Khổng Tử thế gia và 20 lời răn truyền thế

Ngày đăng: 29-05-2016 | Lượt xem: 2845

Duc Khong Tu

“Người quân tử nghiêm khắc với mình, kẻ tiểu nhân khắt khe với người” là một trong những lời Khổng Tử dạy, hậu thế nên nghiền ngẫm và học tập.

Khổng Tử (551 – 479 TCN), họ Khổng, khi chào đời, đỉnh đầu ông gồ lên, ở giữa lõm xuống cho nên được đặt tên là Khâu (tức, cái gò), tự là Trọng Ni. Ông sinh ra ở ấp Trâu, người làng Xương Bình nước Lỗ.

Ông là một nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị nổi tiếng Trung Hoa, là người sáng lập ra Nho giáo. Các bài giảng và triết lý của ông có sức ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và tư tưởng của các dân tộc Đông Á. Ở Đài Loan, ông được tôn xưng là “vạn thế sư biểu” (bậc thầy của muôn đời).

Triết học của ông nhấn mạnh sự tu dưỡng đức hạnh cá nhân và chủ trương cai trị bằng đạo đức: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, xác định các mối quan hệ xã hội, đạo đức và quy phạm làm người, coi trọng “đạo trung dung” và các đức tính “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”.

Đây là những giá trị có tầm ảnh hưởng lớn đối với các học thuyết khác ở Trung Quốc như Pháp gia, Đạo gia. Các tư tưởng của Khổng Tử đã được phát triển thành một hệ thống triết học, và được gọi là Khổng giáo.

Về giáo dục, Khổng Tử cốt dạy học trò Thi, Thư, Lễ, Nhạc. Học trò đông tới 3000 người, trong đó có 72 người thông thạo cả lục nghệ (tức sáu môn học: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Xuân thu, Dịch).

“Trong thiên hạ, các vua chúa và người tài giỏi rất nhiều, khi sống thì vinh hiển, nhưng lúc chết là hết. Khổng Tử là một người áo vải thế mà truyền tới hơn mười đời, các học giả đều tôn làm thầy, từ thiên tử tới vương hầu ở Trung Quốc hễ nói đến “lục nghệ” đều lấy Khổng Tư làm tiêu chuẩn. Có thể gọi là bậc chí thánh vậy.” – “Sử ký Tư Mã Thiên”.

Khổng Tử là người duy nhất được Tư Mã Thiên dành cho những trang viết công phu, xếp vào hàng thế gia, tức ngang với một vị vua chư hầu về lĩnh vực học thuật, còn tất cả những người khác trong cùng lĩnh vực chỉ được xếp vào hàng liệt truyện, hoặc ba bốn người gộp vào một truyện.

Tư Mã Thiên không viết về Khổng Tử như một con người thần kỳ, làm những chuyện hoang đường, mà viết về ông – một con người từng bị chê bai, từng phải chịu nhục, có những tình cảm, khuyết điểm của một con người bình thường, phải bôn ba lăn lộn khắp các nước (Lỗ, Tề, Vệ, Trần) suốt cả cuộc đời để thực hành cái đạo của mình, và truyền lại cho muôn đời sau những lời răn dạy bất hủ.

Dưới đây là 20 lời Khổng tử dạy hậu thế nên học tập:

1. Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không tật bệnh, vì không tật bệnh thì tham dục dễ sanh. 

2. Người quân tử nghiêm khắc với mình, kẻ tiểu nhân khắt khe với người. 

3. Quân tử rộng rãi bao dung, tiểu thân hẹp hòi tính toán. 

4. Sự nghiệp đừng mong bằng phẳng dễ đi, vì không gặp phải chông gai chí nguyện không kiên cường. 

5. Làm việc đừng mong dễ thành, việc dễ thành lòng thường kiêu ngạo.

6. Làm ơn chớ mong đền đáp, mong cầu đền đáp ấy là có mưu tính.

7. Thấy lợi đừng nhúng tay, nhúng tay hắc ám tâm trí.

8. Dùng thì đừng nghi, nghi thì đừng dùng. 

9. Ngồi bàn tiệc đừng ra vẻ anh hùng vì rượu đã làm cho nhiều người gục ngã. 

10. Biết có lỗi mà không chịu sửa thì đó chính là lỗi.

11. Không nhìn điều sai trái, không nghe điều xằng bậy, không nói điều sai, không làm điều càn quấy.

12. Cứu xét tâm tánh thì đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo.

13. Trong ba người cùng đi, tất có người là thầy ta. Hãy học theo cái hay, mà tránh cái dở.

14. Ở đời đừng cầu không khó khăn, vì không khó khăn thì kiêu xa nổi dậy.

15. Chim trước lúc chết cất tiếng bi thương, người trước lúc chết thường nói lời lương thiện.

16. Người không biết lo xa, tất gặp phải ưu phiền trước mắt.

17. Việc mình không muốn làm, đừng bắt người khác làm.

18. Danh không chánh, lời chẳng xuôi.

19. Người quân tử không đề bạt kẻ biết nói lời hay, cũng không được bỏ ngoài tai lời kẻ xấu nói phải.

20. Ai cũng có quyền được học hành được giáo dục, không phân biệt loại người.

Nguyên Hương (T/h)

Bài viết khác:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *