Con cá và cần câu
Con cá và cần câu
Câu chuyện “Con cá và cần câu” là câu chuyện ngụ ngôn xưa, tùy từng giai đoạn nó được chế tác thành phiên bản mới, mang ý nghĩa của thời đại. Từ phiên bản cũ đề cao công cụ, rồi đề cao phương pháp, phiên bản mới đề cao thái độ sống – như là yếu tố khởi đầu cho số phận.
Câu chuyện kể rằng A đi câu cá, trên đường về gặp một người ăn xin sắp chết đói. A thương tình nên bắt trong giỏ cá của mình vừa đi câu về cho người ăn xin một con cá. Người ăn xin đã nướng ăn và thoát được cơn đói. A về rất vui, gặp bạn mình là B kể lại câu chuyện mình đã làm được một việc thiện. B lắc đầu bảo rằng A làm như vậy là không chắc tốt. “Không chỉ cho cá, cậu nên cho người ăn xin cần câu để anh ta tự mình đi câu kiếm sống. Không tin, ngày mai cậu đi qua sẽ thấy người ăn xin đó vẫn bị cơn đói hành hạ” – B nói.
Ngày hôm sau A rủ B cùng đi câu. Khi trở về, quả như lời B nói, hai anh em gặp lại người ăn xin đang nằm lả bên vệ đường. A lại cho người ăn xin cá và B cho người ăn xin cần câu. A và B trở về trong tâm trạng vui vẻ vì đã làm được việc thiện. Trên đường về A và B gặp C. Cả A và B hào hứng kể lại câu chuyện trên cho C nghe. C lắc đầu nói: “Các cậu làm vậy chưa chắc đủ. Cho người ăn xin cần câu rồi nếu không chỉ cho anh ta phương pháp câu thì chưa chắc anh ta câu được cá. Có thể ngày mai trở lại các cậu sẽ thấy người ăn xin vẫn bị đói”.
Ngày hôm sau A rủ B rủ C cùng đi câu. Khi trở về, quả như lời C nói, ba anh em gặp lại người ăn xin đang nằm còng queo, quắp chiếc cần câu lả bên vệ đường. A lại cho người ăn xin cá và B sửa lại cần câu, C giảng giải tỉ mỉ phương pháp câu cá, từ mắc mồi câu đến phương pháp câu từng loại cá…v.v Thế rồi cả ba trở về trong tâm trạng đầy hưng phấn, tin chắc tư nay người ăn xin sẽ không sợ đói nữa. Khi ba người về gặp D, cả ba hào hứng kể lại câu chuyện người ăn xin. D ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu nghi hoặc: “Các cậu đã làm đúng, thế nhưng tớ nghĩ chưa đủ. Tớ chỉ sợ thiếu một điều có lẽ còn quan trọng hơn, đó là các cậu chưa chỉ cho anh ta thái độ sống tích cực, phù hợp. Chỉ e rằng anh ta chỉ lo bản thân trước mắt, không lo đến lâu dài, “tích dốc phòng cơ” khi mùa hạn tới không có cá để câu; thậm chí có khi anh ta còn có thái độ tiêu cực, không chịu đi câu, lại trở về với nghề ăn xin”.
Cả A, B và C không tin lắm vào lời D, nhưng để kiểm tra, ngày hôm sau nữa, A, B và C cùng rủ D đi câu. Không ngờ rằng, trên đường về nhà, cả bốn anh em gặp người ăn xin ngày nọ trở về với nghề cũ của mình. A, B và C kéo D lại bảo D chỉ cho người ăn xin thái độ sống.
D ngần ngại: “Thái độ sống phải đào luyện thường xuyên nhờ sự định hướng, tác động của gia đình, nhà trường và xã hội, không thể ngày một ngày hai mà có được”…
Phiên bản tân trang câu chuyện ngụ ngôn trên nghe có vẻ giản dị nhưng thật sâu sắc. Câu chuyện cốt yếu đem lại khẳng định về tầm quan trọng của thái độ sống. Hóa ra công cụ, phương pháp đều quan trọng nhưng thái độ sống là điều quan trọng hơn cả. Có khi thái độ sống là khởi điểm cho châm ngôn của người xưa, là cái nhân cho kết quả số phận mỗi người: “Thái độ thúc đẩy suy nghĩ, suy nghĩ thúc đẩy hành động, hành động tạo nên thói quen, thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận”.
Nguồn: goctamhon.com
Bài viết khác:
Mẹ ơi!
Câu chuyện về người phụ nữ lái xe Bus làm xôn xao cộng đồng mạng
Không chịu buông tay
Tuổi già
Cội rễ của sự trưởng thành
Hạnh phúc vô biên
Bừng nở hoa tâm ánh rạng ngời!
TÍCH XƯA: CAO NHÂN CHÂN CHÍNH!
Trả lời