Chữ tín đáng giá ngàn vàng

Ngày đăng: 04-09-2010 | Lượt xem: 5449

CHỮ TÍN

Nói lời phải giữ lấy lời,

Đừng như con bướm đậu rồi lại bay!
                                                             Ca dao

  

 

CHỮ TÍN ĐÁNG GIÁ NGÀN VÀNG!

 

 

Đừng bao giờ nghĩ rằng chữ tín là một điều gì đó “cao siêu” khó đạt được. Nó được thể hiện qua những chi tiết rất nhỏ. Bạn hẹn gặp gỡ với một người bạn tại một quán cafe để bàn một chút công việc vào lúc 10 giờ sáng. Trời đột nhiên đổ cơn mưa, có thể bạn nghĩ rằng cuộc hẹn đó chẳng quan trọng, bạn không đến cũng chẳng ảnh hưởng gì. Bạn nghĩ… người ta đợi quá giờ sẽ về thôi… Và công việc đó có thể bàn vào lần hẹn tới …. Nhưng nếu bạn đội mưa mà đến… và… đến đúng giờ – người bạn đó sẽ rất cám ơn và tin tưởng bạn trong công việc và những lần hẹn tới vì bạn đã biết giữ chữ tín. Vậy làm sao để giữ chữ tín?
* Luôn biết giữ lời hứa. Những gì bạn đã nói ra, hãy tìm cách để thực hiện bằng được, cho dù đó là lời hứa với bất kỳ ai, người quan trọng hay không quan trọng.
* Đừng bao giờ lừa gạt người khác. Bạn có thể gạt họ được một lần chứ không thể suốt đời.
* Đừng nói dối. Một lần nói dối, cả trăm lần nói thật cũng không làm người ta tin cậy bạn nữa (Một lần thất tín, vạn sự mất tin).
* Chịu trách nhiệm với những gì mình nói và hành động. Không vì lợi ích cá nhân mà nuốt lời hay làm tổn thương người khác.
* Chữ tín như những giọt nước nhỏ lâu dần thành bình uy tín lớn. Bạn tích lũy nó từng ngày bằng những việc nhỏ và nhận được sự tin cậy lớn của mọi người. Tuy nhiên, chỉ một phút sơ sẩy, bạn có thể đánh mất nó.
Hãy hết sức cẩn thận để giữ gìn chữ Tín!!!

Ai cũng phải giữ chữ Tín nhưng giữ chữ Tín như thế nào, mỗi người mỗi khác.
Tín là sự tin cậy lẫn nhau, là không thất hứa, là phải thực hiện đúng đúng cam kết. Chữ tín trước hết phải giữ chính mình. Người không giữ được Chữ tín với bản thân là kẻ bạc nhược, thiếu bản lĩnh, không bao giờ có nghiệp lớn. Họ không dám chịu trách nhiệm với mình thì cũng không hy vọng gì họ dám chịu trách nhiệm với người khác.
Cho nên chữ tín thường đi đến với danh dự, mà danh dự là sự bảo đảm cho sự nghiệp nếu đấy quả là sự nghiệp theo đúng nghĩa của nó. Vậy nên tuy không được đưa lên đầu trong Ngũ thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) những người xưa quan niệm thiếu chữ Tín chưa thể là kẻ quân tử ở đời.
Giờ đây đạo quân tử đã bị lãng quên, bị loại khỏi những chuẩn mực của đạo lý và lối sống. Nghĩa là chữ Tín cũng thay đổi, có thời ít người còn nhớ đến. Cho đến khi giông bão đi qua, người ta mới hiểu giông bão chỉ là nhất thời, những giá trị thật được đúc kết bằng xương máu cả nghìn đời vẫn bền vững qua những biến cải, như biển vẫn mãi là biển sau bão tố. Chữ Tín trở về thường trực trong tâm thức xã hội.
Ai cũng phải giữ chữ tín nhưng giữ chữ tín như thế nào, mỗi người mỗi khác.
Người có quyền chức phải giữ Tín với dân, trong đó có cấp dưới của mình. Biết bao triều đại suy tàn, mục nát bởi đã bội tín với lời thể thuở dựng cờ khởi nghĩa, mang gươm mở nước hoặc trong các cuộc hưng phế cung đình. Nguyễn Trãi nói: làm lật thuyền mới biết sức dân là nước. Đẩy thuyền qua sóng cả hay lật thuyền đều là dân.
Nhưng người bình thường, nói rộng hơn là mọi thành viên trong xã hội, cũng phải trọng chữ tín. Làm sao có thể có một người lãnh đạo tốt, một tổ chức xã hội lành mạnh nếu các thành viên không nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh, không tôn trọng lời hứa, lừa gạt cấp trên và lừa gạt nhau. Trên chiến trường hay trong cuộc sống, nguy hiểm nhất không phải là đối phương trước mặt, mà là những kẻ phản bội. Không phải vô cớ mà đạo lý Việt Nam  coi lừa thầy phản bạn là một tội ác về đạo đức không thể tha thứ.
Đề cao chữ Tín nhưng xưa nay người ta lại chê cười kẻ ngu tín. Ngu tín là nhắm mắt mà tin, không kể gì đến lẽ phải. Ngu tín là một nhược điểm lớn của con người, nguồn gốc của biết bao bi kịch cá nhân và của cả nhũng giai đoạn lịch sử không ngắn. Ngu tín cũng là nguồn gốc của sự trì trệ, bảo thủ đến nỗi con người mới chỉ đến được trình độ phát triển ở mức này.

ST

 

Tác hại của việc không giữ chữ Tín

Trong xã hội ngày nay, chữ tín đã trở thành một phẩm chất không thể thiếu trong quan hệ giữa người và người. Cái gọi là chữ tín để chỉ nhất định phải thực hiện lời hứa.
”Con người không có chữ tín thì không thể đứng được”, người khác làm việc gì, tự nhiên sẽ hy vọng ở bạn; một khi người khác phát hiện khai “khống”, nói chuyện đơm đặt thì sẽ bị phản cảm mạnh mẽ, bởi khai ”khống” sẽ gây phiền phức cho người ta, cũng làm hại đến danh tiếng của chính mình. Việc người khác nhờ làm phải cố gắng hết sức, và không nên nhận lời những việc mình không thể làm được. 
Washington đã từng nói: ”Nhất định phải giữ lời hứa, không được làm những việc quá sức. Vì vậy chúng ta không nên làm một số việc quá sức hoặc vì lấy lòng mọi người mà khinh suất lời hứa với người khác, kết quả lại không thực hiện như đã hứa hẹn, rất dễ mất chữ tín. Con người rất coi trọng chữ tín, trong quan hệ giữa người và người vô cùng coi trọng chữ tín. Khổng Tử nói: ”Chơi với bạn mà không tin sao được?”, Mạnh Tử nói: ”Người không có chí sẽ không có trí, người mà lời nói không đáng tin thì hành động cũng chẳng ích gì”. Còn có ”một lời hứa đáng giá nghìn vàng, một lời nói trăm nút buộc”, ”một lời đã nói ra, xe tứ mã đuổi không kịp”, đều là nhấn mạnh một chữ ”tín”.
1.    Biểu hiện của không giữ chữ tín 
Trong ngành bán hàng, có một số nhân viên bán hàng tuy có thể nói điều hay nhưng thành tích lại không tốt vì họ có một khuyết điểm giống nhau, đó chính là ”không giữ chữ tín”. 
“Sáng mai 10 giờ tôi sẽ đến gặp ông”. Nhưng đến 10 giờ lại không thấy bóng dáng nhân viên bán hàng đâu. Nhân viên bán hàng kiểu này sẽ gây ấn tượng xấu cho khách hàng. Kết quả là khách hàng lần lượt ra đi.  
Điều quan trọng nhất đối với nhân viên bán hàng là chú ý giữ chữ tín, và vũ khí lợi hại nhất để chiếm được sự tín nhiệm của khách hàng chính là giữ lời hứa. Nhưng khi khách hàng yêu cầu xem hàng mẫu, một số nhân viên đều đáp ứng bằng miệng nhưng đến lúc đó thì lại quên. Trên thực tế nếu khách hàng lúc đó chỉ thuận miệng nói ra mà bạn thực sự mang đến cho họ thì họ nhất định sẽ rất mừng, ngược lại có thể chỉ vì nhân viên bán hàng bỏ qua chi tiết nhỏ đó mà mất đi cơ hội làm ăn.  
Còn có nhân viên bán hàng giới thiệu sản phẩm với khách hàng, đáp ứng hầu hết các yêu cầu của khách hàng. Nhưng sau khi khách hàng mua hàng rồi, nhân viên bán hàng liền quên lời hứa của mình. Chẳng hạn có khách hàng cũ yêu cầu nhân viên bán hàng mang hàng đến nhà, nhân viên bán hàng cũng không xem xét lúc nào thì rỗi, liền hứa bừa. Nhưng đến lúc không thể có thời gian rỗi hoặc quên lời hứa. Như thế, hành vi không giữ chữ tín của nhân viên bán hàng có ảnh hưởng không tốt đến khách hàng, thậm chí xoá đi những ấn tượng tốt mà nhân viên bán hàng khó khăn lắm mới tạo được.
2.    Sự nguy hại của việc không giữ chữ tín  
Dù là công việc bán hàng nào, ”giữ chữ tín” đều phải đặt lên hàng đầu trong quá trình bán hàng của nhân viên bán hàng, đồng thời cũng là phẩm chất bắt buộc phải có. Đương nhiên, cái gọi là ”giữ chữ tín” không chỉ đơn giản là thanh toán đúng hạn, mà để chỉ nhân viên bán hàng phải có trách nhiệm với lời nói và việc làm của mình. Nếu không sẽ ảnh hưởng bất lợi đối với nhân viên bán hàng.  
Nhân viên bán hàng không giữ chữ tín nhất định sẽ khiến cho khách hàng có cảm giác nhân viên đó không đáng tin cậy. Mà khi khách hàng không có cảm giác tin tưởng, tự nhiên sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua hàng. Cần biết rằng, con người đều có bản năng phát hiện sự không chân thành, đối với người không thành thật, phản ứng tự nhiên của con người là tránh né. Còn nhân viên bán hàng muốn bán hàng cho khách, trước hết phải được khách hàng ưa thích và tín nhiệm. Khi khách hàng đã tin những lời nhân viên bán hàng nói sẽ có lợi cho mình thì mới chấp nhận nhân viên đó và sản phẩm của anh ta.  
Nhân viên bán hàng chỉ có phục vụ khách hàng bằng hành động chân thành thẳng thắn mới có thể tìm được nhiều khách hàng mới, có càng nhiều sản phẩm được giới thiệu và cơ hội phục vụ, từ đó có nhiều hợp đồng. Có ba tình huống bị khách hàng cho là không thành thật: thứ nhất là khách hàng cho rằng bạn chỉ vì lợi ích bản thân, hoặc khi bạn muốn khách hàng quan tâm đến sản phẩm và dịch vụ của bạn nhưng bạn biết rõ là không có lợi ích gì cho họ. Tình huống thứ hai là phiên bản của tình huống thứ nhất. Thứ ba là khi khách hàng phát hiện ra nhân viên bán hàng không phải là người giữ chữ tín thì bắt đầu nghi ngờ sự chân thành của anh ta. Có lẽ nhân viên bán hàng có thể tận dụng những lời lẽ bay bướm để giới thiệu sản phẩm, nhưng nếu khách hàng nhìn rõ hành vi rồi thì cái mất không chỉ là một khách hàng mới mà có thể là tất cả khách hàng, trong đó có cả khách hàng cũ. 
Khi nhân viên bán hàng không giữ chữ tín với một khách hàng, làm cho khách hàng thất vọng, rất có thể khách hàng đó sẽ nói với người khác về ấn tượng không tốt đối với nhân viên bán hàng, mà những người đó có thể là những khách hàng tiềm năng. Khi một số khách hàng được nói là nhân viên bán hàng nào đó không giữ chữ tín, trong đầu họ sẽ có phán đoán chịu ảnh hưởng của người nói trước. Như vậy trong tiếp xúc sau này, dù nhân viên bán hàng có thuyết phục khách hàng bằng hành động chân thành, có thể cũng không thể đạt được kết quả như mong muốn.  
Nhân viên bán hàng không được xem nhẹ bất kỳ chi tiết nào, cũng không được cho rằng mình không giữ chữ tín với một khách hàng thì người khác sẽ không biết, làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc bán hàng sau này. Vì vậy, nhân viên bán hàng muốn thành tích bán hàng của mình luôn tăng, bất định không thể có thói quen không giữ chữ tín, nó sẽ khiến bao nhiều công sức từ trước mất đi một cách vô ích.
3.    Tầm quan trọng của chữ tín
Giữ chữ tín là một đạo lý, vừa thể hiện sự tôn trọng đối với người khác, vừa thể hiện sự tôn trọng chính mình. Giữ chữ tín là một nét đẹp truyền thống của dân tộc ta, chúng ta từ xưa đến nay coi giữ chữ tín là phẩm chất cơ bản khi bước vào đời, lời nói phải đi đôi với hành động, hành động phải dứt khoát. Từ cổ chí kim, người giữ chữ tín được người khác yêu mến và ca ngợi, người không giữ chữ tín bị người khác chỉ trích và không được tôn trọng.
Có rất nhiều câu chuyện về giữ chữ tín lưu truyền đến ngày nay, trong đó có câu chuyện về Phạm Thức giữ lời hứa được truyền tụng đến ngày nay:  
Thời Đông Hán, Trương Thiệu ở quận Như Nam và Phạm Thức ở quận Sơn Dương cùng học ở kinh thành Lạc Dương, khi kết thúc thời gian học tập, họ chia tay nhau, Trương Thiệu đứng ở đầu đường nhìn chim nhạn bay trên bầu trời nói: “Hôm nay chia tay, không biết đến bao giờ gặp lại” vừa nói vừa khóc. Phạm Thức kéo tay Trương Thiệu, khuyên rằng: “Người anh em, chớ có đau lòng. Mùa thu hai năm sau, tôi nhất định sẽ đến nhà anh thăm hỏi cha mẹ anh, cùng anh hội ngộ”. Lá rơi xào xạc, hoa cúc nở rộ, đã đến mùa thu hai năm sau. Trương Thiệu tự nhiên nghe thấy tiếng chim nhạn kêu trên trời, tâm tư thay đổi, biết giác tự nói với mình: “Anh ấy sắp đến rồi”. Nói xong liền nhanh chóng quay về nhà, nói với mẹ: “Mẹ ơi, vừa nãy con nghe thấy tiếng chim nhạn kêu, Phạm Thức sắp đến rồi, chúng ta chuẩn bi thôi”.  
Mẹ anh không tin, lắc đầu than vãn: “Ngốc ạ, quận Sơn Dương cách đây hàng nghìn dặm, Phạm Thức làm sao mà đến được”, Trương Thiệu nói: “Phạm Thức là người chân thành, thật thà, giữ chữ tín, anh ấy không thể không đến”. Mẹ già đành phải nói: “Được rồi, nó sẽ đến, mẹ đi chuẩn bị rượu thịt đây”. Thực ra, mẹ Trương Thiệu không tin, chỉ sợ con trai đau lòng, nên an ủi mà thôi. Ngày hẹn đã đến Phạm Thức quả nhiên đến. Bạn cũ trùng phùng, nồng ấm khác thường. Mẹ Trương Thiệu cảm động lau nước mắt và nói: “Thiên hạ thực sự có người bạn giữ lời hứa đến thế sao?”. Câu chuyện về Phạm Thức giữ lời hứa luôn được hậu thế truyền tụng noi gương. 
Câu chuyện người xưa giữ chữ tín có thể đem lại một số chỉ dẫn có ích cho nhân viên bán hàng. Bất kể lúc nào, ở đâu, nhân viên bán hàng đều phải giữ chữ tín. Nhân viên bán hàng lúc cần thiết phải hứa với khách hàng, để lòng tin của khách hàng đối với nhân viên bán hằng ngày càng vững chắc.  
Nhưng chúng ta không đồng tình với việc nhân viên bán hàng đưa ra lời hứa không thực tế, cũng không đồng tình việc nhân viên bán hàng hứa suông làm người khác dễ tin, càng phản đối hành động xấu như ”nói không đáng tin”, “vong nghĩa bội tín”? 
Nhân viên bán hàng giữ chữ tín có thể làm được từ đầu đến cuối. Lời nói đi đôi với việc làm, mọi người sẵn sàng đặt quan hệ, thậm chí sẵn sàng mua hàng mà họ bán. Nếu nhân viên bán hàng không giữ chữ tín, trước sau mâu thuẫn, lời nói không đi đôi với việc làm, thì khách hàng không thể phán đoán được hướng hành động của họ. Khách hàng không muốn quan hệ với loại người đó. Giữ chữ tín là biện pháp đầu tiên để chiếm được lòng tin của người khác. Nhân viên bán hàng có sức hấp dẫn phải là người biết giữ chữ tín thành thật, người có thể tin tưởng được. Một nhân viên bán hàng không giữ chữ tín lòng tràn đầy hy vọng đi gặp khách hàng.
Anh ta đã chuẩn bị tinh thần từ trước, nhưng do trước đây anh ta đã từng không giữ chữ tín với khách hàng này, sau khi gặp và nói chuyện với khách hàng một lúc, tư duy chuẩn bị từ trước bị đảo lộn, anh ta nhanh chóng quên mình phải nói gì. Anh ta rất ngượng ngùng, đành hậm hực quay về.  
Nhân viên bán hàng không giữ chữ tín cũng sẽ thiếu tự tin, khi nhân viên bán hàng mang tâm trạng không tự tin giới thiệu sản phẩm với khách hàng thì làm sao có thể trình bày tốt về sản phẩm, giành được sự yêu mến của khách hàng? 
Nhân viên bán hàng không giữ chữ tín, không thành thật nhất định không thể làm được chuyện lớn. Nhân viên bán hàng phải suy nghĩ yừ góc độ của khách hàng, thành tâm phục vụ khách hàng, kết bạn với khách hàng, thực hiện chính sách cố định hoá khách hàng, phát triển quan hệ khách hàng. Khách hàng là tài nguyên quan trọng nhất của các doanh nghiệp và nhân viên bán hàng trên thị trường của họ. Nhân viên bán hàng bắt buộc phải coi trọng tài nguyên này, dùng sự chân thành của mình làm cảm động khách hàng. Phải nhớ, lừa dối khách hàng là lừa dối chính mình, nhân viên bán hàng không giữ chữ tín cuối cùng cũng bị khách hàng từ bỏ.

ST
Tằng Tử hỏi về chữ Tín 

Tằng Tử hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, người ta làm thế nào mới lấy được lòng tin ở người khác? Đồng thời tin tưởng vào người khác?”
Khổng Tử không trả lời mà hỏi lại Tằng Tử rằng: “Tham này (tên gọi khác của Tằng Tử), vì sao con lại hỏi câu hỏi như vậy? Nhất định con có điều gì không bình thường phải không?”
Khổng Tử đã nói đúng rồi! Trước đây Tằng Tử đã sống ở đất Phí của nước Lỗ. Đất Phí có một người trùng tên, trùng họ với Tằng Tử, người này giết chết người. Có người chạy tới nhà nói với mẹ Tằng Tử là “Tằng Tham giết người!”.
Mẹ Tằng Tham trả lời: “Con tôi không bao giờ lại giết người”. Nói rồi bà lại tiếp tục lo dệt vải.
Một lúc sau, lại có một người chạy đến nói với bà: “Tằng Tham giết người!”. Mẹ của Tằng Tham vẫn tiếp tục dệt vải.
Và sau đó lại có người đến nói rằng: Tằng Tham giết người!”. Mẹ Tằng Tham bắt đầu sợ, vội vã ném con thoi dệt vải hốt hoảng trèo tường chạy trốn.
Khổng Tử nghe xong câu chuyện Tằng Tử kể, không bình luận lẽ đúng sai của nó, nhưng ông cũng nói một câu chuyện khó quên của mình khi đi chu du các nước.
Đó là vào lúc Khổng Tử và các học trò bị vây ở giữa nước Trần và nước Thái, sáu bảy ngày không được ăn cơm. Đến ngày thứ tám khó khăn lắm Tử Cống mới lấy được một ít gạo tẻ từ ở ngoài vào, giao cho Nhan Hồi nấu cơm.
Nhan Hồi nấu được cơm liền mở vung cho đỡ nóng. Không ngờ có một ít bụi rơi từ trên tường xuống đúng nồi cơm. Nhan Hồi vội vã bốc bỏ nắm cơm bị bụi bẩn rơi vào, đang định ném bỏ, nhưng thấy không đành liền đút nắm cơm đó vào miệng và nuốt đi.
Đúng lúc đó Tử Cống đang ở ngoài bước vào nhà bếp, nhìn thấy Nhan Hồi bốc cơm đưa vào miệng. Tử Cống ngạc nhiên, và cho rằng Nhan Hồi ăn vụng!
Tử Cống đến trước mặt Khổng Tử hỏi rằng: “Người quân tử lúc khó khăn có thay đổi khí tiết không?”
Khổng Tử trả lời: “Thay đổi khí tiết còn gọi gì là quân tử nữa?”
Tử Cống liền nói: “Nhan Hồi từ trước đến nay chẳng phải vẫn nổi tiếng là người đức hạnh? Thế nhưng con vừa nhìn thấy Nhan Hồi bốc trộm cơm đưa vào mồm!”
Nghe vậy Khổng Tử lúc đầu không tin, nhưng sau đó lại nghĩ rằng Tử Cống cũng không dám nói đùa như vậy. Thế là Khổng Tử bán tín bán nghi cho gọi Nhan Hồi đến nói: “Đêm qua thầy ngủ mơ thấy tiền nhân hiện về muốn giúp thầy trò ta nhanh thoát hiểm. Bây giờ con nấu cơm được rồi hãy để chúng ta khấn tổ tiên trước đã, sau rồi ăn!”
Nhan Hồi nghe rồi liền trả lời: “Cơm tuy đã nấu xong rồi nhưng vừa rồi bị bụi bẩn trên tường rơi vào, con bốc định ném đi nhưng thấy tiếc nên đã ăn rồi. Như vậy mà tế thì không được tinh khiết!”
Khổng Tử kể câu chuyện trên cho Tằng Tử nghe xong, liền tự trách rằng:“Bản thân ta đáng ra không nên bán tín bán nghi gọi Nhan Hồi đến để hỏi như vậy mới phải! Người ta muốn có được niềm tin chắc chắn vào người khác thì trước hết phải tin vào bản thân mình, tin vào niềm tin của mình đối với người khác!”
 Lời bình của học giả Lý Anh Hoa: Muốn có được niềm tin vào người khác, điều mấu chốt là phải dựa vào phẩm chất ở trong con người của mình, mọi người đều nghĩ được như vậy. Nhưng nói việc tin tưởng vào người khác lại do mình quyết định, chứ không phải là được quyết định bởi người mà mình tin? Đây chính là cái đặc điểm của tư tưởng “yêu cầu của chính mình” của Khổng Tử. Một người chỉ có niềm tin ở mình thì mới có thể tin ở người! Nếu như ngay bản thân mình cũng không đủ niềm tin, thế thì dựa vào cái gì để mình hoàn toàn tin tưởng vào người khác được? Ngoài ra cái gọi là tin tưởng chung chung vào người khác đều là có ý hy vọng. Nhưng sự tín nhiệm sâu sắc và thuần khiết phải là “tin nhĩ bất kỳ”- tức là tin chứ không phải là hy vọng hay kỳ vọng. Loại niềm tin này được bắt nguồn từ phẩm chất đúng đắn tốt đẹp tự nội tâm của mỗi người, là niềm tin của trời đất!




Một số câu ca dao và tục ngữ về chữ Tín (ST) 

Chữ “tín” có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống con người, đặc biệt trong quan hệ giao tiếp. Tại sao vậy? Bởi quan hệ giao tiếp được coi là một trong 5 nhu cầu cơ bản nhất của con người (1- Nhu cầu sinh lý như ăn, mặc, ở…; 2-Nhu cầu an toàn, được bảo vệ; 3- Nhu cầu quan hệ, giao tiếp; 4- Nhu cầu được tôn trọng và 5- Nhu cầu được lập thành tích, cống hiến…). Năm nhu cầu này ứng với 5 chất trong thuyết âm dương ngũ hành và được sắp xếp theo thứ tự tương sinh (1- THỔ; 2- KIM; 3- THUỶ; 4- MỘC và 5- HOẢ). Hiểu như vậy, để thấy rằng, nếu một trong các nhu cầu trên đây của con người bị “trục trặc”, hẳn nó sẽ kéo theo hậu quả làm ảnh hưởng đến các nhu cầu khác, vì thế, con người không thể phát triển một cách toàn diện được.
Vì tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt đó, nên chữ tín được dùng làm biểu tượng cho nhu cầu thứ 3 (quan hệ, giao tiếp) và nó là cơ sở để sinh ra sự tôn trọng/kính trọng của xã hội đối với mỗi cá thể (thủy sinh mộc, là vì thế). Giữ chữ tín, cũng tức là giữ cho thể diện, uy tín, nhân cách, đạo đức của mình, nhằm cân bằng và bảo đảm hài hòa giữa các nhu cầu của cá nhân trong xã hội.
Mặc dù không hiểu sâu xa như vậy, nhưng vì ý nghĩa quan trọng của chữ tín, nên từ xa xưa, trong dân gian ta đã có nhiều ca dao, tục ngữ để nói về việc giữ chữ tín. Ví dụ:

* Một lần thất (mất) tín, vạn sự bất (không) tin.
* Quân tử nhất ngôn (người quân tử chỉ nói một lời).
* Quân tử thất tín, tứ mã phanh thây (người quân tử làm mất lòng tin thì 4 ngựa xé xác).
* Giấy rách phải giữ lấy lề (tuy khó khăn, khổ sở, vất vả nhưng vẫn giữ được lòng tin, đức hạnh, tín nhiệm).
* Chữ tín còn quý hơn vàng.
* Nói lời phải giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay.
* Nói chín thì phải làm mười, nói mười làm chín kẻ cười người chê.

Bài viết khác:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *