Lắng nghe

Ngày đăng: 18-05-2011 | Lượt xem: 1868

Lang nghe

 

Cuộc sống có quá nhiều áp lực, không phải lúc nào tôi cũng đủ vững chãi để làm chủ bản thân. Nhất là khi có những biến động bất ngờ. Trong những lúc tâm tư rối bời, hoảng loạn hay chán chường, lạc lõng. Tôi luôn ước ao có một người thân bên cạnh để chia sẻ, dù người ấy chẳng giúp tôi giải quyết được vấn đề. Thậm chí, chẳng khuyên được điều gì bổ ích. Nhưng chỉ cần thái độ lắng nghe hết lòng và chân thật của họ cũng khiến tôi vơi đi rất nhiều phiền muộn. Còn hơn nếu như họ chia sẻ theo cách lừa dối tôi. Cho nên, được lắng nghe là nhu cầu cần thiết của tất cả mọi người và cả tôi. Nhưng điều nghịch lý là ai cũng muốn người khác lắng nghe mình trong khi mình thì không chịu lắng nghe ai cả. Nhất là thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay, ai ai cũng sống trong hối hả, vội vàng. Nên làm việc gì đòi hỏi sự kiên nhẫn, chịu đựng mà không đem lại kinh tế thì họ rất sợ. Chỉ cần ta mở lời xin họ ngồi xuống để ta chia sẻ vài vấn đề khó khăn, nhất là có liên quan tới họ thì họ viện đủ thứ lý do để từ chối hay xin hẹn vào dịp khác. Với một người lịch sự, họ cũng chấp nhận nghe, nhưng lại khống chế thời gian chia sẻ. Họ ngồi đó như một khúc gỗ vô hồn, mắt cứ nhìn xa xăm và thỉnh thoảng liếc ngang đồng hồ thì làm sao ta có thể trút cạn nỗi lòng và dám xin họ cùng ta tháo gỡ khó khăn. Những người được gọi là thân yêu nhất mà còn sợ phải lắng nghe thì ai sẽ lắng nghe tôi, lắng nghe bạn. Có thể cách chia sẻ của ta chưa dễ thương và chưa thuyết phục. Nhưng phần lớn là do họ luôn nhìn ta bằng con mắt thành kiến “biết rồi, khổ quá, nói mãi…”. Nếu sống chung với những người độc tài, luôn luôn cho mình là đúng hay những người thích dùng uy quyền để áp đặt người khác thì xin có ý kiến với họ cũng đã khó lắm rồi, chứ đừng nói chi xin họ chia sẻ dùm mình những niềm đau nỗi khổ.

Có những đứa bé uất ức vì bị hiểu lầm, nên tự giam mình suốt trong phòng từ ngày này sang ngày khác. Có những cặp vợ chồng mỗi lần ngồi xuống là tranh cãi và gây tổn thương thêm cho nhau.

Nên họ luôn chọn những người bạn thân hay những chuyên gia tâm lý để than thở. Có những người lớn tuổi không được sự cảm thông và quan tâm của con cháu nên phải tìm đến những loại thú nuôi để tâm sự. Có những người vì ôm mãi khối sầu đau quá lớn mà không thể bày tỏ cùng ai nên đã rơi vào trầm cảm, tâm thần, hay chọn đến cái chết. Không có gì cô đơn cho bằng khi có biết bao người thân yêu bên cạnh mà mình lại phải đơn độc một mình vượt qua gian khổ.

Nếu ta thực sự muốn giúp người kia vượt qua nỗi khổ niềm đau đang đè nặng trong lòng thì việc trước tiên là ta phải biết lắng nghe họ. Cũng như bác sĩ trước khi chẩn đoán, kê toa thì việc đầu tiên là họ phải quan sát thần sắc của bệnh nhân thật kỹ càng, rồi lắng nghe họ báo cáo hay than thở về tình trạng sức khoẻ không tốt của họ.

Khi ta quyết định lắng nghe một người đang khổ tức là ta đã chấp nhận đóng vai thầy thuốc để chữa trị tâm bệnh cho họ. Dù ta không phải là nhà tâm lý trị liệu nhưng với lòng chân thành và thái độ lắng nghe đúng đắn, chắc chắn ta sẽ giúp được người kia rất nhiều.

Vì vậy, trước khi lắng nghe, ta phải thực sự hỏi bản thân xem mình đã vào đúng vai người bác sĩ hay chưa? Đã có đủ thiện chí và nghệ thuật lắng nghe chưa? Mà để lắng nghe một người nào đó với suy nghĩ rằng: “Mình sẽ được gì sau buổi lắng nghe ấy” thì chắc chắn trái tim ta sẽ không bao giờ mở ra được.

Thực tế, có những người rất nhiệt tình lắng nghe người khác chỉ vì họ thấy mình thật giá trị khi được người kia chọn lựa giữa rất đông người. Nhưng điều buồn cười là dù biết sự lắng nghe ấy chỉ có ý nghĩa như vậy, nhưng người kia vẫn chấp nhận vì mục đích của họ là chỉ cần đồng minh để công nhận mình đúng hoặc chỉ muốn xả bớt những năng lượng bực tức mà thôi! Hãy coi chừng cái bẫy đó! Đừng lắng nghe một cách hình thức và làm hư tâm mình. Một khi đánh mất khả năng lắng nghe chân thật, ta sẽ đánh mất khả năng thấu hiểu chân thật.

Chữ “lắng nghe” có ý nghĩa rất hay. Phải lắng thì mới nghe được. Nghe mà không lắng lòng xuống, không dừng lại suy tư, không buông bỏ thành kiến hay phiền não đang chế ngự trong tâm thì cái nghe ấy không đạt tới mức thấu tận nguồn cơ của vần đề hoặc có thể khiến ta hiểu sai lệch. Người Trung Quốc dùng chữ “đế thính” nghĩa là nghe hết lòng, còn người Mỹ dùng chữ “Listening Deeply” nghĩa là nghe thật sâu cũng không bằng chữ lắng nghe của tiếng việt. Vì nó chỉ có thiện chí quyết lòng muốn nghe nhưng lại không thanh lọc tâm ý trong khi nghe. Sự lắng lòng để nghe là rất quan trọng, vì ta còn nôn nóng lo ra, còn giận hờn bực tức, còn mang theo kinh nghiệm cũ về người ấy ta sẽ đánh mất khả năng lắng nghe ngay từ đầu. Dù ta nghĩ mình đang cố lắng nghe, cho nên…lắng là ngõ vào của nghe. Từ nay nếu có ai mời ta ngồi xuống lắng nghe thì ta hãy nhìn lại tâm ý và cảm xúc của mình ngay lập tức. Nếu trong nhất thời ta không thể lắng lòng xuống, thì nên dừng lại và xin họ cho ta cơ hội khác và ngược lại. Nếu người kia chấp nhận lắng nghe thì ta cũng nên cẩn thận hỏi lại họ có thực sự lắng nghe chưa? Phải có chữ “lắng” mới được. Nếu không có chữ lắng thì ta nhất định không mở lời.

“Lắng” chính là sự im lặng của con tim. Khi ta im lặng, dừng hết mọi lao xao, buông xả hết những mong cầu hay chống đối, ta sẽ nghe được rất nhiều tiếng động chung quanh đang diễn ra. Dù đó là tiếng thở dài não ruột của người kia ở nơi xa hay cả tiếng vô thanh của dòng sông, của ngọn đồi. Cuộc sống bận rộn quá, dễ khiến ta quên đi thói quen lắng nghe sâu sắc bằng trái tim. Nhiều khi, người kia đã nói rõ ràng ra mà ta còn chưa chịu hiểu huống chi chỉ nói nửa câu hoặc im lặng để ta tự suy gẫm… Bởi có những niềm đau đã giấu kín trong lòng thì không thể dễ dàng nói ra khi người nghe không thể hiện được độ rung cảm chân thành từ nơi trái tim.

Chỉ cần im lặng lắng nghe mà đừng vội can thiệp hay phán xét để ta hiểu được những ngõ ngách sâu kín trong tâm hồn.

(Trích từ sách “Hiểu về trái tim”, tác giả Minh Niệm)

 

Bài viết khác:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *