Thượng báo Tứ Trọng Ân

Ngày đăng: 20-04-2011 | Lượt xem: 2303
 
THƯỢNG  BÁO TỨ  TRỌNG  ÂN
Sao gọi là bốn trọng ân?
MỘT LÀ ƠN CHA MẸ SINH THÀNH
Cúc dục mười tháng cưu mang ba năm bồng ẳm, ăn đắng uống cay, bú sữa mớm cơm. Ai kia có nhớ chăng? Con khóc cha mẹ sầu, con cười cha mẹ vui dạ. Chẳng may con đau ốm dù nghèo hay giàu, rước thầy chạy thuốc, đêm năm canh thổn thức, ngày sáu khắc âu lo, cầu khẩn các đấng thiêng liêng cho con mau lành bệnh. Khá giả chẳng nói chi, nếu nghèo khổ thì…Than ôi! Phải làm thuê ở mướn, tính ngược tính xuôi, nhịn ăn nhịn mặc, lắm lúc cầm bán vật dụng trong nhà hầu có tiền lo thang thuốc.
Khi con lên năm lên bảy sắm ăn sắm mặc cho kịp bạn kịp thời. Cha mẹ còn phải nghĩ đến đường học vấn cho con tốn hao chẳng ngại. Chỉ mong con được thành danh, làm vinh hiển tông đường, biết giữ phận xứng đáng làm người cho quê hương xứ sở.
Học tập vừa xong lại lo yên bề gia thất, đấng sanh thành lại một phen lo nghĩ, cậy mai tìm mối, nào sắm lễ vật cầu thân, tốn hao bao nhiêu chẳng tiếc, miễn sao cho con trẻ xứng đôi vừa lứa là cha mẹ toại lòng.
Ơn cha mẹ như non cao biển rộng, phận làm con phải báo đáp thế nào?
HAI LÀ ƠN TỔ QUỐC, có thể nói là ƠN CHÁNH PHỦ
Đem lại an ninh trật tự, ngăn ngừa đạo tặc. Xây cầu đắp lộ, khai rạch xẻ kinh, cho tiện việc lưu thông. Lập nhà thương trường học, nhà dưỡng lão, viện cô nhi, cùng với các cơ quan xã hội, đặng cứu người hoạn nạn, giúp kẻ cơ hàn, nuôi trẻ tật nguyền, khai thông trí thức cho dân chúng.
Nhờ ơn Chánh phủ, trong trừ gian dẹp loạn, ngoài gìn giữ cõi bờ, con dân được an cư lạc nghiệp, lại được tự do tín ngưỡng.
Vậy là Phật Tử chúng ta phải một lòng ngay thẳng giữ dạ trung thành, làm tròn bổn phận người dân đó là đền đáp ơn Tổ quốc.
BA LÀ ƠN MINH SƯ GIÁO HOÁ
Là người chỉ điểm sự mê lầm, triển khai giác tánh, hun đúc tâm bình đẳng, luyện rèn tánh bác ái.
Danh hiệu Minh Sư là danh hiệu của đức Phật Thích Ca,Giáo chủ cõi ta bà này,Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Có hai bực tu Phật.
Một là hàng xuất gia, còn gọi là Tăng Già. Cắt ái từ thân, không màng danh lợi, giới luật hoàn toàn, tam tụ lục hòa tròn đủ.
Hai là hàng cư sĩ tại gia, có gia đình và nghề nghiệp giữ tròn chánh mạng (là nghề nghiệp chơn chánh). Dù cho sơ cơ học đạo cũng có thể giữ trai kỳ (những ngày ăn chay), biết quán tưởng tham thiền, ngăn ngừa tà kiến, giải phá si mê, dứt trừ phiền não. Đến những bậc phát tâm dõng mãnh giới luật tinh chuyên không khác chi Tăng, Ni trong tứ chúng.
Ai là hàng Phật Tử, giữ lòng chơn trực, nêu gương xán lạn cho hàng hậu thế noi theo, hầu báo đáp đấng Minh Sư giáo hoá.
BỐN LÀ ƠN NGƯỜI DÂN (trong xã hội) VÀ ĐỒNG LOÀI (vật và thực vật)
Vì sao phải mang ơn người trong xã hội?
Trong việc sanh tồn, tất cả nhơn loại đều liên quan mật thiết với nhau.
Thử nghĩ: Chỉ một mình ta sống trên hoàn cầu này, ta nương tựa vào ai để chóng chọi với nắng mưa, ốm đau, đói, rét?
Vì lẽ bảo tồn nhơn loại mới tập kết đoàn hợp lũ. Nhơn loại sống chung với nhau, người làm nghề này, người chuyên nghiệp làm việc kia, trao đổi giúp đỡ lẫn nhau, chẳng luận màu da sắc tộc, không ai có thể sống riêng biệt hoàn toàn một mình.
Như y phục của chúng ta, nhờ có người nuôi tằm ươm tơ dệt vải với bao nhiêu công sức mới cho ta bộ lụa là che thân (đương nhiên phải có sự trao đổi công bằng). Đến như đồ thực dụng hằng ngày, thì người nông phu phải cày sâu cuốc bẫm gian lao khổ cực đến ngần nào mới có được hạt gạo,  rau, quả và mọi đồ vật dùng khác cũng vậy!
Thậm chí đến loài cầm thú súc vật cũng giúp ta không ít. Trâu thì cày, ngựa thì cỡi, chó giữ nhà, gà gáy báo canh khuya v.v…Thuốc cũng từ loài thảo mộc mà ra. Động vật và thực vật đều hữu ích cho chúng ta rất nhiều.
Sách sử xưa có ghi chép:
“Kiết thảo hàm toàn.Tri ân tất báo” .
“Hồn linh kết cỏ. Chim nọ ngậm vành”. Còn đền đáp ơn thay, hà huống chi là nhân loại! 
Ngày nay chúng ta đã có thân giả hợp ở trong thời này, dù là ở thời mạt pháp hay ở trong đời đen bạc thế mấy đi nữa, chúng ta cũng phải gắng sức bền lòng tu tập, phát tâm Bồ Đề, dõng mãnh tinh tấn tự cứu độ mình, độ người vượt qua khổ ải. Như thế mới gọi là THƯỢNG BÁO TỨ TRỌNG ÂN.
Nam Mô A Di Đà Phật.
(Viết theo nguồn báo Cư sĩ Phật học, trích đoạn tùy bút của Chân Tâm)
Nguồn: FB Thanhthanh Thanh

Bài viết khác:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *