GIÁ TRỊ CUỘC SỐNG – MỖI NGÀY NĂM PHÚT

Ngày đăng: 02-04-2016 | Lượt xem: 3292

Suy ngẫm

Phút thứ nhất

Khi ta quan sát sâu, ta hiểu rõ mạng sống của con người chỉ ngắn như một hơi thở, thở ra không hít vào là đã qua đời khác, nên ta biết trân quý cuộc sống, trân quý thời gian, trân quý sức khỏe, trân quý tình thân. Ta dành thời gian và sức lực vào những việc có ích, có ý nghĩa. Ta không để mất thời gian vô ích để tham lam, để tranh giành, để hại người, để lừa lọc…

Phút thứ hai

Khi ta quan sát sâu, ta biết rõ cái gì mới thật sự cần thiết cho cuộc sống vui vẻ, bình an, hạnh phúc cho ta, gia đình ta. Nhìn thật kỹ càng, ta sẽ thấy: chưa chắc ta có nhiều tiền của, giành được địa vị cao, chức vụ lớn là ta sống an vui hạnh phúc. Như vậy, tiền bạc và chức quyền chưa chắc là quá cần thiết. Nhiều người khổ não, buồn đau là do không chánh niệm, thiếu tỉnh táo, cứ theo đuổi tìm cầu những thứ không thật sự cần thiết cho cuộc sống an vui của họ. Khi biết được như vậy, ta sẽ bớt thời gian, bớt sức lực, bớt lao tâm vào những thứ vật chất phù du hay danh vọng hảo huyền, mà suy nghĩ chân chánh thực tế. Quan trọng nhất là phải biết sống vừa phải, biết vui an lạc, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế của chính mình, không so đo tính toán, hơn thua với người khác.

Phút thứ ba

Ta quan sát sâu để thấy rằng bất kể người giàu, kẻ nghèo, chấp gì khổ nấy, càng cố chấp càng khổ đau. Càng tham nhiều, càng khổ lắm. Ít chấp, ít tham cuộc sống sẽ ít nặng nề buồn khổ. Vì vậy, để có cuộc sống an vui, ta tập vui vẻ buông xả những thứ cố chấp trong ta. Mỗi ngày buông xả một ít, tập buông xả những thứ dễ xả trước, dần đến những thứ khó xả. Như vậy, phẩm chất cuộc sống của ta sẽ được cải thiện mà không tốn hao tiền của.

Phút thứ tư

Ta quan sát thực tế, thấy rõ tranh giành, thù hận, hơn thua, vinh nhục dù được hay mất cũng sẽ nhanh chóng tan theo mây khói. Cái còn lại chỉ là khổ đau, ân hận, dằn vặt mà thôi. Chỉ có sống theo tâm Từ Bi của Phật, tích cực sống tốt, gieo hạt giống lành, hành thiện tích đức, giúp người nghèo khổ, mới có ý nghĩa thật và bền vững. Tâm từ bi là chất liệu mang lại an vui hạnh phúc cho mình và cho người.

Phút thứ năm

Hiện nay, dù nói ra hay không nói ra, một bộ phận người đời vẫn lấy việc kiếm thật nhiều tiền của, có quyền có chức làm mục tiêu sống. Ai xác định mục đích sống đúng đắn, người đó sẽ sống vui hơn. Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy rằng, chỉ có Trí Tuệ và Phước Đức là hai thứ quý giá nhất của con người. Vì thế, ta thấy cần siêng năng tu tập, ngồi thiền, niệm phật, phát huy tuệ giác, không ngừng học hỏi, phát triển nghề nghiệp (trau giồi trí tuệ), tận tâm tận lực làm việc phước thiện, cứu giúp người nghèo khổ, bất hạnh (nuôi lớn phước đức). Thật ra, nâng cao trí tuệ và phước đức cũng chính là nâng cao mọi mặt phẩm chất của đời sống một cách chắc chắn và bền vững.

Ai lấy sự nâng cao trí tuệ và phước đức làm mục đích sống thì cuộc sống của người đó sẽ rất tuyệt vời, và là đang đi theo con đường thánh thiện minh triết của Đức Phật.

Mỗi ngày ta dùng năm phút để suy nghĩ thấu đáo những điều này, chắc chắn sẽ giải quyết bớt được những phiền muộn và cuộc sống của chúng ta sẽ lật sang trang mới.

                                    Ngồi thiền hay đi thiền

                                    Mỗi ngày chỉ năm phút

                                    Chú tâm và tỉnh giác

                                    Hiệu quả không thể ngờ

                                    Làm lắng mát thân hành

                                    Xoa dịu muôn cảm xúc

                                   Thêm sức khỏe trí nhớ

                                    Tăng ý chí định lực

                                    Vượt qua ngàn chướng ngại

                                    Chuyển hóa vạn sầu bi

                                    Tăng trí tuệ, đạo đức

                                    Cuộc sống sẽ sang trang

                                    Tương lai ta vững bước.

                                              Thích Hạnh Tuệ

Bài viết khác:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *