Âm Dương và Ngũ Hành Theo Vũ Trụ Quan Cao Đài

Ngày đăng: 24-02-2011 | Lượt xem: 2516
Âm Dương và Ngũ Hành 
Theo Vũ Trụ Quan Cao Đài
Trần Ngọc Tâm
Cứ mỗi độ Xuân về là nhớ đến Kinh Dịch. Bởi Xuân ứng với Đức Nguyên của quẻ Kiền, người học Dịch tuy chưa nắm hết ý nghĩa sâu xa của Thánh Nhân trong Kinh Dịch, tuy với sự hiểu biết còn nông cạn cũng phải viết lên những điều suy nghĩ đã được học hỏi qua lớp Kinh Dịch Căn Bản tại CQPTGL.
a) Lược sử:
Thuyết âm dương ngũ hành đã được đề cập đến trong một tác phẩm thành văn tối cổ Trung Hoa là Kinh Dịch. Bộ Kinh này thâu thập các kiến thức và quan niệm của người xưa từ thời Thánh Phục Hy lưu truyền đến đời Đức Khổng Tử. Đức Khổng Tử góp nhặt và suy diễn thêm cho thành một hệ thống và ghi lại thành văn bản, nhờ đó ngày nay hậu thế có một quyển Bửu Kinh.
Theo truyền thuyết, người đầu tiên nhận thức được các lẽ âm dương biến hóa của Trời Đất, vạn vật là Thánh Phục Hy (khoảng 44 thế kỷ trước Tây lịch), người minh thị đề cập đến cái dụng của Ngũ hành là vua Hạ Vũ (khoảng 22 thế kỷ trước Tây lịch).
Đến thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, tại nước Tề (nay là tỉnh Sơn Đông) có học giả Trâu Diễn, căn cứ vào Kinh Dịch, đã phổ biến hết tinh thần và công dụng của âm dương, ngũ hành không những vào sự vật thiên nhiên mà còn cả vào việc người nữa. Do đó, người đời sau coi Trâu Diễn như người khai sáng ra phái Âm Dương. Phái này chính là nguồn gốc của phái Lý số do các học giả đời Tống sau này sáng lập.
Đến đời Hán, học giả Dương Hùng (53 trước Tây lịch – 20 Tây lịch) tham bác Kinh Dịch và Đạo Đức Kinh mở ra ngành Lý số học sơ khai qua tác phẩm Thái Huyền Kinh.
Đến đời Tống sơ (khoảng thế kỷ thứ 10) một nhân vật đạo gia kiêm nho gia là Trần Đoàn tự là Đồ Nam, hiệu là Hi Di tiên sinh, tinh thông cả Lý số học của các nhà đi trước đã tổng hợp các kiến giả về lý Thái cực của vũ trụ, lấy tượng số mà xét sự vận chuyển của Trời Đất, suy diễn ra hành động của vạn vật rồi áp dụng các hệ quả của Lý thái cực vào Nhân tướng học để giải đoán tâm tình, vận số của con người, mở đầu cho Lý số và Tướng số học. Quan niệm âm dương, ngũ hành được áp dụng rộng rãi trong Đạo học, Triết học, Nhân tướng học…. và thành ra một thành tố bất khả phân trong các môn học đó.
b) Nội dung của thuyết âm dương, ngũ hành:
Lúc đầu vũ trụ chỉ là một khối hỗn độn, không có hình dạng rõ ràng được gọi là thời Hỗn mang. Trong sự Hỗn mang đó, bàng bạc cái lẽ vô hình linh diệu gọi là Thái cực. Tuy nhiên, dẫu không biết được chân tính và chân chất của cái lẽ Thái cực huyền vi song Thánh Nhân dựa vào sự quan sát về tính cách biến hoá của vạn vật mà suy ra được cái động thể của Thái cực. Căn bản của sự biến hoá được biểu lộ bằng hai trạng thái tương phản là Động và Tĩnh. Động gọi là Dương, Tĩnh gọi là Âm. Dương lên đến cực độ thì lại biến ra Âm. Âm cực độ thì biến ra Dương. Hai cái trạng thái tương đối của cái Bản thể nguyên khởi duy nhất (Thái cực) cứ tiếp diễn mãi, điều hợp với nhau, sinh sinh hóa hóa không ngừng mà sinh ra Trời, Đất, Người cùng vạn vật. Vì Âm Dương phối hợp, đun đẩy lẫn nhau chuyển hóa thành thiên hình vạn trạng). Khảo sát thêm bài viết của Michael Jordan: Hình ảnh đối thể tương tác vận động như là những bổ túc cho nhau trong Vũ Trụ hẳn là một trong những biểu tượng triết lý cổ xưa nhất trong lịch sử nhân loại.*
Biến hóa là bề ngoài của Thái cực mà đạo Dịch căn cứ trên sự biến hóa của vũ trụ và vạn vật. Do đó, trong Hệ Từ Thượng Truyện, chương XI, tiết 5 mô tả diễn trình chuyển hoá (Dịch) như sau:
“Thị cố, Dịch hữu thái cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái”: Vậy nên, đạo Dịch có Thái Cực, từ đó sinh ra hai nghi, hai nghi sinh ra (Âm và Dương) hai Nghi sinh ra bốn Tượng (bốn trạng thái tượng trưng bằng bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông) bốn tượng sinh ra tám Quẻ (Kiền, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài) tượng trưng cho Trời, Đầm, Lửa, Sấm, Gió, Núi, Nước, Đất).
Khởi đầu của sự biến hoá rất đơn giản, rồi từ cái đơn giản đó mà chuyển hoá dần dần để thành ra phức tạp. Vì Âm Dương là hai thành tố đầu tiên của vũ trụ, nên được Thánh Phục Hy chọn là biểu tượng căn bản và tượng trưng bằng hai cái vạch đơn giản:
(+)Vạch liên tục ( – ) tượng trưng cho Dương
(-)Vạch gián đoạn ( – – ) tượng trưng cho Âm
Giáo Lý Đại Đạo giải thích thêm: “Âm là vũ, dương là trụ. Vũ thì đóng khép trong gầm trời, trụ thì mở rộng. Trụ cũng là thời gian, là âm dương nối tiếp nhau. Còn vũ là không gian, là âm dương đồng thời tương đối.”
Bước qua vòng không gian, thời gian, ta còn thấy rộng hơn như trong họa đồ tròn, họa đồ vuông trong Châu Dịch. Tròn (thời gian) vuông (không gian) được đúc kết nên một thể, nhưng không ngoài sự tiêu trưởng của âm dương.” (Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo, trang 92).
Trong phép biến đổi để sinh ra Bát quái, hai vạch tượng trưng cho Âm Dương lần lượt chồng chất lên nhau theo nền tảng tam tài mà thành ra tám Quẻ căn bản với hình dạng và ý nghĩa tượng trưng sau đây:
1 – Kiền tượng trưng cho Trời
2 – Đoài tượng trưng cho Đầm, Ao
3 – Ly tượng trưng cho Lửa
4 – Chấn tượng trưng cho Sấm
5 – Tốn tượng trưng cho Gió
6 – Cấn tượng trưng cho Núi
7 – Khảm tượng trưng cho Nước
8 – Khôn tượng trưng cho Đất
Đó là tám Quẻ nguyên thủy gọi là “Tiên thiên Bát quái” do vua Phục Hy (4477 – 4363 trước Tây lịch) vạch ra để giải thích cái lẽ Âm Dương biến hoá của Thái cực. Về sau vua Hạ Vũ (2205 – 2163 trước Tây lịch) đặt ra Cửu trù (chín pháp lớn) phối hợp với Bát quái và tính cái số của Ngũ hành trong việc giải thích lẽ biến hoá của vũ trụ và vạn vật.
Tới đời Tây Chu, vua Văn Vương, trong thời gian bị giam ở ngục Dũ Lý (khoảng thế kỷ 11 trước Tây lịch) đã dành thì giờ suy diễn lại các quẻ tiên thiên Bát quái của Thánh Phục Hy thành tám quẻ, Bát quái mới gọi là hậu thiên Bát quái với các ý nghĩa thiên về nhân sự. Về Tiên Thiên và Hậu Thiên thì giáo lý Đại Đạo giải thích thêm: Vũ trụ quan bao hàm thực tại Bản thể và thế giới hiện tượng, bao hàm thường hằng và dịch biến, trong đó Thiên (thái cực) là động năng hóa sanh vạn hữu (hậu thiên) từ Hư vô (tiên thiên). “Nguyên sơ là lúc chưa có Trời Đất, vũ trụ này chỉ là một khí không hư ngưng kết thành một khối hồn nhiên, cực huyền cực diệu. Khối ấy trong Vô Cực hiện ra, gọi là Thái Cực (…) Trước khởi kỳ thỉ, chưa có một tượng hình động tịnh, nên gọi Tiên Thiên (…) Khi Thái cực phân nghi, âm dương hiển hiện, thì Trời Đất được dựng lên, muôn loài sanh sôi nẩy nở (…) (Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo, trang 92).
Sau Con Văn Vương là Ngài Chu Công Đán viết thêm Hào Từ để giải thích về ý nghĩa và công dụng của các Hào, nhưng rất đơn giản, sau đến đời Đông Chu, Đức Khổng Tử (511 – 478 trước Tây lịch) đem kiến giải của mình bổ sung vào các điều truyền lại của Dịch lý đời Chu, san định lại và viết thành Kinh Dịch trong đó bao gồm cả Âm Dương, Bát quái và Ngũ hành.
Căn cứ theo ý nghĩa thông thường, cổ nhân gán cho Âm Dương Ngũ hành, các ý nghĩa tượng trưng sau đây:
Dương: Tượng trưng cho mặt trời, lửa, ánh sáng, sinh động, cứng cát, ban ngày, đàn ông…
Âm: Tượng trưng cho mặt trăng, tối tăm, nguội lạnh, bất động, mềm nhão, ban đêm, đàn bà…
Kim: Vàng, bạc, hiểu rộng ra là tất cả các chất kim thuộc.
Mộc: Cây trong rừng, nói tổng quát ra là mọi thực vật trên mặt đất.
Thủy: Nước và nói rộng ra là các chất lỏng.
Hỏa: Lửa, hơi ấm.
Thổ: Đất đá, nói chung Thổ bao gồm mọi loại khoáng chất trừ kim loại.
Về phương diện siêu hình, Âm Dương không phải là cái khí vật chất hữu hình hữu thể mà chỉ là biểu thị tượng trưng cho hai trạng thái tương đối, mâu thuẫn như nóng lạnh, sáng với tối, cứng với mềm, sinh với diệt, khoẻ với yếu…
Về phương diện ý nghĩa siêu hình của Ngũ hành, ta cũng đi đến kết quả tương tự Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, ngoài tìm cách vật chất của nó kể trên có một ý nghĩa tượng trưng có tính cách tương sinh tương khắc trong sự biến hoá của muôn vật diễn ra hàng ngày trước mắt.
c) Âm Dương Ngũ Hành trên Thiên Bàn của Cao Đài giáo:
Từ quan niệm là một lý thuyết triết học thuộc phần Hình nhi thượng từ đời Tống trở đi, Âm Dương thuộc Ngũ hành được đem áp dụng vào lãnh vực Hình nhi hạ. Dân tộc Trung Hoa và các dân tộc Á Đông chịu ảnh hưởng văn hóa sâu đậm của Kinh Dịch đã dùng lý thuyết Ngũ hành đem giải thích và gán ghép các đặc tính của vật chất được siêu hình hoá của Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ vào các lãnh vực thường dụng và cả trong tôn giáo, điển hình như sau:
Trong Đại Thừa Chơn Giáo có ghi:
Mượn hữu hình bày tỏ chỗ vô.
Thiên Bàn làm tấm bản đồ.
Coi ngoài mà biết điểm tô trong mình.
Tuy là sự giả hình sắp đặt.
Trái xem sao thì mặt cũng in.
Người tu phải biết giữ gìn,
Chuẩn thằng qui củ mà tìm Thiên cơ.
Đối với người tín đồ Cao Đài, Thiên Bàn vô cùng vi diệu. Dựa vào Dịch lý có thể hiểu cách trưng bày những lễ phẩm trên Thiên Bàn theo hình đồ Lạc Thư, mà cũng là Hậu Thiên Bát Quái đồ, đây cũng là Bí Pháp mà Đức Chí Tôn bày ra để dạy con cái của Ngài nương theo đó tu luyện mà trở về với Ngài.
Đèn Thái Cực.
Giữa Thiên Bàn trên hết là đèn Thái Cực, đèn phải thắp sáng luôn luôn, Ngọn đèn ấy gọi là “Thái Cực Đăng” hay “Tâm Đăng” là biểu tượng cho cái Tâm của Vũ Trụ. Ngọn đèn nầy soi sáng khắp cả Càn Khôn Vũ Trụ, không lay, không chuyển, Vạn loại nhờ đó mà sinh ra, nhờ đó mà an vui. Trời Đất nhờ đó mà Quang Minh, Trường Cửu. Người Tu hành nhờ đó mà tạo Phật tác Tiên, Siêu Phàm Nhập Thánh.
Hai ly nước.
Ly nước Trà tượng trưng cho Âm, ly nước Trắng tượng trưng cho Dương.
Mỗi khi cúng rót vào mỗi ly tám phân nước trắng và nước trà nghĩa là tám lượng Chơn Âm, tám lượng Chơn Dương, cộng lại là mười sáu lượng, hay còn gọi là một cân.
Ba ly rượu.
Ba ly rượu mỗi khi cúng rót vào mỗi ly ba phân, ba ly cộng lại là chín phân. Số ba là con số “Qui Nguyên”, còn số chín là con số “Cửu Thiên Khai Hóa”.
Hai cây đèn.
Hai cây đèn tượng trưng cho Nhựt, Nguyệt, trong Bát Quái Hậu Thiên là hai quẻ Khảm và Ly. Nói rõ thêm, hai chén nước Trà và nước Trắng là Âm Dương tức Lưỡng Nghi của Tiên Thiên, còn hai cây đèn Ly Khảm tức Âm Dương của Hậu Thiên.
Lư Hương.
Trên Lư Hương, mỗi khi cúng đốt năm cây nhang, ba cây hàng ngang bên trong, hai cây bên ngoài.
Khi cắm ba cây nhang bên trong vào lư hương, cắm cây ở giữa trước gọi là Phật, cắm cây thứ hai bên trái gọi là Pháp, cắm cây thứ ba bên phải gọi là Tăng.
Ba cây nhang bên trong gọi là “Án Tam Tài”. Hai cây nhang bên ngoài gọi là “Tượng Ngũ Khí”.
Tam Tài tức Thiên, Địa, Nhân, Trời có ba báu là: Nhựt, Nguyệt, Tinh, Đất có ba báu là: Thủy, Hỏa, Phong. Người có ba báu là: Tinh, Khí, Thần.
Trời nhờ ba báu đó dưỡng dục muôn loài, hóa sanh vạn vật, vận chuyển Càn Khôn, chia ra ngày đêm sáng tối.
Đất nhờ ba báu đó mà phong võ điều hòa, cỏ cây tươi nhuận, phân ra thời tiết: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Người nhờ ba báu đó mà tạo Tiên, tác Phật.
Như thế chúng ta thấy, con người đứng vào bực Tam Tài ngang bằng Trời Đất. Vì con người là Tiểu Vũ Trụ.
Ngũ hành là: Kim, Mộc, Hỏa, Thủy, Thổ.
a) Mộc tượng trưng cho Mùa Xuân, màu Xanh, phương Đông.
Mùa Xuân khí hậu mát mẻ như sương buổi ban mai, biểu hiện khởi đầu của một chu trình biến hoá mới của vạn vận bắt đầu hồi sinh và tăng trưởng. Mặt đất về Mùa Xuân, đâu đâu cũng một màu xanh thắm, Thái dương bắt đầu mọc ở phương đông. Tất cả đều bàng bạc ý nghĩa của Âm Dương tương thôi với Dương lấn lướt Âm một cách tương đối trong cái trung dung của Âm Dương (Âm Dương tỷ hòa thì vạn vật mới sinh). Do đó, cổ nhân đã lấy Mộc tượng trưng cho mùa Xuân, màu Xanh, phương Đông. Theo Dịch: Độn giả thoái dã, vật bất khả dĩ chung Độn, cố thụ chi dĩ Đại Tráng. Độn là thoái lui, sự vật không thể thoái lui đến cùng, cho nên quẻ Đại Tráng tiếp nhận sau đó. (Thời nào cũng có giới hạn. Thời thoái lui cũng có mức của nó, hết lui sẽ có lúc tiến lên và tiến mạnh. Đó là ý nghĩa của thời Đại Tráng. Nó biểu thị cho Dương khí đang lớn mạnh, đẩy âm khí tiêu vong, tượng trưng bằng 2 hào âm ở thượng quái.
b) Hỏa biểu thị mùa Hạ, màu Đỏ, phương Nam. Mùa hè nóng nực bức như lửa thiêu, Dương cương lên đến cùng cực. Hoa lá đặc trưng của mùa này như lụa và phượng vĩ trổ bông màu đỏ, phương Nam gần như ấm áp quanh năm nên Hỏa tượng trưng cho mùa Hạ, màu Đỏ và phương Nam vậy. Theo Dịch Lý khi cực Dương thì Âm sanh trong quẻ Thiên Phong Cấu ở phương Nam, ứng với hành Hỏa. Theo Dịch: Quải giả quyết dã, quyết tất hữu sở ngộ, cố thụ chi dĩ Cấu. Cấu giả ngộ dã. Quải là quyết liệt, quyết liệt ắt có chỗ gặp gỡ, cho nên quẻ Cấu tiếp nhận sau đó. Cấu là gặp gỡ vậy. (Sau khi trải qua giai đoạn quyết liệt giữa quân tử và tiểu nhân, thì tình hình ổn định, có ổn định ắt có sự gặp gỡ, tạo nên những mối tương giao mới trong quan hệ).
c) Kim tiêu biểu cho mùa Thu, màu Trắng, phương Tây. Mùa Thu là giai đoạn cho Âm Dương tương thôi bình hòa khí trời nóng quá, không lạnh lắm, nhưng Dương cương bắt đầu suy, Âm nhu bắt đầu thịnh. Mặt trời lặn ở phương Tây sau khi đã mọc ở Phương Đông. Trời Mùa Thu thường có mây trắng ngà bao phủ, nên cổ nhân mới nhân đó mà chọn Kim tiêu biểu cho mùa Thu, màu trắng và phương Tây. Nói khác đi, theo Ngũ hành thì mùa Thu, sắc trắng phương Tây thuộc Kim. Theo Dịch: Lâm giả đại dã, vật đại nhiên hậu khả quan, cố thụ chi dĩ Quán. Lâm ấy là lớn, vật lớn lên sau đó mới có thể biểu thị (cho người xem), cho nên thời Quán là tiếp nhận sau đó. (Quẻ Lâm ở trên chỉ thị dương khí lớn lên, tức là người quân tử phát huy tài đức để mọi người có thể xem thấy (Quán). Sang tới quẻ Quán, hai hào dương đã lên tới Thượng Quái, các hào âm ở dưới nhìn lên có thể xét cho rõ đạo của quân tử, như thế Quán là xét thấu.
d) Thủy tiêu biểu cho mùa Đông, màu đen, phương Bắc. Hiện tượng độc đáo nhất của mùa Đông là tuyết rơi, giá buốt, cảnh vật ảm đạm, cửa nẻo đóng kín, tối tăm. Tuyết là một trạng thái của nước, phương Bắc thường hay có tuyết nên với tinh thần tượng hình, chuyển ý, cổ nhân Trung Hoa chọn hành Thủy để tượng trưng cho mùa Đông, màu Đen, phương Bắc.
Theo Dịch lý khi cực Âm thì dương sanh, Nhứt Dương sanh trong Quẻ Địa Lôi Phục ở phương Bắc, ứng với hành Thủy trong Ngũ Hành. Theo Dịch: Bác giả bác dã, vật bất khả dĩ chung tận; Bác cùng thượng phản hạ, cố thụ chi dĩ phục. Bác là đẽo gọt, vật không thể dứt hết; Bác lên đến cùng ở trên thì quay xuống dưới, cho nên quẻ Phục (trở lại) là tiếp nhận sau đó. (Vạn vật biến hóa không ngừng trong thiên nhiên, không có gì là chấm dứt hẳn. Cái này dứt thì chuyển hóa thành cái khác. Mặt trời lặn trong buổi hoàng hôn; nhưng sẽ chuyển hóa xoay vần lại làm cho mặt trời xuất hiện trong buổi bình minh. Trong quẻ Bác, hào dương trên cùng bị lấn sẽ đảo xuống mà xuất hiện ở dưới, biến thành hào sơ của quẻ Phục.
e ) Thổ tiêu biểu cho Đất, màu Vàng, Trung ương.
Kinh Dịch phát tích ở lưu vực sông Hoàng Hà, đất đai ở đây màu vàng (hoàng thổ) nên Thánh Nhân xưa dựa vào sự vật để định tên, lấy đất tiêu biểu cho chất Thổ và màu vàng tượng trưng cho sắc Thổ. Bởi Thánh Nhân lấy địa phương (Hoàng Hà) của họ làm trung tâm quan sát, vàng là màu trung ương, Thổ là Hành chủ bao gồm cả bốn hành còn lại với lý do Địa tải sơn hà vạn vật (Sông núi, muôn loài vạn vật đều do đất chứa đựng). Thổ ở trung ương, là Ngôi Hoàng Cực phóng phát ra vạn hữu.
2 – Năm đức tính căn bản của con người:
Trên bình diện đạo đức, năm đức tính căn bản để phân định kẻ lương tri với kẻ bại hoại là Nhân Nghĩa Lễ Trí và Tín, gọi chung là Ngũ thường. Dựa vào ý nghĩa siêu hình của Ngũ hành và đặc tính bao quát của Ngũ thường người ta đã đi đến chỗ Ngũ hành hoá Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín.
a) Nhân ứng với Mộc: Nhân chủ ở chỗ thanh tĩnh, ung dung tự tại, không cạnh tranh bao dung và đãi người đồng đẳng. Thảo mộc, vốn không di động cạnh tranh, loài tùng bách quanh năm xanh tươi, bất chấp gió sương, nóng lạnh, tượng trưng cho thái độ an tĩnh, ung dung tự tại. Cây cỏ còn để người che mưa tránh nắng, không phân biệt một ai. Hoa quả trong chốn sơn lâm ai thưởng thức cũng được. Cái đức tự nhiên lưu hành của thảo mộc tương tự như đức Nhân của bậc thức giả nên Mộc được coi là biểu tượng của đức Nhân ở nhân loại. Do ở ý nghĩa mà Khổng Tử đã nói “Nhân giả nhạo sơn” (Bậc nhân giả thích núi) vì trên núi có thảo mộc tượng trưng cho đức Nhân của tạo vật.
b) Nghĩa ứng với Kim: Luôn luôn thích ứng với phép tắc thiên nhiên hoặc công lý, hằng cửu, không biến chất, cứng cỏi không sờn. Đó là những ý nghĩa bao quát của Nghĩa. Loài Kim thuộc như vàng luôn luôn giữ mãi vẻ sáng cứng rắn, khuyết biết tiết, dù ở nơi này hay nơi khác, lúc nào cũng vậy, phảng phất ý nghĩa của đức Nghĩa nên cổ nhân lấy Kim tượng trưng cho Nghĩa.
c) Lễ ứng với Hỏa: Lễ gồm chung tất cả những gì soi sáng khuôn phép, tạo nên tôn trọng, duy trì giềng mối, phát huy chân lý tự nhiên lưu hành, Tế tự là một hình thức cụ thể của Lễ, biểu dương sự tôn kính. Một trong những cái ứng dụng của Hỏa là soi sáng tại nơi, làm hiển lộng cái tôn kính quỷ thần của con người nên cái dụng (về phương diện ý nghĩa triết học ) của Hoả và Lễ tương đồng, nên Lễ ứng với Hỏa.
d) Trí ứng với Thủy: Kẻ trí không điều gì là không thấu triệt, nước không đâu là không thông qua. Cái đức của Trí và Nước có sự tương đồng đại lược nên người xưa đã nói một cách đầy biểu tượng “Trí giả nhạo Thủy” (Bậc trí giả thích nước). Do đó, Thủy tượng trưng cho Trí.
e) Tín ứng với Thổ: Bản chất của Thổ là không bao giờ sai chạy. Thảo mộc dựa vào đất mà sống và đất cứ theo từng mùa nhất định mà thúc đẩy sự sinh diệt của cây cối theo đúng chu trình chuyển hóa tự nhiên của tạo vật, không bao giờ sai chạy. Do đó, so với Tín thì bản chất của Tín và Thổ về ý nghĩa tổng quát có những nét tương đồng.
Tóm lại, chúng ta tìm hiểu Dịch Lý để có thể hiểu được Đức Chí Tôn muốn nói cho chúng ta biết Ngài là Chủ cả càn khôn thế giái, tất cả đều do Ngài khai mở, nay Hạ Nguơn hầu mãn, Ngài đến thế gian nầy để quy nguyên Tam Giáo, hiệp nhứt Ngũ Chi. Dịch Lý trong Vũ Trụ Quan Cao Đài giúp cho người tu hiểu rõ cội nguồn về Vũ Trụ và ứng dụng trong Nhân sinh. Đối với người tín đồ Cao Đài Ngài dạy lập Thiên bàn là Ngài bày bí pháp để dạy cho con cái Ngài nương theo mà tu luyện để được trở về cùng Ngài theo nguyên lý Nhứt tán vạn, vạn quy Nhứt.

Tài liệu tham khảo:
– Âm Dương Và Ngũ Hành Trong Vũ Trụ Quan Trung Hoa (Internet).
– Dịch Học Tân Thư, Lý Minh Tuấn.
– Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo.
Trần Ngọc Tâm
Nguồn: www.nhipcaugiaoly.com

Bài viết khác:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *