An bần lạc Đạo
VẠN-HẠNH THIỀN-SƯ, Bần Tăng chào mừng chư Thiên Mạng, chư đạo hữu đạo tràng. Bần Tăng vâng lịnh Ðức Bổn-Sư Thích-Ca Như-Lai giáng Cơ, trước thăm viếng chư đạo hữu sau thời gian xa cách, và cũng để luận đàm đôi điều Ðạo Lý cùng chư đạo hữu. Bần Tăng mời chư Thiên Mạng, chư đạo hữu đồng an tọa.
Chư đạo hữu! Thế cuộc đang đổi thay từng giờ từng phút. Trong sự đổi thay ấy, đối với người đời thì luôn luôn xao tâm bận trí, buồn vui ghét sợ, nhưng đối với người tu hành trong cửa Ðạo, tâm phải được thanh tịnh và xem những sự kiện đổi thay ấy như nước khi lớn lúc ròng, như mây khi tan lúc hiệp, và cũng như bộ máy tuần hoàn châu lưu trong nhỏ nhất là cơ thể con người và ở sự lớn nhứt là nơi vũ trụ. Bởi vì nơi cõi vô thường nầy không có một vật gì gọi là bất di bất dịch, chỉ có một điều là sự di dịch ấy có thấy được cùng không, có nghe được cùng không?
Ðừng nghĩ rằng khi thấy khi nghe được mà gọi rằng có, còn lúc không nghe không thấy được mà lại gọi rằng không. Vì giác quan con người chỉ có giới hạn, còn sự tuần hoàn luân chuyển của vũ trụ thì lại vô hạn vô biên.
Linh hồn tạm mượn thể xác nơi cõi sắc giới nầy cũng ví như con ốc mượn hồn, đừng nên chấp cái vỏ ấy rồi làm trở ngại bước đường tiến hóa. Sự tu học của người tu hành, mục đích cuối cùng là toàn thiện toàn mỹ để thích hợp với trình độ tiến hóa của các Ðấng trọn lành nơi cõi hư linh.
Tạm mượn chỗ giả để gầy dựng cái chơn, đừng quan niệm rằng chỉ cực đoan theo cái chơn rồi phế tất cả cái giả. Nếu vậy là thả mồi bắt bóng.
Tạo Hóa đã an định con người nơi cõi nầy phải làm tất cả những điều thích hợp đạo lý để phục vụ cho cõi nầy mới mong có một nền tảng vững chắc làm bàn đạp tiến đến cõi chơn. Người tu hành nhiều khi vấp phải một điểm gọi là giải thoát mà vô tình gây tạo sợi dây trói buộc càng thêm.
Sự giải thoát tự nó sẽ đến. Người tu cứ quan niệm, cứ thực hành Ðạo-lý trong vô tư vô vọng. Nếu trong lúc thực hành có tư có vọng là đã trói buộc cái giải thoát đó.
Một lữ hành trên đường thiên lý, thấy một bần nhân đói khổ ăn xin, vì động lòng trắc ẩn trước sự đói khát rét lạnh mà cho, chớ không vì sự làm phước mà cho. Sự cần thiết của thực tại là làm sao giải quyết hộ kẻ cơ hàn qua cơn dày vò, đó là xong. Nếu vì sự cho là làm phước để có tài sản vô hình gởi với Trời Phật, đó là hậu ý, là vọng, là tạo dây tự trói buộc đó.
Cũng như ai cũng biết rằng: Tu là để cải tạo tư tưởng trở nên chí thiện chí mỹ. Có chí thiện chí mỹ mới tương đồng với các điển lành của thế giới trọn lành như Phật Tiên, đương nhiên sẽ được sống vào thế giới đó, nhưng khi tu thân hành đạo, phải tâm thanh tịnh, vô tư, kiến cơ nhi tác, mà đừng mong vọng sẽ trở thành Phật Tiên.
Sự giải thoát không phải đợi đến rủ bỏ nhục thể linh hồn mới được giải thoát. Ngay lúc sinh thời, ai ai cũng có thể thực hành phương pháp giải thoát. Câu “Cư trần bất nhiễm” đã hàm ý cho định nghĩa ấy rồi. Nếu đợi ngày rủ bỏ nhục thể, lấy gì chứng minh rằng được giải thoát cùng không? Nếu như thế thì Thiêng Liêng không khuyên bảo người đời đem đạo giáo đạo để cho tất cả mọi người trọn tốt trọn lành để an hưởng cõi Thiên-Ðường Cực-Lạc tại thế gian. Ngay buổi sinh thời, nếu không cải tạo được tư tưởng theo các Ðấng trọn lành thì dù có bỏ nhục thể trăm ngàn lần, tục lụy vẫn hoàn tục lụy, luân hồi chuyển kiếp vẫn chuyển kiếp luân hồi theo nhịp độ của nghiệp duyên.
Chư đạo hữu ôi! Bần Tăng chỉ một khía cạnh nhỏ của vấn đề ấy mà mỗi người đều có kinh nghiệm và có ảnh hưởng ít nhiều. Chư đạo hữu có thấy không: Chân hạnh phúc của đời người đâu phải căn cứ vào vật chất hữu thể sung mãn. Một khi đã làm một việc thiện, một công đức, một điều đạo lý, tâm hồn được khoan khoái yên vui mát mẻ. Ðó nếu không là chân hạnh phúc thì còn gọi là gì?
Thánh xưa thường an bần lạc đạo, vui trong cái vui của tha nhơn, buồn khổ trong cái buồn khổ của tha nhơn, nhưng biết trước cái biết của tha nhơn. Ðó là tri túc thường túc, tri lạc thường lạc. Thế nên Ðạo Lý không dành riêng hoặc đặc ân cho bất cứ một giai tầng nào. Có tu có đắc, có hành có thành. Một kiếp biết tu muôn kiếp hưởng, một thời lầm lỗi vạn thời trầm.
Trả lời