Cảm nhận từ một chuyến đi thăm Mái Ấm Thiện Duyên
CẢM NHẬN TỪ MỘT CHUYẾN ĐI
Chánh Tuân
Đoàn chúng tôi bắt đầu khởi hành vào lúc 8h00 tại quận Phú Nhuận, hướng về Mái Ấm Thiện Duyên (173 Nguyễn Thị Nê, thuộc ấp Phú Hòa, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP. HCM) và đến nơi lúc 9h30 ngày 27/11/2011.
Vừa đến nơi, chúng tôi đón nhận được sự niềm nở, ánh mắt hiền từ và sự thân thiện thông qua sự chào hỏi thật thân mật và nhiệt tình của má Mười Trần Thị Cẩm Giang – người khai sáng ra Mái Ấm Thiện Duyên.
Sau lời chào hỏi, vị Trưởng Đoàn trao tặng quà mà đoàn đã quyên góp được để hỗ trợ cho một phần gánh nặng chi phí của Mái Ấm như gạo, bột giặt, dầu ăn, nước lau nền nhà, sữa, mì gói…
Sau đó, má Mười hướng dẫn đoàn chúng tôi ra phía sau để tham quan toàn thể quang cảnh của Mái Ấm.
Chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy phần lớn các em ở đây đều bị nhiễm chất độc màu da cam và bị bệnh bại não. Hơn 70 em bị dị tật bẩm sinh, trí tuệ, sức khỏe đều không bình thường, chân tay bị teo và co quắp, phải nằm một chỗ trên giường, không thể đi lại, đặc biệt là không thể nhận thức và điều khiển được hành vi của mình. Tuy nhiên chúng tôi vẫn cảm nhận được một sức sống luôn ẩn tàng trong các em mỗi khi chúng tôi đến cầm tay và xoa đầu hỏi thăm thì các em đều có chung phản xạ là nở một nụ cười, liếc mắt nhìn và muốn níu lấy chúng tôi. Niềm cảm xúc này càng dâng trào hơn khi vào buổi trưa hôm đó mỗi chúng tôi đã tự tay đút cho các em ăn từng muỗng nui do các bạn thanh thiếu niên của đoàn chúng tôi tự tay nấu đãi các em tại Mái Ấm. Nhìn các em há miệng đón nhận từng muỗng nui theo phản xạ tự nhiên từ bản năng sinh tồn của một con người khao khát được sống, được yêu thương, chúng tôi mới thấy hết được sức sống mãnh liệt luôn ẩn tàng nơi các em mặc dù có thể các em không thể nhận thức được điều gì đang diễn ra xung quanh mình.
Nói về bệnh tật của các em, má Mười kể rằng các em ở đây mỗi em mỗi chứng bệnh, mỗi đặc điểm riêng nhưng các má ở Mái Ấm cũng nhớ rất rõ để chăm sóc từng em cho phù hợp, có em suốt ngày đầu cứ lắc lư liên tục, có em thì thích cắn xé mọi thứ em cầm được, có em bị bệnh chân rút đến ngực với tổng chiều cao chỉ có 5 tấc,… Những em này thường xuyên bị nỗi đau hành hạ thể xác khiến các em luôn phải bị đau đớn, rên la, vật vã mỗi khi bị cơn bệnh bùng phát.
Các em bị khuyết tật bẩm sinh ở Mái Ấm
Tại Mái Ấm Thiện Duyên, ngoài các em khuyết tật bẩm sinh còn có hơn 30 em sức khỏe và tinh thần vẫn bình thường, chỉ có điều ở các em đang sống thiếu vắng tình thương yêu chăm sóc bởi chính cha mẹ ruột của mình bởi các nguyên do hoặc bị mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị cha mẹ bỏ rơi trước cửa mái ấm ngay từ khi các em mới được vài ngày tuổi.
Chúng tôi không khỏi xúc động khi nhìn thấy một bé gái vừa mới hơn 2 tháng tuổi, nặng chưa đến 3 kg. Các má cho biết đã nhận được em bé này trước cổng Mái Ấm khi em chưa tròn 10 ngày tuổi do một người mẹ bỏ rơi. Trông các má bồng em bé nhỏ xíu trên tay thật gọn gàng và ấm áp tình thương yêu khiến chúng tôi không khỏi mừng thầm cho bé ấy vì em đã thật may mắn được sống trong vòng tay yêu thương chăm sóc của các má trong khi đó ngoài xã hội vẫn còn nhiều em bé bất hạnh khác bị chính mẹ ruột của mình bỏ rơi, đến khi phát hiện ra thì đã quá muộn vì các em đã bị nhiễm lạnh hoặc bị kiến cắn phải vĩnh viễn lìa khỏi cõi đời này.
Ngoài ra, có một bé trai vừa hơn một tuổi, mặt mũi trông rất khôi ngô nhưng nhìn qua nét mặt của em chúng tôi có cảm nhận rằng ở em vẫn có một khoảng trống vắng nào đó trong tâm hồn. Ở em bé này rất ít khi nở một nụ cười thật tươi như những em bé cùng trang lứa khác được diễm phúc sống trong vòng tay thương yêu của cha mẹ ruột của mình. Em bé này đặc biệt thích chúng tôi và các má bồng ẳm, các em dường như không muốn buông tay ra, vì có lẽ với em, có được tình thương yêu từ mọi người xung quanh sẽ làm vơi đi phần nào nỗi trống vắng khi phải sống thiếu đi tình thương yêu của chính cha mẹ ruột của mình.
Nhìn các em bé không bị bệnh tật bẩm sinh này lớn dần theo thời gian, các em được các má đầu tư cho học văn hóa và học nghề khiến chúng tôi có một niềm tin vào tương lai đầy sáng lạng ở các em. Chúng tôi tin rằng trong tương lai các em sẽ gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống và biết đâu sau này trong số các em sẽ có nhiều em quay trở lại hỗ trợ cho sự tồn tại và phát triển của Mái Ấm vì một khi các em đã từng sống và lớn lên trong hoàn cảnh ấy thì sẽ rất hiểu, cảm thông và chia sẻ cho những mảnh đời bất hạnh giống như mình.
Ngoài ra, có một bé trai vừa hơn một tuổi, mặt mũi trông rất khôi ngô nhưng nhìn qua nét mặt của em chúng tôi có cảm nhận rằng ở em vẫn có một khoảng trống vắng nào đó trong tâm hồn. Ở em bé này rất ít khi nở một nụ cười thật tươi như những em bé cùng trang lứa khác được diễm phúc sống trong vòng tay thương yêu của cha mẹ ruột của mình. Em bé này đặc biệt thích chúng tôi và các má bồng ẳm, các em dường như không muốn buông tay ra, vì có lẽ với em, có được tình thương yêu từ mọi người xung quanh sẽ làm vơi đi phần nào nỗi trống vắng khi phải sống thiếu đi tình thương yêu của chính cha mẹ ruột của mình.
Nhìn các em bé không bị bệnh tật bẩm sinh này lớn dần theo thời gian, các em được các má đầu tư cho học văn hóa và học nghề khiến chúng tôi có một niềm tin vào tương lai đầy sáng lạng ở các em. Chúng tôi tin rằng trong tương lai các em sẽ gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống và biết đâu sau này trong số các em sẽ có nhiều em quay trở lại hỗ trợ cho sự tồn tại và phát triển của Mái Ấm vì một khi các em đã từng sống và lớn lên trong hoàn cảnh ấy thì sẽ rất hiểu, cảm thông và chia sẻ cho những mảnh đời bất hạnh giống như mình.
Các em đang học văn hóa
Khi nghĩ đến công việc chăm sóc các em hàng ngày của các má nơi đây mà trong chúng tôi bổng trỗi lên một niềm tâm phục và trân trọng bởi tất cả mọi sinh hoạt hàng ngày của các em đều do các Má phụ giúp hoàn toàn từ việc đút ăn, tắm rửa, vệ sinh, giặt giũ… Vì Mái Ấm Thiện Duyên tự trang trải mọi chi phí nên không đủ chi phí để trả lương cho các má chăm sóc, do vậy việc chăm sóc các em ở đây hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện và tấm lòng yêu thương chân thành của các má dành cho các em mới có thể duy trì được sự tồn tại của Mái Ấm.Đây quả thật là những tấm lòng cao cả rất đáng trân trọng.
Qua tìm hiểu, chúng tôi đượcbiết má Mười từng là một người thương binh bán nhà làm từ thiện. Má đã bán hết tài sản, nhà đất để gom tiền lập Mái Ấm từ thiện nuôi dạy trẻ cô nhi, khuyết tật. Mới đầu, ai biết chuyện cũng bảo Má là “bà điên”. Nhưng giờ, người dân trong và ngoài địa phương đều âu yếm gọi “bà điên” là “bà tiên” thời hiện đại, đang ngày ngày đem yêu thương cho những mảnh đời bất hạnh.
Nụ cười phúc hậu của má Mười
Khi chúng tôi tìm hiểu thêm thì còn được biết rằng từ những ngày đầu thành lập, lúc ấy với đồng lương hưu ít ỏi, má Mười nghĩ rằng mình chỉ có thể nuôi 10 đứa trẻ là cùng. Nhưng rồi, trẻ bị bỏ rơi ngày càng nhiều, có người gõ cửa rồi đặt con ở đấy mà bỏ chạy. Khó khăn đến cùng cực nhưng nhìn những hình hài dị tật, những mảnh đời không tròn vẹn, má Mười lại không thể cầm lòng. Và cứ như thế, lượng trẻ bây giờ tại Mái Ấm đã lên đến trên 130 em.
Để duy trì được hoạt động của Mái Ấm, má Mười đã nói rằng: “Trước khi người giúp mình, thì mình phải tự giúp mình cái đã!”. Để nuôi và chăm sóc cho các em ăn uống, sinh hoạt, học tập hàng ngày cần một khoảng chi phí rất lớn trong khi đó chưa kể chi phí đưa các em đi bệnh viện mỗi khi bệnh trở nặng. Do vậy, tại Mái Ấm Thiện Duyên, ngoại trừ những em quá nhỏ và thần trí có nhiều bất ổn ra thì tất cả các em bình thường khác phải cùng các má ở đây tự làm các sản phẩm thủ công để phụ kiếm thêm thu nhập nhằm duy trì hoạt động của Mái Ấm. Những sản phẩm kết hạt, kết cườm thủ công khéo léo và tinh xảo đến mức chúng tôi không thể tin là do chính bàn tay yếu ớt của các em tự làm nên.
Những món hàng thủ công được các em tự làm
góp một phần trang trải chi phí duy trì hoạt động của Mái Ấm
Tạm biệt Thiện Duyên ra về, tiễn đoàn chúng tôi ra trước cửa, tôi chợt nhớ đến lời tâm sự của má Mười: “Giờ tuy còn nhiều thiếu thốn nhưng lo đủ cái ăn cái mặc cho mấy đứa cũng là quá mừng, má chỉ ngại, sau này má mất đi…”. Tôi bỗng giật mình, tuổi má giờ đã ngoài thất tuần, cũng gần hết một kiếp người! Bên trong, tiếng la hét, gào rú, khóc cười lại vang vang không ngớt, bên ngoài, ánh nắng dần về chiều càng trở nên gay gắt, nóng bức… Trong tôi một lần nữa lại trỗi lên một niềm xúc động và thầm cầu mong sao sau này khi má Mười không còn nữa, tại Mái Ấm Thiện Duyên này sẽ có thêm một Má nào khác vẫn với đầy đủ tâm trường và tình yêu thương như má Mười mới có thể duy trì được sự tồn tại và phát triển của Mái Ấm.
Ghi chú: Tuy hiện nay đã có nhiều vị mạnh thường quân hỗ trợ một phần chi phí hoạt động của Mái Ấm nhưng Mái Ấm vẫn đang còn gặp rất nhiều khó khăn. Tại Mái Ấm luôn trân trọng đón nhận mọi đóng góp từ những tấm lòng hảo tâm của các vị mạnh thường quân đến chia sẻ.
Mọi đóng góp quý mạnh thường quân liên hệ trực tiếp tại:
Mái Ấm Thiện Duyên,
Số 73 Đường Nguyễn Thị Nê, Ấp Phú Hòa, Xã Phú Hòa Đông, Huyện Củ Chi. Tp.HCM (Nếu đi từ Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh thì quý mạnh thường quân có thể đi thẳng theo đường Quang Trung, qua Quốc Lộ 1A đến đường Tô Ký, qua đường Trưng Nữ Vương rồi đến đường Tỉnh Lộ 15, đường Nguyễn Thị Nê cắt ngang đường Tỉnh Lộ 15).
Điện thoại liên lạc: (08). 37974522
Mái Ấm Thiện Duyên,
Số 73 Đường Nguyễn Thị Nê, Ấp Phú Hòa, Xã Phú Hòa Đông, Huyện Củ Chi. Tp.HCM (Nếu đi từ Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh thì quý mạnh thường quân có thể đi thẳng theo đường Quang Trung, qua Quốc Lộ 1A đến đường Tô Ký, qua đường Trưng Nữ Vương rồi đến đường Tỉnh Lộ 15, đường Nguyễn Thị Nê cắt ngang đường Tỉnh Lộ 15).
Điện thoại liên lạc: (08). 37974522
Bài viết khác:
Tên ăn trộm
Đại Việt sử ký toàn thư
Mười điều tâm yếu
Bí quyết 90/10
Mười hai câu hỏi của cuộc đời
Tình bạn Tâm giao - Tri kỷ
Sợ hãi và tự ti
Thù không cần trả, nhưng ơn thì nhất định phải trả!
Trả lời