụt hẫng, mất thiện cảm, mất cảm hứng để tiếp tục giao tiếp và buổi nói chuyện sẽ nhanh chóng đi đến kết thúc.

Do vậy, để việc giao tiếp của mình đạt hiệu quả, để đối tượng giao tiếp của mình cảm thấy được tôn trọng, để mình và đối tượng hiểu rõ hơn về các thông tin cùng trao đổi thì mình cần chú ý lắng nghe chân thành và phải luôn có sự hồi đáp lại.

3. Làm thế nào để xử lý tình huống khi giao tiếp có những bất đồng về quan điểm?

Không phải lúc nào chúng ta và đối tượng giao tiếp cũng có cùng quan điểm về một vấn đề nào đó. Mỗi người một suy nghĩ, trước một vấn đề mỗi người sẽ có cách nhìn nhận khác nhau. Vậy trong những lúc như vậy chúng ta sẽ làm gì?

Chúng ta không nên có phản ứng gay gắt ngay từ đầu. Mà nên dành thời gian để suy nghĩ về điều đã nói và hiểu cảm giác của người nói trước khi mình đáp lại. Hãy đợi đến khi mình có đủ thông tin để tránh đưa ra những giả thuyết sai.

Không nên chỉ chích hay phê phán: Quan điểm của mỗi người còn phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố như: nhận thức, trình độ hiểu biết, tính cách….của mỗi người. Vì vậy, chẳng có gì phải căng thẳng nếu ai đó không đồng quan điểm với mình. Nếu quan điểm của mình là tích cực thì cũng không nên chỉ chích hay phê phán, xem thường, chế nhạo suy nghĩ, quan điểm của người khác. Hãy trao đổi dần dần sẽ có lúc mình và người đó sẽ hiểu nhau hơn.

Trên đây là một số đúc kết rút ra được những bài học kinh nghiệm từ việc đọc các quyển sách nói về đắc nhân tâm và trải nghiệm thực tế trong quá trình giao tiếp của chính bản thân mình, Chánh Tuân tin rằng mọi người sẽ gặt hái được nhiều thành công trong giao tiếp nếu như chịu khó luyện tập và áp dụng những “chìa khóa vàng” nêu trên để bổ trợ cho kỹ năng giao tiếp của chính mình.

Chánh Tuân.

 

Bài viết khác:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *