Tu là chuyển hóa Tâm và Hạnh

Ngày đăng: 22-10-2010 | Lượt xem: 2146

TU LÀ CHUYỂN HÓA TÂM VÀ HẠNH
Trung Kiên

Tu là chuyển hoá tâm và hạnh. Cái tâm của ta thường ở trong trạng thái phiền não, tội lỗi và mê mờ; chuyển hoá là cải thiện nó lần lần đến an lạc, chơn chánh và sáng suốt.
Cái tâm bộc lộ ra cái hạnh. Tâm lành hiện ra cái hạnh hiền lương, cái tâm xấu  hiện ra cái hạnh thô bạo. Hạnh gồm mọi thứ phát ra từ thân xác con người: đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, nói, ngủ, nghỉ, thái độ tiếp xúc với người khác, chữ viết, lời văn, cách làm việc v.v….
Vậy muốn tu, muốn chuyển hóa mình phải làm gì?  Theo thiển ý, yếu tố đầu tiên là phải có quyết tâm chuyển hóa tâm hạnh ngay từ cái giờ phút này đây, không chờ đợi một “lúc nào thuận tiện”, “một nơi nào thuận tiện”, hay “một điều kiện tối thiểu” nào cả. Phải  không? Và phải giữ cái quyết tâm chuyển hóa đó liên tục trong suốt cuộc đời mình. Nói cuộc đời là nói theo cách mà chúng ta thường nói, chứ thực ra là phải nói hết phút này đến phút khác: lúc nào mình cũng phải tự đánh thức chính mình: mình phải thức tỉnh, phải chuyển hóa, phải sống  trong ánh sáng của thanh tịnh an vui, chơn chánh, sáng suốt; không dại gì mà mê ngủ trong bóng tối của não phiền, tội lỗi và mê mờ. Và yếu tố thứ hai cần thiết cho việc chuyển hóa này là một pháp môn tu tập. Mỗi người tùy căn phần, sở thích, truyền thống tôn giáo có thể thích nghi với một pháp môn khác nhau. Những phương thức thông thường là: cầu nguyện, định trí, thiền định, luyện hơi thở v.v…
Ở đây chưa đề cập đến phần pháp môn, chúng ta chỉ gợi ý một số công việc “dùng ý chí để chuyển hóa tâm hạnh” mà ai cũng có thể thấy là “có lý” và có thể làm được hiệu quả, đó là: Giữ lòng mình an vui, tưởng chừng như mình đang mỉm cười trong thực tại trước mắt, không lo không sợ gì cả, không ghét ai cả, không nhớ nghĩ tới cái sai của một người nào đó mà mình đã gặp trong ngày hôm qua, lãng quên quá khứ, tập trung được càng nhiều càng tốt cho đến khi tiến bộ thì mình sẽ tập trung trọn vẹn vào công việc hiện tại gìờ này đây.

                          

Đó là giữ cái tâm. Còn giữ cái hạnh thì chúng ta cần làm các nghi thức sau đây: cũng đi đứng nằm ngồi ăn nói như mọi lúc không bỏ sót cái chi nhưng mà nhớ:
ĐI: luôn đi chậm rãi khoan thai, mắt  nhìn thẳng về phía trước khoảng 3 mét, không liếc ngang, không láo liếng. 
ĐỨNG: đứng thẳng hai chân cân phân, tránh đứng một chân.
NẰM: luôn nằm nghiêng về bên mặt, bàn tay mặt áp vào má, hai chân co lại, tay trái bặn lên hông thòng xuống bụng, chân trái cong theo và song song với chân mặt, hoặc chân mặt thẳng, chân trái co lại tạo thành một tam giác với chân mặt (nằm theo kiểu Ông Phật nằm).
NGỒI: Khi ngồi trên ghế thì giữ hai gối thẳng chạm vào nhau, lưng thẳng, hai tay đan lại để giữa hai đầu gối. Khi ngồi trên sàng thì nên ngồi kiết già hoặc bán già. Nhớ là lúc nào ngồi cũng giữ lưng cho thẳng.
ĂN: Nên ngồi vào bàn đàng hoàng khi ăn. Trước và sau khi ăn cần niệm danh hiệu Thầy hoặc đọc kinh cầu nguyện. Ăn chậm rãi nhai  kỹ, luôn tưởng nghĩ rằng bửa ăn này sẽ giúp mình khang kiện thân thể để bền chí tu hành trong suốt cuộc đời. Không nên khai triển nói chuyện này, chuyện nọ trong khi ăn. Cần lắm có ai hỏi thì lịch sự trả lời đơn giản đủ lễ mà thôi. Ăn vừa đủ no, không nên ăn no quá. Ngược lại khi đến giờ ăn thì cần ăn, không nên để quá bửa làm cho mình đói quá.  
NÓI: Nói nhỏ và chậm vừa đủ cho người  nghe. Nói lớn quá mức cần thiết làm lảng phí hơi của mình và làm phiền những người chung quanh không cần nghe. Chỉ nói khi cần, không cần thì giữ im lặng. Một ngày trôi qua thời gian im lặng càng nhiều càng tốt. Im lặng giúp cho mình tăng cường nghị lực trên đường tu, và dễ tập trung tưởng Thầy. Cứ im hoài như người điếc là điều quí nhất. Trên đời này có gì mà phải nói cho lắm! Chẳng qua cũng chỉ loanh quanh trong mấy chuyện danh lợi thị phi. Mà  những điều đó đối với mình là người tu là  những chướng ngại cần phải tránh. Đặc biệt cần nhớ là mình tu rồi không nói đùa những chuyện có nội dung thế tục. 
NGỦ: Ngủ mỗi ngày khoản 6 tiếng là đủ. Nên nằm nghiêng như đã nói ở trên mà ngủ. Khi vào tu tâm pháp cần ngủ ngồi. 
NGHỈ: Khi nghỉ ngơi cần nằm hoặc ngồi yên. Thư giản tâm, và thân. Tâm không nghĩ gì hết, thân không vận động bắp thịt hay hơi thở gì hết xả ly mọi thứ.
TIẾP XÚC VỚI MỌI NGƯỜI: Khi tiếp xúc với bất cứ ai không phân biệt nhỏ lớn, sang hèn đều giữ tâm thái cung kính, điềm đạm, thành thật và nhiệt tình. Có khách đến nhà, hay đến nhà người khác nên thể hiện:
Niềm nở ân cần nhưng không rườm rà giả dối.
Thực tình, đơn giản nhưng không thô vụng, thiếu lễ.
Hân hoan vui vẻ nhưng không xuề xòa phàm phu.
Điềm đạm đoan trang nhưng không khô khan lạnh nhạt.

CHỮ VIẾT: Khi viết bất cứ một cái gì cũng tập trung tinh thần viết cho rõ ràng ai cũng đọc được. Viết chữ tự nhiên không nắn nót cố tình làm cho đẹp nhưng cũng không cẩu thả viết bừa theo tính lười biếng. Phải trân trọng từng chữ, từng câu. Viết là một cách luyện tâm hay nhất.
LỜI VĂN: Lời văn cần chơn thật, rõ ràng, nghĩ gì viết nấy. Không nên cố tình viết cho hay cho kêu; nhưng cũng không cẩu thả viết đại ra những câu mơ hồ không diễn tả rõ được ý mình. Phải tập trung, lời văn phải gọn mà đủ ý. Không nên nghĩ rằng mình ít học, viết văn dở nên chẳng dám viết gì nhiều. Người tu là  người sống thực với chính mình, dù mình không phải là nhà văn, không rành viết văn nhưng vẫn cứ viết, viết tự nhiên những gì mình nghĩ mà muốn gởi gắm vào lời văn để cho ai đó đọc. Tự nhiên, thực tình là yếu tố căn bản và tốt nhứt. Cái gì mình không quyết chắc là đúng thì cũng viết rõ là: tôi nghĩ thế này nhưng không quyêt chắc lắm v.v… Học hỏi cách viết của người khác, thu thập ý ở nhiều nơi, nhưng không cố tình đánh cắp văn của người, mình viết theo cung cách của mình. Mỗi ngày nên tập viết một vài trang, viết để tập trung tư tưởng.
VIỆC LÀM ĂN: Có 2 phần: Quan niệm làm ăn, và thái độ làm ăn. Phải có quan niệm làm ăn an phận, tin vào định mệnh. Tin không phải là phó thác cho định mệnh đưa đẩy rồi mình không làm chi cả, ngồi chờ sung rụng vào họng. Nhưng tin vào một sự thật: mọi chuyện nghèo giàu, sang hèn đều do Thầy an bày theo căn phần phước đức tiền kiếp của mình mà mình được hưởng trong kiếp này; mình có lo lắng quay cuồn bao nhiêu cũng không hơn được, ngược lại mình có xả ly an nhàn cũng không giảm bớt. Trong kinh Sám Hối Ơn Trên dạy: “Cuộc danh lợi là phần thưởng quí, Đấng Hoá Công xét kỹ ban ơn”. An phận, phải nghĩ rằng mình làm việc hằng ngày để đủ nuôi thân tu hành, và trả nợ đời, chứ không phải làm để được giàu sang. Từ cái quan niệm an phận đưa mình đến một thái độ làm ăn an nhàn thung dung, không lo sợ được mất, không bon chen tranh đua với đời, và quan trọng nhứt là giữ làm ăn lương thiện, chơn chánh: nhứt hào phân minh không thâm lạm của ai, không bao giờ mong mình được trúng số để có ăn tiêu và tu. Trúng số là một hình thức đánh bạc lấy của người làm của mình v.v…, và mình tu rồi luôn nhớ rằng chứa giữ của cải vật chất nhiều là một cái khổ, làm trở ngại việc tu tiến. “Điền tài thu thập đa tân khổ.” (Thu góp ruộng vườn tài sản nhiều là nhiều cay đắng); càng nghèo càng khỏe và dễ tu. Nói ra chỗ này chắc ít người đồng ý, nhưng khi quyết tâm tu, lắng lòng mình sẽ thấy đây là một sự thật.

KẾT LUẬN: Tu là chuyển hoá tâm và hạnh. Chuyển hóa tâm và hạnh là sống một cuộc sống bên ngoài thể hiện bình thường nhưng bên trong tâm hồn luôn luôn giữ chủ đích là sống để cải tạo tâm hạnh từng phút, từng giây  để cho cuộc sống được tốt hơn, đúng Đạo hơn, hạnh phúc hơn. Ở đâu và lúc nào cũng có thể làm công việc này được. Cho nên mình phải luôn tự nhắc: Tu ngay bây giờ, tại đây. Không chờ không đợi đến một lúc nào khác hay ở một nơi nào khác và cũng không cần đặt ra một điều kiện gì để tu, tu trong cái điều kiện trước mắt, cũng như sống trong cái trước mắt, không đánh mất một phút giây nào trong cuộc sống, cũng như không bỏ sót một cơ hội nào để tu.

 TRUNG KIÊN.



Bài viết khác:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *